Review đèn pin Fenix HM71R: thiết kế gù, 2700 Lumens, pin sạc 21700 và cổng Type-C.

0
2632

HM71R là mẫu đèn pin gù đầu tiên của Fenix sử dụng pin sạc 21700 dung lượng cao. Cây đèn này có cấu hình ấn tượng với 2700 Lumens và trang bị 2 hệ thống đèn riêng biệt:

  • Đèn chính công suất 2700 Lumens chiếu xa 230 mét
  • Đèn phụ 500 Lumens, ánh sáng vàng phụ trách chiếu sáng tầm gần.

Thiết kế dạng gù đặc trưng giúp HM71R có sự linh hoạt đáng kinh ngạc khi vừa có thể dùng như đèn cầm tay lẫn đội đầu. Nó còn có thể chiếu sáng ở những góc rất đặc biệt mà đèn pin dạng thẳng truyền thống khó có thể làm được.

> Tham khảo giá bán của Fenix HM71R tại: ĐÂY <

1. Video

2. Thông số kĩ thuật

  • Độ sáng tối đa 2700 Lumens, chiếu xa 230 mét
  • Trang bị bóng Led Luminus SFT70 ánh sáng trắng (chiếu xa) và led SST20 (ánh sáng vàng, CRI90) chiếu rộng
  • Tương thích pin sạc 21700 hoặc 18650 (dùng với adapter)
  • Mạch driver thông minh duy trì độ sáng ổn định
  • Cổng sạc nhanh Type-C 2A
  • Thiết kế dạng gù sử dụng linh hoạt như đèn cầm tay hoặc đội đầu
  • Kích thước: 106 x 46 x 45mm
  • Trọng lượng: 207.5g (cả pin)
  • Chống nước: IP68
  • Bảo hành 5 năm chính hãng

3. Đánh giá chi tiết

3.1 – Mở hộp và phụ kiện

Fenix HM71R được đóng gói dạng hộp cứng có thể thấy rõ sản phẩm bên trong.

Mặt sau có in các thông số cơ bản của sản phẩm, quan trọng nhất là các mức sáng và runtime.

Phụ kiện đi kèm ngoài thân đèn ra gồm có:

  • Dây đội đầu
  • Pin sạc 21700 dung lượng 5000mAh của Fenix
  • Cáp sạc Type-C
  • O-ring chống nước sơ cua
  • HDSD

Viên pin sạc 21700 đi kèm có mã ARB-L21-5000 V2.0 là phiên bản mới nhất, có dòng xả cao hơn bản V1. Hiện Fenix đang bán lẻ viên pin này giá khoảng ~ 580.000đ.

Pin của Fenix sở dĩ có giá hơi cao là bởi nó an toàn. Phía cực dương của pin được trang bị mạch bảo vệ chống chập cháy các kiểu nên an tâm khi sử dụng. Đây là pin đầu lồi.

Fenix HM71R hay đèn chạy pin 21700 nói chung đều có thể sử dụng pin sạc 18650 khi cần thiết với 1 cái adapter như này.

Cái adapter này của Fenix, giá bán ~ 100.000đ mà rất được việc. Nó giúp viên pin 18650 có kích thước bằng pin 21700 để sử dụng bình thường.

Thiết kế dây đội đầu thông minh

Đáng chú ý nhất là sợi dây này, nó biến cây HM71R thành đèn pin đội đầu trong 1 nốt nhạc nhờ cơ chế tháo lắp nhanh. Đây là dây đội đầu đời mới của Fenix có thiết kế thoáng khí, trọng lượng nhẹ và khả năng co giãn tốt.

Trên bề mặt dây có hàng trăm các lỗ thoáng khí giúp đỡ bí bức khi đeo trong thời gian dài. Ai đã dùng qua dây đeo đời cũ của Fenix rồi chuyển qua loại này sẽ thấy nó dễ chịu hơn rất nhiều.

Dòng chữ “Fenix” và các dải màu trắng có tác dụng phản quang, tăng độ an toàn khi sử dụng ban đêm.

