Review đèn pin chiến thuật Fenix TK22 Tac: 2800 Lumens, pin 21700

0
1925

TK22 là dòng đèn pin chiến thuật của Fenix đã trải qua tới 6 phiên bản kể từ năm 2012. Điểm đặc biệt nhất của dòng đèn này chính là đường kính đầu đèn vẫn luôn là 40mm, không hề thay đổi suốt cả chục năm qua.

Đường kính trung bình của các mẫu đèn thuộc dòng TK khác như TK15, TK16 hay TK20 là khoảng 34mm. Điều này có nghĩa rằng TK22 có đầu lớn nhất và khả năng chiếu xa cũng tốt nhất.

Phiên bản TK22 U2 đầu tiên vào năm 2012 dùng bóng Cree XM-L2 đã có khả năng chiếu xa tới 300 mét, một con số không hề nhỏ vào thời điểm đó.

Và phiên bản mới nhất là TK22 Tac trong bài Review ngày hôm nay đạt độ sáng cực đại 2800 Lumens, chiếu xa tới 540 mét. Ở mẫu đèn mới này Fenix sử dụng cụm công tắc đuôi độc đáo đã xuất hiện từ TK11 Tac đem lại khả năng tác chiến và tự vệ vượt trội. Thân của TK22 Tac cũng được nâng cấp lên pin 21700 và có thể sử dụng cả pin 18650 khi cần thiết.

Đèn pin Fenix TK22 Tac đang được bán với giá 2.890.000đ tại Bisu.vn với chế độ bảo hành 5 năm chính hãng!

1. Video

2. Thông số kĩ thuật

  • Độ sáng tối đa 2800 Lumens
  • Chiếu xa 540 mét
  • Sử dụng bóng led Luminus SFT70
  • Tương thích pin sạc 21700 hoặc 18650
  • 2 chế độ sáng linh hoạt là Duty và Tactical
  • Thân đèn bằng hợp kim nhôm A6061-T6
  • Kích thước: 154 x 40 x 26mm
  • Trọng lượng: 156g (chưa pin)
  • Chống nước: IP68

3. Đánh giá chi tiết

Cách đóng hộp quen thuộc.

Với đặc trưng của cụm công tắc tác chiến dạng xoay thì TK22 Tac sẽ có 2 chế độ sáng riêng biệt là Tactical và Duty. Trong đó Tactical sẽ chỉ có mức sáng cao nhất và nháy Strobe, còn Duty có tổng 4 mức sáng + nháy Strobe.

Nếu ai đã sử dụng TK11 Tac hoặc PD36 Tac thì chắc không còn lạ lẫm gì.

Phụ kiện đi kèm rất đầy đủ, mua về là dùng luôn.

  • 1 bao đựng
  • 1 pin sạc 21700
  • 1 cáp sạc Type-C
  • O-ring chống nước sơ cua
  • HDSD

Với kích thước đầu đèn to nên TK22 Tac không phù hợp để bỏ túi quần. Cho đèn vào bao đựng rồi cài ở thắt lưng hay balo là sự lựa chọn tối ưu.

Viên pin sạc 21700 đi kèm cũng là loại cao cấp nhất Fenix đang bán với dung lượng 5000mAh và cổng sạc Type-C trên thân.

Nếu mua lẻ thì giá viên pin này là 695.000đ.

Cực dương làm lồi lên và có đèn led nhỏ để báo tình trạng pin.

Có thể sạc trực tiếp cho pin qua những nguồn USB 5V thông dụng.

Khi sạc sẽ có đèn led báo đỏ, pin đầy đèn chuyển xanh.

Đầu đèn to với đường kính lên tới 40mm nhưng nhờ thân sử dụng pin 21700 nên mình thấy TK22 Tac vẫn rất cân đối và đẹp. Với phong cách thiết kế của Fenix thì cây đèn trông đơn giản, cứng cáp và không có các chi tiết nhỏ phức tạp.

Và khi so sánh với TK11 Tac thì bạn sẽ nhận ra 2 cây đèn này ngoài kích thước ra thì thiết kế gần như y hệt nhau nên có thể gọi là anh em ruột.

TK11 Tac lên kệ vào năm 2020, cấu hình khá khủng với 1600 Lumens, chiếu xa > 300 mét và thân dùng pin 18650 nên đèn rất nhỏ gọn. Đây cũng là cây đèn pin đầu tiên sử dụng cụm công tắc tác chiến đặc biệt của Fenix với sự kết hợp của công tắc xoay và công tắc nhấn 2 tầng.

Đặt thêm Fenix TK20R V2.0 bên cạnh để thấy rõ tương quan về kích thước.

TK22 Tac đầu to vượt trội hơn hẳn.

Chóa đèn cũng to và sâu hơn.

TK11 Tac khá nhỏ gọn, có thể bỏ túi quần.

