Review đèn pin Fenix E18R V2.0: sáng 1200 Lumens, sạc Type-C, pin 16340

0
2046

Chắc các bạn vẫn còn nhớ Fenix E16, cây đèn pin ra mắt năm 2018 và làm mưa làm gió, bán cháy hàng liên tục. E16 là mẫu đèn dùng pin sạc 16340 nhỏ và sáng nhất của Fenix tại thời điểm đó. Nó sáng 700 Lumens và nhỏ đến nỗi dùng treo móc khóa được.

Sau đó khoảng vài tháng thì Fenix tung ra thêm E18R với nâng cấp độ sáng lên 750 Lumens và cổng sạc nam châm. Đáng lẽ E18R đã là một mẫu đèn thành công nhưng mình phát hiện ra một lỗi rất ngớ ngẩn đó là chỉ cần tác động mạnh vào đuôi thì đèn sẽ tự động tắt. Mình thử hết tất cả E18R ở cửa hàng thì đều dính lỗi này nên quyết định ngưng bán.

Và bây giờ, 4 năm sau thì chúng ta đã có phiên bản V2.0 của E18R. Đối với mình thì việc Fenix tiếp tục nâng cấp E18R đã chứng tỏ một việc rằng hãng còn rất mặn mà với loại pin sạc 16430 vốn đã xuất hiện trên thị trường quá lâu.

Mặc dù hiện nay đã có pin 18350 với kích thước lớn hơn chút và dung lượng có thể gấp đôi nhưng 16340 vẫn là loại pin được nhiều hãng lựa chọn gắn bó. Với dung lượng cao nhất có thể đạt 700mAh, kích thước nhỏ và siêu nhẹ thì 16340 thực sự là loại pin lý tưởng để làm ra những cây đèn pin mini nhỏ, gọn và siêu sáng.

1. Video

2. Thông số kĩ thuật

  • Độ sáng tối đa 1200 Lumens, chiếu xa 146 mét
  • Sử dụng bóng led Luminus SST40 ánh sáng trắng
  • Tương thích pin sạc 16340
  • Cổng sạc USB Type-C
  • Clip cài túi 2 chiều
  • Thân đèn bằng hợp kim nhôm A6061-T6
  • Kích thước:67 x 22 x 22mm
  • Trọng lượng: 56g
  • Chống nước: IP68

3. Đánh giá chi tiết

Cách đóng hộp:

Đèn pin Fenix E18R V2.0 có tổng cộng 5 mức sáng và 1 chế độ nháy Strobe.

Phụ kiện đi kèm bao gồm:

  • 1 pin sạc 16340 dung lượng 700mAh
  • 1 cáp sạc Type-C
  • Dây đeo tay
  • Gioăng cao su dự phòng
  • HDSD

Viên pin sạc 16340 dung lượng 700mAh của Fenix. Pin có mạch bảo vệ ở cực dương.

Cây đèn dài bằng 2 viên pin này.

So kích thước với Olight Baton 3 thì Fenix E18R V2 dài hơn chút, còn trọng lượng thì cũng ngang nhau khoảng 54g (cả pin).

Đầu cũng to hơn chút.

Kích thước rất tối ưu cho một cây đèn pin EDC, phù hợp nhu cầu sử dụng không quá cao.

Vì đặt công tắc trên thân nên E18R V2 cho cảm giác hơi lọt thỏm khi thao tác.

Dù có kích thước nhỏ nhưng chất lượng gia công của E18R V2 cực kì tốt và tinh xảo. Đèn cũng có thiết kế đẹp và liền khối.

Clip cài túi 2 chiều tiện lợi và trông cũng ăn nhập với đèn.

Fenix E18R V2 có thể cài mũ lưỡi trai để dùng như headlamp một cách thoải mái bởi trọng lượng của đèn cũng rất nhẹ.

Đuôi đèn phẳng nên có thể dựng đứng.

Lỗ xỏ dây đeo tay làm rất dày dặn và không có cạnh sắc.

Một cây đèn như này mà không có đuôi nam châm thì rất đáng tiếc. May là nam châm của E18R V2 hít còn mạnh là đằng khác.

Hít ngang hay dọc đều được hết, tiện lợi cho nhiều tình huống sử dụng chẳng hạn kiểm tra động cơ xe hơi,…

Đèn chỉ tháo được đuôi còn đầu được dán keo khóa ren.

Thân làm khá dày so với một cây đèn có kích thước cỡ này.

Phần dày hơn của thân là do chỗ đó ăn một phần vào ren vặn chứ thực tế đèn pin của Fenix gia công rất chuẩn, không có chuyện than chỗ mỏng chỗ dày.

Ren vặn dạng vuông và có gioăng cao su đảm bảo kín nước IP68.

Tiếp xúc cực dương là dạng cứng và có 2 chấu chống lắp ngược cực ở 2 bên. Điều này có nghĩa đèn chỉ dùng được pin sạc 16340 có đầu lồi.

Lò xo đuôi được mạ vàng, bên dưới có thể thấy viên nam châm đất hiếm kích thước khá lớn.

Fenix E18R V2.0 có duy nhất công tắc chính đặt gần vị trí đầu đèn. Công tắc này làm bằng kim loại nên đảm bảo được độ bền, không bị rách khi dùng lâu như công tắc cao su.

Ngay chính giữa là một đèn led nhỏ báo dung lượng pin. Đèn led này sẽ sáng khoảng 3s sau mỗi lần bật đèn và cho biết pin còn đầy hay sắp cạn.

  • Đèn báo xanh là pin đầy
  • Nháy xanh là pin còn khoảng 50%
  • Báo đỏ là còn dưới 25%
  • Nháy đỏ là pin sắp cạn

Mình thấy công tắc này cho cảm giác bấm tốt và nó được làm nhô lên nên đeo găng tay cũng dễ dàng thao tác.

