Review đèn pin Yakorsei GD12: liệu có trở thành Fenix thứ hai?

0
3370

Yakorsei là phiên âm tiếng nhật của từ 夜行者, nghĩa chỉ các loài động vật sống về đêm. Và nếu bạn chưa bao giờ có một chút khái niệm gì về hãng đèn pin này thì tôi cũng rất đồng cảm. Khoảng hơn 1 tháng trước khi hãng gửi cho cây GD12 để tham khảo, viết Review thì tôi mới biết đến thương hiệu non trẻ này. Tưởng lạ mà quen, thực ra ông chủ của hãng chính là một cựu kĩ sư của Fenix tách ra làm riêng. Nếu có mối quan hệ quen biết với nội bộ các hãng lớn như Fenix thì sẽ thấy việc này rất bình thường. Theo trí nhớ của tôi thì cũng có phải đến gần chục thương hiệu đèn đóm lớn nhỏ mà ông chủ có xuất thân từ Fenix rồi 😀

Yakorsei có tham vọng phát triển hành một Fenix thứ hai trong tương lai hoặc chí ít khi nhắc tới đèn pin cao cấp thì Yakorsei cũng phải có tên trong đó. Với những kinh nghiệm đã đúc kết khi làm trong Fenix thì ông chủ Yakorsei hiểu rằng con đường đúng đắn nhất để đi tới thành công chính là tập trung vào chất lượng sản phẩm, đem đến cho khách hàng giá trị lớn hơn số tiền mà họ bỏ ra. Trong bài review này thì chúng ta sẽ cùng xem liệu họ có đang làm được điều đó không.

Các bạn có thể truy cập website của hãng là: https://yakorseilighting.com/

Bạn sẽ thấy hiện tại họ chỉ mới tung ra sản phẩm duy nhất là Yakorsei GD12 – một cây đèn pin tác chiến đa năng kiêm EDC.

Giá bán trên Web của cây này đang là ~ 70 USD (đã được giảm giá), tức khoảng 1.700.000 vnđ. Đây là số tiền không nhỏ mà cũng không lớn cho một cây đèn pin nếu nhìn vào thị trường bây giờ. Nhưng nếu chứng minh được chất lượng và giá trị vượt trội của mình thì đây là một mức giá hời.

Thông số kĩ thuật

  • Phân khúc: đèn pin tác chiến đa năng kiêm EDC
  • Kích thước tầm trung
  • Trang bị Led Luminus SST40 hiệu suất cao, ánh sáng trắng
  • Loại pin tương thích: pin sạc 18650 và pin dùng 1 lần CR123A
  • Độ sáng cực đại 1600 Lumens
  • Chiếu xa 219 mét
  • Số mức sáng: 5
  • Chế độ nháy: Strobe và SOS
  • Có thể lập trình giao diện sử dụng giữa chế độ tác chiến (tactical) và ngoài trời (outdoor)
  • Thân đèn bằng hợp kim nhôm hàng không 6061-T6
  • Trang bị cảm biến nhiệt độ thông minh
  • Chống nước: IP68

Mở hộp và đánh giá chi tiết

Yakorsei có thiết kế vỏ hộp bắt mắt và tinh tế với 3 gam màu: trắng, vàng và đen.

Mặt trước sau đều in đầy đủ các thông số và đặc điểm của sản phẩm.

Thông số các mức sáng và Runtime tương ứng.

Nhìn cách đóng hộp này tôi thấy ngay có sự ảnh hưởng không hề nhỏ của Fenix.

Với 1 triệu 7 chúng ta sẽ có đèn và toàn bộ phụ kiện như trên bao gồm:

  • Pin sạc 18650 dung lượng 3500mAh, có cổng Micro USB trên thân
  • Cáp sạc Micro USB
  • Bao đựng
  • Dây đeo
  • Gioăng cao su và núm công tắc dự phòng
  • Sách HDSD

Quyển HDSD khá hoành tráng với nhiều thứ tiếng.

