Review Fenix PD25R: đèn pin EDC “chất”!

0
1950

PD25 là một dòng đèn pin cỡ nhỏ dùng pin 16340 khá nổi tiếng của Fenix với phiên bản đầu tiên vào năm 2015. Sự khác biệt của Fenix PD25 với các loại đèn 16340 khác đó là nó được trang bị công tắc đuôi, kích thước đèn khá dài, độ sáng cao và khả năng chiếu xa tốt.

PD25 bản cũ, sáng 550 Lumens

Và tới năm nay (2022) chúng đã đã có thế hệ mới nhất là PD25R với nhiều thay đổi về thiết kế, nâng cấp hiệu năng và đáng tiền nhất là được trang bị cổng sạc Type-C trên thân. Fenix PD25R có thông số rất ấn tượng với độ sáng lên tới 800 Lumens cùng khả năng chiếu xa tới 250 mét theo thông số.

Đèn pin Fenix PD25R đang được bán với giá 1.450.000đ tại Bisu.vn (bảo hành 5 năm chính hãng).

1. Video

2. Thông số kĩ thuật

  • Độ sáng cao 800 Lumens, chiếu xa 250 mét
  • Sử dụng bóng led Luminus SST20, tuổi thọ 50.000 giờ
  • Tương thích pin sạc Li-ion 16340
  • Cổng sạc Type-C thiết kế ẩn
  • Thiết kế thân đèn nhỏ gọn, chống lăn
  • Thân làm từ hợp kim nhôm A6061-T6 cao cấp
  • Xử lý mạ bề mặt HAIII Anodized siêu cứng
  • Kích thước: 92 x 24 x 24mm
  • Trọng lượng: 78g (chưa tính pin)
  • Chống nước: IP68

3. Đánh giá chi tiết

Cũng không có gì nhiều để nói thêm về cách đóng gói của Fenix.

Ở bảng thông số này có thể thấy PD25R được trang bị tới 5 mức sáng và 1 chế độ nháy Strobe.

Phụ kiện đi kèm đầy đủ tận răng và còn có luôn cả bao đựng.

Bao đựng sẽ phù hợp hơn cho các mẫu đèn pin cỡ lớn vì có thể gài ở thắt lưng, còn nhỏ như PD25R thì mình thấy không cần thiết lắm. Dù sao nó cũng tránh cho đèn bị xước sát khi bỏ trong balo cùng đồ đạc khác.

Một điều gây tranh cãi về cây PD25R này chính là kích thước! Nó dùng pin 16340 mà dài tới 10cm trong khi các mẫu đèn khác như E18R V2 hay Olight Baton 3 chỉ dài có tầm 6-7cm thôi.

Hiếm khi nào một cây đèn lại dài gấp 3 lần viên pin như vậy!

Cả đường kính thân của to hơn E18R V2.

Thì mình cũng trả lời luôn là sự so sánh trên không hợp lý bởi tuy dùng pin 16340 nhưng những cây đèn như PD25R hay Elzetta Alpha có tư duy thiết kế hoàn toàn khác số còn lại. Cụ thể chúng được trang bị công tắc đuôi, chiều dài lớn để cầm nắm tốt và tối ưu hóa khả năng chiếu xa. Có thể nói những mẫu đèn dạng này rất đa năng khi dùng được cho đa mục đích, kể cả tác chiến hay tự vệ.

Còn như Fenix E18R V2 hay Olight Baton 3 là những cây đèn pin thuần cho mục đích EDC nên chúng phải có kích thước gọn nhất có thể. Đèn dạng này có công tắc chính ở thân, đuôi phẳng để dựng đứng và không ai dùng chúng cho các mục đích chiến thuật cả, tự vệ thì chắc vẫn được vì có nháy Strobe rất mạnh.

Với công tắc chính trên thân thì đèn pin dạng này rất gọn, nhưng hạn chế là khó thao tác và phản ứng nhanh được, thêm nữa là thân ngắn cầm lâu cũng không thoải mái.

