Review Olight Baton 3: 1200 Lumes, case sạc không dây dung lượng 3500mAh

0
2534

Olight luôn không ngừng hoàn hảo hóa dòng đèn pin EDC chủ lực S Baton dùng pin 16340 của mình. Kể từ phiên bản Olight S10 đầu tiên vào năm 2012 thì gần như năm nào hãng cũng đều đặn tung ra các phiên bản mới và gần đây nhất là Baton 3.

Theo tư duy của Olight thì một cây đèn pin EDC hoàn hảo là sự kết hợp giữa kích thước nhỏ gọn tối ưu, trang bị nhiều mức sáng linh hoạt, giao diện sử dụng thông minh và runtime tốt nhờ viên pin sạc 16340. Chính vì thế các phiên bản mới ra mắt dù được hoàn thiện hơn và trang bị thêm các tính năng nhưng nhìn chung vẫn mang một ngôn ngữ thiết kế.

Olight Baton 3 là phiên bản tiếp theo được nâng cấp từ S1R II với thay đổi một chút về các mức sáng và được trang bị một case sạc không dây dựa theo thiết kế tai nghe Airpod của Apple!

Thông số kĩ thuật:

  • Độ sáng tối đa: 1200 Lumens
  • Chiếu xa: 166 mét
  • Số mức sáng: 5
  • Nháy Strobe: có
  • Loại pin tương thích: pin sạc 16340 custom của Olight
  • Cơ chế sạc: sạc nam châm không dây
  • Kích thước: 63 x 21 x 21mm (chiều dài x đường kính thân x đường kính đầu)
  • Trọng lượng đèn: 53g
  • Chống nước: IP68

Đánh giá chi tiết

Olight Baton 3 sẽ có hai phiên bản: Standard và Premium

Bản Standard có giá 1.550.000, không có case sạc không dây mà chỉ đi kèm dây sạc nam châm.

Có 2 màu: đỏ và đen.

Màu đỏ rất sang và đẹp.

Bản Premium thì có giá 2.390.000đ, đi kèm case sạc không dây dung lượng 3500mAh.

Olight vẫn là hãng đèn có cách đóng hộp đẹp và chỉn chu nhất bây giờ.

Phụ kiện đi kèm bao gồm:

  • Pin sạc 16340 của Olight
  • Case sạc không dây
  • Cáp sạc Type-C
  • Khăn lau đa năng
  • HDSD

Olight rất chu đáo khi cho kèm những phụ kiện mà tưởng chừng chỉ thấy trên các Smartphone cao cấp, chẳng hạn như miếng khăn lau đa năng này.

Pin sạc 16340 được Olight thiết kế riêng với cực dương và âm được kéo về 1 phía để sử dụng được với sạc nam châm của đèn.

Pin dung lượng 550mAh, dòng xả cao 10C (khoảng 6A) để đáp ứng được công suất lớn của đèn.

Cáp sạc Type-C rất chất lượng.

Khá dài chứ không ngắn cụt lủn như dây đi kèm của nhiều hãng khác.

Cáp đạt chuẩn 18AWG (chỉ số kích thước dây dẫn theo tiêu chuẩn của Mĩ), quy đổi ra nghĩa là đường kính mỗi sợi cáp nhỏ bên trong đạt chuẩn 1.0237 mm. Cáp chịu tải 300 volt và chịu nhiệt tối đa 80 độ C. Tôi chưa thấy hãng nào cho đi kèm một sợi cáp có thông số kĩ thuật chi tiết như này.

Món đáng quan tâm nhất chính là cái case sạc không dây này. Nó được làm bằng nhựa với bề mặt nhám, có chất lượng hoàn thiện tốt và cảm giác sờ rất cao cấp.

Kích thước của case rất gọn, có thể bỏ túi quần jean thoải mái.

Case có dung lượng pin 3500mAh, điện áp 3.6V. Thực chất bên trong là một viên pin sạc 18650 với mạch điều khiển. Điện áp sạc vào là 5V – 2A, sạc ra là 4.2V – 1A.

Nó sử dụng cổng sạc Type-C.

Chất lượng hoàn thiện cực tốt.

Case có thể sạc đầy cho Olight Baton 3 khoảng 3.7 lần.

 

Thiết kế này dựa theo tai nghe không dây Apple Airpod, đem lại sự tiện lợi khi sử dụng vì có thể sạc cho đèn mọi lúc, mọi nơi, không còn bị tình trạng cứ đang dùng đèn thì hết pin.

Nam châm ở đuôi đèn sẽ tự hít chặt vào case sạc nên có mở nắp và dốc ngược xuống thì đèn cũng không rơi được.

Case có thể được sạc đầy bằng các nguồn USB 5V thông dụng từ sạc dự phòng, sạc điện thoại,…

Khi sạc sẽ có 1 đèn led báo đỏ, pin đầy đèn chuyển xanh và sẽ tự động ngắt sạc, rất an toàn.

Dòng sạc vào tối đa có thể đạt tới 2A, đây là khi case gần đầy pin rồi nên dòng sạc có giảm.

