So sánh: Olight Warrior 3 vs Fenix PD36 Tac

0
1753

Warrior 3 và PD36 Tac hiện đang là 2 mẫu đèn pin tác chiến chủ lực của Olight và Fenix. Bên cạnh một vài điểm tương đồng thì mỗi cây lại có một thế mạnh riêng khiến nhiều người phải đau đầu lựa chọn. Chính vì vậy tôi nghĩ một bài so sánh 2 cây đèn dựa trên trải nghiệm cá nhân của bản thân sẽ giúp ích được phần nào.

Vì mỗi cây đều có bài review chi tiết riêng rồi nên tôi sẽ cố không đi sâu vào thông số kĩ thuật các thứ mà sẽ đặt chúng lên bàn cân dưới góc nhìn của một người dùng.

1. Trải nghiệm cầm nắm, thao tác

Fenix PD36 TacOlight Warrior 3 cùng thuộc phân khúc đèn pin cầm tay cỡ trung với thân dùng pin 21700 nên kích thước và trọng lượng không chênh nhau quá nhiều.

PD36 Tac gọn gàng hơn một chút, trọng lượng cả pin cũng nhẹ hơn Warrior 3 khoảng 12g và clip cài thân của cây này gọn nên cảm giác cầm nắm và thao tác rất tốt.

Ôm trọn cây đèn cũng không bị cấn tay.

Olight Warrior 3 với đường kính thân to hơn một chút nhưng vấn đề không nằm ở đây.

Cây này dùng clip cài 2 chiều kích thước khá to nên cầm kiểu này sẽ thấy vướng tay, đặc biệt với ai tay nhỏ. Tháo clip cài ra cũng được nhưng như thế lại mất hay.

Tôi thấy là Warrior 3 cầm và thao tác kiểu này là thoải mái nhất.

Clip của Fenix PD36 Tac làm gọn hơn nhưng chỉ cài túi được theo một chiều. Trong khi đó clip 2 chiều của Warrior 3 có thể cài lên mũ lưỡi trai để dùng như đèn đeo trán nhưng tôi thấy nó không thực tiễn lắm vì khá nặng.

PD36 Tac dùng công tắc đuôi được làm lồi hẳn lên, đây là công tắc điện tử được bọc nhựa chứ không phải cao su. Ngay phía dưới là công tắc xoay đa chức năng.

Warrior cũng dùng công tắc đuôi điện tử nhưng lại là kim loại, được làm phẳng.

Công tắc đuôi của Fenix PD36 Tac lúc mới dùng sẽ không quen và thấy không thích tay lắm vì nó khá cứng, bù lại là bấm không gây tiếng động và thao tác rất nhanh, chính xác ngay cả khi đeo găng tay.

Công tắc đuôi của Warrior 3 bấm mềm, thích tay hơn nhưng mà khi đeo găng tay dày sẽ khá khó thao tác nhanh gọn.

=> Tóm lại về trải nghiệm cầm nắm thì Fenix PD36 Tac tốt hơn. Trải nghiệm bấm công tắc tôi đánh giá Warrior 3 nhỉnh hơn một tí vì độ mềm của công tắc.

2. Thiết kế

Thiết kế xấu hay đẹp là tùy gu mỗi người. Cả Warrior 3 và PD36 Tac đều mang vẻ đẹp riêng của chúng.

Olight Warrior 3 mang ngôn ngữ thiết kế hiện đại, gai góc và đậm chất của tương lai. Cây đèn cho cảm giác rất thanh thoát và liền mạch dù nó có nhiều chi tiết nhỏ phức tạp suốt từ đuôi tới đầu đèn. Tôi thấy cây này nhìn khá dữ và nếu khoe cho ai không biết thì câu đầu tiên họ hỏi sẽ là “Đèn có chích điện không?”