Fenix thiết kế thêm 1 sợi dây vòng qua đỉnh đầu. Nó có thể tháo ra được nhưng mình khuyên là nên để vậy bởi đây là một chi tiết quan trọng tránh cho đèn bị tuột xuống khi sử dụng.

Các mẫu đèn pin đội đầu có trọng lượng nhẹ dưới 100g thì không cần tới sợi dây qua đỉnh đầu này, nhưng nếu nặng hơn thì nó thật sự cần thiết.

Mặt trong của dây đội đầu, chỗ tiếp xúc với trán có 1 dải silicon để chống bị trơn, tuột do mồ hôi. Một chi tiết nhỏ cho thấy sự tinh tế và cẩn thận của Fenix.

Cơ chế tháo lắp nhanh

Từ HM50R V2.0 trở đi là Fenix đã trang bị đồng bộ thiết kế tháo lắp nhanh cho đèn pin gù của mình, bao gồm cả HM61R V2.0 và HM71R mới nhất.

Thiết kế này dùng chính clip cài túi của cây đèn để gắn nó vào gá của dây đeo trán, cực nhanh và chắc chắn. Nó tiện hơn nhiều kiểu đai cao su như của HM61R đời đầu.

Gắn clip cài của cây đèn vào gá theo chiều mũi tên.

Thao tác nhanh gọn chưa mất tới 3s nếu quen tay, có thể tháo lắp ngay cả khi đang đeo trên đầu.

Thiết kế này nhìn đơn giản nhưng rất chắc chắn. Cây đèn có thể xoay quanh chính cái clip cài để chỉnh góc chiếu sáng linh hoạt tới ~ 180 độ.

3.2 – Đi sâu vào thiết kế

Fenix HM71R đem tới độ linh hoạt cao với thiết kế dạng “gù”. Hệ thống quang học của đèn được đặt 1 góc 90° với thân giúp nó làm tốt vai trò của một cây đèn pin cầm tay và đội đầu. Tất nhiên hàng đa năng sẽ không thể đáp ứng tốt 100% như hàng chuyên dụng nhưng đèn gù nói chung cũng phải đáp ứng được tới 80% về công năng.

Có những người từ xưa tới nay chỉ trung thành với đèn pin gù, và cũng có người trải nghiệm đèn gù xong là chuyển qua dùng luôn bởi nó đáp ứng đúng nhu cầu của họ.

Ngoài cầm tay và đội đầu thì HM71R còn có thể cài lên balo để cho ánh sáng về phía trước để soi đường.

Hoặc hít lên nhiều bề mặt kim loại nhờ nam châm ở đuôi đèn.

Đèn pin gù có thể thay thế hoàn toàn 1 cây đèn đội đầu chuyên dụng, còn làm đèn cầm tay thì phù hợp chiếu sáng cơ bản với khoảng cách ~ 100 mét đổ lại. Chiếu xa không phải lợi thế của HM71R do hạn chế về kích thước đầu đèn.

Xấu đẹp là gu mỗi người nhưng mình thấy cây HM71R đẹp và cân đối. Thân to do dùng pin 21700 nên cân đối với đầu đèn 46mm. Tổng chiều dài của đèn ~ 10cm nên nằm gọn trong bàn tay.

Đứng cạnh Fenix HM61R V2.0 dùng pin 18650 mới thấy sự chênh lệch rõ ràng về kích thước nhất là phần đầu đèn.

HM71R to và có thiết kế hầm hố, cầm cũng nặng tay hơn nhưng bù lại là độ sáng và runtime thì vượt trội.

Trọng lượng cả pin và dây đeo của cây này ~ 212g.

Ngang với HM70R cũng dùng pin 21700 nên trải nghiệm khi sử dụng (đội đầu) là y hệt nhau.

~200g không phải là trọng lượng nhẹ với một cây đèn pin đội đầu nhưng nhờ thiết kế dây đeo thông minh của Fenix mà HM71R hay HM70R đem lại trải nghiệm sử dụng rất tốt. Đèn đeo thoải mái, không bị quá nặng hay vướng víu nhưng những ai đang dùng mấy cây đèn nhẹ hơn mà chuyển qua thì sẽ thấy không quen trong thời gian đầu.

