Review Baton 3 Pro Max: trùm cuối đèn pin EDC nhà Olight (2500 Lumens, pin 21700)

0
1868

Sau hơn 11 năm phát triển với hàng chục phiên bản khác nhau thì dòng đèn pin EDC Baton của Olight đã đạt đỉnh của độ hoàn thiện về thiết kế và tính năng. Chẳng hạn như phiên bản gần đây nhất là Baton 3 Pro lên kệ vào cuối năm 2022 thì mình cũng đã thấy Olight chủ yếu tập trung hoàn thiện hơn một vài chi tiết trong thiết kế chứ cũng không có gì quá đột phá thêm so với S2R II Baton.

Nhưng chắc hẳn ai cũng cảm thấy có thứ gì đó thiếu thiếu đúng không? Mình cũng cảm thấy vậy và chính bản thân Olight cũng biết khách hàng đang mong chờ gì: một phiên bản Olight Baton sử dụng pin sạc 21700! Giờ thì điều đó đã thành sự thật với Olight Baton 3 Pro Max, thực ra mình không thích cái tên này lắm, nghe nó cứ bị gì ấy 😅.

Đây có thể coi là phiên bản phóng to của Baton 3 Pro với thân dùng pin sạc 21700, nâng độ sáng lên 2500 Lumens, giữ nguyên sạc nam châm và bổ sung thêm vài tính năng hay ho nữa.

Baton 3 Pro Max được tạo ra cho những người dùng trong hệ sinh thái của Olight và có nhu cầu về thời lượng pin cao cũng như duy trì ổn định được độ sáng > 600 Lumens trong thời gian dài liên tục.

> Hiện Olight Baton 3 Pro Max đang có giá bán 2.220.000đ cùng chế độ bảo hành 5 năm chính hãng tại EDCZone <

 

1. Video

2. Thông số kĩ thuật

  • Độ sáng: 2500 Lumens
  • Chiếu xa: 145 mét
  • Số mức sáng: 5
  • Loại pin: Lithium Ion 21700
  • Loại sạc: nam châm
  • Dòng sản phẩm: Baton (đèn pin EDC)
  • Kích thước: 114 x 26 x 26mm
  • Trọng lượng: 134g (tính cả pin)
  • Khả năng chống nước: IP68

Thông số các mức sáng:

3. Đánh giá chi tiết

3.1 – Mở hộp và phụ kiện

Olight có phong cách đóng gói sản phẩm rất giống Apple với hộp bìa trắng đơn giản mà tinh tế.

Phiên bản Baton 3 Pro Max trong bài review này là ánh sáng trắng (nhiệt màu 5700K – 6700K).

Olight in tới 2 bảng thông số mức sáng bởi ánh sáng trắng và vàng sẽ có hiệu suất khác nhau. Bảnh ánh sáng trắng mình đang có sẽ đạt độ sáng cao nhất 2500 Lumens. Trong đó phiên bản ánh sáng vàng (bảng dưới) sẽ chỉ có độ sáng 2000 Lumens.

Phụ kiện đi kèm đầy đủ, không thiếu món gì đảm bảo mua về là dùng luôn. Bao gồm:

  • Thân đèn
  • Pin sạc 21700 dung lượng 5000mAh
  • Cáp sạc Nam châm
  • Đế chữ L
  • Túi đựng đèn
  • HDSD

Olight sử dụng pin sạc được thiết kế riêng cho đa số đèn pin có cổng sạc nam châm của mình, cây này cũng không phải ngoại lệ.

Viên pin sạc 21700 đi kèm được thiết kế đặc biệt với cực dương (+) và âm (-) ở cùng 1 phía. Điều này có nghĩa Baton 3 Pro Max sẽ không sử dụng được các loại pin 21700 thông thường khác.

Hãng có bán lẻ loại pin này cho khách hàng có nhu cầu mua thêm để dự phòng.

Sợi cáp sạc nam châm cùng loại trên Baton 3 Pro. Olight bọc vỏ nhựa đen cho sợi cáp mới này, nhìn đẹp và sang hơn.

Một chiếc túi rút bằng vải nhung rất đẹp để đựng đèn + phụ kiện, bỏ trong balo đỡ lo xước sát.

Một chiếc đế chữ L bằng kim loại.

1 mặt của đế có sẵn băng keo 2 mặt của 3M.

Và mục đích của món phụ kiện này là dùng chính cơ chế đuôi nam châm của cây đèn để gắn nó cố định tại những vị trí mong muốn trong nhà. Với cây đèn luôn ở cố định 1 vị trí giúp chủ động hơn khi cần sử dụng, tránh việc vội quá rồi loạn lên đi tìm.