Fenix PD36 Tac thì ngược lại, dù là đèn tác chiến nhưng nhìn khá hiền và không gây chú ý. Từ trước đến nay Fenix vẫn theo đuổi tư duy thiết kế đơn giản nhưng đem lại vẻ cứng cáp, lì đòn.

=> Olight Warrior 3 nhìn bắt mắt hơn nhưng nếu yêu thích sự đơn giản, không gây chú ý thì tôi sẽ chọn Fenix PD36 Tac.

Công tắc của PD36 Tac được làm lồi hẳn lên còn của Warrior 3 được làm phẳng.

Chính vì thế Warrior có thể dựng đứng được bằng đuôi, khá tiện khi cần bật đèn hắt trần khi nhà mất điện.

Vòng bezel của Warrior 3 nhìn dữ dằn và có thể dùng để phá kính oto hay tự vệ khi cần thiết. Điểm cộng của bezel này là nó tháo rời được, dễ dàng thay thế khi bị trầy hay móp.

Bezel của Fenix PD36 Tac làm phẳng, chỉ có tác dụng chính là chống xước cho mặt kính còn phá kính thì tôi không chắc. Bezel của cây này làm liền với đầu đèn nên khó thay.

Trên công tắc phụ của Warrior 3 có 2 dải đèn led báo pin và mức sáng, còn PD36 Tac không có gì hết. Led báo pin rất được việc khi nó giúp người dùng chủ động hơn trong việc sạc pin, tránh tình huống đang dùng thì pin cạn.

Như trên PD36 Tac thì đèn đang ở mức sáng nào hay tình trạng pin ra sao phải tự nhận biết và ước lượng.

3. Khả năng tương thích pin và cơ chế sạc

Dù đều dùng pin cỡ 21700 dung lượng cao nhưng Olight Warrior 3 rất kén pin. Nó phải dùng đúng loại pin đặc biệt của hãng thì mới có thể sáng cũng như dùng chức năng sạc nam châm được.

Fenix PD36 Tac thì đỡ hơn nhiều vì nó tương thích với pin sạc 21700 đầu lồi của nhiều hãng khác. Cây này tuy 2 đầu tiếp xúc đều là lò xo nhưng nhiều viên pin 21700 đầu phẳng, không mạch bảo vệ có kích thước ngắn quá nên không tiếp xúc được.

Thậm trí Fenix PD36 Tac còn dùng được cả pin sạc 18650 với phụ kiện Adapter này (cũng của Fenix luôn).

Pin 21700 của Olight nó dị ở chỗ cả cực âm (-) và dương (+) đều nằm ở cùng một phía, trong khi pin bình thường thì mỗi phía là một cực.

Từ xưa đến nay Olight đã làm như vậy với gần như mọi mẫu đèn có công nghệ sạc nam châm của họ. Điều này có nghĩa nếu cần pin sơ cua cho các chuyến đi dài thì bạn phải mua đúng pin của hãng mới dùng được.

Ưu điểm của việc dùng pin độc quyền là sự ổn định, giảm thiểu rủi ro do dùng pin kém chất lượng. Còn nhược điểm thì là cái giá khá chua.

Như tôi đã nói, Olight Warrior 3 sẽ sạc pin trực tiếp qua công tắc đuôi kiêm cổng sạc nam châm luôn. Sạc nam châm có thể nói là một thiết kế mang tính biểu tượng của hãng này với ưu điểm vượt trội là nhanh, gọn và đảm bảo được khả năng chống nước.

Fenix PD36 Tac không có cổng sạc trên thân nhưng viên pin 21700 đi kèm lại có cổng sạc Type-C. Thiết kế này vẫn đảm bảo khả năng chống nước nhưng mỗi lần sạc là phải tháo pin ra, không tiện như Olight.

Cả 2 cây đèn đều sạc qua nguồn USB 5V từ sạc dự phòng, sạc điện thoại,… và pin đều dùng được trong các bộ sạc rời.

