Xây dựng 1 balo sinh tồn | (Bug-out bag)

0
6911

Hollywood có nhiều tựa phim hành động với mô típ là nhân vật chính đang có một cuộc sống yên bình như bao người. Bỗng dưng một ngày thì có biến cố ập tới, có thể là thảm họa thiên nhiên, bị một tổ chức nào đó truy đuổi,… và họ phải chạy trốn khỏi chính căn nhà của mình. Trong những lúc hoảng loạn và có thời gian ngắn ngủi như vậy thì may mắn lắm và kịp lấy cái điện thoại, ví tiền và thậm trí có người còn không đủ bình tĩnh để xỏ được đôi giày.

Những bộ phim như vậy đặt cho chúng ta câu hỏi về cuộc sống thực tại: liệu ta có được chuẩn bị đầy đủ cho những biến cố bất ngờ không? cuộc sống ai mà biết trước điều gì sẽ sảy ra vào ngày mai hay thậm trí và vài tiếng nữa? Liệu rằng nếu có tình huống xấu xảy ra và bạn cùng gia đình phải di tản đi nơi khác thật nhanh thì trong một thời gian ngắn có đủ để chúng ta gom hết những đồ đạc thiết yếu hay không?

Những câu hỏi này đã tạo nên một trào lưu có từ khá lâu trên thế giới đó là: Bug-out bag hay gọi tắt là BOB.

BOB ở Việt Nam tôi chưa thấy phổ biến lắm nhưng ở những nước như Mĩ thì lại có những cộng đồng rất lớn. Nước họ có tình hình chính trị không ổn định và văn hóa súng đạn lâu đời. Họ là những người luôn muốn bản thân và gia đình được chuẩn bị tốt nhất để sinh tồn khi có bất kì bất trắc gì xảy ra.

Mỗi người sẽ có một tư duy riêng để xây dựng một BOB hay balo/túi sinh tồn với những trang bị mà họ cho là thiết yếu nhất.

Tất cả những đồ đạc này sẽ được chuẩn bị sẵn rồi để vào trong một balo và khi có biến thì chỉ cần xách balo, lấy khóa xe và lên đường.

Như tôi đã nói, mỗi người sẽ có một tư duy riêng để tự xây dựng một BOB. Chúng ta sẽ đặt ra những tình huống giả định về môi trường mà mình cần sinh tồn, từ đó cơ cấu đồ đạc sao cho hợp lí. Vì BOB thường có rất nhiều đồ lặt vặt nên sẽ mất một khoảng thời gian để có thể hoàn thiện và bổ sung dựa theo sự thay đổi trong nhận thức và học hỏi từ cộng đồng.

Trong khuôn khổ bài viết này thì tôi sẽ tự xây dựng một balo sinh tồn riêng với những món thiết yếu nhất. Khi chọn đồ cho bộ BOB này tôi luôn cố kiềm hãm việc thêm vào những đồ không thật sự cần thiết để đảm bảo được trọng lượng tối ưu nhất.

Dưới đây là list đồ của tôi, chúng vẫn chưa thật sự đầy đủ nên sẽ được bổ sung, hoàn thiện theo thời gian.

1. Một cây dao đa năng

Dao của Victorinox xứng đáng có trong mọi set đồ sinh tồn bởi chất lượng và sự thực dụng. Tôi chọn dòng 111mm để có thể dùng thoải mái hơn với cường độ cao.

Onehand Trekker German Army Green là cây Vic mà tôi chọn. Cây này có các chức năng cơ bản nhất mà tôi thấy là cần để sinh tồn:

  • Lưỡi dao lớn có răng cưa
  • Cưa gỗ
  • Mở nắp chai kiêm vặn vít 2 cạnh
  • Mở đồ hộp kiêm vặn vít 2 cạnh nhỏ
  • Vặn vít 4 cạnh ở sau lưng
  • Dùi đục

Nó có lưỡi dao chính lớn, mở được bằng một tay, có khóa lưỡi và đặc biệt là lưỡi răng cưa. Tôi chọn lưỡi răng cưa là bởi với cùng một cường độ sử dụng thì nó lâu phải mài lại hơn lưỡi thẳng khá nhiều. Chưa kể lưỡi răng cưa cắt các loại dây thừng rất ngọt.

Nó có cả khóa lưỡi.