Bao đựng đi kèm có chất lượng tốt chứ không phải để cho có như nhiều hãng.

Pin sạc 18650 đi kèm, loại dung lượng cao nhất 3500mAh và có cổng sạc Micro USB trên thân. Fenix cũng có viên ARB-L18-3500U với giá khoảng 600k.

Theo thông số NSX thì mất khoảng 5 tiếng để sạc đây viên này từ trạng thái cạn, tức dòng sạc cũng đạt ~ 1A.

Dây Micro USB đi kèm, cũng là hàng tốt đấy.

Yakorsei GD12 mang kích thước và thiết kế điển hình của một cây đèn pin cỡ trung chạy 1 viên 18650. Chiều của của đèn khoảng 14cm, kích thước đầu, thân và đuôi đều bằng nhau khiến đèn pin dạng này lý tưởng để bỏ túi, balo,.. mang theo hàng ngày mà không gây cấn hay chiếm không gian.

Từ trái qua: Fenix PD35 Tac, Yakorsei GD12 và Fenix PD35 V2.0

Cầm Yakorsei GD12 trên tay thì thôi phải lấy ngay 2 cây PD35 của Fenix ra để đặt cạnh nhau so sánh. Tôi không muốn nói rằng thiết kế của 3 cây này hao hao nhau bởi bây giờ đèn pin cùng một phân khúc thì cây nào chả mang chung một ngôn ngữ thiết kế?

Từ lâu những cây đèn pin cỡ trung dùng 1 pin sạc 18650 như này đã được coi là chuẩn mực bởi chúng rất cân bằng giữa các yếu tố:

  • Đủ nhỏ gọn để mang theo mọi lúc
  • Công suất đủ lớn cho các hoạt động chiếu sáng cường độ cao ngoài trời
  • Runtime đủ khỏe để cân các mức sáng cao trên 500 Lumens ở thời gian vài tiếng và các mức sáng thấp đến cả chục ngày trong các tình huống sinh tồn

Đó còn chưa kể đến pin sạc 18650 bây giờ quá rẻ và phổ biến vì nó cũng là pin chuẩn công nghiệp. Trong các chuyến đi xa thì chỉ cần mang theo 1-2 viên để sơ cua là đã thỏa mãn hầu như mọi nhu cầu chiếu sáng rồi.

Điểm tôi muốn nhấn mạnh khi đi Yakorsei cạnh Fenix chính sự tương đồng giữa chất lượng hoàn thiện. Bây giờ xóa bỏ tên thương hiệu và model đi thì bạn có nhận ra rằng chúng thuộc hai hãng khác nhau không?

Thật sự là khó để phân biệt nếu dựa vào chất lượng hoàn thiện bởi lẽ Yakorsei làm quá tốt. Họ chăm chút mọi thứ từ chất liệu, lớp mạ cho đến những chi tiết nhỏ, không thứ gì bị làm ngơ.

Lớp mạ của Yakorsei GD12 giống Fenix PD35 Tac tới 90-95%. Đó là một lời khen về một lớp mạ tốt!

Độ dày vòng Bezel của GD12 nhỉnh hơn cả PD35 Tac.

Phần đuôi thì PD35 Tac dày hơn.

Cả ống thân đèn cũng vậy, thấy rõ là Fenix PD35 Tac dày hơn gần gấp đôi.

Trọng lượng chưa pin của PD35 Tac là 87g.

GD12 nhẹ hơn 12g do thân mỏng hơn.

Trọng lượng khi có pin.

Thân đèn mỏng hơn chút cũng không phải là vấn đề lớn bởi tôi thấy nhẹ hơn được 10g có khi lại tốt hơn. Kết cấu dạng ống kín 2 đầu của đèn pin nói chung đã khiến chúng có khả năng chịu va đập rất tốt rồi, thậm chí cả xe hơi cán qua nên độ dày của GD12 tôi cho là đủ.

GD12 tháo ra được làm 3 khúc.

Thân đèn với thiết kế khá hay, vừa chống lăn vừa tăng ma sát khi cầm nắm.

