Review đèn đội đầu chạy trail Fenix HL16 – 450 Lumens, siêu nhẹ!

0
1044

Đèn pin đeo trán/đội đầu luôn là ưu tiên số 1 cho những hoạt động ngoài trời như dã ngoại, leo núi, đi rừng,.. nhờ khả năng cho ánh sáng tốt và rảnh tay để làm việc.

Fenix đã phát triển riêng một dòng sản phẩm đèn pin đeo trán siêu nhẹ với mã HL, chuyên dụng cho những hoạt động cần vận động mạnh và linh hoạt như chạy bộ ban đêm, chạy trail, leo núi,…

Tới thời điểm hiện tại Fenix HL16 và HL32R-T là 2 mẫu đèn đeo trán mới nhất và chủ lực của dòng HL này. Chúng đều có kích thước nhỏ gọn, độ sáng cao và trọng lượng rất nhẹ chỉ ~ 100g đã tính cả pin và dây đeo.

Trong bài viết này mình sẽ đánh giá chi tiết về HL16, mẫu đèn có cấu hình cơ bản nhất với: Độ sáng 450 Lumens, dùng 3 pin AAA, có LED phụ ánh sáng đỏ và nặng chưa tới 100g.

-> Bài Review Fenix HL32R-T tại ĐÂY.

> Giá của cây này tại Bisu là 680.000đ (bảo hành 2 năm) <


Mục lục bài viết:

  1. Video
  2. Thông số kĩ thuật và phụ kiện
  3. Kích thước tổng thể
  4. Thiết kế và tính năng
  5. Giao diện sử dụng
  6. Khả năng chiếu sáng
  7. Thời lượng hoạt động
  8. Tổng kết

 

Tại sao cần đèn pin đeo trán siêu nhẹ?

Những mẫu đèn đeo trán có trọng lượng cả pin và dây đeo < 120g thì đều có thể coi là siêu nhẹ. Chúng đảm bảo cho sự thoải mái khi sử dụng để vận động mạnh như chạy bộ đường dài mà không bị mỏi cổ và không bị xê dịch khỏi vị trí.

Những cây đèn siêu nhẹ này cũng có kích thước nhỏ gọn, chỉ cần 1 dây đeo duy nhất nên không gây chú ý khi sử dụng nhất là trong đô thị.

Đặc biệt với dân leo núi chuyên nghiệp theo hệ “Ultralight = siêu nhẹ” thì họ tính toán từng grams của hành lý mang theo nên một cây đèn càng nhẹ càng tốt là rất cần thiết!

Fenix HP30R V2.0 chuyên dùng đi hang động, đi rừng.

Còn những mẫu đèn dùng pin cỡ 18650 đổ lên thường khá nặng, cần có dây qua đỉnh đầu và độ sáng cao > 1000 Lumens phù hợp cho những hoạt động không cần chạy nhảy nhiều như đi rừng, đi hang, dẫn đoàn leo núi,…


1. Video

2. Thông số kĩ thuật và phụ kiện

  • Độ sáng tối đa 450 Lumens, chiếu xa 104 mét.
  • Trang bị led Luminus SST20 ánh sáng trắng và led 2835 ánh sáng đỏ
  • Dùng 3 pin AAA
  • Chỉnh góc chiếu sáng 60° linh hoạt
  • Thân đèn bằng nhựa PC siêu bền
  • Dây đeo trán bản lớn, thoáng khí và co giãn tốt
  • Kích thước: 64 x 48 x 27mm
  • Trọng lượng: 97.2g (cả pin)
  • Chống nước: IP66

Phụ kiện đi kèm bao gồm:

  • 3 viên pin AAA dùng 1 lần (pin Alkaline)
  • HDSD
  • Thẻ bảo hành

3. Kích thước tổng thể

Fenix HL16 có kích thước nằm gọn trong lòng bàn tay, có thể dễ dàng bỏ túi quần, áo khoác hay 1 ngăn nhỏ trong balo.

Trọng lượng cả pin và dây đeo chỉ ~ 100g.

Khi đeo lên trán cũng gọn gàng, không hề gây chú ý.

Fenix HM65R cần dây đeo phụ qua đỉnh đầu.

Trái ngược hẳn với những mẫu đèn cỡ trung dùng pin 18650 đổ lên.

4. Thiết kế và tính năng

Nổi bật nhất của HL16 là dây đeo trán với tông màu đỏ nổi bật, dễ tìm và định vị khi cần. Đây là dây đeo được Fenix. thiết kế đặc biệt cho chạy bộ với bản rộng tới 36mm, co giãn tốt cùng hàng trăm các lỗ nhỏ để thoáng khí.

