Review Elzetta Alpha A113 (Gen 3): cây đèn pin bất tử!

0
2361

Chưa bao giờ mình nghĩ sẽ có ngày dùng từ “bất tử” để nói về một cây đèn pin, nhưng với đèn của Elzetta thì chắc không có từ nào hợp lý hơn. Elzetta làm ra những cây đèn pin bền nhất thế giới, mua 1 lần dùng cả đời không hỏng. Những cây đèn của họ đạt chuẩn chống nước sâu 10 mét, chống va đập 5 mét trong khi tiêu chuẩn chống nước cao nhất là IP68 cũng chỉ đạt độ sâu 2 mét. Và trong trường hợp nếu cây đèn gặp sự cố hỏng hóc nào thì Elzetta luôn sẵn sàng sửa chữa miễn phí, không quan tâm là bạn đã dùng 5, 10 hay 20 năm!

Chính vì sự bền bỉ và ổn định tuyệt đối cùng với việc được sản xuất tại Mĩ nên đèn pin Elzetta có giá bán không hề rẻ, từ 4-6 triệu/cây.

Elzetta hiện tại có 4 dòng đèn pin chính (từ dưới lên):

  • Elzetta Alpha là dòng nhỏ nhất, dùng 1 pin CR123A
  • Elzetta Bravo dùng 2 pin CR123A hoặc 1 pin sạc 16650.
  • Elzetta Charlie cỡ lớn nhất dùng 3 pin CR123A hoặc 1 pin sạc 16650 (phải dùng thêm pin dummy để dẫn điện).
  • Elzetta Bones là phiên bản đặc biệt, có khả năng dùng được pin sạc 18650. Cây này đã có bài Review tại ĐÂY.

Mình sẽ đánh giá chi tiết lần lượt các mẫu đèn đèn của Elzetta, lần trước là Bones và hôm nay sẽ là Elzetta Alpha (cây nhỏ nhất).

Toàn bộ lô đèn pin Elzetta đang sẵn hàng tại EDCZone lần này đều là phiên bản Gen 3 mới nhất với nhiều thay đổi về hiệu năng chiếu sáng. Đặc biệt là dòng Alpha Gen 3 đã được nâng cấp để có thể sử dụng pin sạc 16340 điện thế 3.7v, điều mà các thế hệ trước không làm được.

Để dễ hiểu thì Elzetta Alpha các thế hệ cũ hơn chỉ hỗ trợ được loại pin CR123A dùng một lần (viên màu xanh) có điện thế là 3V. Pin sạc 16340 điện thế 3.7V không được dòng Alpha đời cũ hỗ trợ, thực tế nhét vào bật lên đèn vẫn sáng thôi nhưng độ sáng sẽ bị đẩy lên cao hơn so với thông số và dùng rất hên xui, hỏng lúc nào không hay.

Còn lên tới phiên bản Gen 3 mới nhất thì Alpha đã hỗ trợ pin sạc 16340 điện thế 3.7V một cách bình thường, điều này có sự công bố trực tiếp của hãng Elzetta chứ không phải dùng kiểu hên xui nữa.

Một điểm nâng cấp đáng giá nữa của Alpha Gen3 so với Gen1 và 2 đó là đèn đã được tích hợp sẵn chế độ nháy Strobe, kích hoạt bằng cách nhấn nhanh công tắc 2 lần.

Ở Gen1 và 2 thì đèn chỉ có nháy Strobe khi bạn mua cái công tắc High – Strobe thôi, lên Gen3 này thì có sẵn luôn nên có thể dùng công tắc High – Low mà vẫn có nháy Strobe.

Đã lỡ nói đến công tắc High – Strobe hay High – Low rồi thì mình cũng phải giải thích tí không lại khó hiểu. Cái hay của đèn pin Elzetta là người dùng có thể tự chọn các linh kiện để ghép thành một cây đèn hoàn chỉnh chứ không bị gò bó ở một cấu mình nhà sản xuất đưa ra sẵn.

Ví dụ mình muốn build một cây Alpha thì hãng sẽ cho 3 lựa chọn như này:

Đầu tiên là chọn cái vòng Bezel: phẳng hay có các chấu nhọn để tự vệ.

Tiếp theo là chọn loại thấu kính: Standard Lens phù hợp chiếu xa, Flood Lens để chiếu rộng và ánh sáng cũng mịn hơn.

