Review túi Vanquest PPM HUSKY 2.0: hợp lý!

0
684

So sánh kích thước của 3 dòng túi Vanquest PPM

PPM Husky 2.0 là mẫu túi đựng đồ EDC cỡ trung của Vanquest, lớn hơn PPM Slim 2.0 và nhỏ hơn PPM HUGE 2.0. Đây là chiếc túi được đánh giá rất cao trong cộng đồng người chơi EDC vì kích thước đủ nhỏ gọn để bỏ túi áo khoác, balo và khả năng chứa đồ cực kì bá đạo.

Mình thấy chiếc túi này rất tương đồng với dòng Pocket Organizer của Maxpedition nhưng thiết kế của Vanquest có phần hiện đại và trẻ trung hơn.

Với hệ thống gồm ~ 20 ngăn đựng đủ các kích cỡ thì PPM Husky 2.0 đem tới khả năng tùy biến rất tốt. Ứng dụng của nó không chỉ dừng lại ở đựng đồ EDC (mang theo hàng ngày) mà có thể là đồ sơ cứu, xây dựng kit sinh tồn,…


> Bạn có thể mua hàng tại EDCZone <


Video

1. Tại sao cần túi đựng đồ EDC (EveryDayCarry)?

Những anh em có thú chơi đồ EDC như mình mỗi khi ra đường thì người không khác gì cái “siêu thị di động”. Nhẹ nhàng thì mang 1 cây dao đa năng, 1 cây đèn pin, điện thoại với chùm chìa khóa. Chứ còn lên đủ đồ thì số lượng phải lên tới hàng chục.

Ngay cả khi đem theo balo thì chúng ta vẫn cần một chiếc túi khác để sắp xếp riêng những món đồ nhỏ này cho tiện cất/sử dụng và tránh bị “hack” hay đánh rơi mất.

2. Chất lượng hoàn thiện

Vanquest với Maxpedtition là 2 thương hiệu lớn về balo, túi, phụ kiện chiến thuật cũng như EDC,… Sản phẩm của họ được hướng tới thị trường quân sự, dân sự, người chơi outdoor nên về độ bền là không phải bàn. Những chất liệu vải tốt và bền nhất của hãng Codura luôn có mặt trong hầu hết mọi dòng sản phẩm.

Mình đã trải nghiệm cả 2 hãng và đánh giá chất lượng của họ là ngang nhau, chỉ khác nhau về tư duy và ngôn ngữ thiết kế sản phẩm. Đa phần hàng của Vanquest trông trẻ trung và hợp với giới trẻ hơn!

Quay trở lại với PPM Husky 2.0 thì toàn bộ túi được gia công từ vải Codura 500-D với lớp phủ kháng nước DWR (Durable Water Repellent).

  • Codura 500-D là 1 phiên bản trọng lượng nhẹ hơn của vải 1000-D nổi tiếng về độ bền, nhưng về cơ bản tính chất của 2 loại là như nhau.
  • Codura là loại vải đạt tiêu chuẩn quân sự với khả năng chống mài mòn cực tốt, kháng nước nhẹ nếu có lớp phủ. Gần như mọi mẫu balo dùng trong quân đội các nước phát triển đều cấu tạo từ loại vải này.

Đây là chiếc ví Maxpedition C.M.C mình dùng được khoảng 3 năm với cấu tạo từ vải Codura 1000-D. Ngoài việc bẩn do không bao giờ giặt ra thì nó gần như không có dấu hiệu gì của việc cũ, mòn, sờn, rách dù mình dùng không giữ gìn gì, quăng quật suốt.

Các đường may của túi đều được gia cường với 2 lớp bằng chỉ Nylon siêu bền.

Mặt trong sử dụng vải Nylon 210-D siêu nhẹ, kháng nước khá ổn và tông màu cam đặc trưng dễ nhận biết của Vanquest.

Các ngăn dạng cài đều từ chất liệu nylon co giãn tốt và bền.

Khóa kéo hàng xịn của YKK (chiếm 8-90% thị phần khóa kéo toàn cầu), độ bền có thể nói là theo vòng đời của sản phẩm.