Sợi dây qua đỉnh đầu phát huy tác dụng tốt trong việc phân bổ trọng lượng của cây đèn, tránh bị mỏi cổ khi dùng trong thời gian dài.

Nhưng mình vẫn khuyên nếu thực sự có nhu cầu sử dụng cường độ cao như kiểu duy trì độ sáng ~ 800 – 1000 Lumens trong thời gian dài thì mới nên chọn đèn đội đầu dùng pin 21700. Mình đã trải nghiệm đủ các loại đèn đội đầu lớn nhỏ và vẫn thấy pin 18650 đổ xuống là đủ để dùng hàng ngày hay đi outdoor nhẹ nhàng, quan trọng là chúng nhẹ nữa. Chẳng tội gì mua 1 cây đèn nặng và to mà nhu cầu lại không dùng tới!

Còn nếu bạn hay chui rừng rú, đi hang động hay đơn giản là lười sạc và thay pin nhiều thì HM71R là sự lựa chọn tốt!

Với số tiền bỏ ra gần 3 triệu thì bạn hoàn toàn có thể kì vọng cây đèn này được gia công và hoàn thiện với chất lượng hạng top bây giờ. Vỏ đèn bằng hợp kim nhôm cứng cáp, cầm nặng tay. Các chi tiết nhỏ được hoàn thiện tốt, không hề có cạnh sắc.

Các khe tản nhiệt được làm dày và sâu.

Lò xo đuôi rất dày và được mạ vàng.

Thân đèn làm tương đối dày và rất đều, sờ không hề bị gợn hay sắc.

Bước ren của HM71R khá dài và tất nhiên là dạng vuông để tối ưu hóa độ bền.

Tiếp xúc cực dương ở đầu đèn được thiết kế để chỉ có thể dùng pin sạc đầu lồi. Pin đầu phẳng sẽ không tiếp xúc được.

Đây là một chủ đích trong thiết kế của Fenix nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng pin của họ hoặc các loại pin chất lượng cao có mạch bảo vệ.

Fenix HM71R có thiết kế “mắt lé” với 2 hệ thống quang học riêng biệt.

  • Đèn chính có kích thước lớn, sử dụng led Luminus SFT70 cho độ sáng tối đa 2700 Lumens, chiếu xa 230 mét. Đây là led ánh sáng trắng, nhiệt màu ~ 6500k
  • Đèn phụ bên dưới nhỏ hơn, sử dụng led Luminus SST20 ánh sáng vàng ~ 4000 – 4500K, độ sáng tối đa 500 Lumens. Đèn này phụ trách chiếu sáng tầm gần.

Cả 2 hệ thống đèn này đều sử dụng thấu kính TIR thay vì chóa phản xạ, giúp tối ưu hóa kích thước và cho ánh sáng cân bằng cho mục đích chiếu sáng tầm 100m đổ lại.

Sự khác biệt của ánh sáng cho ra từ 2 hệ thống led.

Phần đầu của HM71R được làm nhô ra khá nhiều và thấu kính TIR được làm lún xuống 1 chút để chống xước. Fenix không làm thêm 1 lớp kính nữa bên ngoài cùng để bảo vệ thấu kính nhưng mình thấy đây cũng không phải vấn đề lớn.

Chẳng hạn như Fenix E12 cũng chỉ có 1 lớp thấu kính và mình dùng rất lâu cũng không bị xước sát quá nhiều, đa phần là xước dăm lông mèo khó thấy bằng mắt thường.

Nếu để ý một chút thì có thể thấy phần mặt cover của đầu đèn không cùng chất liệu với thân bởi chúng có sự chênh lệch rõ về màu sắc. Chính xác thì phần cover này được làm bằng thép không gỉ 316 có độ cứng cao hơn nhôm, mục đích chống trầy xước nếu chẳng may bị va đập.

Công tắc chính được đặt trên đỉnh cây đèn có kích thước lớn. Mình đánh giá cao thiết kế này vì nó giúp thao tác nhanh và chính xác ngay cả khi mò mẫm trong bóng tối.

Có thể thấy cái công tắc chiếm 90% diện tích của phần đỉnh đèn.