Và cuối cùng là chọn loại công tắc. Công tắc là thứ quyết định cách sử dụng của cây đèn Elzetta.

  • Rotary Tailcap: là công tắc cần siết chặt để đèn sáng liên tục, còn cái nút nhấn chỉ để sáng tạm thời thôi, nhấn giữ thì sáng mà thả tay ra thì tắt.
  • Click tailcap: công tắc nhấn để đèn sáng liên tục, có cả sáng tạm thời luôn. Cái công tắc này sẽ khiến cây đèn chỉ có 1 mức sáng duy nhất.
  • Gen3 High – Low Tailcap: công tắc này được chọn nhiều nhất vì nó đa dụng. Siết chặt công tắc và nhấn nút thì đèn sẽ chỉ sáng ở mức cao nhất, nới lỏng công tắc 1/4 vòng thì đèn sẽ sáng ở mức thấp.

Sự kết hợp của những lựa chọn trên sẽ cho ra kết quả tới 20 cây đèn pin Elzetta Alpha với cấu hình khác nhau. Nhập hết đủ 20 mẫu này về thì bán tới mùa quít chưa xong bởi nhiều mẫu chỉ dành cho những nhu cầu sử dụng rất đặc biệt.

Chính vì thế mà bên mình chỉ nhập về 2 mẫu là Elzetta Alpha A113A313. Cấu hình của 2 mẫu này rất giống nhau:

  • Thấu tính TIR trơn để chiếu xa
  • Công tắc High – Low cho ra 2 mức sáng

Điểm khác biệt duy nhất là ở vòng Bezel. A113 (trong bài viết này) dùng bezel phẳng còn A313 là bezel có chấu nhọn. A313 ngoài Hà Nội hiện đang hết hàng, chỉ còn ở chi nhánh trong TP Hồ Chí Minh nên mình Review mẫu A113.

1. Video

2. Thông số kĩ thuật

  • Độ sáng tối đa: 800 Lumens
  • Chiếu xa: 175 mét
  • Hệ thống quang học: thấu kính TIR
  • Bóng led: Cree XP-L HI
  • Nhiệt màu: 4500k
  • Loại pin hỗ trợ: CR123A/16340
  • Kích thước: 10.16 x 2.54 x 2.9cm
  • Trọng lượng: 102g (cả pin)
  • Chống nước: 10 mét
  • Chống va đập: 5 mét

3. Đánh giá chi tiết

Một cây đèn pin hơn 4 triệu mà cách đóng gói giống như nó được bày bán trên kệ ở mấy siêu thị vậy. Phụ kiện đi kèm cũng không có gì ngoài viên pin CR123A dùng một lần.

Nguyên bản cây Alpha A113 này là không có clip cài túi mà món đó phải mua rời.

Elzetta bán cái clip cài túi chuyên dụng cho dòng Alpha này giá gần 400.000đ nhưng nói thật là mình thấy không xứng đáng vì chất lượng nó làm cũng bình thường, lắp vào đèn thì không hợp cho lắm. Ai cần lắm thì mua thôi!

Từ cách đây rất nhiều năm thì Elzetta Alpha luôn là cây đèn pin EDC mơ ước của mình, đơn giản là cây đèn này quá đẹp và thực dụng. Có lẽ nó là mẫu đèn chạy pin 16340 đẹp nhất mà mình từng Review từ trước đến nay.

Ngoại trừ vòng Bezel và công tắc đuôi tháo được thì thân đèn được làm liền khối và rất dày.

Và có lẽ đây cũng là cây đèn chạy pin 16340 có kích thước lớn nhất trên thị trường, đơn giản vì có công tắc đuôi và thân được làm rất dày. Đứng cạnh Fenix PD25R mới ra mắt với cấu hình cũng khá tương đương thì thấy rõ Alpha A113 “mập mạp” hơn hẳn.

Trọng lượng rỗng của đèn là 84g.

Nặng hơn PD25R tới hơn 20g.

Thêm cả viên pin nữa thì là 102g.

Thân của Elzetta làm dày thấy rõ.

Độ dày của thân thật sự là khủng khiếp cho một cây đèn pin cỡ như này, chẳng trách Elzetta lại công bố nó chịu va đập 5 mét. Mà 5 mét là còn khiêm tốn đấy, xem cái Video 9 năm tuổi này thì có thể thấy họ thả đèn từ trực thăng xuống nền bê tông mà vẫn sống nhăn răng!