Dây đeo có thể điều chỉnh kích cỡ để vừa với nhiều cỡ đầu hay dùng với mũ bảo hộ.

Dây bản rộng kết hợp với trọng lượng nhẹ đem tới trải nghiệm sử dụng rất tuyệt. Sau khoảng 2 tuần dùng cây này để đi dạo và chạy buổi tối thì mình không có gì phàn nàn về sự thoải mái của nó. Suốt cả buổi chạy cây đèn chưa bao giờ bị tuột hay xê dịch khỏi vị trí và cũng không gây mỏi cổ.

Thân của HL16 được làm hoàn toàn tự nhựa cứng với khả năng chịu va đập ở độ cao ~ 1.5 mét. Đa phần đèn pin đeo trán chuyên dụng leo núi đều làm bằng nhựa cho nhẹ, nếu không tin bạn cứ thử tìm hiểu các hãng như Petzl hay Blackdiamond, toàn nhựa hết.

Bề mặt nhựa nhám chống xước và bám vân tay tốt. Toàn bộ kết cấu thân rất cứng cáp ngay cả khi bóp mạnh, không hề thấy hiện tượng bị ọp ẹp.

Thân đèn có thể chỉnh góc chiếu sáng linh hoạt tới 60° nhờ cơ cấu khớp chắc chắn.

Ở góc chiếu thấp nhất thì mình ngồi thẳng cổ vẫn có ánh sáng hợp lý để đọc sách mà không cần cúi, 1 điểm cộng lớn!

Đèn chính với chip LED Luminus SST20 ánh sáng trắng.
Sáng tối đa 450 Lumens.

HL16 được trang bị 2 hệ thống đèn riêng biệt. Đèn chính sử dụng chip LED Luminus SST20 ánh sáng trắng, độ sáng 450 Lumens và chiếu xa ~ 104 mét.

Đèn chính này có tổng 4 mức sáng.

Và đèn phụ sử dụng LED ánh sáng đỏ 5 Lumens cùng chế độ nháy SOS báo hiệu.

Ngăn chứa pin được đặt ở mặt sau với cơ cấu chốt mở dễ thao tác ngay cả khi tay đeo găng hay bị lạnh cóng, 1 điểm cộng nữa!

Fenix HL16 sử dụng 3 viên pin AAA, một thiết kế tiêu chuẩn của đa số đèn đeo trán leo núi, chạy bộ bởi nhiều ưu điểm:

  • Rất nhẹ, tổng 3 viên pin nặng có khoảng 38g
  • Cho dung lượng và độ sáng tốt
  • Phổ biến, có thể mua ở bất kì đâu ngay cả các hàng tạp hóa trên núi -> khi đi du lịch nước ngoài thì đến đó rồi mua pin cũng được, đỡ phải mang theo nhiều
  • Dễ mang theo số lượng lớn

Và quan trọng là có thể sử dụng được pin sạc Nimh, nổi bật là của Eneloop hay Fujitsu được sản xuất tại Nhật Bản. Mình đang dùng 3 viên Fujitsu Pro 900mAh cho cây này.

Khoang chứa pin có gioăng cao su đảm bảo chống nước IP66, đủ để sử dụng trong điều kiện trời mưa lớn. Tuyệt đối không đem cây này đi lặn!

5. Giao diện sử dụng

Một điểm cộng nữa cho HL16 đến từ giao diện sử dụng thông minh và thân thiện.

Cây đèn có 2 công tắc để điều khiển độc lập từng LED, đa phần các hãng khác chỉ làm 1 công tắc cho tất cả các chế độ. Việc có 2 công tắc đem tới trải nghiệm sử dụng dễ dàng và gần như không bao giờ thao tác nhầm nhất là khi cơ thể đang mệt mỏi sau 1 ngày dài leo núi hoặc ở trong rừng.

Thao tác cụ thể:

  • Nhấn giữ công tắc 0.5s để Bật/Tắt đèn (áp dụng cho cả LED ánh sáng đỏ)
  • Khi đèn đang bật, nhấn công tắc 1 lần để chuyển độ sáng
  • HL16 có chức năng nhớ mức sáng cuối cùng được sử dụng

Khi đèn đang bật, nhấn công tắc còn lại để chuyển nhanh qua chế độ sáng đỏ/sáng trắng. Nhấn giữ công tắc bất kì 0.5s đều có thể tắt đèn.

Công tắc của HL16 được thiết kế với các gờ để chống vô ý kích hoạt do bị cấn khi để trong túi quần, balo. Thêm nữa là người dùng cũng có thể chủ động khóa đèn lại với chức năng Lockout.