Nó là công tắc điện tử nên gần như không gây tiếng động khi thao tác. Trải nghiệm bấm khá nhẹ và rất nhạy.

Fenix tích hợp 1 đèn led nhỏ báo pin trong công tắc này và nó sẽ sáng khoảng 3s khi đèn chính được kích hoạt. Đèn báo xanh – nháy xanh là pin còn từ 50 – 100%.

Đèn chuyển đỏ hoặc nháy đỏ là lúc cần sạc hoặc thay pin mới.

Phía sau đầu đèn là vị trí đặt cổng sạc Type-C với nắp đậy chống nước/bụi bằng cao su.

Fenix HM71R đạt chuẩn chống và bụi IP68, hoàn toàn yên tâm sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết.

Fenix không đề cập tới việc cổng Type-C của HM71R có khả năng chống nước 2 lớp giống TK20R V2.0 và nhiều models khác của hãng này. Và nhìn sâu vào thiết kế thì mình cũng có thể chắc rằng cái cổng sạc này không chống nước được nếu để mở nắp đậy.

Vậy nên đây là lưu ý quan trọng khi mỗi lần sử dụng xong là phải đóng chặt nắp cổng sạc lại nếu không nước có thể lọt vào.

Cổng Type-C này có tốc độ sạc ~ 2A đúng như nhà sản xuất công bố, tổng công suất ~ 10W.

Với tốc độ này thì chỉ mất khoảng 4 tiếng để sạc đầy viên pin 21700 dung lượng 5000mAh.

Và HM71R có thể được sử dụng ở độ sáng thấp khi trong quá trình sạc nếu cần thiết.

Thiết kế đuôi phẳng và được tích hợp nam châm cho phép HM71R hít rất chặt lên các bề mặt kim loại có từ tính, cung cấp ánh sáng ở các góc chiếu phức tạp và đèn dạng thẳng truyền thống khó làm được.

Tính năng này đặc biệt hữu ích khi sử dụng trong các nhà xưởng hay kho bãi. Kết hợp với đèn phụ chiếu rộng, ánh sáng vàng thì hoàn hảo luôn.

4. Giao diện sử dụng

Mọi chức năng của HM71R được thao tác qua công tắc chính này. Bao gồm việc kích hoạt đèn chính/phụ cũng như chuyển độ sáng của 2 đèn.

  • Kích hoạt đèn chính (chiếu xa):
    • Nhấn giữ 0.5s để bật đèn chiếu xa, nhấn giữ 0.5s để tắt
  • Đèn phụ (chiếu rộng) sẽ có 2 cách để bật:
    • Khi đang tắt, nhấn nhanh công tắc 2 lần
    • Khi đang bật đèn chiếu xa, nhấn giữ công tắc 1.2s
    • Nhấn giữ 0.5s để bắt
  • Chuyển độ sáng:
    • Đèn chiếu xa: nhấn 1 lần chuyển qua lại 50 – 200 – 800 – 2700 Lumens
    • Đèn chiếu rộng: nhấn 1 lần chuyển qua lại 5 – 50 – 200 – 500 Lumens
  • HM71R nhớ mode sáng cuối ở đèn chiếu xa (trừ mức 2700 Lumens), còn đèn chiếu rộng mặc định bật lên ở 5 Lumens
  • Khóa an toàn:
    • Khi đèn đang tắt, nhấn giữ công tắc 3s
    • Làm tương tự để mở khóa

-> Khả năng kích hoạt nhanh đèn phụ và mặc định luôn ở độ sáng 5 Lumens là một thiết kế thông minh. Nó giúp người dùng không bị bất ngờ bởi độ sáng mạnh trong các tình huống như thức dậy vào ban đêm để đi wc hay tìm đồ loanh quanh.

5. Khả năng chiếu sáng

5.1 – Trong nhà

Đèn chính (Luminus SFT70)

50 Lumens

200 Lumens

800 Lumens

2700 Lumens

Đèn chính của HM71R có ánh sáng cân bằng nên dùng cũng ổn ở tầm gần hay không gian hẹp. Nhưng tối ưu nhất vẫn là dùng đèn phụ.

