So sánh Fenix E18R V2.0 và Olight Baton 3!

0
1280

Fenix là Olight có thể coi là kì phùng địch thủ luôn đối đầu trực tiếp trên thị trường đèn pin. Vậy nên cũng không có gì lạ khi mỗi một mẫu đèn của hãng này được ra mắt thì không lâu sau đối thủ lại ra một cây tương đương để chọi lại. Nếu nói về phân khúc đèn EDC chạy pin 16340 thì Olight đã quá nổi tiếng với dòng S10, sau này cải tiến qua nhiều đời và giờ mới nhất là Baton 3. Fenix cũng không kém cạnh khi tung ra E18R V2.0 với cấu hình tương đương và giá bán cũng thế.

Olight Baton 3 và Fenix E18R V2 có cấu hình rất sát nhau nên gây bối rối cho khách hàng khi muốn lựa chọn mua một cây. Cụ thể là cả 2 đều dùng pin 16340, độ sáng max đạt 1200 Lumens, chiếu xa loanh quanh 150 mét theo thông số và giá bán chỉ chênh nhau đúng 10.000đ:

  • Fenix E18R V2.0 có giá 1.480.000đ tại Bisu.vn với chế độ bảo hành 5 năm
  • Olight Baton 3 có giá 1.490.000đ tại EDCZone cũng bảo hành 5 năm luôn

Dù giống nhau về cấu hình nhưng mỗi cây vẫn có điểm mạnh và yếu riêng, trong bài viết này mình sẽ phân tích chi tiết để giúp các bạn đưa ra được sự lựa chọn. Còn tất nhiên nếu có điều kiện thì tội gì không mua cả 2 cây để trải nghiệm :D.

*Lưu ý: những bạn nào đọc được bài Review này thì có thể liên hệ fanpage của EDCZone hoặc Bisu để nhận mã giảm giá 10% cho 2 mẫu đèn trên nhé!

1. Video

2. Thông số kĩ thuật:

Fenix E18R V2.0:

  • Độ sáng tối đa 1200 Lumens, chiếu xa 146 mét
  • Sử dụng bóng led Luminus SST40 ánh sáng trắng
  • Tương thích pin sạc 16340
  • Cổng sạc USB Type-C
  • Clip cài túi 2 chiều
  • Thân đèn bằng hợp kim nhôm A6061-T6
  • Kích thước:67 x 22 x 22mm
  • Trọng lượng: 56g
  • Chống nước: IP68

Olight Baton 3:

  • Độ sáng tối đa: 1200 Lumens
  • Chiếu xa: 166 mét
  • Số mức sáng: 5
  • Nháy Strobe: có
  • Loại pin tương thích: pin sạc 16340 custom của Olight
  • Cơ chế sạc: sạc nam châm không dây
  • Kích thước: 63 x 21 x 21mm (chiều dài x đường kính thân x đường kính đầu)
  • Trọng lượng đèn: 53g
  • Chống nước: IP68

3. So sánh chi tiết

Để dễ theo dõi thì mình sẽ so sánh 2 cây đèn này theo các tiêu chí cụ thể, đầu tiên là:

3.1 Kích thước và thiết kế

Vì đều sử dụng 1 pin sạc 16340 nên Baton 3 và E18R V2 có kích thước tương đồng, dù vậy E18R V2 vẫn to hơn một chút chủ yếu do cây này tích hợp cổng sạc Type-C trên thân.

Olight Baton 3 có chiều dài 63mm, đường kính thân = đường kính đầu = 21mm.

Fenix E18R V2 thì dài hơn chút với 67mm, đường kính thân = đường kính đầu = 22mm.

Sự chênh lệch này không đáng kể, và cả 2 cây đèn đều có kích thước rất lý tưởng cho việc bỏ túi mang theo cả ngày mà không gây khó chịu hay vướng víu.

Theo thông số thì Baton 3 nặng 53g còn E18R V2 nặng 56g, còn cân lên thì thấy bằng nhau.

Phong cách thiết kế của Olight và Fenix đã có sự khác biệt rõ ràng từ những ngày đầu thành lập. Olight luôn theo đuổi ngôn ngữ thiết kế hiện đại, hầm hố và năng động. Các mẫu đèn của họ thật sự rất phá cách, phù hợp với người trẻ và cá tính. Sự kết hợp giữa tông màu đen và xanh dương càng làm nổi bật hơn phong cách này.