Mình đánh giá cao ý tưởng này nhưng hơi quan ngại với việc cái đế được gắn lên các bề mặt bằng băng keo. Có lẽ tốt nhất nên dính lên các bề mặt phẳng và nhẵn như kính, kim loại, gạch hay gỗ đã qua xử lý. Còn các bề mặt gồ ghề như tường thì nên tránh.

3.2 – Chi tiết về thiết kế

Olight Baton 3 Pro Max là một phiên bản phóng to của Baton 3 Pro với thân sử dụng pin 21700 (so với 18650) và độ sáng cao hơn ~ 40%, cụ thể là 2500 Lumens so với 1500 Lumens.

Với 11 năm liên tục phát triển và hoàn thiện dòng đèn pin EDC Baton của mình thì việc Olight không còn thay đổi nhiều thiết kế của những mẫu mới nhất này cũng dễ hiểu. Đơn là là chúng đã quá tối ưu!

Olight Baton 3 Pro với cấu hình pin 18650 và độ sáng 1500 Lumens là lý tưởng cho một cây đèn mang theo người hàng ngày khi đem lại sự cân bằng tốt giữa kích thước và hiệu năng. Viên pin sạc 18650 đem tới khả năng duy trì ổn định ở độ sáng ~ 600 Lumens trong khoảng 3 tiếng, rất ổn áp.

Nhưng với những người có nhu cầu sử dụng cao hơn thì viên pin 18650 vẫn chưa đủ và đó là lí do ra đời của phiên bản Pro Max. Đối với mình việc nâng độ sáng từ 1500 lên 2500 Lumens không quá quan trọng bằng việc viên pin 21700 có thể kéo liên tục ở độ sáng ~ 800 Lumens tới khoảng 4 tiếng. Hoặc nếu không cần độ sáng cao cỡ vậy thì bản Pro Max cũng có thể duy trì 23 tiếng liên tục ở 120 Lumens, điều này có nghĩa là sẽ rất lâu phải sạc lại pin nếu chỉ dùng ở độ sáng cỡ này.

Sử dụng pin to hơn nhưng Olight đã tối ưu rất tốt kích thước của Baton 3 Pro Max với 114mm chiều dài và đường kính thân 26mm.

So sánh tương quan với Baton 3 Pro.

Và khi đứng cạnh một cây đèn cùng phân khúc pin 21700 là Fenix E35 V3.0 thì càng thấy rõ hơn cây này gọn cỡ nào.

Trọng lượng cả pin của Baton 3 Pro Max là 149g. Cao hơn so với 134g trong thông số mà hãng đưa ra.

Trong khi đó Baton 3 Pro nặng chỉ ~ 104g cả pin.

Sự chênh lệch tới 45g về trọng lượng này là một yếu tố quan trọng khi cân nhắc lựa chọn giữa 2 mẫu đèn. Nếu xác định đúng nhu cầu sử dụng và thực sự cần gọn nhẹ thì mình khuyên nên chọn Baton 3 Pro.

Kích thước gọn nhẹ và duy trì tốt ở ~ 600 Lumens là cũng đủ dùng cho mọi nhu cầu cơ bản. Tuy nhiên gọn quá cũng không phải hay. Như mình cầm cây này thấy ổn còn ai tay to sẽ thấy bị lọt thỏm.

Còn nếu đã dùng quen pin 21700 từ trước đó và mê mẩn với thời lượng sử dụng quá tốt của nó đem lại thì bản Pro Max là lựa chọn tuyệt vời. Chưa kể cây này cho trải nghiệm cầm nắm và thao tác tốt hơn hẳn, cần quen rồi thì hết muốn dùng đèn nhỏ luôn.

149g là vừa đủ, không quá nặng để gây vướng víu hay khó chịu khi bỏ túi quần cả ngày và là sự đánh đổi hợp lí cho hiệu năng nhận được.

Ngoài đường kính thân 26mm thì thiết kế các vân ngang này giúp Baton 3 Pro đem lại trải nghiệm cầm nắm rất tốt, đặc biệt khi tay ra mồ hôi hay đeo găng thì vẫn có độ bám, không bị trơn.

Clip cài túi với công màu xanh hợp với lớp mạ đen của thân đèn. Thiết kế 2 chiều cho phép cài cây đèn vào túi/balo theo phía nào cũa được. Khi cần thì có thể cài mũ lưỡi chai dùng như đèn đội đầu dù hơi nặng chút.

Lỗ xỏ dây đeo tay được đặt ở trên clip chứ không phải thân đèn.