Còn như PD25R với chiều dài ~ 10cm thì cầm rất vừa tay, không bị quá dài cũng như quá ngắn. Mình thuộc dạng có thay nhỏ nhưng riêng cây này thì tay to hơn vẫn dùng thoải mái.

Và công tắc đuôi cho khả năng phản ứng cực kì nhanh, rút đèn ra khỏi túi phát là bật được luôn. Mà thực ra khi bạn với tay lấy cây đèn từ trong túi ra thì thứ đầu tiên bạn chạm được chính là cái công tắc của nó. Còn nếu đặt công tắc chính trên thân thì kiểu gì cũng mò mẫm mất 1-2s mới sờ được vào để bật đèn.

Trọng lượng rỗng của Fenix PD25R là 60g.

Cả pin là 77g.

Tóm lại nếu so với mặt bằng chung của đèn chạy pin 16340 thì PD25R có kích thước thước to và nặng hơn ~ 30%. Còn nếu xét là một cây đèn pin EDC có công tắc đuôi thì nó lại mang kích thước cân đối hoàn hảo để bỏ túi mang theo hàng ngày.

Những cây đèn dạng này mà dùng pin 18650 thì nhìn chung vẫn gọn, mình bỏ túi suốt. Nhưng nếu cần gọn hơn nữa với cả có túi quần chật thì nên cân nhắc những cây như PD25R hay Elzetta Alpha.

Mà một tranh cãi nữa là “tại sao làm đèn to cỡ này rồi mà không dùng pin 18350 luôn?”. Đúng là pin 18350 có lợi thế lớn hơn về dung lượng khi đường kính chỉ to hơn 2mm nhưng có thể đạt tới 1200mAh, tức gấp đôi dung lượng cao nhất của pin 16340. Nhưng Fenix không thiết kế cho PD25R chạy pin này cũng có lí do:

  • Từ xưa đến nay Fenix PD25 là chạy pin 16340, nếu chạy pin khác thì đã không còn là PD25 nữa
  • Ảnh trên là mình đặt PD25R cạnh một mẫu đèn tương tự chạy pin 18350 là Armyek Partner C1 Pro thì mọi người có thể thấy sự chênh lệch đáng kể về kích thước của 2 cây. Partner C1 Pro to và dài hơn hẳn, vậy nên 16340 vẫn là lựa chọn tối ưu nếu muốn cây đèn nhỏ gọn hết cỡ.

Mình vẫn mong trong tương lai Fenix sẽ ra một mẫu đèn tương tự PD25 mà dùng pin 18350, có thể lúc đó sẽ đặt là PD26 chăng? Còn vậy giờ thì pin 16340 dùng vẫn ổn.

PD25R đời mới có thiết kế đẹp và bớt cứng nhắc hơn các phiên bản trước rất nhiều. Cây đèn mang toàn những đường nét thiết kế mới của Fenix trong vài năm trở lại đây, từ công tắc phụ trên thân cho tới những rãnh trên thân và đuôi đèn. Tổng thể thì mình đánh giá đây là cây đèn pin có thiết kế đẹp, rất hài hòa và cân đối mỗi tội cái clip cài túi nhìn hơi vô duyên.

Đây là cip cài 2 chiều, rất được việc nhưng nó làm to quá không ăn nhập với cây đèn chút nào, làm gọn lại như Olight thì ổn hơn.

Ngoài cài túi theo chiều nào cũng được thì nó còn giúp cây đèn cài lên mũ để dùng như headlamp. Với trọng lượng khoảng 80g cả pin thì cây này có thể đội đầu khá ok trong khoảng 30p – 1 tiếng mà không gây mỏi.

Vì làm hơi to nên cái clip này gây cấn khá khó chịu khi cầm.

Tháo ra nhìn gọn gàng hơn hẳn nhưng đèn sẽ dễ bị lăn. Giải pháp là mua đoạn dây Paracord rồi buộc vào đuôi đèn, vừa đỡ bị rơi lại chống lăn tốt.

Cầm thoải mái hơn nhiều.