Đây là một thiết kế lần đầu tiên được áp dụng cho đèn pin, cho thấy việc Olight luôn dẫn đầu trong các thiết kế và xu thế mới. Ngay cả việc tích hợp sạc nam châm vào đèn pin cách đây vài năm thì Olight cũng là hãng làm tốt và táo bạo nhất.

Theo như Olight thì case sạc này chỉ hoạt động an toàn nhất với Baton 3, các phiên bản khác như S1R II, S1R, H1R,… đều không được cho vào dùng!

Có một lưu ý nhỏ dựa trên kinh nghiệm của tôi về pin sạc:

Với thiết kế case sạc này của Olight Baton 3 thì cứ bỏ đèn vào case là sẽ bắt đầu sạc. Điều này rất tiện nhưng trong vài trường hợp sẽ không tốt cho pin. Với đặc điểm của pin sạc Lithium là có thể sạc bất kì lúc nào cũng được, không nhất thiết là phải dùng gần hết cho nên việc sạc liên tục cũng không sao. Tuy nhiên nếu đèn vừa dùng trong một thời gian dài, pin đang nóng mà bỏ vào case để sạc luôn thì rất hại đến tuổi thọ của pin. Chính vì vậy, khi đèn vừa dùng xong mà pin còn nóng thì hãy để nó nghỉ khoảng 30 phút rồi mới bỏ vào sạc, như vậy sẽ tối ưu nhất cho tuổi thọ.

Ai sử dụng tai nghe Airpod hay các loại tai nghe wireless tương tự sẽ nhận thấy là sau 1 năm thì pin của chúng bị xuống cấp rất trầm trọng, thậm chí hỏng không dùng được. Điều này xảy ra là do tai nghe cứ dùng xong, thậm trí sau vài tiếng thì lại bị bỏ vào case để sạc luôn, kết quả là pin bị hỏng nhanh. Điều tương tự cũng áp dụng cho đèn pin nên hãy hết sức chú ý điều này.

Giờ đến nhân vật chính!

Tôi không thấy có sự khác biệt gì nhiều ở thiết kế của Baton 3 với phiên bản S1R II trước đó, nếu không muốn nói là y hệt nhau.

Vẫn là thiết kế đặc trưng của dòng S Baton với thân đèn thon gọn, clip cài 2 chiều và công tắc đặt trên thân.

Trọng lượng của đèn khi chưa pin là 34g.

Cả pin là 52g.

Cả case sạc là 167g.

Tổng trọng lượng của nguyên bộ này chỉ nhỉnh hơn khoảng 30g so với một cây đèn dùng pin 18650 như Fenix PD32 V2.0.

Còn bản thân cây đèn thì cực gọn với trọng lượng cả pin chưa nặng bằng một quả trứng gà tiêu chuẩn.

Những ai đã dùng qua dòng S Baton này thì sẽ thấy chúng đúng là một chuẩn mực riêng của đèn pin EDC, rất cơ động mà hiệu quả. Nếu như vấn đề chính của mấy cây đèn cỡ nhỏ là thời lượng pin kém thì case sạc không dây đã giải quyết việc đó.

Tuy nhỏ nhưng Baton 3 vẫn cho trải nghiệm thao tác tốt.

Olight và Fenix là 2 hãng đèn pin của Trung Quốc có chất lượng hoàn thiện tốt nhất hiện giờ. Cầm Baton 3 trên tay và bạn sẽ có cảm giác nó như một món đồ công nghệ cao cấp chứ không chỉ đơn thuần là đèn pin nữa.

Điểm nổi bật của cây này là clip cài 2 chiều màu xanh dương nổi bật. Clip này cho phép đèn nằm sâu trong túi quần theo cả 2 hướng.

Và nó cũng có thể cài vào mũ để dùng như headlamp.

Với trọng lượng chưa tới 60g thì Baton 3 cho trải nghiệm sử dụng không thua gì headlamp chuyên dụng, chỉ có điều là nó không chỉnh được góc chiếu sáng linh hoạt.

Các rãnh trên thân của Baton 3 được làm to hơn S1R II, cho cảm giác cầm nắm tốt kể cả khi đeo găng hoặc tay ra nhiều mồ hôi.

Thân và đuôi là nguyên khối nên đèn chỉ tháo được đầu.

Thân đèn nhỏ nhưng vẫn khá dày.

Ren vặn dạng vuông có độ bền cao.

Tiếp xúc ở đuôi đèn là lò xo mạ vàng.

Tiếp xúc ở đầu đèn được thiết kế đặc biệt để sử dụng với viên pin sạc 16340 đi kèm.

Đuôi đèn phẳng kiêm sạc nam châm. Baton 3 có thể dùng chung dây sạc nam châm với S1R II hoặc như ở bản Standard, tuy nhiên bản Premium chỉ đi kèm case sạc chứ không có dây.

Nam châm của cây này hít rất mạnh lên các bề mặt kim loại.