=> Fenix PD36 Tac ăn điểm ở khả năng tương thích pin cao còn Olight Warrior 3 vượt trội với công nghệ sạc nam châm. 

Nếu không ngại đầu tư và thích sự tiện lợi của sạc nam châm thì bạn chỉ cần mua thêm 1 viên pin sơ cua cho Warrior 3 là thoải mái rồi vì căn bản pin 21700 có dung lượng rất cao, dùng cũng ít bị hết giữa chừng.

Còn nhà đang sẵn nhiều pin 21700 thông thường thì nên chọn PD36 Tac để dùng cho đỡ phí.

4. Chất lượng hoàn thiện

Tôi cho rằng chất lượng hoàn thiện của 2 cây đèn này nói riêng và 2 hãng nói chung là đều tốt như nhau. Từ chất liệu vỏ đèn, lớp mạ Anodized tới rồi chất lượng gia công đều rất cao, xứng đáng với giá tiền.

Đèn của Olight nhìn bóng bẩy hơn chút và có nhiều chi tiết phức tạp hơn nhưng tôi nghĩ không phải Fenix không làm được mà đấy không phải ngôn ngữ thiết kế của họ.

5. Giao diện sử dụng

Trình bày chi tiết giao diện sử dụng của từng cây ở đây thì rất dài và lan man. Mọi người có thể đọc ở 2 bài review chi tiết kia, mục “giao diện sử dụng”.

Cá nhân tôi đánh giá về điểm mạnh/yếu ở giao diện sử dụng của từng cây như sau:

Mọi chức năng của Fenix PD36 Tac được điều khiển qua cụm công tắc chính ở đuôi. Cụm này bao gồm 1 công tắc bấm và 1 công tắc xoay đa năng cho phép thay đổi nhanh giữa 3 chế độ: Tactical (tác chiến), Lock out (khóa đèn) và Duty (sử dụng thông thường).

PD36 Tac thao tác rất nhanh và chính xác, rút cây đèn ra khỏi túi là bật được ngay vì công tắc làm lồi hẳn lên nên không mất thời gian mò mẫm tìm. Cái cụm công tắc xoay chính là tính năng lợi hại nhất bởi tôi có thể dễ dàng dùng 1 tay chuyển qua lại giữa các chế độ tùy vào nhu cầu sử dụng.

Nó đúng kiểu được sinh ra để thao tác, sử dụng ở tư thế này, phản ứng rất nhanh và gọn. Còn nhược điểm là nếu dùng liên tục ở thời gian dài thì cầm như này khá mỏi và không tiện lắm.

Muốn thoải mái phải chuyển sang cầm kiểu này nhưng khi cần lại không phản ứng nhanh được. Thêm nữa là ở chế độ sáng Duty thì PD36 Tac không có khả năng truy cập nhanh bất kì mức sáng nào ngoài nháy Strobe. Ví dụ đèn đang nhớ mức sáng 150 Lumens mà tôi muốn truy cập 30 Lumens thì lại phải chuyển các mức sáng 1 vòng chứ không nhảy thẳng vào được. Đây không phải là vấn đề riêng của PD36 Tac là của gần như mọi mẫu đèn pin khác của Fenix.

Olight Warrior 3 thì sử dụng hệ thống công tắc kép với giao diện sử dụng phải nói là thông minh. Tôi thấy khi dùng hàng này thì cây này tiện hơn bởi công tắc phụ trên đầu đèn của nó điều khiển được 5 mức sáng cũng như truy cập nhanh được Moonlight (1 lumens), Turbo (2300 Lumens) và nháy Strobe.

Tư thế cầm và thao tác như này là tối ưu khi sử dụng đèn trong một thời gian dài.