TK22 Tac thì to hơn hẳn, bỏ túi quần chật thì sẽ rất cấn và khó chịu.

Nhưng bù lại là cảm giác cầm nắm thật sự tuyệt vời nhờ thân đèn to.

Trọng lượng cả pin của cây này là 228g.

Đèn tháo đuôi để thay pin, còn đầu đã được gắn keo khóa ren.

Thân rất dày dặn, không có cạnh sắc hay ba via.

Tiếp xúc cực dương là dạng lò xo. Điều này có nghĩa TK22 Tac dùng được cả pin 21700 đầu phẳng lẫn đầu lồi.

Và lợi thế lớn của những cây đèn dùng pin 21700 là chỉ cần qua một cái adapter là có thể dùng được cả pin 18650.

Cái adapter này hàng chính hãng của Fenix chỉ có 100.000đ. Các cực tiếp xúc đều được làm bằng đồng chất lượng tốt để tối ưu hóa khả năng dẫn điện.

Lò xo của công tắc đuôi được mạ vàng.

TK22 Tac đi kèm clip cài túi, mình thấy nó dùng để cài thắt lưng thì ổn hơn và còn có tác dụng chống lăn cho đèn.

Hệ thống quang học của TK22 Tac bao gồm chóa phản xạ trơn kích thước lớn và led Luminus SFT70 giống như trên Fenix TK20R.

SFT70 là thế hệ led mới của Luminus được thiết kế chuyên dụng để chiếu xa. Mình thấy SFT70 giống phiên bản được loại bỏ cái chóp hình cầu bằng Silicon của SST70 và thay vào đó là một lớp Silicon mỏng và phẳng. Thiết kế này cho ánh sáng gom hơn, chiếu xa tốt hơn và cũng phải mới mẻ gì. Từ rất lâu thì dân mod đèn pin đã biết tới kĩ thuật “dedome”, hiểu đơn giản là gọt bỏ cái lớp chóp đi cho con led chiếu xa hơn.

Theo thông số Luminus đưa ra thì con led SFT70 nào có thể được ép lên độ sáng 3400-4000 Lumens, còn Fenix chỉ cho chạy ở ngưỡng an toàn là 2800 – 3000 Lumens. Mình thấy đây là một nước đi đúng đắn bởi nó sẽ giúp led đạt hiệu suất và độ bền tốt nhất.

Chóa đèn sạch sẽ không một hạt bụi.

Hệ thống quang học chính xác cho ra ánh sáng đẹp gần như hoàn hảo.

Nhìn chung mình thấy TK22 là cây đèn có thiết kế đẹp, đơn giản và rất cân đối. Chất lượng hoàn thiện của Fenix cũng thì cũng không cần phải càn bãi gì thêm.

Nhưng đáng nói nhất vẫn là cụm công tắc đuôi này. Mình cũng nói rất kĩ về cụm công tắc này trong bài review Fenix PD36 Tac rồi. Đây là một cụm công tắc đa năng kết hợp giữa công tắc xoay cơ khí và công tắc bấm điện tử.

Công tắc xoay chuyển đèn qua lại giữa 3 chế độ là: Tactical (tác chiến), Duty (sử dụng thông thường) và Lockout (khóa an toàn).

Còn công tắc nhấn là để bật/tắt và chuyển đổi mức sáng. Đây là công tắc điện tử và có 2 nấc, bấm chưa quen thì không thấy sướng như công tắc cơ nhưng ưu điểm lớn nhất là êm và gần như gây rất ít tiếng động.

Và thao tác công tắc xoay kia cũng rất nhanh và chính xác chỉ bằng một tay.

Công tắc kiểu này đem lại trải nghiệm sử dụng khác hoàn toàn với kiểu một công tắc chính ở đuôi và công tắc phụ ở gần đầu như đa số các mẫu đèn khác của Fenix. Với cụm công tắc mới này thì mọi thao tác đều nhanh và chính xác hơn khi tay không phải chuyển vị trí. Nó cũng cho phép truy cập nhanh độ sáng cao nhất và nháy Strobe chỉ bằng thao tác nhấn, điều mà ít mẫu đèn của Fenix làm được.

Còn về hạn chế thì đầu tiên là đèn sẽ không đứng đuôi được, tiếp theo là không phù hợp với những khách hàng chỉ thuần sử dụng cho những nhu cầu chiếu sáng cơ bản, không cần tác chiến hay tự vệ gì. Nếu dùng kiểu cơ bản như vậy thì mình lại đánh giá cao kiểu bố trí 2 công tắc một trên 1 dưới hơn vì nó rất dễ sử dụng.

4. Cách sử dụng

Công tắc xoay sẽ có 3 vị trí tương ứng với chức năng như trên.

4.1 Chế độ tactical

Ở chế độ này đèn sẽ kích hoạt được 2 mức sáng duy nhất là 2800 Lumens và nháy Strobe.