Nó cho cảm giác cầm rất tốt, không bị trơn dù tay có ra mồ hôi hoặc dùng găng tay.

Ren vặn đầu và đuôi đều được làm rất tử tế với ren dạng vuông và được mạ chống ăn mòn.

Trong thân đèn cũng được mạ một lớp cách điện. Đây là chi tiết tôi chỉ thường thấy trên những cây đèn pin cao cấp, mục đích của nó là hạn chế tối đa khả năng bị chập điện trong trường hợp viên pin bị rách lớp vỏ bảo vệ.

Mạch đèn đèn sạch sẽ, các tiếp xúc đều được mạ vàng nhìn rất xịn.

Đuôi đèn cũng vậy, sạch sẽ và tinh tế. Thiết kế lò xo 2 đầu cho phép đèn dùng được cả pin sạc 18650 đầu phẳng lẫn đầu lồi cũng như chống shock tốt nhất cho pin khi có va đập hoặc gắn vào các loại súng có độ giật cao.

GD12 được trang bị clip cài 2 chiều.

Clip hơn ngắn nên khi đút túi quần vẫn sẽ có phần đuôi đèn nhô lên.

Tôi nghĩ mọi cây đèn tầm trung đến nhỏ nên có clip cài 2 chiều, đơn giản là chúng rất tiện. Một ứng dụng phổ biến của clip dạng này là có thể gắn mũ lưỡi chai để dùng như đèn pin đeo trán. Với trọng lượng hơn 100g thì GD12 không phải hoàn hảo để đeo trán vì nó khá nặng, nhưng dùng khi cấp bách khoảng nửa tiếng thì cũng ổn.

Là dòng đèn pin tác chiến đa năng kiêm EDC nên Yakorsei GD12 có 2 công tắc, một ở đuôi và một phía đầu đèn.

Công tắc đuôi cho khả năng thao tác và truy cập các mức sáng rất nhanh đặc biệt ở chế độ tác chiến.

Công tắc phụ trên thân giúp chuyển các chế độ sáng thuận tiện hơn.

Làm lồi lên như này để dễ thao tác cả khi đeo găng tay.

Và tất nhiên nó cũng được trang bị một đèn led để báo tình trạng pin. Đèn led này sẽ sáng trong 3s khi kích hoạt đèn chính.

Trái tim của cây đèn là Led Luminus SST40, tôi thấy hiện nay đây đang là con led quốc dân bởi hiệu suất của nó rất tốt và cho ánh sáng đẹp. Kết hợp với chóa trơn và chúng ta sẽ có khả năng chiếu xa > 200 mét.

Mặt kính cường lực phủ AR đàng hoàng luôn.

Một yếu tố quan trọng tạo nên giá trị của cây GD12 này chính là:

Giao diện sử dụng 

Nếu như Fenix đem lại những sản phẩm có chất lượng thuộc hàng top nhưng giao diện sử dụng lại có phần hơi “ngu” thì Yakorsei lại đáp ứng được cả 2 tiêu chí: chất lượng ngon và giao diện sử dụng thông minh.

Ngay từ đầu tôi đặt Fenix PD35 Tac và Yakorsei GD12 là bởi 2 cây này có giao diện sử dụng khá tương đồng với nhau. Chúng đều có thể lập trình giữa 2 chế độ sáng là Tactical và Outdoor. Chế độ Tactical sẽ giới hạn cây đèn ở 2 chế độ sáng duy nhất là Turbo và nháy Strobe, còn chế độ Outdoor cho phép lựa chọn thoải mái giữa các mức sáng khác nhau. Fenix PD35 Tac cũng là cây đèn pin duy nhất của hãng có giao diện sử dụng mà tôi ưng nhất, tách biệt với phần còn lại.

