Review đèn pin quốc dân: Sofirn SC18 (1800 Lumens, nhỏ gọn)

0
1257

Ngay từ tiêu đề bài viết mình đã khẳng định Sofirn SC18 là cây đèn pin quốc dân, tại sao?

– Đơn giản vì đây là cây đèn ai cũng mua được (giá dưới 500.000đ), dễ sử dụng và đầy đủ các tính năng cơ bản nhất. Dù là người mới cần mua cây đèn đầu tiên hay người có kinh nghiệm lâu năm muốn mua thêm đèn backup (dự phòng) thì SC18 đều đáp ứng được hết!

Giá quá rẻ, nhỏ gọn, dùng pin sạc 18650 và độ sáng khủng lên tới 1800 Lumens khiến Sofirn SC18 gần như không có đối thủ trong phân khúc này. Ngay cả Convoy S2+ nổi tiếng cũng chưa chắc đã rẻ và đủ tính năng hơn!


Mục lục bài viết:

  1. Video
  2. Thông số kĩ thuật
  3. Mở hộp và phụ kiện
  4. Kích thước
  5. Thiết kế và chất lượng hoàn thiện
  6. Giao diện sử dụng
  7. Khả năng chiếu sáng
  8. Runtime
  9. Tổng kết

 

1. Video

2. Thông số kĩ thuật

  • Độ sáng tối đa 1800 Lumens
  • Chiếu xa 212 mét
  • Trang bị chip led Luminus SST40
  • Công nghệ quản lý nhiệt độ thông minh ATR
  • Tích hợp cổng sạc Type-C
  • Công tắc chính đặt ở đầu đèn
  • Thân đèn bằng hợp kim nhôm hàng không cao cấp
  • Kích thước: 101.5 x 24.7mm
  • Trọng lượng: 55g (chưa tính pin)
  • Chống nướC: IP68
  • Bảo hành 1 năm chính hãng
Thông số các mức sáng cụ thể.

Mọi người có thể mua hàng tại Bisu: https://bit.ly/3LdJBWk

3. Mở hộp và phụ kiện

Điểm mình đánh giá cao đèn pin Sofirn nói chung là sự đầy đủ trong phụ kiện, chỉ việc mua về và dùng luôn.

SC18 có cách đóng hộp nhìn qua chắc nhiều người còn tưởng Fenix. Nhưng mà Sofirn dùng chung hộp này cho nhiều mẫu đèn nên họ không in thông số gì bên ngoài cả, cũng để tiết kiệm chi phí.

Với 450.000đ mà SC18 đi kèm đủ phụ kiện cơ bản:

  • Pin sạc 18650 dung lượng 3000mAh
  • Cáp sạc Type-C
  • Dây đeo tay
  • O-ring chống nước sơ cua
  • HDSD

Đa phần các hãng đèn sẽ không cho đi kèm củ sạc (Adapter) bởi đây là thứ ai cũng có sẵn rồi.

Sợi cáp sạc Type-C có chất lượng tốt và khá dài.

Viên pin sạc 18650 dung lượng 3000mAh quen thuộc của Sofirn. Theo thông tin mình biết thì cell pin bên trong là hàng nội địa Trung Quốc (có thể của Lishen) nên mức giá rẻ nhưng cho chất lượng ổn, dung lượng thực chính xác.

Pin đầu lồi nhưng sẽ không có mạch bảo vệ.

4. Kích thước 

Sofirn SC18 là cây đèn chạy pin 18650 có kích thước nhỏ gọn nhất mình từng được trải nghiệm, ngang cây Luminup FW3A khá nổi vài năm trước đây.

Cây đèn nằm lọt thỏm trong lòng bàn tay với kích thước tổng thể: 101.5 x 24.7mm (dài x đường kính thân).

Trọng lượng cả pin lẫn clip cài túi còn chưa tròn 100g.

Đặt cạnh mấy cây đèn cùng phân khúc (từ trái sang): như Fenix LD30R, Wurkkos FC13Sofirn SC31 Pro thì có thể thấy SC18 nhỏ gọn nhất trong đám này.

Không thể tin nổi nó còn ngắn hơn cả SC31 Pro, cây đèn mình vốn tâm đắc về sự gọn nhẹ rồi.

Nói chung đây là kích thước hoàn hảo cho một cây đèn bỏ túi có độ sáng và dung lượng pin khá tốt.

5. Thiết kế và chất lượng hoàn thiện

Ngoài sự nhỏ gọn thì điểm mình thích ở cây đèn này còn nằm ở thiết kế đơn giản cùng chất lượng hoàn thiện tốt. Nếu phải tả chung chung về thiết kế của SC18 thì mình sẽ dùng từ “hiền lành” và “không gây chú ý”. Các bạn có thể đem cây đèn lên máy bay dễ dàng nhờ thiết kế này!