Khi đèn đang tắt, nhấn giữ công tắc bất kì trong 3s cho đến khi đèn đỏ nháy. Lúc này đèn đã được khóa.

Để mở khóa thì phải đồng thời nhấn giữ cả 2 công tắc trong 3s. Thiết kế này giảm tỉ lệ bị vô ý kích hoạt xuống ~ 0%.

6. Khả năng chiếu sáng

Trong nhà:

450 Lumens.

150 Lumens, mức sáng chính mình dùng

50 Lumens.

5 Lumens.

Ánh sáng đỏ 5 Lumens.

Ngoài trời:

Chưa có đèn.

450 Lumens, ánh sáng cân bằng tốt, tầm chiếu hiệu quả ~ 50 mét.

150 Lumens, đủ đi dạo loanh quanh.

50 Lumens.

7. Thời lượng hoạt động (Runtime)

Fenix công bố thời gian hoạt động của HL16 là 3 tiếng ở 450 Lumens và 8 tiếng ở 150 Lumens.

Thực tế thì mình đo runtime cây này bằng cả pin sạc Fufitsu Pro 900mAh (tương đương Eneneloop Pro)Pin dùng 1 lần Alkaline của Xiaomi (dùng lõi Maxell tương tự pin đi kèm) thì kết quả không đạt được như thông số.

Pin sạc Fujitsu Pro – 900mAh:

  • Mức 450 Lumens (màu xanh) hạ xuống ~ 230 Lumens sau khoảng 1 phút và duy trì ổn định tới khi hết pin, tổng được 55 phút.
  • Mức 150 Lumens (màu xám) thì duy trì ổn định tới khi hết pin, tổng được 105 phút ~ 1.75 tiếng.

Pin Alkaline dùng 1 lần – Xiaomi (Maxell)

  • Mức 450 Lumens (màu cam) hạ xuống ~ 240 Lumens sau khoảng 1 phút và duy trì tới khi hết pin, tổng được 47 phút.
  • Mức 150 Lumens (màu vàng) thì sáng thực tế ở khoảng ~ 130 Lumens và duy trì ổn định, tổng được 222 phút ~ 3.7 tiếng.

=> Với kinh nghiệm cá nhân thì mình có thể đánh giá rằng kết quả trên là thời lượng sử dụng rất ổn cho một cây đèn đội đầu chạy 3 pin AAA, nhưng sự khác biệt so với thông số công bố của hãng là quá lớn.

Ví dụ như pin của Energizer

Theo phỏng đoán của mình thì Fenix chắc hẳn đã sử dụng 3 viên pin AAA Lithium loại dùng 1 lần cho bài thử nghiệm.

Đây là loại pin có chất lượng cao nhất với dung lượng và độ bền tốt, nhưng giá bán cũng rất đắt, khoảng 60.000đ/viên.

Mình không dùng loại pin này vì giá thành của nó nên cũng không có sẵn để thử nghiệm. Chủ yếu vẫn dùng pin sạc Nimh là hiệu quả nhất!

 

 

 

8. Tổng kết

Mình đã lựa chọn HL16 làm cây đèn đeo trán chính bởi nó có giá bán hợp lý hơn HL32R-T mà cấu hình đủ đáp ứng nhu cầu của bản thân: thỉnh thoảng tối đi chạy bộ; đi cắm trại, leo núi từ 1-3 ngày. Ưu điểm của HL16 rõ ràng nhất ở 3 yếu tố:

  • Độ sáng thực dụng đáp ứng đủ > 90% nhu cầu
  • Cảm giác đeo đầu rất thoải mái
  • Giao diện sử dụng thông minh

Về thời lượng hoạt động thì với 2 loại pin phổ biến kể trên HL16 không đạt được như thông số nhưng mình thấy cũng ổn, đi chơi tầm 3 ngày đổ lại thì cầm theo 3 viên pin dự phòng nữa là dùng thoải mái!

Có một chi tiết mình cũng chưa ưng lắm là ánh sáng cây này trắng quá, Fenix thay LED cho vàng chút tầm 5000 Kelvin thì hợp lý luôn!


Nói chung thì trong tầm tiền và phân khúc thì HL16 là cây đèn siêu nhẹ tốt nhất mình từng dùng. Còn nếu dư giả hơn, cần độ sáng cao, pin sạc Lithium Ion và cổng sạc trên thân thì bạn có thể tham khảo HL32R-T. Có thể coi nó là một phiên bản cao cấp hơn của HL16 với mọi tính năng đều tốt hơn ngoại trừ việc không có LED ánh sáng đỏ.