Ngoài thân đèn dày ra thì yếu tố quan trọng quyết định đến khả năng chống shock/va đập tuyệt vời của đèn pin Elzetta chính là phần mạch Driver được đổ kín keo. Lớp keo này đảm bảo khả năng chống nước và shock tuyệt đối. Còn nhược điểm là hỏng mạch thì chỉ có hãng mới sửa được thôi (chắc họ có công nghệ gì đấy phá lớp keo này).

Nói Elzetta Alpha có kích thước lớn là đang so sánh với đèn cùng phân khúc, chứ đối với mình đây vẫn là một cây đèn pin có sự cân bằng tuyệt vời giữa kích thước và cảm giác cầm nắm. Đèn rất gọn để bỏ túi ngay cả với quần jean chật chội.

Cảm giác cầm nắm và thao tác thì tuyệt vời, không bị lọt thỏm do quá ngắn. Với những người tay to hơn thì cầm cây này vẫn thoải mái!

Chất lượng hoàn thiện của Elzetta mình đánh giá là tốt và tinh xảo. Lớp mạ Anodized có độ lì chứ không bóng như đại đa số các hãng đèn Trung quốc.

Những chi tiết nhỏ đều được gia công tinh xảo.

Lò xo tiếp xúc là thép thông thường, không được mạ vàng.

Ren vặn đèn pin Mĩ đa số là dạng tam giác chứ không phải vuông và Elzetta không phải ngoại lệ.

Tất cả đèn pin của Elzetta đều được sinh ra cho mục đích tác chiến nên đều sử dụng công tắc đuôi. Công tắc đuôi cho phép thao tác đèn nhanh và chính xác trong mọi tình huống, kiểu rút đèn ra là bật được luôn chứ không phải mò mẫm như công tắc trên thân.

Công tắc đuôi của Elzetta rất đặc biệt, nó cho cảm giác bấm chắc tay và không gây ra bất kì tiếng động nào.

Như mình dùng đèn với mục đích thông thường thì công tắc phát ra tiếng động hay không cũng chẳng quan trọng. Còn nếu ví dụ dùng cây đèn cho mục đích tác chiến (dùng chung với súng) thì việc im lặng là rất quan trọng để không lộ vị trí cũng như đánh động kẻ địch.

Cây Alpha trong bài này là A113 nên có vòng Bezel phẳng nên nhìn khá hiền lành và thân thiện. Ai cần “cục súc” hơn thì nên chọn bản A313.

Đèn sử dụng thấu kính TIR dạng trơn cho khả năng chiếu xa 173 mét theo thông số.

Cả vòng Bezel và thấu kính đều có thể tháo ra được, đây là điều rất hiếm thấy ở các hãng đèn pin Trung Quốc.

Cụm thấu kính TIR dạng trơn.

Hãng có bán rời cả thấu kính dạng tổ ong cho người dùng tự thay thế. Giá thì về Việt Nam chắc khoảng hơn 300.000đ.

Tháo thấu kính ra là có thể thấy rõ cả cụm bóng led ở bên trong. Hãng không công bố nhưng nhìn thì biết chắc đây là Cree XPL-HI. Con led này trên Alpha A113 có nhiệt màu 4500k cho ra ánh sáng vàng rất đẹp, hợp với gu của mình.

4. Giao diện sử dụng

Với cấu hình gồm công tắc “High – Low” thì Elzetta A113 có cách sử dụng đơn giản nhưng rất thực dụng:

  • Nhấn và giữ nhẹ công tắc để bật đèn tạm thời, thả tay ra để tắt
  • Nhấn hết hành trình để đèn sáng cố định
  • Xoáy chặt công tắc để đèn luôn sáng ở 800 Lumens
  • Nới lỏng công tắc 1/4 vòng để đèn luôn sáng ở 50 Lumens
  • Nhấn nhanh công tắc 2 lần để truy cập nháy Strobe

Cây này phải nhấn công tắc 2 lần khá là nhanh thì mới vào nháy Strobe. Elzetta làm như vậy để tránh việc đèn vào Strobe vô ý khi mà chúng ta đang bật/tắt đèn liên tục trong thời gian ngắn.

5. Khả năng chiếu sáng

Ánh sáng vàng nhiệt mà 4500k là một điểm cộng lớn đối với mình. Màu ánh sáng này khá giống với đèn sợi đốt, dùng hiệu quả trong điều kiện trời sương mù hay mưa.