Vặn vít 4 cạnh và dùi đục ở mặt sau.

2. Dây Paracord

Tôi mang theo một cuộc Paracord 550 dài 30 mét. Nó chịu lực được tối đa 250kg và rất đắc lực khi cần buộc, căng gì đó hoặc làm bẫy thú.

3. Đèn pin và pin sơ cua

Nếu chỉ mang 1 cây đèn pin duy nhất thì hãy chọn đèn đeo trán, nó cho phép bạn rảnh tay để làm các việc khác. Tôi muốn đề phòng việc đèn chính hỏng nên có mang theo một cây đèn cầm tay nữa. Cả hai đều dùng pin sạc 18650 nên cho độ sáng và runtime cực tốt.

Đèn đeo trán tôi chọn Fenix HM65R vì trọng lượng nhẹ và độ tin cậy cao. Nó có các mức sáng linh hoạt để dùng trong mọi tình huống. Với độ sáng 50 Lumens thì nó sáng liên tục được gần 100 tiếng! Hơn nữa cây nào có cả cổng sạc trên thân nên có thể dùng để sạc đống pin luôn.

Review Fenix HM65R

Đèn cầm tay tôi chọn Fenix TK06, nhỏ gọn, mạnh mẽ và rất cứng cáp.

Review Fenix TK06 

Trong mỗi cây đèn đã có sẵn 2 pin sạc 18650. Tôi mang thêm 2 viên nữa đã sạc đầy, tổng là 4 pin để thoải mái sử dụng.

4. Sạc dự phòng

Tôi mang 1 cục sạc dự phòng 10.000mAh, 1 adapter và cáp sạc cho các loại máy phổ thông bây giờ. Có thể sẽ phải bổ sung thêm 1-2 cục nữa dung lượng cao hơn nếu đi dài ngày.

Tất cả đựng gọn trong 1 case như này. Cho ai thắc mắc thì đây là túi đựng ổ cứng, bán đầy trên mạng.

5. Đồ tạo lửa

Nếu phải nhóm một đống lửa và tệ nhất là củi bị ẩm thì cồn khô hoặc xăm xe sẽ là cứu tinh. Nó tiết kiệm cho bạn cả đống thời gian để tìm mồi lửa khô.

Không nên mang diêm hoặc bật lửa zippo bởi diêm dễ bị dính ẩm còn zippo thì nhanh bị bay xăng. Một cái bật lửa rẻ tiền là đủ, nếu cẩn thận hơn thì mang 2 cái hoặc mang thêm thanh đánh lửa.

6. Chăn giữ nhiệt khẩn cấp

Món này chắc quen thuộc với dân outdoor. Nó là một miếng Nylon tráng bạc có thể gấp gọn trong lòng bàn tay và khi mở ra sẽ có kích thước là 210 x 130cm. Chắc năng chính là giữ nhiệt cho cơ thể khi ở thời tiết lạnh bất ngờ hoặc vào ban đêm.

Ngoài ra còn có thể dùng nó làm bạt che mưa, chắn gió,…

Chăn này có loại cao cấp có thể dùng được nhiều lần, giá khoảng 200k, còn lại của tôi là dùng 1 lần giá 50k. Nếu chuẩn bị BOB cho gia đình thì nên mua khoảng vài cái.

7. Ống tay chống nắng

Để bảo vệ tay khỏi cháy nắng và tia UV. Loại này là hàng xịn của 3M, giá khoảng 190k

8. Còi cứu hộ

Trong tình huống lạc trong rừng thì không ai có sức mà hò hét kêu cứu mãi được. Một cái còi xịn sẽ phát huy tác dụng. Tôi mang theo 1 chiếc 649 Survival của hãng ACME (Made In UK).

10. Đồ sơ cứu

Tôi mang theo 1 bộ sơ cứu cá nhân của hãng Elite First Aid. Đây là hãng rất có tiếng của Mĩ chuyên về đồ sơ cứu cho cá nhân, tập thể và các tổ chức đặc biệt. Hàng của họ được tin dùng bởi rất nhiều cơ quan chính phủ Mĩ.

Trong 1 bộ sẽ có từng này đồ, đủ cho các nhu cầu sơ cứu cơ bản.

Mấy miếng dán cá nhân to và nhỏ.

Gạc vô trùng

Miếng gạc che mắt.

