Review Warrior 3: đèn pin tác chiến tốt nhất của Olight!

0
2314

M2R Warrior ra mắt vào năm 2017 đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong tư duy thiết kế đèn pin tác chiến của Olight. Từ trước đó rất lâu Olight đã nổi tiếng với những mẫu đèn pin tác chiến cầm tay như M20SX, M21, M22 và M23 Warrior. Những mẫu đèn đó nhìn chung vẫn mang thiết kế điển hình giống như nhiều hãng khác.

Còn từ M2R Warrior trở đi chúng ta đã thấy những mẫu đèn pin với thiết kế đến từ tương lai, siêu sáng, được trang bị nhiều tính năng mà nổi bật nhất là công tắc đuôi kiêm sạc nam châm. Tới bây giờ là năm 2021, Olight đã tung ra phiên bản mới nhất của series Warrior đó là Warrior 3.

Olight Warrior 3 là phiên bản nâng cấp từ M2R Pro với độ sáng cao hơn, thêm 1 vài tính năng và giá bán gần như không đổi. Thuộc phân khúc đèn pin tác chiến nhưng cá nhân tôi thấy Warrior 3 thực tế rất đa năng và linh hoạt cho gần như mọi nhu cầu sử dụng. Điều này có được phần lớn là nhờ giao diện sử dụng thông minh của Olight.

Hiện tại Warrior 3 đang có giá 2.980.000đ tại EDCZone với chế độ bảo hành 5 năm chính hãng!

1. Video Review

2. Thông số kĩ thuật

  • Độ sáng: 2300 Lumens
  • Chiếu xa: 300 mét
  • Số mức sáng: 5
  • Thời lượng hoạt động:
  • Loại pin: Pin sạc 21700 dung lượng 5000mAh (pin đặc biệt của Olight)
  • Loại sạc: sạc nam châm
  • Dòng sản phẩm: Warrior
  • Kích thước: 139 x 29.5mm
  • Trọng lượng: 176g
  • Khả năng chống nước: IP68

Thông số các mức sáng:

LEVEL 1 (lumens) 2,300~800~250
Run-time LEVEL 1 2.5+160+39 phút
LEVEL 2 (lumens) 800~250
Run-time LEVEL 2 166+39 phút
LEVEL 3 (lumens) 200
Run-time LEVEL 3 13 giờ
LEVEL 4 (lumens) 15
Run-time LEVEL 4 130 giờ
LEVEL 5 (lumens) 1
Run-time LEVEL 5 55 ngày
Strobe
SOS / BEACON Không

 

3. Đánh giá chi tiết

Vẫn là phong cách đóng hộp quen thuộc của Olight.

Mặt sau hộp in đầy đủ các thông tin về sản phẩm.

Phụ kiện đi kèm gồm có:

  • Pin sạc 21700 dung lượng 5000mAh của Olight
  • Cáp sạc nam châm
  • Bao đựng đèn
  • HDSD

Viên pin 21700 dung lượng 5000mAh được thiết kế đặc biệt của Olight.

Nó khác pin thông thường là cực dương (+) và cực âm (-) được đặt về 1 phía. Olight phải làm viên pin như vậy thì đèn mới dùng được sạc nam châm.

Ngoài ra ở đuôi của pin vẫn là nơi đặt cực âm như bình thường, điều này có nghĩa nó vẫn dùng được với các bộ sạc pin rời.

Khách hàng có thể mua lẻ loại pin này với giá 640.000đ.

Olight Warrior 3 thuộc phân khúc đèn pin cầm tay cỡ trung. Nó có chiều dài 139mm ~ 14cm.

Đường kính đầu đèn và thân ~ 29.5mm.

Trọng lượng rỗng của đèn là 103g.

Trọng lượng cả pin là 175g.

Tất nhiên Olight Warrior 3 sẽ to hơn các loại đèn dùng pin 18650, nhưng nó lại gọn hơn rất nhiều so với pin 26650, đây là điểm ưu việt của pin 21700. Tôi thấy nó rất ổn để mang theo sử dụng hàng ngày.