Olight xưa nay luôn theo đuổi ngôn ngữ thiết kế tối giản và hiện đại. Đèn pin của họ không có những chi tiết thừa thãi gây rối mắt, mọi góc cạnh được tính toán tối ưu nhất và tổng thể là rất đẹp.

Đánh giá chủ quan thì Olight là hãng đèn có thiết kế đẹp nhất với phong cách hiện đại. Như cây Baton 3 Pro/ Pro Max cực hợp để phối với các món đồ công nghệ mà chúng ta dùng hàng ngày.

Giống như Fenix, chất lượng hoàn thiện của đèn pin Olight luôn được đem ra để làm chuẩn mực so sánh với các thương hiệu khác.

Mọi chi tiết đều được gia công tỉ mỉ với độ chính xác tuyệt đối.

Ren vặn dạng vuông và sạch sẽ.

Thân không quá dày nhưng được hoàn thiện tốt, không bị lệch và không có cạnh sắc.

Các tiếp xúc với cực pin đều được mạ vàng.

Đặc trưng của dòng đèn pin Olight Baton là chúng sử dụng công tắc chính duy nhất được đặt gần đầu đèn. Kẻ từ phiên bản Baton 3 Pro Olight đã thiết kế lại công tắc này với kích thước lớn hơn hẳn so với các bản cũ như S2R II Baton.

Công tắc điện tử với ưu điểm là nhạy, không phát tiếng động nay được làm to hơn cho trải nghiệm bấm cực tốt, đánh giá 10/10 điểm.

Ngay cả khi đeo găng tay dày thì việc thao tác với công tắc này cũng đơn giản và thuận tiện.

Một điểm nữa mà ít người chú ý tới đó là việc clip cài túi được đặt cố định thay vì xoay tự do còn giúp người dùng định vị được vị trí của công tắc ngay cả trong bóng tối. Nhiều mẫu đèn EDC dạng này của hãng khác hay làm công tắc và cổng sạc đặt đối diện nhau, hay dễ bị bấm nhầm.

Chính giữa công tắc là 1 đèn led để báo dung lượng pin. Đèn xanh khi pin đầy và sẽ chuyển đỏ lúc pin gần cạn.

Mặt dù không công bố chính thức nhưng có thể thấy rõ Olight trang bị led Cree XHP50.3 cho Baton 3 Pro Max, cùng với đó là thấu kính TIR đặc trưng của dòng Baton.

Thấu kính được làm chìm xuống so với vòng bezel để tránh bị trầy xước. Nhân led to + thấu kính và nông thì chưa cần bật lên cũng có thể dự đoán rằng ánh sáng cho ra từ cây đèn này là rất rộng.

Đuôi đèn được tích hợp luôn cổng sạc nam châm. Đuôi phẳng để dựng đứng trên các mặt phẳng.

Và nó cũng có khả năng hít rất chặt lên các bề mặt kim loại có từ tính, cho ánh sáng cố định và rảnh 2 tay để làm việc trong nhiều tình huống.

3.3 – Cơ chế sạc nam châm

Không biết từ bao mà khi nhắc tới đèn pin Olight là người ta sẽ nhớ ngay tới thiết kế sạc nam châm đặc trưng. Có thể thấy rõ họ đã tạo nên 1 hệ sinh thái riêng của mình.

Cũng mất 1 thời gian khá dài để Olight thực sự hoàn thiện và khắc phục hết các lỗi của thiết kế sạc nam châm này. Có người thích người chê thiết kế này, nhưng mình nhận ra những ai chê thì đa phần là chưa dùng qua bởi một khi đã vào hệ sinh thái này của Olight thì mới thấy nó tốt như nào.

Kết nối sạc nam châm cực kì tiện lợi. Hãy hình dung thay vì phải làm 2-3 bước để sạc cho 1 cây đèn với kết nối cổng Type-C thì tất cả những gì cần làm với sạc nam châm là để đuôi đèn lại gần dây sạc (đã cấp nguồn sẵn) và chúng sẽ tự hít lấy nhau.

Ai bảo lười thì mình cũng kê chứ nhiều hôm đi làm về muộn, cầm cây đèn hết pin để gần lại sợi dây sạc rồi đi ngủ, sáng dậy có đầy pin để dùng tiếp mới thấy nó sướng khó tả.

Chưa kể kết nối nam châm còn đảm bảo kín nước 100% nữa, an tâm khi sử dụng.

