Review đèn xe đạp Fenix BC30 V2.0: sáng hơn cả đèn xe máy!

0
1664

Mình mới mua xe đạp và dạo này rất chăm đạp đặc biệt vào buổi tối. Thời tiết buổi tối mát mẻ dễ chịu và vận động một chút sau bữa cơm cũng thấy thoải mái hơn. Vấn đề là so với các phương tiện khác thì xe đạp có nhiều bất lợi khi gần như không phát ra tiếng động khi di chuyển, đa số xe không có chuông và đặc biệt là không có đèn.

Dù di chuyển trên phố hay những con ngõ nhỏ thì mình luôn có cảm giác bị lép vế, không an toàn khi mà các phương tiện khác hầu như không chú ý đến sự hiện diện của chiếc xe đạp. Để giải quyết vấn đề này thì mình có lắp chuông và tậu ngay một chiếc đèn xe đạp BC30 V2.0 của Fenix.

Cái đèn này nhỏ gọn, pin lâu và cực sáng tới 2200 Lumens. Để cho các bạn dễ hình dung thì đèn halogen của xe máy phổ thông chỉ sáng tầm 6-700 Lumens, và nhiều loại xe hơi cũng chỉ được 2000 Lumens. Gắn cây Fenix BC30 V2.0 này xong thì cảm giác tự tin và an toàn khi đạp xe được tăng lên vài lần!

Giá bán của cây Fenix BC30 V2.0 này là 2.450.000đ, khá đắt so với nhiều người nhưng sau khoảng 1 tuần sử dụng thì mình thấy nó đáng đến từng đồng!

1. Video

2. Thông số kĩ thuật

  • Trang bị 2 bóng led Luminus SST-40, tuổi thọ hơn 50.000 giờ
  • Độ sáng cực đại 2200 Lumens, chiếu xa 187 mét
  • Sử dụng 2 pin sạc 18650 có thể tháo rời
  • Có trang bị chức năng điều khiển từ xa
  • Giá cài xe đạp tháo lắp cực nhanh và chắc chắn
  • Có thể gắn lên mũ bảo hộ
  • Hệ thống ánh sáng kép chống chói mắt người đi ngược chiều
  • Kích thước: 120 x 50 x 31.8mm
  • Trọng lượng: 154g (chưa tính pin)

3. Đánh giá chi tiết

Đây là hộp sản phẩm, cũng không có gì đặc biệt để bàn nhiều.

Phụ kiện đi kèm sẽ có 1 cái gá cài tháo lắp nhanh này để gắn đèn vào ghi đông.

3 miếng đệm cao su đủ kích cỡ để gắn cho nhiều loại ghi đông khác nhau.

1 cái công tắc không dây.

1 viên pin CR1632 để gắn cho công tắc không dây.

Để mở được nắp pin của công tắc thì tốt nhất là dùng 1 đồng xu, vặn nhẹ ngược chiều kim đồng hồ là được.

Cho pin vào rồi thì xoáy nhẹ theo chiều kim đồng hồ, đừng mạnh tay quá kẻo toét nhựa.

2 o-ring dự phòng và 1 quyển HDSD.

Nguyên bản của đèn bán ra là không hề kèm pin sạc và bộ sạc.

Nhưng khi mua đèn tại Bisu thì sẽ được tặng 2 viên pin sạc 18650, dung lượng 2600mAh mỗi viên.

Lúc này nếu ai chưa có thì đầu tư một bộ sạc đôi nữa là được, rẻ mà đủ dùng thì có thể chọn Xtar FC2 (265.000đ), xịn hơn thì mua Fenix ARE-D2 (630.000đ).

Đây là nhân vật chính: Fenix BC30 V2.0. Tên cây này có V2.0 là bởi nó là phiên bản nâng cấp từ BC30 đời 2014. Về thiết kế tổng thể mình thấy không có thay đổi nhiều, chủ yếu nâng cấp độ sáng từ 1800 lên 2200 Lumens, các mức sáng được chia lại, tăng khả năng chiếu xa và đặc biệt là sử dụng công tắc rời không dây.

So sánh thông số với bản cũ.

Cây đèn khá gọn với thiết kế đặt 2 viên pin 18650 nằm song song. Nó cũng có thể chạy 4 pin CR123A (điện thế 3volts) khi cần thiết. Toàn bộ thân đèn làm bằng nhôm nên rất cứng cáp và chắc tay. Trọng lượng cả đèn khi lắp đủ 2 pin là khoảng 250g.

Hai bên được thiết kế các lá tản nhiệt cỡ lớn để hoạt động ổn định ở độ sáng cao.

Mặt dưới là cơ cấu ngàm để gắn đèn lên xe.

