Review box sạc dự phòng Xtar PB2SL: nhỏ gọn, sạc nhanh 18W

0
1838

PB2SL là sản phẩm mới nhất của Xtar trong năm 2023 và được trang bị 1 nâng cấp đáng giá so với phiên bản PB2S vào năm 2019 đó là: khả năng lắp vừa pin sạc 21700 có mạch bảo vệ.

Đây là một bộ sạc chuyên dụng cho pin sạc cỡ 18650 và 21700. Và bạn có thể tận dụng chính những viên pin này để biến PB2SL thành một viên pin sạc dự phòng chuyên nghiệp với tốc độ cao tới 18W. Điểm ăn tiền của thiết kế này chính là khả năng nhanh chóng thay thế pin bên trong để sử dụng liên tục mà không bị gián đoạn.

Đa phần các bộ sạc pin từ 1-2 khe bây giờ đều được trang bị thêm cổng Output để sạc cho các thiết bị khác, vậy điểm đặc biệt của PB2SL là gì?

– Đó là tốc độ sạc. Cổng Output trên các bộ sạc khác như Xtar SC1 Pro hay Fenix ARE-D1, D2, X1 thì chủ yếu là tính năng hỗ trợ bởi tốc độ của chúng chỉ loanh quanh 5-10W. Còn Xtar PB2SL đạt tốc độ tới 18W, tương đương chuẩn Quickcharge 3.0 và Powerdelivery 3.0 vậy nên có thể coi nó là một cục pin dự phòng chuyên dụng.


> Xtar PB2SL đang có giá bán 640.000đ tại Bisu với chế độ bảo hành 1 năm chính hãng <

1. Video

2. Thông số kĩ thuật

  • Loại pin tương thích: 18650/20700/21700
  • Tốc độ sạc vào: 2A x 2, 2A x 1, 1A x 2
  • Tốc độ sạc ra: QC 3.0 và PD 3.0 (5V 2A, 9V 2A, 12V 1.5A)
  • Số lượng cổng sạc vào (input): 1
  • Số lượng cổng sạc ra (output): 2
  • Nhiệt độ hoạt động: 0-40℃
  • Chất liệu: nhựa
  • Kích thước: 125 x 58 x 28mm
  • Trọng lượng: 85g
  • Màn hình hiển thị thông số: % pin, điện thế, dòng sạc
  • Bảo hành 1 năm

3. Đóng gói và phụ kiện

PB2SL được đóng gói trong hộp giấy và có thể nhìn thấy rõ sản phẩm bên trong.

Mặt trước và sau được in đầy đủ các thông số kĩ thuật quan trọng.

Trọn bộ sản bao gồm:

Sợi cáp đi kèm có chất lượng hoàn thiện tốt nhưng tiếc chỉ là chuẩn USB-A sang Type-C thông thường chứ không phải 2 đầu Type-C.

4. Thiết kế và chất lượng hoàn thiện

Thiết kế tổng thể của Xtar PB2SL không có mấy khác biệt so với phiên bản PB2S từ năm 2019. Bộ sạc có kích thước nhỏ gọn vừa đủ để bỏ túi quần, phần vỏ được làm bằng nhựa nên rất nhẹ.

Nắp đậy pin sử dụng cơ chế nam châm chứ không phải lẫy thông thờng, tối ưu được độ bền và tiện lợi.

Mình đánh giá chất lượng hoàn thiện của PB2SL ở mức khá qua các tiêu chí:

  • Chất liệu nhựa nhẹ nhưng cứng cáp, cầm không bị ọp ẹp
  • Bề mặt được hoàn thiện mềm khá giống cao su, cảm giác cầm rất tốt, hạn chế bám vân tay
  • Hơi nhiều mối nối do được ghép lại từ nhiều bộ phận chứ không phải nhựa nguyên khối
  • Các mối nỗi ở phía đầu (ảnh dưới) có độ hở hơi lớn, nhìn không được tinh tế lắm

Độ dày vừa phải, mình bỏ túi thấy ổn, không bị cộm.

Trọng lượng rỗng là 86g.

Và 230g nếu lắp đủ 2 viên pin 21700.

Mặt sau có in đầy đủ các thông số dòng sạc và loại pin hỗ trợ.