Đèn cho trải nghiệm cầm nắm, thao tác rất tốt.

Clip 2 chiều cho phép cây đèn nằm gọn trong túi quần hoặc cài balo đều được. Tuy nhiên tôi thấy nếu ai mặc quần jeans mà có túi nhỏ thì bỏ cây này vào sẽ thấy bị cộm, không dễ chịu cho lắm.

So sánh một chút về thiết kế với Olight M2R Pro (màu xanh). Có thể thấy cả 2 cây này nhìn giống nhau tới 95%.

Warrior 3 làm dài hơn một chút.

Công tắc chức năng của Warrior 3 được trang bị 2 dải đèn led để báo pin và mức sáng. Còn M2R Pro chỉ có đèn báo pin được tích hợp hẳn vào công tắc.

Đuôi đèn của Warrior 3 bị lược bỏ lỗ xỏ dây đeo tay. Ở điểm này thì tôi thấy là cải lùi thì đúng hơn!

Ngoài sự khác biệt ở vài chi tiết cũng như độ sáng cao hơn thì tôi thấy Olight Warrior 3 vẫn giữ nguyên được nhiều giá trị trong thiết kế của phiên bản trước đó.

Cái đầu tiên phải công nhận đó là đèn nhìn rất đẹp, vừa gai góc cứng cáp, vừa mềm mại ở những chỗ cần thiết. Cây Warrior 3 này đem lại một cảm giác liền khối, rất cục mịch và trâu bò. Phong cách thiết kế của Olight từ trước đến giờ không lẫn đi đâu được, rất khó miêu tả hết bằng lời nhưng nhìn phát đều biết đèn của ai ngay.

Thân đèn với các rãnh khá to với mục đích là tăng ma sát khi cầm nắm.

Chất lượng hoàn thiện rất cao, lớp mạ Anodized đẹp và sang trọng.

Phần đầu đèn không phải liền khối với thân nhưng đã được gắn keo nên chỉ có thể tháo được đuôi để thay pin.

Ren dạng vuông, có mỡ bôi trơn đầy đủ và gioăng cao su chống nước.

Tiếp xúc ở đầu đèn được làm đặc biệt cũng giống như viên pin vậy.

Tiếp xúc đuôi đèn.

Điểm đặc biệt nhất trong thiết kế từ M2R cho tới Warrior 3 chính là cụm công tắc đuôi kiêm luôn sạc nam châm.

Đây là công tắc điện tử, nó có 2 nấc bấm và làm bằng kim loại.

Khi bấm thì nên lựa lựa một chút để không vướng 3 cái chấu. Công tắc cho cảm giác bấm rất ok, nhạy và chính xác.

Nó cũng là cổng sạc nam châm luôn. Trong suốt nhiều năm qua Olight đã rất nỗ lực để hoàn thiện hơn cái công nghệ sạc nam châm này. Chủ yếu là tăng độ ổn định, khắc phục hết các lỗi từ thế hệ đầu tiên.

Tôi chưa gặp vấn đề gì với cổng sạc nam châm của Olight Warrior 3 trong suốt 2 tuần sử dụng.

Chỉ cần để gần đèn và dây sạc lại với nhau là chúng sẽ tự hít.

Khi sạc sẽ có đèn báo đỏ, pin đầy đèn chuyển xanh.

Đèn dùng nguồn sạc trực tiếp từ cổng USB 5V nên rất linh hoạt và tiện lợi.

Dòng sạc đạt khoảng 1.8A ở 5V, với tốc độ này thì thực tế sẽ mất khoảng 3.5-4 tiếng để đầy pin (bởi pin gần đầy thì dòng sạc sẽ giảm xuống).

Đầu đèn là vị trí đặt công tắc chức năng. Điểm nâng cấp ở công tắc này so với M2R Pro chính là 2 dải đèn led ở 2 bên.

Khi bật đèn chính lên thì 2 dải led này sẽ sáng trong vài giây. Dải led bên phải là báo pin, mỗi đèn tương ứng 25% còn bên trái là báo mức sáng.