Đèn phụ (Luminus SST20)

5 Lumens

50 Lumens

200 Lumens

500 Lumens

Led SST20 cho nhiệt màu vàng rất đẹp, ánh sáng tỏa rộng không có tâm chói là hoàn hảo để sử dụng ở tầm gần như đọc sách, bản đồ, sửa chữa máy móc, xe cộ,…

5 Lumens nghe có vẻ thấp nhưng khá bất ngờ là nó vẫn đủ để đọc sách ở tầm gần.

5.2 – Ngoài trời

Đèn chính (Luminus SFT70)

2700 Lumens, chiếu xa hiệu quả trong khoảng ~ 100 mét.

Zoom lại.

800 Lumens.

200 Lumens.

50 Lumens.

2700 Lumens.

Ánh sáng từ đèn chính dùng led SFT70 cho khả năng bao quát tốt, chiếu xa đủ dùng cho các hoạt động cơ bản. 2700 Lumens sáng rất ấn tượng nhưng không duy trì được lâu.

Giá trị nhất của HM71R chính là khả năng duy trì ổn định ở 800 Lumens trong thời gian dài, mà độ sáng này thì quá đủ cho hầu hết mọi nhu cầu sử dụng ngoài trời.

Thực tế mình đi dạo hàng ngày buổi tối thì cũng chỉ cần tới 200 Lumens.

Đèn phụ (Luminus SST20)

500 Lumens, ánh sáng tỏa rất rộng và chiếu hiệu quả chỉ khoảng 20m đổ lại.

200 Lumens.

50 và 5 Lumens dùng ngoài trời là bị đuối rồi nên mình không chụp.

Đèn phụ này rất được việc khi sử dụng ở khoảng cách gần, nó cho ánh sáng bao quát tốt và dịu mắt.

Ánh sáng vàng với chỉ số CRI 90+ giúp tái tạo chính xác màu sắc của vật thể. Kiểu để tìm kiếm đồ gì đó cũng dễ dàng hơn.

6. Thời lượng hoạt động

Fenix đang trang bị đồng bộ công nghệ cảm biến nhiệt độ chủ động IOP cho các mẫu đèn mới của mình, HM71R cũng không phải ngoại lệ.

Thay vì hạ sáng theo cơ thế timer (thời gian được lập trình sẵn) thì HM71R sẽ điều chỉnh độ sáng tự động dựa theo nhiệt độ của cây đèn với mục đích chính là không cho nhiệt độ vượt quá 65°C.

IOP phát huy hiệu quả rõ ràng nhất ở độ sáng cao 2700 Lumens nên mình đo runtime độ sáng này ở 2 trường hợp:

  • Trường hợp 1: sử dụng thêm 1 quạt gió để hỗ trợ tản nhiệt cho đèn
  • Trường hợp 2: để cho đèn tự tản nhiệt với nhiệt độ phòng ~ 25°C

Turbo 2700 Lumens:

Ở độ sáng 2700 Lumens này có dùng quạt tản nhiệt hay không thì HM71R vẫn hạ sáng rất nhanh trong chưa đầy 1 phút. Sự khác biệt ở chỗ khi sử dụng quạt (đường màu xanh) thì đèn hạ xuống ~ 50% sau 1 phút rồi hạ từ từ cho tới khi hết pin, duy trì ổn định ở cỡ ~ 1000 Lumens trong suốt quá trình. Tổng runtime đạt 104 phút ~ 1.73 tiếng.

Còn khi không có quạt (đường màu cam) thì đèn hạ xuống ~ 30% (khoảng 800 Lumens) và sáng tới khi hết pin. Tổng runtime đạt 218 phút ~ 3.63 tiếng.

High 800 Lumens (của đèn chính)

Dựa vào kết quả đo của mức Turbo thì mình đo runtime ở 800 Lumens mà không có hỗ trợ của quạt tản nhiệt, và kết quả đúng như kì vọng:

HM71R duy trì khá tốt độ sáng ~ 800 Lumens trong 40 phút liên tục rồi hạ xuống ~ 700 Lumens tới khi hết pin. Tổng runtime đạt 154 phút ~ 2.56 tiếng.