  • Nhấn công tắc đuôi với khoảng 25-30% lực và giữ thì đèn sẽ sáng tạm thời ở 2800 Lumens, nhả tay ra đèn tắt.
  • Nhấn công tắc đuôi đến khi nghe tiếng click rất nhẹ rồi thả tay ra là đèn sẽ sáng cố định ở 2800 Lumens, thao tác tương tự để tắt đèn.
  • Nhấn công tắc đuôi đến khi nghe tiếng click và giữ tay trong 0.8s là đèn sẽ truy cập ngay chế độ nháy Strobe.

4.2 Chế độ Duty

Hiểu đơn giản thì đây là chế độ sáng cho các hoạt động sử dụng thông thường. Nó cho phép đèn chuyển qua lại giữa 4 mức sáng từ 30 – 1000 Lumens.

  • Nhấn công tắc đến khi nghe tiếng Click để bật đèn sáng cố định. Thao tác tương tự để tắt.
  • Khi đèn đang bật, nhấn nhẹ công tắc rồi nhả tay để chuyển qua lại giữa các mức sáng: 30 – 150 – 350 – 1000 Lumens.
  • Nhấn công tắc đến khi nghe tiếng Click rồi giữ khoảng 0.8s để truy cập chế độ nháy Strobe.

4.3 Chế độ khóa Lock-out

Chuyển công tắc xoay về vị trí giữa như này thì nó sẽ khóa cứng luôn cái công tắc bấm, tránh cho việc đèn bị vô ý kích hoạt khi để trong balo hay túi.

Muốn chắc ăn hơn thì vặn lỏng cái đuôi đèn thêm 1 tí là được, nhưng mình thấy chuyển về lock-out là đã quá đủ.

5. Khả năng chiếu sáng

5.1 Trong nhà

Sân chơi chính của Fenix TK22 Tac là ở ngoài trời nhưng mình thấy chiếu sáng trong nhà cũng không tệ, đặc biệt ở độ sáng 350 Lumens đổ xuống. Độ sáng cao hơn thì rất chói mắt và không cần thiết trừ khi trong các hoạt động tác chiến.

30 Lumens

150 Lumens

350 Lumens

1000 Lumens

2800 Lumens.

5.2 Ngoài trời

Với thông số chiếu xa tới 540 mét thì TK22 Tac dễ dàng chiếu thực tế ~ 270 mét. Ở trong thành phố khó tìm được chỗ nào đủ rộng và tối như vậy.

2800 Lumens

1000 Lumens

350 Lumens

150 Lumens

Khoảng cách sang bờ bên kia là ~ 190 mét theo như đo trên google map.

6. Runtime

Mình đo runtime của đèn ở 3 độ sáng là 2800, 1000, 350 Lumens, và đây là kết quả:

  • Turbo 2800 Lumens (đường màu xanh): duy trì được chưa đầy 1 phút trước khi hạ xuống ~ 1000 Lumens và chạy ổn định trong khoảng ~ 50 phút. Tổng runtime đạt 144 phút ~ 2.4 tiếng.
  • High 1000 Lumens (đường màu cam): duy trì rất ổn định trong suốt 90 phút trước khi hạ dần độ sáng vì hết pin. Tổng runtime đạt 155 phút ~ 2.6 tiếng.
  • Medium 350 Lumens (đường màu xám): mức Medium này theo như kết quả đo thì độ sáng cao hơn thông số, cụ thể thực tế là ~ 420 Lumens chứ không phải 350. Đèn chạy một mạch tới khi hết pin và đạt 382 phút ~ 6.4 tiếng.

So sánh với thông số công bố thì kết quả đo thực tế đều thấp hơn kha khá. Nhưng ở mức Medium thì có thể hiểu được vì đèn sáng hơn so với thông số. Nói chung kết quả của hãng là đo trong phòng thí nghiệm, có nhiệt độ và độ ẩm cố định còn đo thực tế sẽ thay đổi nhiều là tất nhiên. Đo runtime thực tế vào mùa đông sẽ khác mùa hè, phòng điều hòa sẽ khác,… tóm lại là rất nhiều biến số.

7. Tổng kết

Những điểm mình thích:

  • Thiết kế đẹp, cân đối
  • Giao diện sử dụng thông minh, có thể truy cập nhanh Turbo và nháy Strobe
  • Các mức sáng chia hợp lý, chiếu xa rất tốt
  • Duy trì rất tốt ở 1000 Lumens đổ lại
  • Đi kèm đầy đủ pin sạc và phụ kiện

Hạn chế:

  • Đầu đèn to không hợp bỏ túi quần
  • Thông số runtime và độ sáng thực tế chưa sát với công bố (cái này đánh giá chủ quan)

Đèn pin Fenix TK22 Tac đang được bán với giá 2.890.000đ tại Bisu.vn với chế độ bảo hành 5 năm chính hãng!