Review Fenix E-Star: đèn pin sinh tồn dùng cho thảm họa, tận thế!

0
1948

Fenix E-Star là một mẫu đèn pin sinh tồn có khả năng tự sạc lại pin bằng thao tác bóp tay để sử dụng cho các tình huống khẩn cấp như thảm họa, thiên tai hay mắc kẹt trong rừng. Mặc dù có độ sáng không quá cao nhưng trong các tình huống như vậy thì 1 Lumens cũng là quý giá bởi nó giúp bạn không bị bất lực trong bóng tối.

Đầu năm nay mình đã viết bài giới thiệu về cây đèn này và nhận được rất nhiều sự quan tâm, còn bài viết hôm nay sẽ chứng thực xem liệu E-Star có “ngon” như trên lý thuyết!

> Hiện Fenix E-Star đang được bán tại Bisu với giá 830.000đ cùng chế độ bảo hành 2 năm chính hãng <

1. Video

2. Thông số kĩ thuật

  • Độ sáng cực đại 100 Lumens
  • Chiếu xa 40 mét
  • Trang bị bóng led hiệu suất cao, tuổi thọ 50.000h
  • Đi kèm pin sạc Ni-Mh dung lượng 1300mAh
  • Có thể sử dụng với pin AA thông dụng
  • Trang bị cổng sạc Type-C
  • Cơ chế sạc điện khẩn cấp bằng thao tác bóp tay
  • Làm từ nhựa ABS chất lượng cao
  • Kích thước: 135 x 53 x 24mm
  • Trọng lượng: 128g (cả pin)
  • Chống nước: IP24

3. Đánh giá chi tiết

Cách đóng hộp quen thuộc của Fenix.

Các thông số của đèn được in ở mặt sau.

Cây E-Star này có độ sáng tối đa 100 Lumens nhưng đó là khi lắp thêm pin, còn nếu chỉ dùng cơ chế tự sạc lại điện thì đèn hoạt động tối ưu nhất ở 1 và 3 Lumens.

Phụ kiện đi kèm bao gồm:

  • 1 viên pin sạc Nimh cỡ AA, dung lượng 1300mAh
  • 1 cáp sạc Type-C
  • Dây đeo tay
  • HDSD

Viên pin sạc Nimh cỡ AA (pin tiểu) với dung lượng 1300mAh, điện thế 1.2 Volts.

Fenix E-Star mang một thiết kế đơn giản và thân thiện, kiểu những mẫu đèn dùng trong gia đình. Nó khá to, nhưng nhẹ do thân được làm hoàn toàn bằng nhựa ABS cao cấp.

Tổng trọng lượng cả pin là ~ 130g.

E-Star thiết kế thân dạng dẹt nên bỏ túi quần rất ok, không bị cộm và lăn qua lăn lại.

Làm bằng nhựa nhưng cây này rất cứng cáp, có thể chống va đập ở độ cao tới 1 mét và chống nước đạt chuẩn IP24, tức là đủ dùng trong điều kiện trời mưa nhỏ và vừa. Chất lượng hoàn thiện cũng ở mức tốt khi các mối nối được làm khít, không có ba via hay nhựa thừa.

Nhược điểm ở chất liệu? cái này quá rõ ràng đó là với màu trắng như này thì đèn cực kì dễ bị bám bẩn, mà một khi đã bẩn thì cũng không dễ lau sạch. Mình đã tự hỏi tại sao Fenix không cho ra phiên bản màu tối hơn, đen chẳng hạn? Cuối cùng thì nhận ra nếu làm màu tối thì lại mất đi ý nghĩa của một cây đèn pin sinh tồn, đó là phải sáng màu và dễ tìm trong các tình huống khẩn cấp!

Fenix E-Star có khả năng chiếu sáng khá tốt với 100 Lumens, chiếu xa 40 mét và tất nhiên chỉ khi với pin rời. Mặt bên của đèn sẽ có một ngăn pin như này.

Bên trong sẽ chứa một viên pin cỡ AA điện thế 1.2 – 1.5 volts, có thể là pin sạc hoặc pin dùng 1 lần đều được. Nếu sử dụng pin dùng một lần thì hãy chọn loại tốt, có thể là pin Alkaline hoặc Lithium để tránh bị chảy nước.