Đèn pin Sofirn luôn có chất lượng hoàn thiện rất tốt với mức giá và cây này cũng không phải ngoại lệ:

  • Thân bằng hợp kim nhôm cứng cáp
  • Lớp mạ Anodize làm tốt, mịn, đều màu
  • Các chi tiết nhỏ được hoàn thiện tốt và bo cạnh, không bị sắc

Tất nhiên về độ tinh xảo không thể so được với những cây đèn của Fenix hay Olight nhưng trong tầm giá này thì không có gì để phàn nàn!

Đèn có trọng lượng nehj nên thân làm không quá dày, chỉ gọi là vừa đủ để đảm bảo cứng cáp. Được cái thân gia công đều và không có cạnh sắc, phần dày hơn kia là do nó nằm ngay trên ren vặn chứ không phải bị lệch đâu.

Ren vuông và được mạ Anodize đàng hoàng.

2 cực tiếp xúc pin đều là dạng lò xo, điều này có nghĩa SC18 dùng được cả pin đầu phẳng (1 điểm cộng).

SC18 có công tắc chính đặt ở phía đầu nên đây là mẫu đèn thuần EDC (sử dụng hàng ngày). Tuy nhiên nó vẫn có khả năng kích hoạt nhanh chế độ nháy Strobe (nhấn nhanh 3 lần) ngay cả ở trạng thái tắt để dùng cho tự vệ.

Ở chính giữa công tắc là đèn LED báo tình trạng dung lượng pin, rất chính xác và trực quan. Pin gần cạn thì đèn sẽ báo đỏ.

Công tắc cho cảm giác bấm và độ nhạy tốt. Thiết kế lồi lên cũng giúp dễ thao tác hơn trong bóng tối.

Clip cài túi của SC18 là loại 1 chiều và có thể tháo ra được nếu không cần dùng. Mình nghĩ cứ nên để đó bởi nó còn có tác dụng chống lăn khi đặt đèn trên các mặt phẳng.

Đuôi đèn phẳng và có lỗ xỏ dây đeo tay.

SC18 có đuôi phẳng nhưng mặc định theo đèn là sẽ không có nam châm để hít lên kim loại.

Hãng có bán lẻ cái đuôi có nam châm, giá đâu đó ~ 100.000đ thì phải. Các bạn có thể liên hệ Bisu để hỏi.

Đối diện với công tắc là cổng sạc Type-C, đây cũng chính là yếu tố mình đánh giá cao trên một cây đèn EDC đa dụng. Một cái cổng sạc sẽ tăng sự linh hoạt và tiện lợi hơn rất nhiều, đặc biệt khi đi chơi xa hay mua tặng người thân, bạn bè.

Cổng Type-C trên SC18 được đậy bằng nắp cao su để đảm bảo chống nước và bụi. Sofirn công bố cây đèn này đạt chuẩn IPX8 nhưng mình khuyên không nên đem ngâm nước hay đi lặn, đi mưa thì thoải mái.

Tốc độ sạc thực tế đạt ~ 8W (1.6A, 5V), nói chung là chấp nhận được.

Thực tế sẽ chỉ mất khoảng ~ 2 tiếng để sạc đầy viên pin đi kèm theo đèn. Nếu thay bằng pin dung lượng 3500mAh thì có thể lên tới 2.5 tiếng.

Đèn sẽ báo đỏ trong quá trình sạc và chuyển xanh khi pin đầy.

Hệ thống quang học của SC18 bao gồm chip LED Luminus SST40 và thấu kính TIR.

Lợi thế của việc sử dụng thấu kính TIR thay vì chóa là chính tối ưu được kích thước. Chính vì lí do này mà SC18 còn ngắn hơn khi so với SC31 Pro.

Combo này đem lại độ sáng cao 1800 Lumens cùng ánh sáng đẹp và cân bằng để dùng tốt được cả ở trong không gian hẹp, tầm gần.

6. Giao diện sử dụng

Sofirn “Copy” tới 98% giao diện sử dụng của Olight và cho vào SC18, và đây lại là ưu điểm giá trị trên cây đèn này. Đối với mình thì một cây đèn pin tốt toàn diện phải bắt buộc có giao diện sử dụng tiện lợi. Các yếu tố khác đều ổn và giao diện không ra gì thì cũng “vứt đi”.

Olight từ trước nay đã nổi tiếng với giao diện sử dụng thông minh và thân thiện với người dùng, vậy nên nỗ lực để làm tốt hơn họ là rất khó. Sofirn chọn luôn nước đi không ngoan là “bê” thẳng sang đèn của mình dùng luôn =)))

Để tránh lan man thì đây là cách sử dụng cụ thể của Sofirn SC18:

Trạng thái Thao tác Kết quả
Tắt Nhấn công tắc Bật
Bật Nhấn công tắc Tắt
Bật Nhấn giữ công tắc Chuyển qua lại 3 mức sáng: 100 – 350 – 800 Lumens
Tắt hoặc Bật Nhấn nhanh công tắc 2 lần Turbo 1800 Lumens
Tắt hoặc Bật Nhấn nhanh công tắc 3 lần Nháy Strobe
Tắt Nhấn giữ công tắc 0.5s Moonlight 3 Lumens
Tắt Nhấn nhanh công tắc 4 lần Khóa an toàn
Bật Nhấn nhanh công tắc 4 lần Mở khóa

