Cảm nhận về Fenix HL16 sau 6 tháng sử dụng

0
1306

Với tính chất công việc và sở thích về đèn pin thì mình cũng trải nghiệm cả trăm mẫu đèn pin đeo trán/đội đầu các loại. 6 tháng trước mình quyết định chọn Fenix HL16 làm đèn đeo trán chính cho leo núi, đi rừng bởi nhận thấy đây là cây đèn nhỏ gọn nhưng có rất nhiều tiềm năng.

*Lưu ý:

– Bài viết này mang tính chất tham khảo bởi nhu cầu mỗi người là rất khác nhau, (ví nhụ nếu bạn chuyên đi hang động hay cần dùng nhiều ở độ sáng > 500 Lumens thì cây này sẽ không đủ)

– Nếu bạn thấy nhu cầu bản thân có nhiều điểm tương đồng với mình thì HL16 là sự lựa chọn rất đáng cân nhắc

– Review chi tiết về thông số kĩ thuật, cách sử dụng,… đã có tại ĐÂY


Danh mục bài viết:

Điểm ăn tiền của Fenix HL16:

Kết luận


 

Hiểu rõ nhu cầu bản thân

Một trong những lý do khiến mình chọn dùng đèn pin của Fenix là việc có thể hoàn toàn yên tâm vào những yếu tố như chất lượng hoàn thiện, độ bền, hiệu suất, bảo hành,… từ đó tập trung vào nhu cầu sử dụng mà chọn model phù hợp. Thêm nữa là giải sản phẩm đèn pin của Fenix rất rộng, bao phủ hầu hết mọi nhu cầu sử dụng hiện giờ.

Mình muốn cho các bạn một cái nhìn tổng thể về nhu cầu sử dụng đèn pin đeo trán của bản thân để dễ liên hệ và so sánh:

  • Mình dùng đèn đeo trán hàng ngày vào mỗi tối để dắt 2 em cún đi dạo, trung bình khoảng ~ 30 phút/ngày và cần đủ nhìn 2-30 mét đường phía trước
  • 1 tuần chạy bộ 2-3 lần vào buổi tối
  • Thỉnh thoảng sửa chữa đồ đạc, điện đóm trong nhà
  • Bỏ vào ngăn nhỏ của balo để mang theo hàng ngày, dùng tiện hơn đèn cầm tay nhiều vì mình không cần tác chiến hay tự vệ.
  • 1 tháng đi leo núi 1 lần, mỗi chuyến khoảng 2/3 ngày
  • 1 năm đi chơi xa bằng xe máy 2-3 lần, thường là các vùng núi hoặc đi cắm trại, dã ngoại qua đêm

-> Từ những nhu cầu trên mình rút ra được bản thân đang cầm tìm 1 cây đèn đeo trán ưu tiên về những yếu tố sau:

  • Thật gọn nhẹ để có thể đúi túi quần short được cũng như bỏ ở 1 ngăn trong balo, lý tưởng là từ 120g đổ xuống
  • Độ sáng hiệu quả và ổn định chỉ cần ở 150 Lumens, có độ sáng cao hơn để thỉnh thoảng cần là bật cũng ổn
  • Chiếu không cần quá xa, 50 mét đổ lại là được
  • Đặc biệt phải có đèn LED đỏ để dùng tầm gần ban đêm đỡ chói mắt và đi cắm trại không thu hút muỗi
  • Pin nhỏ gọn, có bán phổ biến ở mọi nơi, sạc lại được càng tốt vì dùng ở nhà sẽ tiết kiệm
  • Giá dưới 1 triệu

=> Không mất nhiều thời gian để mình chọn Fenix HL16 bởi nó đáp ứng vừa khít những nhu cầu kể trên. Những vấn đề như độ bền, chống nước, cách sử dụng thuận tiện thì các kĩ sư của Fenix đã lo, không tới lượt mình.

Trước đó mình dùng qua nhiều đèn pin đeo trán/đội đầu, đa phần là chạy pin 18650 như Armytek ELF C2, Fenix HL60R, Fenix HM61R, Fenix HM65R và cả Sofirn H25L. Dùng 18650 là cỡ pin rất cân bằng nhưng với nhu cầu của mình thì lại bị dư thừa, đặc biệt là về độ sáng và thêm trọng lượng không cần thiết nên nhiều khi ngại không muốn mang theo. Từ khi chuyển qua Fenix HL16 thì thấy mọi thứ hợp lý hơn hẳn.

Bây giờ mình sẽ đi sâu hơn vào 3 yếu tố chính khiến mình chọn Fenix HL16: kích thước, độ sáng và thời lượng sử dụng.