Còn khi cần phản ứng nhanh thì chuyển sang dùng công tắc đuôi. Điểm hay của Warrior 3 là khả năng lập trình được công tắc đuôi giữa 2 chế độ:

  • Chế độ 1: truy cập 2 mức sáng là 200 và 2300 Lumens
  • Chế độ 2: truy cập tạm thời 2300 Lumens và nháy Strobe

Tôi không thấy nhiều nhược điểm ở giao diện sử dụng của Olight Warrior 3, nhưng nếu ai muốn điều khiển hết mọi chức năng của đèn qua công tắc đuôi thì cây này không làm được.

6. Khả năng chiếu sáng và Runtime

2 cây đèn có độ sáng chênh nhau 700 Lumens, cụ thể PD36 Tac đạt 3000 Lumens còn Warrior 3 là 2300 Lumens. Hệ thống quang học của cả 2 cũng khác nên mỗi cây cho ra một kiểu beam sáng đặc biệt riêng.

Hệ thống quang học của cả 2 cũng khác nên mỗi cây cho ra một kiểu beam sáng đặc biệt riêng.

Olight Warrior 3 không được công bố dùng led mã gì, của hãng nào. Đèn dùng thấu kính TIR nên cho ra beam sáng tròn xoe và vẫn có vùng sáng tỏa khá tốt.

Dùng trong nhà hay ngoài trời đều rất tốt. Ánh sáng ngoài trời tỏa rộng, tầm chiếu xa hiệu quả khoảng 150 mét độ lại.

Fenix PD36 Tac được trang bị led Luminus SST70 và đèn dùng chóa phản xạ trơn.

Và tất nhiên nó cho ra ánh sáng đặc trưng của chóa: tỏa rộng, phần hot spot (tâm sáng) không tròn xoe rõ nét mà nó tỏa dần ra xung quanh.

Ánh sáng của PD36 Tac tỏa rộng hơn Warrior 3 nên dùng sáng hơn nhưng khả năng chiếu xa cũng không hơn mấy, thậm trí lép vế hơn chút do thông số chiếu xa của cây này chỉ có 225 mét, thông số thực tế cứ chia đôi là ra.

Nhìn chung tôi thấy độ thực dụng ở khả năng chiếu sáng của 2 cây đèn này là ngang nhau, tùy sở thích mỗi người thích loại ánh sáng kiểu gì thôi. Cá nhân tôi vẫn thích ánh sáng từ chóa vì nó mịn và tự nhiên hơn.

Cách chia các mức sáng cũng đáng được bàn tới:

  • Fenix PD36 Tac có 6 mức lần lượt là: 30 – 150 – 350 – 1000 – 2000 – 3000 Lumens.
  • Olight Warrior 3 có 5 mức là: 1 – 15 – 200 – 800 và 2300 Lumens.

Độ sáng từ 200 Lumens đổ lên của cả 2 cây đều dùng tốt ở ngoài trời. Còn độ sáng thấp của Fenix là 30 – 150 Lumens dùng trong nhà ok, nhưng kiểu ban đêm cần ánh sáng thấp để soi đường đi wc hay tìm đồ thì 30 lumens vẫn sáng quá, nó kiểu vẫn hợp dùng outdoor hơn. Còn Olight thì khá ổn với 1 – 15 Lumens. Đừng coi thường 1 Lumens bởi ban đêm khi mắt người đang quen với bóng tối thì 1 Lumens cũng đủ làm kha khá việc ở trong nhà rồi. Chưa kể cây này còn có thể truy cập nhanh mức sáng 1 Lumens nữa.

Cuối cùng là về runtime. Vì độ sáng và các mức sáng được chia khác nhau nên cũng khó so sánh, bên trên là bảng runtime của cả 2 cây cho mọi người tham khảo.

Có thể thấy rõ sự tương đồng ở runtime đó là cả 2 đều duy trì độ sáng 800 – 1000 Lumens trong thời gian rất tốt và tương đương nhau với khoảng hơn 3 tiếng. Điều này chứng tỏ cho hiệu suất của 2 mẫu đèn này là ngang nhau.