Đèn sẽ sáng ở 800 Lumens khi dùng với pin sạc 16340, và 535 Lumens với pin CR123A 3V

5.1 Trong nhà

800 Lumens (với pin sạc 16340).

535 Lumens (với pin CR123A).

50 Lumens.

5.2 Ngoài trời

800 Lumens.

Alpha là dòng đèn có ánh sáng đẹp và cân bằng nhất, hơn cả Bravo với Charlie. Mặc dù dùng thấu kính TIR nhưng ánh sáng của cây này không có quá nhiều vùng nhiễu, nói chung là đẹp!

50 Lumens.

800 Lumens.

Chiếu xa khoảng 70 mét đổ lại rất ổn.

50 Lumens.

100 Lumens vẫn nhìn rõ.

*Tòa chung cư ở trên là không có người ở. Còn thực tế không nên chiếu vào nhà cửa hay chung cư nhé!

2 mức sáng là 800 và 50 Lumens nghe có vẻ tù túng nhưng mình thấy nó đáp ứng rất tốt mọi nhu cầu sử dụng từ trong nhà ra ngoài trời. Đặc biệt mức 50 Lumens là đủ dùng loanh quanh trong nhà hay đi dạo buổi tối, còn 800 Lumens sẽ duy trì trong 10s rồi hạ xuống 535 Lumens và chạy tới khi hết pin. Cái hay là Elzetta Alpha có thân dày nên chạy liên tục > 500 Lumens mà không hề bị quá nhiệt.

6. Runtime

Mình đo runtime của A113 với pin sạc 16340 700mAh của Fenix.

  • Mức High 800 Lumens (đường màu xanh): 800 Lumens duy trì được chưa đầy 1 phút rồi hạ xuống ~ 500 Lumens. Sau đó đèn chạy liên tục ở 500 Lumens cho tới khi hết pin, tổng runtime đạt 41 phút.
  • Mức Low 50 Lumens (đường màu cam): đèn chạy ổn định ở mức này tới khi hết pin là 106 phút ~ 1.8 tiếng.

Đèn pin Trung Quốc có runtime rất ấn tượng nhưng chủ yếu toàn chơi kiểu “ăn gian”, ví dụ họ công bố sáng 10 tiếng ở 100 Lumens thì phải đo thực tế mới biết được liệu đèn có sáng liên tục 100 Lumens suốt 10 tiếng không? hay là sau 5 tiếng ở 100 Lumens thì hạ xuống ~ 10 Lumens rồi sáng nốt 5 tiếng còn lại?

Về cơ bản kiểu đo runtime như vậy vẫn phù hợp với tiêu chuẩn ANSI FL1 quốc tế nhưng sẽ làm người dùng có sự hiểm nhầm hoặc bối rối. Còn đèn pin Mĩ thì khác, hạ công bố runtime ví dụ ở 500 Lumens đi, thì tức là cây đèn sẽ chạy 1 mạch ở 500 Lumens tới khi hết pin thì thôi chứ gần như không có hạ độ sáng quá nhiều.

Như cây Alpha A113 này chạy liên tục ở 535 Lumens trong suốt 40 phút rồi tắt phụt chứ không có tiếp tục sáng lờ mờ như đèn Trung Quốc.

Với runtime này thì A113 đáp ứng ổn các nhu cầu sử dụng lặt hàng hàng ngày trong đô thị với tuần suất chiếu sáng không quá cao. Còn nếu đi chơi xa thì mang theo 2-3 viên pin dự phòng đi là được, dù sao pin 16340 cũng không chiếm nhiều diện tích.

7. Tổng kết

Ưu điểm:

  • Thiết kế đẹp, cứng và và trâu bò
  • 2 mức sáng đơn giản, thực dụng
  • Công tắc đuôi cho cảm giác bấm tốt, không gây tiếng động
  • Ánh sáng đẹp và cân bằng
  • Duy trì độ sáng cao liên tục mà không bị nóng
  • Khả năng tùy chỉnh cấu hình khi mua đèn
  • Chế độ bảo hành tới tọn đời

Hạn chế:

  • Giá cao
  • Với thân này như này thì nên dùng được pin 18350 mới phát huy hết công lực
  • Không có sẵn clip cài và lỗ xỏ dây đeo tay