Tốc độ của kết nối sạc nam châm cũng không phải tệ. Dòng sạc thực tế cũng ~ 2A như hầu hết các mẫu đèn dùng cổng Type-C hiện giờ. Sạc đầy viên pin 5000mAh chỉ mất khoảng 4 tiếng.

Và cái gì cũng có 2 mặt, đổi lại với sự tiện lợi của sạc nam châm là:

  • Phải dùng pin được thiết kế riêng biệt của hãng
  • Đi đâu xa là phải mang theo cáp sạc nam châm, lỡ đánh mất hay quên ở nhà là cũng phiền đó.

4. Giao diện sử dụng

Đèn pin của các hãng lớn luôn có sự đồng nhất trong giao diện sử dụng, ít nhất là trong cùng 1 dòng sản phẩm. Vậy nên khi nâng cấp lên một mẫu đèn mới thì bạn sẽ không mất thời gian để làm quen lại nữa.

Olight Baton 3 Pro Max có giao diện sử dụng thông minh nổi tiếng từ dòng Baton từ đời S10, S20 vào năm 2012. Giao diện của Olight cho phép truy cập nhanh độ sáng thấp, cao nhất và nháy Strobe chỉ với vài thao tác đơn giản.

Các thao tác sử dụng cơ bản:

*Baton 3 Pro Max có chức năng nhớ mức sáng cuối cùng được sử dụng, trừ Turbo 2500 Lumens

Các chức năng khác:

*Sau khi tắt/bật cảm biến tiệm cận thì Baton 3 Pro Max sẽ tự động bị khóa lại, lúc này nhấn giữ công tắc 1s để mở khóa đèn.

5. Các tính năng đặc biệt trên Baton 3 Pro Max

Cảm biến tiệm cận

1 nâng cấp của Baton 3 phiên bản Pro Max so với Pro là cảm biến tiệm cận được thiết kế ẩn bên dưới lớp thấu kính TIR. Cảm biến này có nhiệm vụ hạ độ sáng của đèn xuống mức an toàn ngay khi phát hiện có vật thể đặt gần.

Đây là một tính năng cần thiết bởi độ sáng cực cao của đèn pin bây giờ tỏa ra nhiệt lượng rất lớn, dễ gây bỏng cho người hay cháy thủng đồ đạc nếu bị vô ý kích hoạt.

View post on imgur.com

Lắc để kích hoạt đèn báo pin

Chỉ với thao tác lắc thân đèn là led báo pin trên công tắc sẽ tự động được kích hoạt trong 5s. Mình thấy đây là tính năng khá hay bởi thực tế chỉ cần cầm cây đèn lên là cái led báo pin này cũng đã được kích hoạt, giúp định vị trong bóng tối dễ dàng.

 

View post on imgur.com

6. Khả năng chiếu sáng

Olight Baton 3 Pro Max có độ sáng cao (2500 vs 1500 Lumens) và khả năng chiếu xa kém hơn Baton 3 Pro (145 vs 174 mét).

Thấy rõ sự khác biệt về ánh sáng của 2 cây khi chiếu vào tường trắng. Baton 3 Pro Max cho ánh sáng tỏa rộng hơn nên khả năng chiếu xa kém hơn.

6.1 – Trong nhà

15 Lumens

120 Lumens

800 Lumens

2500 Lumens

So sánh với Baton 3 Pro.

6.2 – Ngoài trời

Chưa có đèn.

2500 Lumens.

800 Lumens.

120 Lumens

15 Lumens dùng ở ngoài trời không ăn thua nên mình không chụp.

So sánh với Baton 3 Pro.

-> Có thể đưa ra nhận xét rằng Baton 3 Pro Max là một cây đèn có ánh sáng tỏa rất rộng, đem lại tầm nhìn bao quát tốt. Tầm chiếu xa hiệu quả của nó ~ 70m ở điều kiện thực tế. Theo ý kiến cá nhân thì đây là ánh sáng tốt và thực dụng cho một cây đèn pin EDC. Còn ai thích khả năng chiếu xa tốt hơn thì nên cân nhắc mẫu đèn khác.

2500 Lumens

Ánh sáng tỏa siêu rộng đáp ứng tốt các nhu cầu sử dụng thông thường hàng ngày.

7. Thời lượng hoạt động (Runtime)

Baton 3 Pro Max được trang bị cảm biến nhiệt độ chủ động, có nhiệm vụ điều chỉnh độ sáng của đèn để kiểm soát không cho nhiệt độ vượt quá 60℃. Điều này có nghĩa runtime thực tế của đèn sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ môi trường.