Cái gá này là một thiết kế mình rất thích của Fenix, nó đơn giản mà cực kì chắc chắn. Các mẫu đèn xe đạp của họ từ trước đến giờ đều dùng chung một cơ cấu gá như ngày nên có thể gắn cho nhau được.

Gắn vào đèn sẽ như này.

Một khi đã bắt vào ghi đông xe thì bao chắc chắn luôn, nhưng phải chú ý chọn miếng đệm lót phù hợp cho vừa với kích cỡ của ghi đông. Như xe mình phải dùng miếng dày nhất thì mới gắn chặt được.

Nhưng mà điểm mình thích nhất chính là khả năng tháo lắp đèn cực kì nhanh. Lúc muốn tháo thì dùng 1 tay ấn cái lẫy này xuống rồi rút đèn ra là xong, rất tiện lợi. Cái thiết kế này rất được việc khi chẳng hạn muốn tháo đèn ra để cất đi hoặc dùng như đèn pin cầm tay, xong việc rồi thì lắp lại.

Chất lượng hoàn thiện của BC30 V2.0 cực ngon, từ những chi tiết nhỏ cho tới lớp mạ đều được làm chỉn chu, lắp lên xe nhìn cũng gọn và đẹp. Xe mình chuyên đi phố nên không có giảm xóc, đi qua đường xấu là xe rung bần bật nhưng đèn thì vẫn cố định tại một vị trí, không bị xê dịch.

Đây là công tắc chính điều khiển gần như mọi chức năng của đèn.

Nó được tích hợp cả đèn báo pin, khi đèn chính đang tắt thì nhấn công tắc 1 lần là đèn báo pin sẽ sáng. Pin đầy đèn sáng màu xanh và chuyển đỏ khi pin cạn dần. Đèn nháy đỏ là lúc pin sắp cạn kiệt hẳn.

Nhưng vì là đèn gắn xe đạp nên mình ít dùng công tắc đó mà chủ yếu là cái này. Đây là công tắc rời điều khiển đèn và nó kết nối hoàn toàn không dây. Cái công tắc không dây này cũng là một trong lý do chính mình quyết định mua BC30 V2.0.

Với các loại đèn thông thường khác thì khi đạp xe mà muốn bật/tắt hay chỉnh độ sáng thì lại phải bỏ 1 bên tay lái ra để thao tác. Mình thấy cái đó khá bất tiện và nguy hiểm, đặc biệt với xe của mình có bánh đường kính nhỏ, bỏ 1 tay ra là xe bất ổn định ngay và có thể ngã nếu vấp phải ổ gà.

Còn với công tắc rời của Fenix BC30 V2.0 thì mình không bao giờ phải nhấc tay lên khi thao tác đèn!

Mình gắn ngay nó ở tay lái như này, khi cần thì nhấc ngón cái lên bấm bấm là xong, quá tiện lợi và an toàn.

10 điểm cho tính năng này.

Quay trở lại với cây đèn. Thì điểm khác biệt giữa đèn pin xe đạp chuyên dụng và đèn thông thường là nằm ở hệ thống quang học. Fenix BC30 V2.0 sử dụng 2 bóng led Luminus SST40 cho độ sáng cực đại tới 2200 Lumens.

Sáng thôi là chưa đủ, Fenix còn thiết kế cho cây này hệ thống thấu kính đặc biệt để cho ra ánh sáng mạnh nhưng lại bám đường và đặc biệt không gây chói mắt cho người đi ngược chiều. Đây là yếu tố rất quan trọng cho những chuyến đạp xe tự tin và an toàn hơn.

Đây là ánh sáng của đèn, toả rất rộng, đản bảo tầm nhìn tốt nhất có thể cho người đạp xe. Với ánh sáng này thì người hay phương tiện đi ngược chiều cũng không bị chói mắt và khó chịu.

Đuôi đèn là nơi đặt khay pin và đây là cái chốt để mở.

Xoay chốt ngược chiều kim đồng hồ rồi kéo khay pin ra là được.

Cái hay của cây này là pin sạc 18650 đầu phẳng hay đầu lồi đều dùng được hết do tiếp xúc các cực đều là lò xo.

Khay pin làm bằng nhựa, chủ yếu để cách nhiệt cho pin khỏi nhiệt lượng lớn toả ra từ đèn. Lưu ý là trên khay pin có đánh dấy chiều + – để lắp cho đúng, chứ nhiều bạn sẽ lắp nhầm cực pin và đèn không sáng được.

Có cả gioăng cao su đầy đủ để đảm bảo kín nước.

Vì thiết kế không có cổng sạc nên Fenix BC30 V2.0 đạt chuẩn chống nước tới IP67, theo lý thuyết là ngâm nước sâu 1 mét trong 30 phút được. Còn thực tế thì sử dụng ở điều kiện trời mưa rất to cũng không có vấn đề gì.