Cái này cũng là gạc vô trùng thì phải.

Miếng lau vết thương được tẩm sẵn cồn

Khăn Ammonia Towelette: cái này dùng để ngửi giúp kích thích hô hấp, ngăn chóng mặt, ngất xỉu,…

Một loại khăn lau sát khuẩn các vết thương hở nữa.

Miếng dán vào các vết cắn, đốt của côn trùng.

Lại thêm khăn sát trùng. Tóm lại là bộ này có 3 loại khăn sát trùng, tôi vẫn chưa tìm hiểu kĩ xem mỗi loại dùng cho trường hợp nào.

gel bôi cầm máu và cho các vết bỏng.

Thuốc mỡ kháng khuẩn 3 thành phần, dùng để bôi vào vết thương rồi mới dán băng lên.

3 vỉ thuốc giảm đau, mỗi vỉ có 2 viên.

Băng keo y tế.

Một hộp rỗng để đựng thuốc. Hãy đảm bảo mang đủ các loại thuốc mình thường dùng như thuốc huyết áp,…

Tất cả đựng vừa tỏng một hộp nhựa cứng này.

Nó đi kèm cả một tờ hướng dẫn sơ cứu cơ bản.

11. Sổ tay và bút

Đùng để ghi chép khi cần thiết.

Sổ tay Filednote của Mĩ.

Bút chiến thuật của Tacray.

Nó có đầu phá kính và tự vệ.

12. Đồ ăn và nước

Chỗ này để minh hoạ thôi chứ bạn cần ít nhất 2 lít nước và đồ ăn đủ duy trì năng lượng cho vài ngày.

13. Lọc nước

Việc đảm bảo nguồn nước sạch trong dài ngày ở ngoài thiên nhiên là không dễ. Mỗi lít nước mang theo là balo lại nặng thêm 1kg. Giải pháp là mang theo 1 bộ lọc nước di động giúp uống trực tiếp từ sông, hồ, suối, khe,…

Tôi dùng bộ lọc Sawyer Mini, giá thị trường bây giờ vào khoảng 750k và có thể lọc khoảng hơn 300.000 lít nước.

Lưu ý là các bộ lọc như này chỉ có tác dụng lọc vi khuẩn, tạp chất,… chứ không lọc được hóa chất và các kim loại nặng.

14. khăn giấy

Để tiết kiệm không gian thì có thể mua các viên khăn nén, khi nhúng vào nước chúng sẽ nở ra.

15. Balo

Tôi chọn chiếc Addax-18 của Vanquest để đựng tất cả đồ ở trên. Với dung tích 18 lít thì đống đồ trên chưa chiếm hết nên vẫn còn nhiều không gian để bổ sung sau này hoặc dọc đường đi.

Đây là dòng balo cao cấp với chất liệu vải 500-D và 400-D siêu bền, các chi tiết dù là nhỏ nhất đều được hoàn thiện rất tỉ mỉ.

Bề mặt balo được phủ PU kháng nước, sử dụng được trong thời tiết mưa nhỏ và vừa.

Lí do lớn nhất để tôi chọn chiếc này chính là hệ thống các ngăn đựng cực kì phong phố. Nó có hàng tá các ngăn nhỏ, bên trong đó lại là các ngăn nhỏ hơn, phù hợp để những đồ linh tinh như trên.

Ngăn chính rất rộng và có lớp đệm màu cam nổi bật.

Ngăn đựng nước nằm bên trong.

Ngăn đựng laptop.

Cuối cùng là dòng balo này có thiết kế phổ thông, không gây chú ý như balo chiến thuật.

Tổng kết

Mỗi người sẽ có một cách xây dựng BOB riêng cho bản thân và gia đình. Không nhất thiết phải dùng đồ đắt tiền như tôi đã list ở trên, chẳng hạn như cái balo kia của Vanquest có giá gần 4 triệu nhưng bạn có thể thấy cái balo vài trăm nghìn cũng làm được việc. Cả khối lượng đồ đạc cũng vậy, tùy kĩ năng và kinh nghiệm mà có thể thêm bớt tùy ý.

Đồ đạc trong BOB thường sẽ để cố định trong đó và bản thân chiếc balo sẽ nằm ở 1 vị trí thuận lợi như tủ đồ, xe hơi,… để có biến mà xách lên và đi luôn.