Fenix thì ngược lại, đèn của họ có thiết kế cổ điển, không khoa trương nhưng luôn đem lại cảm giác cứng cáp bền bỉ, rất yên tâm khi sử dụng. Mình thấy phong cách thiết kế của Fenix thì hợp với đại trà hơn.

Trước khi phân tích điểm mạnh và hạn chế của từng cây thì chúng ta sẽ cùng xem những điểm chung trước (ngoài kích thước ra):

Cả 2 mẫu đèn đều trang bị duy nhất công tắc chính đặt ở gần đầu. Đây là công tắc điện tử và cho cảm giác bấm nhạy, cứng cáp. Công tắc của Olight Baton 3 bọc cao su, mềm hơn nhưng nhược điểm là độ bền không cao. Nếu sử dụng một thời gian mà cứ dùng móng tay để nhấn thì kiểu gì cũng có ngày rách.

Fenix đã rút ra được bài học này từ các mẫu đèn cũ nên giờ họ thay hết bằng công tắc kim loại, bền vô đối còn nhược điểm thì mình chưa nghĩ ra.

Ngay giữa công tắc của E18R V2 có một đèn led nhỏ để báo dung lượng pin, đèn xanh là pin còn đầy, chuyển đỏ dân khi pin cạn. Cái đèn này có độ sáng tốt, dễ nhìn.

Cây Olight Baton 3 cũng có đèn báo pin nhưng nó cực kì mờ khi báo lúc pin đang đầy, chủ yếu chỉ dễ nhận biết khi đèn chuyển đỏ, lúc pin yếu.

Ngay cả khi trong bóng tối thì cũng thấy không rõ lắm.

Điểm chung tiếp theo là clip cài túi. Việc sử dụng clip 2 chiều giúp Baton 3 và E18R V2 có sự linh hoạt rất tốt, đặc biệt là khả năng cài lên mũ lưỡi chai để dùng như đèn pin đội đầu.

Vì trọng lượng nhẹ nên những cây đèn như này làm đèn đội đầu rất ổn và tiện lợi.

Clip cài túi của Olight luôn được làm khá sâu nên cây đèn nằm gọn gàng trong túi quần. Clip này cũng được nằm cố định một vị trí ở thân đèn nên nhìn rất ăn nhập.

Trong khi đó clip của E18R V2 làm ngắn hơn nên bỏ túi sẽ lộ khá nhiều phần đầu hoặc đuôi đèn. Clip này xoay tự do quanh thân và có thể tháo rời được. Cây Olight mà tháo clip ra thì nhìn rất buồn cười nhưng E18R V2 thì tháo hay lắp nhìn đều ổn.

Đuôi của 2 cây đều phẳng nên dễ dàng dựng đứng để bật hắt trần.

Và chúng có nam châm để hít rất chặt lên các bề mặt kim loại từ tính.

Fenix E18R V2.0 có lỗ xỏ dây đeo tay ở đuôi đèn. Thiết kế 2 lỗ như này cho phép dây không bị cấn, ảnh hưởng tới khả năng đứng đuôi.

Baton 3 cũng có lỗ xỏ dây nhưng lại nằm ở clip cài nên về độ chắc chắn thì sẽ kém hơn. Ví dụ buộc sợi dây vào rồi quăng theo hình tròn thì cây này có khả năng bung cả clip ra.

Về hệ thống Quang học thì cả 2 đều sử dụng thấu kính TIR và led Luminus SST40 cho độ sáng 1200 Lumens, tuy vậy thấu kính của mỗi cây được thiết kế khác nhau nên ánh sáng cho ra cũng khác biệt.

Giờ chúng ta sẽ bàn về những điểm mạnh riêng và hạn chế của từng cây:

3.2 Cơ chế sạc pin

Olight Baton 3 lẫn Fenix E18R V2 được trang bị sẵn cơ chế sạc trên thân đèn, đây là điểm cộng bởi người dùng có thể sạc lại pin nhanh và tiện hơn, đặc biệt trong các chuyến đi chơi xa.