4. Giao diện sử dụng

Cách dùng của cây này rất đơn giản, đầu tiên với công tắc trên thân đèn:

  • Bật/Tắt: nhấn và giữ công tắc 0.5s
  • Chuyển mức sáng: khi đèn đang bật, nhấn công tắc 1 lần để chuyển qua lại 4 độ sáng 50 – 200 – 600 – 1500 Lumens.
  • Chế độ nháy: khi đèn đang bật, nhấn nhanh công tắc 2 lần. Nhấn thêm 1 lần nữa để thoát và về mức sáng ban đầu.

Mức sáng Turbo 2200 Lumens được thiết kế ẩn và chỉ có thể truy cập được khi sử dụng công tắc không dây:

Trên cụm này sẽ có 2 công tắc như hình.

Công tắc hình vuông phía trên cùng để bật/tắt đèn và chuyển độ sáng, thao tác như khi với công tắc trên thân đèn.

Còn công tắc hình tia sét là để kích hoạt nhanh chế độ sáng Turbo 2200 Lumens. Khi đèn đang bật thì nhấn công tắc này 1 lần để lên 2200 Lumens, nhấn 1 lần nữa về lại mức sáng ban đầu.

*Lưu ý:

  • Công tắc không dây này chỉ có thể sử dụng khi bạn bật đèn lên bằng công tắc chính trên thân trước.
  • Khi mới bóc hộp thì chỉ cần kết nối đèn với công tắc không dây 1 lần là dùng mãi. Cách kết nối như sau: Lắp pin vào đèn, nhấn giữ công tắc trên thân trong 5s cho tới khi nó nháy đèn. Lúc này nhấn nút bất kì trên cụm công tắc không dây là được.

5. Khả năng chiếu sáng

Cây BC30 V2.0 này mình thấy độ sáng chính của nó là 600 Lumens. Đây là mức sáng dư sức đáp ứng trong cả đô thị lẫn các cung đường trường. Thỉnh thoảng có thể nhảy lên 1500 Lumens khi cần. Còn 2200 Lumens là độ sáng không nên duy trì lâu vì nó làm đèn nhanh hết pin. Mình thường dùng 2200 Lumens khi muốn xin đường thôi, sau đó lại nhảy về 600 Lumens.

50 Lumens

200 Lumens

Ở môi trường tối hoàn toàn thì 50 và 200 Lumens cũng đủ sáng, còn trong thành phố nhiều đèn đường thì không xi nhê.

600 Lumens quá ổn áp, mức ngày ngang với đèn xe máy rồi.

1500 Lumens.

2200 Lumens, độ sáng mà nhiều xe hơi nhìn cũng phải hoảng đôi chút.

Chiếu xa khá tốt, tầm 100 mét đổ lại không thành vấn đề, mỗi tội tấm này bị out nét mới chán :))

6. Runtime

Mình đo runtime cây này với 2 pin sạc 18650 dung lượng 3400mAh mỗi viên, tổng là 6800mAh và kết quả khá bất ngờ:

  • 1500 Lumens (đường màu xanh): mức này Fenix công bố là sáng được 2.3 tiếng. Mình đo được tổng là 162 phút ~ 2.7 tiếng, trong đó độ sáng cao duy trì được tận 70 phút gần như không tụt.
  • 600 Lumens (đường màu cam): Fenix công bố đèn chạy được 6 tiếng ở 600 Lumens, mình đo được 375 phút ~ 6.25 tiếng, trong đó độ sáng duy trì không đổi tới gần 6 tiếng và chỉ hạ khi đèn hết pin.

Mỗi tối mình đạp xe trung bình 1.5 tiếng liên tục ở 600 Lumens thì 4 ngày mới sạc pin 1 lần. Còn nếu ai muốn tiết kiệm pin hơn thì dùng ở 200 Lumens cũng được, mức này trụ được tới 16 tiếng.

7. Tổng kết

Nhìn chung mình rất hài lòng với cây Fenix BC30 V2.0 này, từ thiết kế cho tới khả năng chiếu sáng, đặc biệt là cái công tắc không dây quá tiện. 2.5 triệu không phải số tiền quá lớn để đem lại trải ngiệm đạp xe an toàn và tự tin hơn, nếu chia đều ra 5 năm sử dụng (tương ứng với 5 năm bảo hành) thì mỗi ngày mất có 1300đ, quá rẻ mạt.

Nhưng nếu để cây đèn này hoàn hảo hơn thì mình muốn nó có thêm cổng sạc Type-C, điều này sẽ giúp tiết kiệm kha khá chi phí mua bộ sạc rời và dùng cũng tiện hơn rất nhiều. Đèn hết pin thì tháo ra cắm sạc là được, đỡ phải tháo hẳn pin ra.