Viên pin sạc Nimh đi kèm cũng thuộc loại tốt nhưng dung lượng chỉ đạt 1300mAh, để tối ưu nhất thì có thể sử dụng pin Eneloop của Panasonic. Pin Eneloop loại tiêu chuẩn vỏ trắng đã có dung lượng tới 1900mAh, độ bền 2100 lần sạc. Còn cao cấp hơn nữa thì chơi Eneloop bản Pro vỏ đen, dung lượng tới 2500mAh nhưng tuổi thọ chỉ 500 lần sạc.

Thực tế mà nói thì dùng pin sạc luôn là giải pháp tiết kiệm và bảo vệ môi trường nhất. Pin sạc Eneloop có giá chỉ 100.000 – 120.000đ/viên tùy loại nhưng độ bền có thể tới hàng chục năm tùy cường độ sử dụng. Nếu sử dụng pin dùng 1 lần, cứ cho là giá khoảng 5000đ/viên và mỗi tuần thay 2 viên thì 1 năm đã hết tới 960.000đ tiền pin!

Đây là thông số runtime của E-Star khi sử dụng viên pin dung lượng 1300mAh đi kèm. Nếu thay bằng pin Eneloop dung lượng cao thì thông số còn ấn tượng hơn nữa!

Khoang pin có cả gioăng cao su để chống nước.

Các cực tiếp xúc đều được mạ vàng hết.

100 Lumens

Pin rời là nguồn năng lượng chính của Fenix E-Star, giúp đèn có thể sáng tối ưu ở 20 và 100 Lumens trong thời gian khá dài. Nhưng thế thì có gì đặc biệt đâu đúng không?

Quay đuôi đèn ra bạn sẽ thấy một cái lẫy như này, hãy gạt nó sang phải.

Và từ bên trong thân đèn sẽ bung ra một chi tiết bằng nhựa như này.

Đây là cần bóp tay cho cơ chế tự sạc điện của Fenix E-Star và cũng là điểm khác biệt tạo nên yếu tố “sinh tồn” của nó. Trong những tình huống khẩn cấp thì E-Star có thể hoạt động mà không cần tới viên pin gắn thêm, mà thay vào đó nó sẽ tự sạc điện để hoạt động thông qua thao tác bóp tay.

Chi tiết hơn thì bên trong thân đèn có một siêu tụ điện, nó có thể được sạc đầy chỉ với 20 giây bóp tay liên tục. Sau khi đầy điện thì con siêu tụ này sẽ giúp đèn sáng liên tục 2 phút ở 1 Lumens hoặc 50 giây ở 3 Lumens.

  • 1 và 3 Lumens là hai độ sáng yếu? => Cái này đúng
  • Hai độ sáng này gần như vô dụng? => Sai hoàn toàn

Nếu bạn đã từng thức dậy vào 1-2h sáng để tìm đồ hay đi WC thì sẽ biết được 1 Lumens nó sáng như thế nào. Căn bản là lúc đó mắt đang quen mới bóng tối đen kịt nên độ sáng 1 Lumens le lói như ánh trăng là quá đủ để soi đường hoặc tìm đồ loanh quanh, đó cũng là lí do đèn pin bây giờ đa phần đều có mức sáng Moonlight 1 Lumens.

Còn 3 Lumens sẽ đem lại tầm nhìn tốt hơn nữa. Nói chung đây đúng là 2 mức sáng khá thấp nhưng lại rất được việc khi chúng giúp bạn không bị bất lực trong bóng tối đen như mực.

Đây là 1 Lumens khi ở trong nhà.

Và đây là 3 Lumens.

1 Lumens.

3 Lumens.

Phải nói là đủ dùng để soi ở tầm gần, không gian hẹp trong bóng tối hoàn toàn.

Thao tác bóp tay khá nhẹ nhàng và trơn tru nhưng lại phát ra tiếng động lớn.

Và theo thông tin mình đọc trong HDSD của sản phẩm thì thao tác bóp tay có thể sạc điện cho cả viên pin Nimh nhưng với dòng rất nhỏ chỉ 160mAh, nên là muốn đầy thì phải bóp liên tục 16 tiếng.

Việc sạc lâu đầy cho pin thì cũng không quá quan trọng bởi chủ yếu chúng ta vẫn phải duy trì bóp thay thường xuyên để đèn hoạt động.

Cơ cấu bánh răng bên trong đều bằng nhựa nên là hãy dùng lực vừa phải để cây đèn bền nhất.

Khi dùng xong thì ấn hết cần bóp vào trong thân và khóa chốt lại là xong.

Hệ thống quang học của E-Star là một bóng led hiệu suất cao, ánh sáng trắng cùng thấu kính TIR mờ. Fenix không công bố nên mình cũng chẳng rõ loại led này là gì.