Chính vì vậy mình đo runtime ở 2 trường hợp:

  • TH1: có sự hỗ trợ của 1 quạt tản nhiệt bên ngoài
  • TH2: Không có quạt tản nhiệt, đèn hoạt động ở nhiệt độ phòng ~ 25℃

Mức Turbo – 2500 Lumens

Ở 2500 Lumens thì có sự hỗ trợ của quạt tản nhiệt hay không thì cây đèn vẫn hạ sáng nhanh chỉ trong chưa đầy 1 phút. Sự khác biệt ở chỗ khi có quạt (đường màu xanh) thì đèn duy trì liên tục ở ~ 800 Lumens cho tới khi hết pin. Tổng runtime đạt 155 phút ~ 2.58 tiếng.

Còn khi không có quạt thì đèn hạ xuống ~ 600 Lumens. Tổng runtime đạt 207 phút ~ 3.45 tiếng.

Mức High – 800 Lumens

Từ biểu đồ của mức Turbo thì mọi người cũng đoán được runtime của mức High rồi nhưng thôi mình cứ đo cho chắc.

Kết quả vẫn là đèn duy trì ổn định ở 800 Lumens khi có quạt tản nhiệt (đường màu xanh). Tổng runtime đạt 169 phút ~ 2.82 tiếng.

Khi không có quạt thì độ sáng hạ dần trong 40 phút đầu và duy trì ở ~ 600 Lumens tới hết pin. Tổng runtime đạt 251 phút ~ 4.18 tiếng.

-> Từ kết quả trên có thể rút ra kết luận rằng Baton 3 Pro Max có khả năng duy trì ổn định nhất ở ~ 600 Lumens trong điều kiện sử dụng thực tế.

Và kết quả này cũng rất tương đồng với mẫu đèn cùng phân khúc là Fenix E35R.

Nhìn chung là cảm biến nhiệt độ của Baton 3 Pro Max hoạt động hiệu quả khi nhiệt độ của thân đèn hiếm khi nào vượt quá 50℃, cầm liên tục cũng không bị nóng rát tay.

Và khi nhiệt độ vẫn đang ở mức cao thì đèn sẽ không cho phép kích hoạt lên Turbo 2500 Lumens, rất an toàn.

8. Tổng kết

Olight là hãng đèn có hướng đi riêng của mình. Họ xây dựng nên 1 hệ sinh thái xoay quanh công nghệ sạc nam châm của mình cho nên sẽ dẫn tới 1 việc rằng: người thích kẻ chê rõ ràng hơn hẳn các thương hiệu khác. Những ai đã và đang trong hệ sinh thái này thì thấy rất tuyệt với những gì mà nó đem lại (giống như fan Apple – như mình). Người chưa sử dụng hoặc thích trải nghiệm nhiều thương hiệu khác nhau sẽ thấy bất tiện hoặc không thích, đa phần do việc Olight dùng 1 mình 1 loại pin.

Vậy nên nhận xét dưới góc độ của một người dùng trong hệ sinh thái của Olight thì mình thấy Baton 3 Pro Max là một cây đèn thực sự tốt. Các kĩ sư của Olight đã tối ưu thiết kế của cây này giúp người dùng không phải đánh đổi quá nhiều về kích thước khi muốn dung lượng pin và độ sáng tốt hơn.

Lưu ý quan trọng nữa là hãy chắc rằng bạn hợp với ánh sáng tỏa rộng và bao quát của cây đèn này.

Ưu điểm:

  • Chất lượng gia công và hoàn thiện cực tốt
  • Kích thước tối ưu
  • Phụ kiện đi kèm đầy đủ, chất lượng
  • Giao diện sử dụng cực thông minh
  • Cảm biến tiệm cận hoạt động nhạy và hiệu quả
  • Khả năng duy trì ổn định ở 600 Lumens hơn 4 tiếng đồng hồ
  • Cảm biến nhiệt độ chủ động giúp đèn bền hơn, tránh bị bỏng rát tay khi dùng lâu
  • Ánh sáng tỏa rộng, bao quát tốt.

Hạn chế:

  • Chỉ số hoàn màu (CRI) của led khá thấp, chỉ 70
  • Sử dụng pin sạc riêng biệt
  • Đi đâu xa phải mang theo dây sạc riêng
  • Mức Turbo 2500 Lumens hạ sáng rất nhanh

Các sự lựa chọn khác trong phân khúc:

  • Fenix E35R: pin 21700, sáng 3100 Lumens, cổng sạc Type-C (mua tại ĐÂY)

  • Fenix HM71R: pin 21700, sáng 2700 Lumens, thiết kế dạng gù, cổng sạc Type-C (mua tại ĐÂY)