PD25R chỉ tháo được đuôi để thao pin, đầu thì đã được làm liền với thân chứ không phải gắn keo khóa ren. Chất lượng hoàn thiện của cây này cực kì tốt, điều này có vẻ thừa khi nói về đèn pin của Fenix nhưng vẫn phải đề cập thôi.

Thân đèn dày dặn, gia công đều chứ không bị lệch. Dày là so với mặt bằng chung chứ đứng cạnh thấy đèn Mĩ như Elzetta Alpha thì bạn sẽ thấy cây này mỏng dính. Dù sao như này là đủ cứng cáp rồi.

Ren vặn sạch sẽ, làm vuông chứ không phải tam giác. Có gioăng cao su đảm bảo kín nước IP68.

Tiếp xúc pin ở đầu đèn là dạng cứng nên chỉ dùng được pin đầu lồi, nhưng điều này cũng không quan trọng lắm vì pin 16340 ít khi thấy làm đầu phẳng.

Đuôi đèn rất sạch sẽ, lò xo cứng cáp và được mạ vàng.

Công tắc đuôi kích thước lớn nên bấm rất chính xác, chưa bao giờ mình bấm hụt ở cây này. Cảm giác bấm cũng ổn với độ cứng vừa phải và rất nhạy. Vì làm lồi lên nên PD25R không đứng được bằng đuôi.

Đây là lỗ xỏ dây đeo tay, làm khá to và dày nên có thể luồn cả sợi dây Paracord 7 lõi qua được nếu thích.

Đây là công tắc phụ trên thân với chức năng là chuyển đổi qua lại các mức sáng. Nó làm bằng kim loại để đảm bảo độ bền, dùng lâu cũng không bị rách như công tắc cao su.

Ngay giữa công tắc là một đèn led nhỏ để báo tình trạng pin, trực quan và chính xác. Cái đèn báo pin này sẽ sáng khoảng 3s khi đèn chính được bật. Đèn xanh là pin còn đầy, còn chuyển đỏ hay nháy đỏ là pin sắp cạn rồi.

Nâng cấp đáng giá nhất trên PD25R chính là cổng sạc Type-C, thế nhưng nhìn qua thì không thấy cái cổng này đâu.

Bởi vì nó được giấu dưới thân đèn như này, phải xoáy ra mới thấy được. Cổng sạc ẩn là một thiết kế tuyệt vời và chuẩn mực. Nó không ảnh hưởng tới thẩm mĩ của đèn mà lại còn đảm bảo khả năng chống nước và bụi tuyệt đối.

Với chuẩn Type-C rất phổ biến thì cây đèn cây đèn có thể được sạc mọi lúc mọi nơi mà không cần phải tháo pin ra dùng sạc rời.

Kiểu đi chơi xa nếu không muốn mang theo nhiều pin thì chỉ cần 1 cục sạc dự phòng là ổn rồi, sạc đầy cho đèn khi có thời gian rảnh là dùng vô tư. Chuẩn sạc Type-C cũng đỡ hơn nhiều không không phải mang theo 1 sợi cáp chuyên dụng, mà có lỡ quên cũng dễ mượn và mua ở bất kì đâu.

Đèn báo pin sẽ sáng đỏ khi đang sạc và chuyển xanh khi đầy.

Dòng sạc đạt 0.55A, khá nhanh với viên pin dung lượng chỉ 700mAh. Với tốc độ này thì mất khoảng 1 tiếng để đầy pin.

Yếu tố đem lại khả năng chiếu xa vượt trội tới 250 mét cho PD25R chính là con led Luminus SST20 này. Với kích thước nhân nhỏ nên SST20 cho ánh sáng rất gom => chiếu xa tốt. PD25R sử dụng chóa phản xạ dạng trơn và làm khá sâu, kết hợp với SST20 là chuẩn bài rồi!

Chóa trong veo không một hạt bụi, mặt kính có lớp chống phản xạ AR với đặc điểm nhìn nghiêng sẽ có ánh tím.