PB2SL được thiết kế để gắn vừa các loại pin sạc Lithium Ion sau:

  • Pin sạc 18650 (cả đầu phẳng lẫn lồi)
  • Pin sạc 20700, loại này mình thấy không phổ biến lắm
  • Pin sạc 21700 (cả loại có mạch bảo vệ)

Trong đó giá trị nhất chính là khả năng gắn vừa tới 2 viên pin sạc 21700 đầu lồi và có mạch bảo vệ, điều mà phiên bản tiền nhiệm PB2S trước đây không làm được.

Để dễ hình dung thì ở đây mình có 2 viên pin sạc cỡ 21700. Bên dưới là pin đầu phẳng, không có mạch bảo vệ của Keeppower. Phía trên là pin đầu phẳng, có mạch bảo vệ của Fenix.

Thấy rõ rằng dùng cùng kích thước 21700 nhưng viên pin đầu lồi và có mạch thì dài hơn thấy rõ, ít nhất phải 2-3mm.

Phiên bản PB2S trước đây không thể gắn vừa loại pin này, khá bất tiện. Và đó cũng là lí do chính Xtar tung ra phiên bản mới PB2SL này, trong đó chữ mình đoán chữ “L” = Longer (dài hơn).

PB2SL được thiết kế với 2 khay pin và có thể hoạt động chỉ với 1 pin cho cả chức năng sạc ra lẫn vào. Sợi dây ở trong khay pin nhìn đơn giản nhưng đóng vai trò khá quan trọng vào trải nghiệm sử dụng.

Cụ thể thì nó giúp tháo pin ra cực nhanh chỉ với một thao tác kéo nhẹ, đỡ phải cạy.

Có 2 chi tiết trong thiết kế mà PB2S trước đây không có:

Đầu tiên chính là miếng độn này, được làm bằng nhựa và có 2 cực bằng kim loại ở bên trong.

Nó sẽ được gắn vào khi chúng ta sử dụng pin sạc cỡ 18650 và 21700 đầu phẳng, không có mạch bảo vệ.

Còn khi cần dùng với pin 21700 đầu lồi, có mạch thì chỉ cần tháo miếng độn này ra. Sẽ có thắc mắc tại sao Xtar không thiết kế dạng khay trượt hay làm lò xo tiếp xúc dài ra?

  • Thiết kế khay trượt sẽ không đảm bảo độ bền trong thời gian dài do những sản phẩm như PB2SL có thể sẽ gắn cố định pin bên trong suốt một thời gian dài, chứ không phải sạc xong tháo ra như thông thờng.
  • Lò xo dài ra sẽ tạo áp lực không cần thiết gây biến dạng cực của viên pin

-> Vậy nên miếng độn pin là thiết kế tối ưu nhất.

Một chi tiết nhỏ nữa chính là cái khóa cài trên nắp pin, nó có thể xoay 360° với nhiệm vụ là giữ cố định pin bên trong:

  • Xoay ngang khóa khi dùng pin cỡ nhỏ như 18650
  • Xoay dọc khóa khi dùng pin 21700

Xtar trang bị cho PB2SL màn hình LED hiển thị các thông số như: % pin, điện thế, dòng sạc ra và vào.

PB2SL có 2 cổng sạc:

  • Cổng USB-A với chức năng để sạc ra (1 chiều)
  • Cổng Type-C 2 chiều vừa sạc và lẫn ra với tốc độ lên tới 18W

5. Tốc độ sạc pin

Là một box sạc dự phòng nên Xtar PB2SL có thể được tùy chỉnh dung lượng tùy thuộc vào loại pin mà bạn lắp cho nó.

Dung lượng tối đa khi dùng 2 pin 18650 có là khoảng ~ 7000mAh và lên tới 10.000mAh khi lắp 2 pin 21700.

5.1 – Tốc độ sạc vào

Bạn có thể dùng PB2SL để sạc cho 1-2 viên pin, điều tuyệt vời là có thể gắn 2 viên pin khác loại, khác dung lượng mà không vấn đề gì.

Tốc độ sạc vào theo công bố có thể lên tới 2A cho mỗi khe sạc, kể cả khi lắp 2 khe. Vậy thực tế ra sao?

Mình đô được công suất sạc vào ~ 10.4W khi sạc cho cả 2 viên pin, cụ thể điện thế ~ 8.8 Volts và dòng scaj là 1.2A.

Có sự chênh lệch giữ thông số hiển thị trên màn hình của bộ sạc và thiết bị đo chuyên dụng. Mình sẽ lấy kết quả từ thiết bị đo cho chính xác nhất.

PB2SL có thể hiển thị dòng sạc cho từng khe, điều chỉnh bằng công tắc ở bên hông.