Dây kéo Paracord loại xịn.
“Thiết kế tại Mĩ và sản xuất tại Đài Loan”

-> Nhìn chung không có chi tiết nào trên chiếc túi này là hàng kém chất lượng hay không có thương hiệu cả. Có thể nói là chiếc túi mua 1 lần dùng cả đời!

3. Thiết kế tổng thể

Bên EDCZone có 3 màu của mẫu Husky 2.0 này, mình lấy màu đen cho sạch và đỡ gây chú ý.

Như mình đã đề cập thì PPM Husky 2.0 là dòng túi tầm trung với kích thước tổng thể: 16.51 cm x 12.07 cm x 2.54 cm.

Trọng lượng: ~ 110g.

Kích thước này không đủ gọn để bỏ túi quần Jean được, nhưng các loại quần túi hộp hay túi áo khoác thì ok. Mình thì bỏ ở một ngăn nhỏ của Balo hay mang đi làm hàng ngày.

Mặt trước của túi có 1 vị trí để dán các loại patch với kích thước ~ 9 x 4cm.

Phía dưới là 1 ngăn đựng khá rộng có khóa dán Velcro. Mình hay đựng tiền lẻ, vé xe trong này bởi nó dễ lấy và cũng không lo bị rơi đồ ra.

Mặt sau là quai sách chính với các đường may gia cường rất chắc chắn, hệ thống đai cài MOLLE/PALS chuẩn quân sự giúp gắn chiếc túi lên các loại balo chiến thuật.

Để gắn được túi lên những loại balo đó thì phải mua thêm đai cài, mặc định theo túi sẽ không có.

Món này phải mua thêm

 

Vanquest còn bán rời cả một chiếc dây đeo đa năng để biến Husky 2.0 thành túi đeo chéo, tiện phết!

Mở chiếc túi ra là bạn sẽ bị choáng với hệ thống 16 ngăn cài đồ đủ các kích cỡ. Theo như Vanquest thì những ngăn cài này được thiết kế theo cấu trúc tổ ong với ưu điểm tối ưu được không gian hơn khoảng ~ 15% so với cấu trúc đặt song song. Đây cũng là điểm ăn tiền chính của Vanquest so với các đối thủ khác trên thị trường.

Tiếp theo là 2 ngăn cỡ lớn bằng vải Nylon 210-D có thể chứa sổ tay, tiền, giấy tờ, đồ sơ cứu,…

Và 2 móc để treo chìa khóa.

4. Khả năng chứa đồ

Đây là những món cơ bản mình mang theo hàng ngày, có thể thêm bớt tùy tình huống.

Hệ thống ngăn cài thiết kế rất thông minh cho phép sắp xếp các món như đèn pin, dao Victorinox, bút, pin, cáp sạc,… nhanh và hợp lý.

Cấu trúc tổ ong cho phép gấp lại hạn chế tối đa trường hợp bị cấn, cộm.

Ở 2 ngăn to thì mình để sổ tay và ít thẻ ngân hàng ở 1 bên.

Ngăn còn lại chứa gọn cục pin dự phòng 10.000mAh.

Ngăn bên ngoài đựng ít tiền lẻ, băng dán cá nhân và vé xe nếu có.

Và tổng thể khi gấp lại nó sẽ dày cỡ này.

Trọng lượng gần 1kg.

Trên đây chỉ là set up theo nhu cầu sử dụng cá nhân của mình, và đó vẫn chưa phải là giới hạn của chiếc túi Husky 2.0 này. Lên youtube và gõ từ khóa “Vanquest PPM Husky 2.0” là bạn có thể thấy rất nhiều set up khác nhau với đồ còn to và cồng kềnh hơn, có người còn nhét nguyên cả set đồ sơ cứu rất đầy đủ vào bên trong!

5. Tổng kết

Tính tới thời điểm hiện tại thì đây là chiếc túi EDC mình ưng ý nhất, từ thiết kế tổng thể, chất lượng hoàn thiện, chất liệu cho tới thao tác sắp xếp và lấy đồ nhanh gọn.

Mình nhận ra rằng giới hạn của chiếc Husky 2.0 này là nó có thể chứa đồ cho tới khi độ dày đạt ~ 7cm, và khi đó đóng mở sẽ khá khó khăn. Nhưng về cơ bản với một set up hợp lý thì đây sẽ là chiếc túi đáp ứng > 90% các nhu cầu hàng ngày hay đi du lịch!