Olight bây giờ không công bố loại led sử dụng cho đèn. Với Baton 3 thì led nằm dưới thấu kính TIR nên tôi cũng không dám đoán là loại gì nữa.

Led có nhiệt màu 6000 – 7000k, ánh sáng trắng, công suất 1200 Lumens.

Cá nhân tôi thấy nhiệt màu của cây này khá ổn, trắng đẹp chứ không bị ngả xanh. Nhiệt màu này chỉ tầm 5600k chứ chưa thể tới 7000k được, nhiệt màu 7000k thì nó ngả xanh xấu hoắc rồi.

Thấu kính TIR cho ánh sáng rất đều và mịn, đặc biệt hữu dụng khi dùng ở khoảng cách gần.

Olight Baton 3 trang bị một công tắc duy nhất ở đầu đèn.

Công tắc tích hợp luôn đèn báo pin, đèn xanh là pin đầy và sẽ chuyển dần sang đỏ khi pin gần cạn.

Đèn báo pin của Baton 3 sẽ luôn sáng trong quá trình hoạt động, ngoại trừ ở mức moonlight thì nó chỉ sáng đỏ lên khi pin gần cạn.

Công tắc làm lồi lên nên bấm rất thích, kể cả khi đeo găng tay.

Trong bóng tối thì cũng dễ dàng định vị được vị trí của công tắc để thao tác chính xác.

Giao diện sử dụng

Giao diện sử dụng là thứ tôi đánh giá cao ở Olight và coi đó là chuẩn mực mà các hãng đèn khác phải chạy theo. Ngay cả ở những dòng đèn pin EDC với một công tắc duy nhất là Olight vẫn cho phép người dùng truy cập nhanh Moonlight, Turbo và Strobe.

  • Bật/Tắt: nhấn công tắc 1 lần để bật hoặc tắt đèn. Đèn sẽ nhớ mức sáng cuối cùng được sử dụng.
  • Chuyển độ sáng: khi đèn đang bật, nhấn giữ công tắc để chuyển qua lại các mức sáng Low – Medium – High, đến độ sáng mong muốn thì nhả công tắc.
  • Truy cập nhanh moonlight (0.5 Lumens): khi đèn đang tắt, nhấn giữ công tắc > 1 giây để bật moonlight.
  • Truy cập nhanh Turbo (1200 Lumens): khi đèn đang tắt hoặc bật, nhấn nhanh công tắc 2 lần để truy cập Turbo.
  • Truy cập nhanh nháy Strobe: khi đèn đang tắt hoặc bật, nhấn nhanh công tắc 3 lần để truy cập nháy Strobe, nhấn công tắc 1 lần để trở về chế độ sáng bình thường.
  • Chế độ khóa an toàn: khi đèn đang tắt, nhấn giữ công tắc > 2s để khóa đèn, chế độ này sẽ tránh việc đèn bị vô tình kích hoạt khi để trong túi, balo,…
  • Mở khóa: làm tương tự như khi khóa.

Khả năng chiếu sáng

Trong nhà

1200 Lumens

300 Lumens

60 Lumens

12 Lumens

Moonlight 0.5 Lumens

Ngoài trời

Chưa bật đèn

Turbo 1200 Lumens

High 300 Lumens, mức này đủ dùng ngoài trời

Medium 60 Lumens

2 mức sáng thấp hơn thì quá yếu để dùng ngoài trời nên tôi không chụp.

Turbo 1200 Lumens

Runtime

Runtime của Olight Baton 3 được test với pin sạc 16340 dung lượng 550mAh đi kèm.

Có thể thấy mức Turbo 1200 Lumens của đèn duy trì được trong vòng khoảng 1 phút rồi hạ xuống ~ 300 Lumens và chạy 1 mạch tới khi hết pin. Đường runtime của cả 2 mức là Turbo và High đều rất giống nhau và có tổng runtime cũng chỉ chênh nhau 5 phút.

  • Tổng runtime ở mức Turbo ngay cả khi đã hạ độ sáng là 83 phút ~ 1.4 tiếng.
  • Tổng runtime ở mức High là 88 phút ~ 1.46 tiếng.

So sánh với runtime mà hãng công bố.

Kết luận

Ưu điểm

  • Thiết kế đẹp, chất lượng hoàn thiện rất tốt
  • Nhỏ gọn, nhẹ nhàng, giao diện sử dụng tuyệt vời
  • Các mức sáng phân bổ hợp lý
  • Thiết kế case sạc hay và đột phá, giải quyết vấn đề runtime ngắn của pin cỡ nhỏ

Hạn chế

  • Vẫn phải dùng pin chuyên dụng của hãng thì mới tương thích được với sạc nam châm
  • Ánh sáng hơi trắng quá đối với tôi
  • Thiết kế case sạc hay và thông minh nhưng giá của bản này đắt hơn 800.000đ so với bản tiêu chuẩn. Tôi nghĩ với nhu cầu của nhiều nhiều thì mua bản thường với cái dây sạc là đủ, cùng lắm mua thêm cục pin để dự phòng.