Thiết kế này trực quan hơn rất nhiều, nó cho người dùng biết chính xác là đèn đang ở mức sáng nào, pin còn bao nhiêu để chủ động hơn trong quá trình sử dụng.

Công tắc được làm chìm xuống để tránh bị kích hoạt vô ý khi bỏ túi quần, balo. Nhưng vì diện tích tiếp xúc khá lớn nên nó vẫn cho cảm giác bấm tốt và chính xác.

Vòng bezel ở đầu đèn với viền công tắc được làm màu xanh dương, rất hợp với tông màu đen của cả cây đèn.

4. Giao diện sử dụng

Tôi cho rằng giao diện sử dụng chính là linh hồn của một cây đèn pin. Đây là yếu tố quyết định xem cây đèn này dành cho đối tượng khách hàng nào và cũng như sự gắn bó của người sử dụng với nó.

Olight đã làm rất rất tốt về phần giao diện sử dụng. Nó đơn giản nhưng lại thông minh và hiệu quả, ăn đứt gần như mọi đối thủ khác trên thị trường ngay cả Fenix. Đèn pin của Fenix có cách sử dụng đơn giản nhưng vẫn chưa tiện lợi bằng, đặc biệt ở khả năng truy cập nhanh các mức sáng cao/thấp hoặc nháy Strobe.

Để tôi cho bạn xem cách sử dụng của Olight Warrior 3 nó hay như nào:

Đây là một cây đèn với thiết kế 2 công tắc điển hình: 1 ở đuôi và 1 ở phía đầu đèn.

Công tắc chính ở đuôi có 2 nấc và có thể lập trình qua lại giữa 2 chế độ. Khi xuất xưởng thì đèn mặc định ở chế độ 1, có nghĩa là:

  • Nhấn và giữ công tắc với khoảng 30% lực, đèn sẽ sáng tạm thời ở 200 Lumens
  • Nhấn và giữ công tắc hết hành trình của nó, đèn sẽ sáng tạm thời ở 2300 Lumens
  • Thả tay ra đèn tắt
  • Khi muốn bật đèn sáng cố định ở 1 trong 2 mức sáng trên thì nhấn công tắc với lực tương ứng rồi thả tay ra. Làm tương tự để tắt đèn

Chế độ 2:

  • Nhấn và giữ công tắc với khoảng 30% lực, đèn sẽ sáng tạm thời ở 2300 Lumens
  • Nhấn và giữ côn tắc hết hành trình của nó, đèn sẽ sáng tạm thời ở chế độ nháy Strobe
  • Thả tay ra đèn tắt

Ở chế độ 2 đèn chỉ sáng tạm thời nếu nhấn công tắc đuôi, không có chế độ sáng cố định.

Cách chuyển đèn qua lại giữa chế độ 1 và 2:

  • Khi đèn đang tắt, nhấn và giữ công tắc đuôi, đồng thời dùng tay còn lại nhấn 1 lần vào công tắc chức năng ở đầu đèn.

Nếu công tắc đuôi dành cho những hoạt động cần phản ứng nhanh, truy cập tức thời độ sáng cao hoặc nháy Strobe thì công tắc chức năng ở đầu đèn dành cho những hoạt động chiếu sáng thông thường.

Khi đèn đang tắt:

  • Nhấn 1 lần để truy cập mức sáng cuối cùng sử dụng (trừ Moonlight, Turbo và Strobe)
  • Nhấn và giữ để kích hoạt moonlight 1 Lumens
  • Nhấn nhanh 2 lần để kích hoạt Turbo
  • Nhấn nhanh 3 lần để kích hoạt nháy Strobe

Khi đèn đang bật:

  • Nhấn 1 lần để tắt đèn
  • Nhấn và giữ để chuyển qua lại 3 mức sáng: Low – Medium – High
  • Nhấn nhanh 2 lần để kích hoạt Turbo
  • Nhấn nhanh 3 lần để kích hoạt nháy Strobe

Chế độ khóa lock-out:

Chế độ này nhằm tránh cho đèn bị kích hoạt vô ý trong trường hợp công tắc bị vật gì đó đè lên.