Fenix E18R phiên bản đầu tiên cách đây vài năm được thiết kế cổng sạc nam châm, còn tới bản V2 này thì quay về cổng Type-C. Có người sẽ cho rằng đây là cải lùi nhưng theo mình thì không hề.

Trước mắt hãy nói đến ưu điểm lớn nhất của cổng sạc Type-C đó là “sự phổ biến”. Gần như mọi thiết bị điện tử hiện đại bây giờ đều dùng chuẩn sạc này nên đi chơi xa bạn sẽ không phải mang theo cáp sạc riêng nữa. Mà có lỡ quên mang cáp thì cũng dễ dàng mượn hoặc mua ở bất cứ đâu để sạc lại cho đèn.

Cổng sạc của E18R V2 được đậy bằng nắp cao su và đây cũng có lẽ là nhược điểm duy nhất bởi cao su sẽ lão hóa theo thời gian. Sau khoảng vài năm và tùy điều kiện sử dụng thì cái nắp này sẽ cần thay thế. Vì cổng sạc trên đèn pin của Fenix được chống nước 2 lớp nên mất nắp cũng chỉ lo dính bụi bẩn vào thôi.

Tốc độ sạc cũng khá nhanh, khoảng 1h15p là đầy pin với dòng tiêu chuẩn 1A.

Còn Olight Baton 3 dùng cổng sạc gì? Khỏi phải trình bày thì nhìn cái đuôi như này chắc cũng nhiều người biết thừa rồi, tất nhiên là sạc nam châm nổi tiếng và cũng nhiều tai tiếng.

Công nghệ sạc nam châm này của Olight được giới thiệu lần đầu trên S30R hay S20R gì đó mình cũng không nhớ chính xác, nói chung chỉ 1 trong 2 cây đó. Nói cái sạc nam châm này tai tiếng là bởi ở những thế hệ đầu thì nó cực kì thiếu ổn định, dòng sạc kém và trục trặc liên tục. Có một giai đoạn từ năm 2019 – 2020 mà bên mình nhận bảo hành đèn Olight cực nhiều chủ yếu cũng do cái sạc này.

Nhưng sau khi trải qua hàng chục lần cải tiến và nâng cấp thì chúng sạc nam châm của Olight bây giờ đã cực kì ổn định cho nên không cần phải lo lắng nữa.

Ưu điểm của sạc nam châm thì quá rõ ràng: nhanh, tiện và chống nước tốt. Tưởng tượng bạn đi làm cả ngày về mệt mỏi, đèn cũng dùng hết pin. Lúc này thì đến việc mở nắp cổng sạc, tìm dây sạc rồi cắm vào thôi đã thấy lười. Còn với sạc nam châm thì để đèn lại gần sợi dây đã cắm sẵn là chúng sẽ tự hít, quá trình sạc bắt đầu. Sáng hôm sau dậy có sẵn cây đèn đầy pin để sử dụng tiếp rồi.

Chống nước thì khỏi bàn, mọi kết nối đều qua từ tính nam châm nên không có khe hở, không có khả năng vào nước.

Hạn chế thì sao? Thứ nhất là đi đâu cũng phải cầm theo một sợi dây sạc riêng, lỡ quên thì xác định luôn vì không mua ở đâu được. Còn thứ 2 và cũng khá quan trọng đó là: kén pin!

3.3 Loại pin tương thích

Baton 3 và E18R V2 đều dùng pin sạc Lithium Li-ion 16340, tưởng giống mà cũng rất khác nhau.

Fenix E18R V2 cơ bản là rất lành vì pin 16340 nó dùng là loại phổ thông. Ngoài pin Fenix ra thì của các hãng như Keeppower hay của ai cũng dùng ngon lành hết. Trong trường hợp cần thiết nó có thể chạy được cả pin CR123A dùng một lần.

Còn Olight Baton 3 phải trả cái giá cho công nghệ sạc nam châm độc đáo chính là đèn cực kì kén pin. Đến nỗi Olight phải làm riêng cho nó một viên pin sạc 16340 để có thể hoạt động và dùng được sạc nam châm. Nghe có vẻ nghiêm trọng vậy thôi chứ viên pin này luôn có sẵn để mua rời, giá cũng chỉ ngang pin 16340 bình thường (khoảng 150.000đ). Với nhu cầu sử dụng không quá cao thì mua thêm 1-2 viên sơ cua là dùng thoải mái rồi.