  • Đèn có chức năng nhớ mức sáng cuối được sử dụng, trừ Turbo 1800 Lumens
  • Khi đang ở Turbo hoặc nháy Strobe, nhấn công tắc 1 lần là đèn sẽ tắt hoặc trở về chế độ sáng bình thường

Nói chung giao diện của Sofirn SC18 rất tiện lợi đặc biệt ở việc chỉ cần nhấn công tắc 1 lần (thay vì nhấn và giữ) để bật đèn, cũng như kích hoạt nhanh được 3 chế độ sáng là Moonlight, Turbo và nháy Strobe.

Nhưng mà nếu so về sự đơn giản thì vẫn thua Fenix, tức là nếu đưa cây SC18 này cho ai chưa biết gì thì vẫn phải hướng dẫn họ sử dụng.

7. Khả năng chiếu sáng

1800 Lumens trong nhà.

SC18 cho khả năng chiếu sáng tốt ở không gian hẹp và tầm gần như trong nhà nên mình chủ yếu chỉ test ngoài trời thôi.

chip LED SST40 trên cây này là ánh sáng trắng, nhiệt màu cỡ ~ 6500K.

Ngoài trời

Chưa có đèn.

Turbo – 1800 Lumens

Độ sáng cao nhất 1800 Lumens, tầm chiếu xa hiệu quả đạt ~ 100 mét.

800 Lumens.

Mức High 800 Lumens.

Mediun – 350 Lumens

350 Lumens, mức sáng hiệu quả và đủ cho ~ 80% nhu cầu sử dụng thông thường.

Low – 100 Lumens

Mức sáng thấp 100 Lumens, đủ đi dạo.

So sánh với Sofirn SC31 Pro có cùng thông số chiếu xa và sáng hơn 200 Lumens.

Và với Fenix LD30R có thông số chiếu xa hơn khoảng ~ 50 mét, độ sáng 1700 Lumens.

Có thông số độ sáng thấp hơn nhưng nhìn beamshot của cây Fenix LD30R cho cảm giác sáng hơn nhiều. Điều này cũng dễ hiểu bởi ánh sáng có độ tập trung tốt hơn, trong khi ở SC18 mọi người có thể thấy vùng tỏa rộng hơn.

8. Thời lượng hoạt động (Runtime)

Vì có kích thước thân đèn nhỏ và mức giá rẻ nên ban đầu mình không quá kì vọng và hiệu suất của SC18, nhưng kết quả đo thực tế lại rất bất ngờ!

  • Mức Turbo 1800 Lumens (đường màu xanh): SC18 chỉ duy trì 1800 Lumens trong khoảng 1 phút trước khi hạ mạnh xuống ~ 800 Lumens. Sự bất ngờ nằm ở chỗ từ 800 Lumens thì cây đèn hạ sáng rất từ từ chứ không động ngột, dẫn chứng là ở phút 60 nó vẫn sáng ở ~ 600 Lumens. Tổng thời gian sáng đạt 141 phút ~ 2.35 tiếng.
  • Mức High 800 Lumens (đường màu cam): Kết quả ở mức High này cũng khá tương đồng với Turbo khi đèn hạ sáng từ từ ở mốc 800 Lumens, nói chung đây là một đường biểu đồ đẹp. Tổng thời gian sáng đạt 144 phút ~ 2.4 tiếng.
  • Mức Medium 350 Lumens (đường màu xám): Không quá khó để dự đoán rằng mức 350 Lumens sẽ chạy ổn định tới khi hết pin, độ sáng hạ rất ít gần như không đáng kể. Tổng thời gian sáng đạt 317 phút ~ 5.3 tiếng.

9. Tổng kết

Mình không nghĩ rằng có một ngày cầm cây đèn giá chưa tới 500.000đ trên tay mà không biết chê gì, thật sự luôn! Sofirn đã đem tới một cây đèn quá ngon và toàn diện với một mức giá hợp lý cho mọi đối tượng khách hàng. Cho dù bạn đang tìm mua cây đèn đầu tiên hay muốn trải nghiệm thêm thì mình đều mạnh dạn đề xuất Sofirn SC18.

Ưu điểm:

  • Giá rẻ
  • Rất nhỏ gọn
  • Pin 18650 cho dung lượng tốt
  • Sáng mạnh, duy trì ổn định ở ~ 350 Lumens
  • Có cổng sạc Type-C
  • Giao diện sử dụng thông minh

Hạn chế:

  • Ánh sáng hơi trắng quá (cỡ 5000K là đẹp)
  • Đuôi đèn không có nam châm (mua thêm được)
  • Clip cài túi 1 chiều
  • Cổng sạc có thể vào nước nếu quên đóng nắp đậy