  • Khi đèn đang tắt, nhấn và giữ công tắc chức năng khoảng 3s là đèn sẽ vào chế độ khóa. Làm tương tự để mở khóa.

Nếu cảm thấy hướng dẫn này vẫn chưa đủ dễ hiểu thì bạn có thể xem video review nhé:

5. Hệ thống quang học và khả năng chiếu sáng

Bây giờ Olight cũng như nhiều hãng đèn khác không công bố đèn của họ dùng led gì, Warrior 3 cũng không phải ngoại lệ. Chúng ta chỉ biết đây là led ánh sáng trắng, cho độ sáng 2300 Lumens.

Olight Warrior 3 sử dụng thấu kính phản xạ TIR nên ánh sáng cho ra rất đặc biệt.

Đây là ánh sáng của Warrior 3 khi chiếu vào tường ở khoảng cách 3 mét. Ánh sáng tròn xoe, tỏa rộng và rất đều.

Còn đây là ánh sáng từ một cây đèn dùng chóa phản xạ thông thường, vùng sáng tỏa rộng và mịn dần từ trong ra ngoài.

5.1 Beamshot trong nhà:

Ánh sáng của Warrior 3 dùng rất tốt trong không gian hẹp, đây là 2300 Lumens.

800 Lumens

200 Lumens

15 Lumens

Còn mức Moonlight 1 Lumens nữa nhưng chiếu ở khoảng cách này thì coi như không có.

5.3 Beamshot ngoài trời

2300 Lumens.

Ánh sáng đặc biệt từ thấu kính TIR của Olight Warrior 3 lại thể hiện rất tốt ở ngoài trời. Nó đem lại sự cân bằng tuyệt vời giữa chiếu rộng và xa. Đèn chiếu xa 300 mét theo thông số, còn thực tế nó chiếu tốt ở 150 mét đổ lại.

800 Lumens

200 Lumens

15 và 1 Lumens thì quá yếu để sử dụng ngoài trời.

6. Thời lượng hoạt động (runtime)

  • Đường màu xanh (2300 Lumens): Warrior 3 duy trì độ sáng cao này trong chưa đầy 1 phút trước khi hạ xuống ~ 800 Lumens và sáng ổn định tới khi hết pin. Tổng runtime đạt 168 phút ~ 2.8 tiếng.
  • Đường màu cam (800 Lumens): Đèn hoạt động rất ổn định ở độ sáng này. Nó duy trì không đổi cho tới khi hết pin và tổng runtime đạt 187 phút ~ 3.1 tiếng.

Duy trì 800 Lumens liên tục hơn 3 tiếng là điều bất khả thi với những mẫu đèn dùng 1 pin 18650 truyền thống. Nhờ thân đèn to và viên pin sạc 21700 nên Olight Warrior 3 có thể làm việc này không chút khó khăn. Các mức sáng thấp hơn thì có thể yên trí là dùng thoải mái.

Đèn nóng rất nhanh chỉ sau 5 phút bật ở Turbo 2300 Lumens, nhiệt độ đầu đèn đạt gần 50°C.

Còn 800 Lumens có bật liên tục cũng chỉ đạt ~ 40°C, cầm thấy ấm nhưng chưa đến mức gây khó chịu. Như ở miền bắc đang là mùa đông thì cầm thoải mái luôn.

7. Tổng kết

Olight Warrior 3 nhìn chung là một mẫu đèn pin tác chiến đa năng có chất lượng rất cao và khả năng chiếu sáng ấn tượng. Nó dành cho những ai muốn đầu tư cho 1 cây đèn pin duy nhất để dùng cho gần như mọi việc cũng như mang theo người hàng ngày.

Vì dùng pin 21700 nên đèn hơi to nhưng bù lại là khả năng hoạt động rất ổn định ở 800 Lumens cũng như runtime vượt trội ở các độ sáng thấp hơn.

Tôi thích thiết kế sạc nam châm ở đuôi, clip cài 2 chiều nhưng lại không thích việc Olight bỏ mất cái lỗ xỏ dây đeo tay.