Cùng là pin 16340 nên kích thước 2 viên này giống nhau. Viên của Fenix dung lượng 700mAh còn của Olight chỉ là 550mAh.

Điểm khác biệt là ở phía đầu cực dương (+). Viên 16340 của Olight có cả cực dương lẫn âm nằm về một phía, thiết kế này là để dùng được sạc nam châm ở đuôi mà không phải làm thân đèn tới 2 lớp. Ở xung quanh cực dương còn có miếng nhựa bảo vệ làm nhô lên cao để tránh chập cháy.

Tiếp xúc pin ở đầu đèn của Baton 3 cũng phải được thiết kế đặc biệt không kém, tức là nó phải kết nối được cả cực âm lẫn dương thì đèn mới sáng. Chính vì vậy mình lắp viên pin 16340 thông thường vào thì cây này không hoạt động được.

Nhìn chung thì việc phải dùng pin chuyên dụng cho Baton 3 không phải là vấn đề to tát nếu bạn thực sự thích những lợi ích mà sạc nam châm mang lại. Mỗi khi đi chơi xa cứ mang sẵn 2-3 viên sơ cua với sợi cáp sạc thì thoải mái ấy mà.

3.4 Khả năng chiếu sáng

Hệ thống quang học với thấu kính TIR cho phép tối ưu hóa kích thước của đèn. Với những cây đèn kích thước nhỏ như này thì TIR lại là lựa chọn tốt hơn chóa khi hiệu suất truyền dẫn ánh sáng cao hơn, ánh sáng cho ra cân bằng.

Thấu kính của Baton 3 khá sâu nên ánh sáng cho ra gom tốt, chiếu xa 164 mét theo thông số. Dù dùng cùng loại led là SST40 nhưng nhiệt màu cây này trắng hơn so với E18R V2.

Fenix E18R V2 dùng thấu kính nông, đường kính to hơn nên ánh sáng tỏa rộng và màu hơi ngả vàng khá đẹp.

Có thể thấy rõ sự khác biệt về ánh sáng dù độ sáng là bằng nhau.

Ngoài trời

1200 Lumens

Olight Baton 3 chiếu xa rất tốt ở khoảng không gian rộng.

1200 Lumens

Ánh sáng của Fenix E18R V2 tỏa rộng hơn nên nhìn không rõ nét bằng.

1200 Lumens

Olight Baton 3

1200 Lumens

Fenix E18R V2

Các mức sáng phụ:

Fenix E18R V2 có tổng 5 mức sáng là: 1 – 30 – 150 – 350 – 1200 Lumens cùng chế độ nháy Strobe.

Olight Baton 3 cũng có 5 mức sáng: 0.5 – 12 – 60 – 300 – 1200 Lumens.

Các mức sáng phụ của Olight thấp hơn cây Fenix nhưng nhờ ánh sáng gom hơn nên mình cũng thấy không có quá nhiều sự khác biệt.

Chế độ Moonlight của Baton 3 là 0.5 Lumens, gọi là đủ tìm đồ loanh quanh.

Còn của Fenix là 1 Lumens, khá ổn để soi đường đi.

3.5 Giao diện sử dụng

Đây có lẽ là yếu tố quyết định khi cân nhắc chọn mua một cây đèn pin bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới trải nghiệm sử dụng của bạn.

Olight Baton 3 có cách sử dụng thông minh và thuận tiện hơn với khả năng truy cập nhanh mức sáng Moonlight 0.5 Lumens, Turbo 1200 Lumens và Strobe.

Fenix thì không truy cập nhanh được Moonlight hay Turbo nhưng ngược lại dễ sử dụng hơn, phù hợp với cả những người chưa dùng đèn pin siêu sáng bao giờ.