Vòng bezel của cây này thì nhìn khá hiền, chủ yếu để chống xước cho mặt kính chứ không hiệu quả để tấn công hay đập kính xe hơi.

4. Giao diện sử dụng

Với thiết kế 2 công tắc đặc trưng như này fan lâu năm của Fenix nhìn qua là biết cách sử dụng, nhưng thôi mình cứ trình bày lại cho chắc.

Cái công tắc đuôi sẽ phụ trách bật/tắt đèn:

  • Sáng tạm thời: nhấn và giữ nhẹ công tắc với 30% lực
  • Sáng cố định/ tắt đèn: nhấn hết hành trình công tắc (đến khi nghe tiếng click)

Công tắc phụ trên đầu đèn để điều khiển các mức sáng:

  • Khi đèn đang bật, nhấn công tắc này để chuyển qua lại giữa 5 mức sáng: 5 – 30 – 150 – 350 – 800 Lumens
  • Khi đèn đang bật, nhấn giữ 1.2s để kích hoạt nháy Strobe, nhấn thêm 1 lần để về chế độ sáng bình thường

Fenix PD25R có chức năng nhớ mức sáng cuối cùng được sử dụng.

5. Khả năng chiếu sáng

Fenix luôn hướng tới sự cân bằng tốt nhất về ánh sáng khi làm đèn pin và cây này cũng không ngoại lệ. Dù ánh sáng cho ra có độ gom để chiếu xa nhưng mình dùng ở không gian hẹp như trong nhà thấy vẫn ổn.

Hệ thống quang học được làm chính xác nên ánh sáng cho ra rất đẹp, tròn đều và không hề có vùng nhiễu.

5.1 Trong nhà

800 Lumens

350 Lumens

150 Lumens

30 Lumens

5 Lumens.

5.2 Ngoài trời

Chưa bật đèn

800 Lumens

Khả năng chiếu xa thực tế của đèn trong khoảng 120 mét đổ lại rất ổn.

350 Lumens

150 Lumens, vẫn đủ đi dạo loanh quanh.

800 Lumens

350 Lumens

150 Lumens.

6. Runtime

Mình đo runtime của PD25R ở 3 mức sáng đầu tiên và kết quả khá bất ngờ

 

  • Mức Turbo (800 Lumens): mức này thì không bất ngờ lắm vì độ sáng hạ khá nhanh, từ lúc bật tới khi hết pin là được 30 phút.
  • Mức High (350 Lumens): đây mới là điểm đáng tiền khi đèn duy trì liên tục 350 Lumens suốt 30 phút trước khi hạ dần xuống vì hết pin. Phải biết rằng 350 Lumens là một độ sáng khá cao và tỏa nhiều nhiệt, không nhiều cây đèn cỡ này duy trì được mức đó lâu vậy. Tổng runtime đạt 82 phút ~ 1.36 tiếng.
  • Mức Medium (150 Lumens): PD25R duy trì mức này 1 mạch tới 162 phút ~ 2.7 tiếng trước khi hết pin.

Mình thấy đây là runtime rất ổn cho một cây đèn chạy pin 16340. Nếu sử cần sử dụng liên tục trong đô thị thì 150 Lumens là quá ok, không lo bị hết pin giữa chừng. Còn nếu đi chơi xa thì hãy mang theo 2-3 viên pin nữa để dự phòng, dù sao pin 16340 cũng rất nhỏ và giá cũng rẻ.

7. Tổng kết

Những gì mình thích ở PD25R:

  • Thiết kế đẹp và trải nghiệm cầm nắm, thao tác cực kì tốt
  • Nhỏ gọn, hoàn hảo để bỏ túi
  • Giao diện sử dụng đơn giản, hiệu quả
  • Cổng sạc Type-C làm ẩn
  • Runtime rất tốt và khả năng duy trì ổn định ở độ sáng cao

Nên cải thiện:

  • Clip cài túi nhìn vô duyên, cần làm gọn lại
  • Công tắc làm phẳng một chút để có thể đứng đuôi
  • Ánh sáng nên ngả vàng một chút, hiện tại là quá trắng (đối với mình)