1. Kích thước

Fenix định hướng cho HL16 là “đèn pin đeo trán siêu nhẹ” nên đây là 1 trong nhưng Key sales của sản phẩm. Nó nặng tròn 100g tính cả pin, thân đèn mỏng nên bỏ túi quần rất hợp lý!

Và mỗi khi ra ngoài mình cũng nhét gọn nó trong 1 ngăn nhỏ này của balo, khi cần là lôi ra dùng.

Trọng lượng nhẹ cho phép HL16 chỉ cần sử dụng 1 dây đeo duy nhất, rất gọn gàng. Chưa kể đây là dây đeo được Fenix thiết kế đặc biệt với bản to 36mm cùng khả năng co giãn và thoáng khí tuyệt vời, chuyên dùng cho chạy bộ, chạy Trail.

Cảm giác đeo trên đầu nhẹ tênh và cũng không quá gây chú ý. Góc chiếu sáng thì điều chỉnh linh hoạt bằng 1 tay trong nốt nhạc.

Tuy nhiên để đạt được trọng lượng nhẹ như vậy thì HL16 có thân bằng nhựa cứng chứ không phải kim loại. Khả năng chống nước IP65 cũng đủ để đi mưa lớn mà không phải lăn tăn. Mình thì không có vấn đề gì bởi nhựa này cứng cáp và rất chắc chắn, đánh rơi suốt chưa bị sao, nhưng nếu đây là vấn đề lớn đối với bạn (có trải nghiệm không tốt trước đây chẳng hạn) thì nên cân nhắc qua HL32R-T hoặc mẫu đèn khác.

2. Độ sáng vừa đủ dùng

Độ sáng 150 Lumens của Fenix HL16

Với những nhu cầu sử dụng ở cường độ trung bình như kể trên cùng với việc được trải nghiệm nhiều thì mình kết luận rằng 150 Lumens là những gì bản thân cần.

150 Lumens của HL16 trong chuyến leo Samu của mình vừa rồi
Vẫn là 150 Lumens
Đủ soi đường cho cả mình và mọi người phía trước

Mình cũng thuộc dạng thích chui rúc rừng rú nhưng cũng hiếm khi cần dùng độ sáng quá cao > 350 Lumens. Đa phần ở 150 Lumens là đủ nhìn ~ 2 – 30 mét đường phía trước để đi bộ. Khi sinh hoạt ở quanh khu lều trại thì mình còn chuyển về 50 Lumens cho đỡ chói mắt.

Độ sáng cao nhất 450 Lumens của Fenix HL16

Fenix HL16 có độ sáng tối đa tới 450 Lumens và mình chỉ dùng khi thực sự cần thiết, kiểu muốn soi rõ ở xa phía trước đường có vật cản gì hay tìm kiếm các thành viên trong đoàn.

Ánh sáng đỏ của HL16 hoàn hảo để sử dụng ở tầm gần mà không gây chói, khó chịu

Quan trọng nữa là cây này có ánh sáng đỏ, dùng tầm gần dịu mắt và vào rừng thì không thu hút muỗi hay côn trùng khác.

3. Thời lượng hoạt động hợp lý

Fenix HL16 với 3 viên pin sạc AAA Fujitsu Pro

Fenix HL16 sử dụng 3 viên pin AAA (pin đũa), điều mà trước đây mình ghét cay ghét đắng bởi đơn giản là nó bị…lẻ. Mà thật sự cứ nghĩ mà xem: pin AAA hay AA thường bán theo 1 vỉ 4 viên, mà mua nguyên vỉ để dùng thì toàn bị thừa ra 1 viên, thành ra toàn phải mua 3 vỉ cho tròn?!

Nhưng rồi sau này dùng mới thấy cái đó không quá quan trọng đặc biệt nếu bạn dùng pin sạc (Eneloop) như mình. Kiểu dùng ở nhà hay đi chơi thì mình cũng lắp cố định pin sạc của Eneloop và mang theo khoảng 3-6 viên AAA nữa để dự phòng, tùy độ dài chuyến đi.

Đây là thời lượng sử dụng thực tế mình đo được của HL16 khi dùng pin sạc Eneloop Pro (900mAh) và pin AAA Alkaline của Xiaomi (lõi Maxell):

  • Với pin sạc Eneloop Pro (đường màu xám): HL16 duy trì được liên tục ổn định ở 150 Lumens trong vòng 105 phút ~ 1.75 tiếng.
  • Với pin AAA Alkaline của Xiaomi (đường màu vàng): duy trì liên tục được tới 222 phút ~ 3.7 tiếng.

=> Với kinh nghiệm cá nhân thì mình có thể đánh giá rằng kết quả trên là thời lượng sử dụng rất ổn cho một cây đèn đội đầu chạy 3 pin AAA, nhưng sự khác biệt so với thông số công bố của hãng là quá lớn.