High 500 Lumens (của đèn phụ)

Đo tiếp runtime ở độ sáng cao nhất 500 Lumens của đèn phụ chiếu rộng:

Thì kết quả khá bất ngờ là HM71R có hạ sáng ở mức 500 Lumens của đèn phụ này, cụ thể sau khoảng 12 phút thì hạ xuống còn ~ 300 Lumens rồi sáng tới khi hết pin. Tổng runtime đạt 267 phút ~ 4.45 tiếng.

Thời lượng sáng này của đèn phụ chênh lệch quá lớn với thông số là 8 tiếng mà Fenix đưa ra. Tham khảo các bài review của nước ngoài về cây HM71R này thì kết quả cũng tương tự, tức là cái đèn phụ chỉ có thể duy trì liên tục ~ 5 tiếng chứ không đạt nổi 8 tiếng như công bố.

Dẫu biết rằng runtime của đèn pin được trang bị cảm biến nhiệt độ chủ động sẽ rất khác khi đo thực tế so với đo trong phòng thí nghiệm nhưng mình vẫn thấy khá thất vọng về cái đèn phụ này.

Không duy trì nổi liên tục ở 500 Lumens?

xem xét kĩ thì cái đèn phụ của cây HM71R này sử dụng bóng led Luminus SST20 ánh sáng vàng. Mình đã có kinh nghiệm với chip led này và biết rằng nó có hiệu suất khá tệ, nôm na là nóng và tốn điện đặc biệt ở phiên bản ánh sáng vàng. Bản ánh sáng trắng lại có hiệu suất tốt hơn hẳn. Vậy nên việc cây HM71R không duy trì nổi liên tục ở 500 Lumens cũng không có gì ngạc nhiên.

Đổi lại thì SST20 bản nhiệt màu 4000K cho ánh sáng vàng cực đẹp, chỉ số hoàn màu cao tới 90+ CRI nên vẫn được sử dụng bởi nhiều hãng đèn và cả các modder.

Mình đo thử nhiệt độ của cây đèn sau 3 phút hoạt động ở 500 Lumens cả cái đèn phụ này thì nhiệt độ ở đầu đạt gần 50°C, cho thấy hiệu suất của cái led SST20 4000K này nó tệ cỡ nào.

7. Tổng kết

Đèn pin dạng gù không phải mới mẻ và bản thân HM71R cũng không có thêm sự đột phá gì lớn ở thiết kế nhưng giá trị của cây này chính là sự cân bằng giữa mọi yếu tố. Nó có kích thước rất tối ưu cho một cây đèn dùng pin 21700, sự linh hoạt tuyệt vời cho nhiều nhu cầu sử dụng và chất lượng hoàn thiện tốt.

Fenix HM71R sẽ là lựa chọn rất tốt với ai có nhu cầu sử dụng hỗn hợp, cần một cây đèn vượt trội về độ sáng và thời lượn hoạt động để dùng cho đa mục đích, kể cả chuyên để đội đầu.

Ưu điểm:

  • Chất lượng hoàn thiện xuất sắc
  • Đáp ứng tốt cả chiếu xa lẫn rộng 2 trong 1
  • Đèn led phụ cho ánh sáng rất đẹp và thực dụng
  • Giao diện sử dụng đơn giản, hiệu quả
  • Cơ chế tháo lắp nhanh cho dây đội đầu là một thiết kế thông minh
  • Trang bị sẵn cổng sạc Type-C có tốc độ tương đối nhanh

Hạn chế:

  • Không thể kích hoạt cùng lúc 2 hệ thống đèn
  • Cổng sạc Type-C không chống nước từ bên trong
  • Thời lượng hoạt động của đèn led chiếu rộng thấp hơn nhiều so với công bố
  • Không sử dụng được pin sạc đầu phẳng

Nếu cần một cây đèn gù nhẹ nhàng hơn thì bạn có thể tham khảo Fenix HM61R V2.0 cũng mới ra mắt, hoặc HM50R V2.0 dùng pin 16340 siêu nhẹ.

Fenix cũng vừa lên kệ 2 mẫu đèn pin đội đầu siêu nhẹ là HL32R-THL16 được thiết kế chuyên dụng cho chạy trail hoặc leo núi.