Ánh sáng cho ra chiếu tỏa đều và rộng.

Chiếu xa hiệu quả tầm 10m đổ lại ở 100 Lumens.

E-Star sử dụng công tắc gạt đơn giản, ở phía trên sẽ có một đèn báo pin kiêm công tắc nhấn để chuyển chế độ.

Cái đèn báo này sẽ hiển thị rất rõ dung lượng pin theo thời gian thực. Đèn màu xanh là pin đầy, chuyển đỏ khi cạn dần. Khi sử dụng cơ chế tự sạc bằng thao tác bóp tay thì bạn sẽ thấy cái đèn báo pin này hữu ích khi nó cho biết bóp đến khi nào là đầy.

Phía bên kia đầu đèn sẽ có một vị trí đặt cổng Type-C, dùng để sạc đầy cho viên pin AA.

Tốc độ sạc của cổng này chỉ khoảng 0.5A, mất 3 tiếng để đầy viên pin dung lượng 1300mAh đi kèm.

Đèn báo cũng sẽ cho biết tình trạng pin khi đang sạc.

4. Giao diện sử dụng

Fenix E-Star được thiết kế để ai cũng có thể dùng được, trong bất kì tình huống nào cho nên không ngạc nhiên khi giao diện sử dụng của nó vô cùng đơn giản:

  • Gạt công tắc lên để bật đèn, gạt xuống để tắt
  • Đèn mặc định luôn sáng ở 1 Lumens
  • Khi đèn đang bật, nhấn công tắc kiêm đèn báo pin để chuyển qua lại 1 – 3 – 20 Lumens.
  • 100 Lumens là mức sáng ẩn, nhấn và giữ công tắc để kích hoạt, thả tay ra là về mức sáng ban đầu.

Mình thích kiểu mặc định bật lên ở 1 Lumens bởi nó sẽ không bị chói và gây bất ngờ khi mắt đang quen với bóng tối.

5. Khả năng chiếu sáng

5.1 – Trong nhà

1 Lumens

1 Lumens

3 Lumens

20 Lumens

20 Lumens

100 Lumens

100 Lumens

5.2 – Ngoài trời

100 Lumens, ánh sáng chiếu rộng, đủ nhìn trong khoảng 10m đổ lại.

100 Lumens.

20 Lumens.

=> Nhìn chung mình thấy khả năng chiếu sáng của E-Star khá tốt, ở mức vừa đủ đáp ứng những nhu cầu sử dụng cơ bản, chủ yếu ở tầm gần. Nó có thể được sử dụng thường xuyên trong nhà hay các chuyến đi cắm trại, dã ngoại nhẹ nhàng và câu cá nữa.

6. Runtime

Mình không đo thời lượng sáng thực tế của E-Star bởi 100 Lumens là độ sáng sử dụng trong thời gian ngắn, phải nhấn giữ công tắc liên tục. Có thể dùng băng dính hay dây cao su để giữ công tắc được nhưng mình không cho đó là một ý hay.

20 Lumens sáng được 10 tiếng là quá ấn ổn, còn 3 và 1 Lumens thì về sáng bao lâu cũng được, miễn là bạn còn sức để bóp tay.

7. Kết luận

Đối với mình thì E-Star là một ý tưởng hay và thực tế của Fenix. Nó hoàn toàn có thể làm một cây đèn chính nếu bạn có nhu cầu chiếu sáng không quá cao, còn trong các chuyến đi xa thì có thể cất làm đèn back up.

Yếu tố sinh tồn của E-Star không chỉ nằm ở việc nó tự sạc qua thao tác bóp tay, mà còn ở việc chạy 1 viên pin AA. Đây vốn dĩ đã là một loại pin rất phổ thông, dễ kiếm và mang theo với số lượng lớn. Kiểu bất cứ gia đình nào cũng có sẵn loại pin này, và trong các chuyến đi mang theo khoảng 2 vỉ (8 viên) là dùng quá thoải mái rồi.

Cơ chế tự sạc bằng thao tác bóp tay là dành cho những trường hợp quá bí bách rồi, lúc nào pin sơ cua cũng dùng hết sạch. Mình thấy đây là tính năng rất thực tế vì nếu duy trì nhịp bóp đều thì hoàn toàn có thể duy trì độ sáng 3 Lumens một cách liên tục.

Nói về điểm trừ thì vẫn là chất liệu nhựa dễ bám bẩn, ngoài ra các chi tiết khác để ở mức ổn.