Ví dụ như pin của Energizer

Theo phỏng đoán của mình thì Fenix chắc hẳn đã sử dụng 3 viên pin AAA Lithium loại dùng 1 lần cho bài thử nghiệm.

Đây là loại pin có chất lượng cao nhất với dung lượng và độ bền tốt, nhưng giá bán cũng rất đắt, khoảng 60.000đ/viên.

Mình không dùng loại pin này vì giá thành của nó nên cũng không có sẵn để thử nghiệm. Chủ yếu vẫn dùng pin sạc Nimh là hiệu quả nhất!

 

 

 

Trải nghiệm thực tế thì:

HL16 trong chuyến leo đỉnh Samu tại Sơn La hồi tháng 3/2024 vừa rồi của mình.

Vẫn quay lại với chuyến đi gần nhất của mình là leo đỉnh Samu thì ngày đầu tiên bọn mình đến lán nghỉ lúc ~ 6h30 chiều và 30 phút sau trời tối hẳn.

Đến lán thì trời đã nhá nhem tối

Bình acquy chạy đèn của lán thì đã hết trước đó nên mọi người phải tự túc đèn chiếu sáng. Mình dùng HL16 linh hoạt ở 3 mức sáng là 50 – 150 Lumens và ánh sáng đỏ liên tục tới khoảng 10 tối thì tắt đi ngủ vì quá mệt.

HL16 ở 150 Lumens.
HL16 ở 150 Lumens.
HL16 ở 150 Lumens.
HL16 ở 150 Lumens.
HL16 ở 150 Lumens.
HL16 ở 150 Lumens.

Sáng hôm sau dậy sớm từ 4h để leo lên đỉnh đón bình minh. Từ lúc đó cho tới 6h là trời vẫn tối um nên phải bật đèn liên tục ở 150 Lumens và có lên cả 450 Lumens để soi đường phía trước cho mọi người nữa. Tầm 6h30 sáng mặt trời lên hẳn nên mình cất đèn.

Trước chuyến đó mình có sạc đầy 3 viên pin Fujitsu pro (tương tự Eneloop Pro) trong đèn, lúc về nhà cũng để vậy dùng lai rai suốt 1 tuần rồi mới cắm sạc và ước lượng theo thời gian sạc thì mình thấy pin chỉ hết cỡ 2/3 dung lượng.

Chuyến đó mò mẫm trong bóng tối cỡ 2-3 tiếng để quay lại chỗ nghỉ

Hay xa hơn là chuyến leo quả núi ở mạn Chương Mĩ, Hà Nội trước tết Giáp Thìn 2024. Mình không chụp lại nhiều ảnh nhưng chuyến đó dùng cũng nhiều, bật ở linh hoạt ở 150 – 450 Lumens để soi đường đi bộ từ 6h tối và sinh hoạt ở khu trại tới mãi 11h30 tối mới đi ngủ thì đèn cũng chưa có dấu hiệu gì của giảm độ sáng vì yếu pin.

Đem HL16 xuống chơi rẫy cafe

Đợt chạy xe máy từ Hà Nội vào TP HCM vào dịp sau tết mình cũng mang theo HL16, dùng nhiều hơn cả đèn cầm tay vì nó được việc. Nguyên chuyến đó cũng chưa sạc hay thay pin lần nào dù dùng cũng nhiều.

Dù vậy mỗi chuyến đi khoảng 2-3 ngày mình vẫn mang tối thiểu là 3 viên pin AAA để dự phòng, nhưng cũng chưa lần nào cần dùng tới.


Tổng kết

Fenix HL16 đem lại cho mình trải nghiệm sử dụng nhẹ đầu theo cả nghĩa bóng lẫn đen. Nghĩa bóng ở đây nằm ở giao diện sử dụng đơn giản, bạn không cần nghĩ gì nhiều khi tao tác cả và quan trọng là nó có chế độ nhớ mức sáng cuối. Ví dụ nếu lần cuối bạn dùng HL16 ở 150 Lumens thì lần sau bật lên nó vẫn ở mức đó, cứ thể mà dùng thôi.

Với sở thích cá nhân thì mình muốn ánh sáng của HL16 hơi ngả vàng chút là đẹp. Chứ hiện tại thì nó đang bị trắng quá nhưng cũng không phải vấn đề gì quá to tát.

Một vài lời khuyên:

  • Nếu nhu cầu sử dụng giống mình nhưng chưa có bộ sạc rời và cần cổng sạc trên thân đèn cho tiện thì nên cân nhắc Fenix HL32R-T, Fenix HM50R V2.
  • Nếu có nhu cầu cao hơn kiểu hay đi rừng xuyên đêm, đi hang động, leo vách đá, đi biển,… mà cần duy trì ổn định ở trên 400 Lumens thì cứ chọn mấy cây chạy pin 18650 đổ lên nhé!