Phía đối diện công tắc là cổng sạc Type-C được đậy bằng nắp cao su chắc chắn. Ở phiên bản đầu tiên thì E18R trang bị sạc nam châm. Mình đánh giá cao sạc nam châm của Fenix bởi nó rất ổn định, không lắm lỗi vặt như sạc của Olight đời đầu.

Ở phiên bản V2 này hãng lại thay bằng cổng sạc Type-C thì mình thấy đây cũng là điều hợp lý bởi đèn có thể dùng chung dây sạc với nhiều thiết bị điện tử khác mà bạn mang theo. Còn sạc nam châm thì đi đâu lại phải mang thêm một sợi dây riêng và lỡ đánh mất thì đố mua lại ngay được.

Dòng sạc khá là nhanh với viên pin 16340 này. Với tốc độ này thì thực tế chỉ mất khoảng 1h20p để đầy pin.

Fenix E18R V2 có hệ thống quang học là sự kết hợp của thấu kính TIR với bóng led Luminus SST40 cho độ sáng cao 1200 Lumens.

Thấu kính TIR là sự lựa chọn tối ưu nhất cho những cây đèn cần nhỏ gọn và cho ra ánh sáng chiếu rộng.

Ánh sáng của E18R V2 có thể nói là hoàn hảo, rất đẹp và chiếu rộng.

Mình đặc biệt thích độ sáng Moonlight 1 Lumens.

Nghe có vẻ thấp nhưng 1 Lumens là đủ dùng ở khoảng cách rất gần để không gây chói mắt.

4. Giao diện sử dụng

Một điểm hay của đèn pin Fenix đó là sự đồng bộ về cách sử dụng. Gần như mọi cây đèn có cách bố trí công tắc giống nhau thì dùng như nhau, nên là không mất thời gian làm quen khi nâng cấp.

Với một cây đèn điển hình sử dụng công tắc chính trên thân như E18R V2 thì cách sử dụng như sau:

  • Nhấn giữ công tắc 0.5s để bật/tắt đèn
  • Khi đèn đang bật, nhấn công tắc 1 lần để chuyển qua lại các mức sáng
  • Nhấn giữ công tắc 1.2s để kích hoạt nháy Strobe (cả khi đèn đang bật hay tắt đều được)

Để tránh cho đèn bị vô ý kích hoạt khi để trong túi hay balo thì bạn có thể khóa nó lại, có 2 cách để khóa:

  • Cách 1: vặn lỏng nắp đuôi một tí
  • Cách 2: khi đèn đang tắt, nhấn nhanh công tắc 2 lần là đèn sẽ khóa. Làm tương tự để mở khóa.

5. Khả năng chiếu sáng

5.1 Trong nhà

1 Lumens

30 Lumens

150 Lumens

350 Lumens

1200 Lumens

5.2 Ngoài trời

Chưa bật đèn, khoảng cách ~ 25 mét.

1200 Lumens.

Fenix E18R V2 chiếu xa 146 mét theo thông số, nhưng mình thấy nó thực dụng nhất ở khoảng 5-60 mét đổ lại. Do hôm test đèn chưa tìm được chỗ nào rộng hơn nên mình chiếu tạm ở đây, cũng khá ổn.

350 Lumens.

150 Lumens.

30 Lumens.

6. Runtime

Sau khi đo runtime và xuất ra biểu đồ của Fenix E18R V2 thì mình thực sự rất ngạc nhiên.

  • Đầu tiên là độ sáng Turbo 1200 Lumens (đường màu xanh): theo biểu đồ thì đèn duy trì Turbo chưa được 1 phút đã hạ sáng, cái này không có gì lạ với một cây đèn cỡ nhỏ. Nhưng sau đó độ sáng hạ xuống cỡ 50%, mà nếu đúng theo thông số thì sẽ là 600 Lumens và duy trì liên tục tới 20 phút?! Đây là điều mình thấy thực sự khó hiểu vì để duy trì được 600 Lumens liên tục trong thời gian dài như vậy thì một cây đèn cỡ to dùng pin 18650 còn chật vật. Kết quả trên cho mình suy đoán rằng độ sáng thực tế của cây này không phải là 1200 Lumens mà thấp hơn, tầm 800-1000 Lumens gì đó. Đây cũng là sai số không tệ nếu mình đoán đúng, còn trong thời gian tới mình sẽ tìm cách đo và so sánh độ sáng của cây này với Olight Baton 3 để xác thực.
  • Độ sáng cao 350 Lumens (đường màu cam): E18R V2 duy trì độ sáng này 1 mạch tới 50 phút trước khi hạ dần thì hết pin, tổng runtiem đạt 69 phút. Như Olight Baton 3 cũng có thể duy trì 300 Lumens trong 87 phút nên mình thấy kết quả này không lạ lắm.

7. Tổng kết

Nhìn chung thì Fenix E18R V2 có tất cả những yếu tố mình kì vọng ở một cây đèn pin EDC trong phân khúc dùng pin sạc 16340, từ nhỏ gọn, gia công tốt, độ sáng cao cho tới các tính năng phụ như clip cài 2 chiều, đuôi nam châm và sạc Type-C.

Còn nếu để chê thì có lẽ là giao diện sử dụng của nó chưa cho phép truy cập nhanh mức sáng thấp và cao nhất, mà cái này trong bài review đèn pin Fenix nào mình cũng có đề cập. Dần dần mình hiểu ra vấn đề làm Fenix không muốn làm như vậy dù họ thừa sức, lý do là muốn ai cũng có thể dùng được đèn của mình, kể cả những người lớn tuổi.

Các bạn muốn mua cây này có thể xem tại Bisu.vn với giá 1.480.000đ