Olight Baton 3

  • Bật/Tắt: nhấn công tắc 1 lần để bật hoặc tắt đèn. Đèn sẽ nhớ mức sáng cuối cùng được sử dụng.
  • Chuyển độ sáng: khi đèn đang bật, nhấn giữ công tắc để chuyển qua lại các mức sáng Low – Medium – High, đến độ sáng mong muốn thì nhả công tắc.
  • Truy cập nhanh moonlight (0.5 Lumens): khi đèn đang tắt, nhấn giữ công tắc > 1 giây để bật moonlight.
  • Truy cập nhanh Turbo (1200 Lumens): khi đèn đang tắt hoặc bật, nhấn nhanh công tắc 2 lần để truy cập Turbo.
  • Truy cập nhanh nháy Strobe: khi đèn đang tắt hoặc bật, nhấn nhanh công tắc 3 lần để truy cập nháy Strobe, nhấn công tắc 1 lần để trở về chế độ sáng bình thường.
  • Chế độ khóa an toàn: khi đèn đang tắt, nhấn giữ công tắc > 2s để khóa đèn, chế độ này sẽ tránh việc đèn bị vô tình kích hoạt khi để trong túi, balo,…
  • Mở khóa: làm tương tự như khi khóa.

Fenix E18R V2.0

  • Nhấn giữ công tắc 0.5s để bật/tắt đèn
  • Khi đèn đang bật, nhấn công tắc 1 lần để chuyển qua lại các mức sáng
  • Nhấn giữ công tắc 1.2s để kích hoạt nháy Strobe (cả khi đèn đang bật hay tắt đều được)

Để tránh cho đèn bị vô ý kích hoạt khi để trong túi hay balo thì bạn có thể khóa nó lại, có 2 cách để khóa:

  • Cách 1: vặn lỏng nắp đuôi một tí
  • Cách 2: khi đèn đang tắt, nhấn nhanh công tắc 2 lần là đèn sẽ khóa. Làm tương tự để mở khóa.

3.6 Thời lượng hoạt động (Runtime)

Với 2 viên pin đi kèm có dung lượng khác nhau (700mAh và 550mAh), độ sáng phụ phân chia cũng khác nhau nên Runtime của 2 cây đèn này cũng không tương đồng.

Đây là của Olight Baton 3

Và Fenix E18R V2

Ở độ sáng cao nhất 1200 Lumens thì Baton 3 duy trì được khoảng 1 phút sau đó hạ xuống ~ 300 Lumens nên tổng runtime được 83 phút. Fenix E18R V2 hạ xuống ~ 600 Lumens nên tổng runtime ngắn hơn chỉ 28 phút.

Độ sáng cao (high) thì của Baton 3 là 300 Lumens sáng được 88 phút, Fenix E18R V2 là 350 Lumens sáng được 69 phút.

4. Tổng kết

Tổng hợp lại ưu và nhược điểm của 2 mẫu đèn, bỏ qua xấu đẹp và đấy là gu mỗi người

Olight Baton 3

Ưu điểm:

  • Nhỏ gọn hơn
  • Chiếu xa tốt hơn
  • Giao diện sử dụng thông minh
  • Thiết kế sạc nam châm tiện lợi
  • Nhiều phiên bản để lựa chọn (giá cũng khác nhau)

Hạn chế:

  • Rất kén pin, chỉ dùng được pin đặc biệt của Olight
  • Giao diện sử dụng dễ gây rối cho những người mới, không có kinh nghiệm
  • Đi đâu cũng phải mang theo sợi cáp sạc riêng biệt
  • Ánh sáng hơi quá trắng
  • Công tắc bọc cao su độ bền không cao

Fenix E18R V2

Ưu điểm:

  • Các mức sáng phân chia hợp lý
  • Ánh sáng chiếu cân bằng giữa xa và rộng, phù hợp dùng khoảng cách gần tới trung bình
  • Cổng sạc Type-C tiện lợi, phổ biến
  • Giao diện sử dụng đơn giản, thân thiện
  • Công tắc kim loại độ bền cao
  • Không kén pin

Hạn chế:

  • Giao diện sử dụng chưa thực sự thông minh, không truy cập nhanh được các mức sáng cần thiết
  • Nắp dậy cổng sạc có thể cần thay thế sau vài năm sử dụng
  • Chiếu không xa như Baton 3 (cái này là hạn chế với vài người)