Khe sạc thứ nhất đạt 1.4A, điện thế 3.7 volts -> công suất khoảng 5.18W

Khe sạc thứ 2 cũng vậy khoảng 5.18W.

-> Vậy cộng lại thì tổng công suất là khoảng 10.4W, đúng như những gì mình đo được.

Còn khi chỉ gắn 1 khe thì tốc độ sạc đạt đủ 2A.

=> Điều này đưa tới kết luận tốc độ sạc thực tế của PB2SL chỉ đạt 1.5A/khe khi gắn đủ 2 pin và đạt đủ 2A nếu gắn 1 pin.

5.2 – Tốc độ sạc ra

PB2SL sẽ có tổng cộng 2 cổng sạc ra là USB-A và Type-C.

Cổng USB-A có thể cho công suất tới ~ 17W nhưng tùy thiết bị và thường là không ổn định. Phần lớn các thiết bị mình sạc với cổng này chỉ cho ra khoảng 5-10W.

Còn cổng Type-C sẽ cho dòng sạc ra nhanh và ổn định nhất. Để sử dụng cổng này chúng ta sẽ cần các loại cáp chuyên dụng như 2 đầy Type-C hoặc Type-C ra Lightning nếu dùng Iphone.

18W là đủ để sạc cho cả những thiết bị công suất cao như máy tính bảng hay laptop. Mình sạc thử cho chiếc Macbook Pro M2 thì đạt đủ công suất 18W, pin lên khá nhanh.

Nhưng ở công suất cao nhất này thì màn hình hiển thị của bộ sạc lại không chính xác, chỉ đạt khoảng 13.2W trong khi thiết bị đo chuyên dụng hiển thị công suất cao hơn hẳn.

Và khi cần thì chúng ta có thể sạc tới 2 thiết bị cùng 1 lúc.

Tổng công suất cho ra cho 2 cổng là khoảng 11W, chia ra thì mỗi cổng khoảng 5.5W

Mình tiếp tục test sạc cho 2 thiết bị khác cùng lúc, cụ thể là 2 cục sạc dự phòng 10.000mAh Gen 3 của Xiaomi. Công suất có tốt hơn, khoảng 13.2W.

Sau đó mình đo dòng sạc nhận vào của từng thiết bị.

Thiết bị đầu tiên nhận 6.87W

Thiết bị thứ 2 nhận 6.73W, cộng lại thì bằng tổng công suất hiển thị trên bộ sạc, rất chính xác.

Đo thử nhiệt độ ở khi vực quanh cổng sạc Type-C thì đạt khoảng 57℃ và duy trì ổn định, không có xu hướng tăng thêm.

6. Các tính năng an toàn

Cân bằng pin

Xtar trang bị cho PB2SL nhiều tính năng an toàn cho cả người dùng lẫn pin, trong đó nổi bật chính là cân bằng pin.

Tính năng này cho phép người dùng gắn lẫn lộn 2 loại pin khác nhau về kích thước và cả dung lượng mà không có vấn đề gì. Mạch điều khiển của bộ sạc sẽ tự động cân bằng dung lượng cho 2 viên pin.

Các tính năng an toàn khác

  • Tự động ngắt khi pin đầy
  • Chống lắp ngược cực pin
  • Chống đoản mạch, ngắn mạch
  • Kích hoạt pin 0V

7. Tổng kết

Mình đánh giá cao tính thực dụng của sản phẩm này, đặc biệt với những người có nhu cầu sử dụng cao về pin sạc 18650 và 21700 như mình. Và khi đi chơi xa lại muốn tận dụng chính những viên pin đó để sạc cho các thiết bị khác với tốc độ cao. Và điểm hay nhất của thiết kế dạng này chính là khả năng thay pin rất nhanh, không gây gián đoạn việc sử dụng.

Còn nếu bạn chỉ có nhu cầu về sạc dự phòng thì nên mua mấy cục bán sẵn cho nhanh, giá rẻ hơn nhiều so với đầu tư cho box sạc như này rồi lại phải mua thêm pin.

Ưu điểm:

  • Nhỏ gọn
  • Tốc độ sạc tốt, đạt đủ 18W như công bố với cổng Type-C
  • Có màn hình hiển thị thông số trực quan
  • Hoàn toàn tự động và tính năng cân bằng pin rất đáng giá

Hạn chế:

  • Hoàn thiện chưa tới mức quá tốt, chấp nhận được
  • Tốc độ chưa tối ưu khi sạc cho 2 thiết bị cùng lúc, chỉ đạt tối đa 13W