Cụ thể thì chế độ Tactical của GD12 cho phép:

  • Truy cập tức thời mức Turbo 1600 Lumens
  • Truy cập tức thời chế độ nháy Strobe
  • Đèn sẽ luôn sáng ở chế độ Turbo 1600 Lumens

Ở chế độ Tactical khi nhấn công tắc 1 lần thì đèn sẽ luôn sáng ở mức 1600 Lumens

Còn nháy đúp công tắc 2 lần thì đèn sẽ kích hoạt ngay chế độ nháy Strobe

Trong trường hợp vẫn cần dùng mức sáng thấp thì nhấn công tắc trên thân 1 lần và đèn sẽ chuyển qua lại giữa 100 và 1600 Lumens, cực kì tiện lợi.

Còn chế độ Outdoor cho phép:

  • Truy cập nhanh mức sáng Moonlight 1 Lumens
  • Nhớ mức sáng cuối được sử dụng
  • Có chế độ nháy SOS

Giả sử trước đó bạn đang dùng đèn ở mức 300 Lumens thì lần sau khi nhấn công tắc một lần, đèn sẽ luôn sáng ở 300 Lumens.

Khi đang tắt, nháy đúp công tắc là đèn sẽ truy cập ngay Moonlight 1 Lumens, rất hữu ích khi thức dậy vào giữa đêm và cần ánh sáng vừa đủ để tìm đồ hoặc đi WC.

Khi đang bật, nhấn công tắc trên thân và đèn sẽ chuyển qua lại giữa 4 chế độ sáng: 100 – 300 – 800 và 1600 Lumens.

Khi đang bật, nhấn đúp công tắc trên thân đèn sẽ kích hoạt ngay nháy Strobe, nhấn đúp lần nữa chuyển sang SOS, nhấn một lần trở về chế độ sáng bình thường.

Chuyển đổi giữa chế độ Tactical và Outdoor

Rất đơn giản, khi đèn đang bật thì nhấn và giữ công tắc trên thân trong khoảng 4 giây là nó sẽ chuyển sang chế độ sáng còn lại.

Giao diện sử dụng của cây GD12 này người mới dùng đọc qua có thể hơi rối nhưng một khi đã làm quen được thì sẽ thấy nó cực ngon luôn. Tôi đảm bảo cái giao diện sử dụng như này dùng vào mục đích gì cũng thấy tiện.

Test khả năng chiếu sáng

Mức moonlight 1 Lumens thì yếu quá nên tôi cũng không test, bắt đầu từ 100 Lumens đổ lên nhé.

100 Lumens, dùng loanh quanh trong nhà hay tầm gần ngoài trời là khỏi nghĩ. Runtime đạt 44 tiếng ở mức này.

300 Lumens, chiếu xa tới 90 mét và sáng liên tục 7.5 tiếng, đủ đi bộ xuyên đêm.

Và nếu thấy 300 Lumens vẫn chưa đủ thì có thể lên 800 Lumens. Mức 800 Lumens này chắc chắn sẽ hạ xuống thấp hơn sau vài phút vì đèn khá nóng, thực tế thôi phải đo đã. Yakursei công bố 800 Lumens sáng được trong 8 tiếng.

1600 Lumens, rất chói và ấn tượng. Đèn chiếu xa theo lý thiết là 219 mét ở mức sáng này nên lý tưởng trong các tình huống cần độ sáng cao trong thời gian ngắn để làm chói mắt đối thủ hay tìm kiếm gì đó ngoài trời.

Giờ test ở sân rộng, đây là khi chưa có đèn.

1600 Lumens, khá bá đạo

800 Lumens, cũng ngon không kém

1600 Lumens

800 Lumens

1600 Lumens

Runtime

Vì lí do kĩ thuật nên tôi chưa đo runtime thực tế cây này được nhưng sẽ bổ sung sớm nhất có thể. Cũng như các cây đèn chạy một pin 18650 điển hình khác thì Yakorsei cũng không duy trì được quá lâu ở mức sáng cao 1600 và 800 Lumens. Vì thế khi mua những cây đèn thuộc phân khúc này bạn nên quan tâm rằng nó chạy rất ổn định ở các mức sáng tầm 450 hay 300 Lumens đổ lại, chứ đừng nhìn quảng cáo cả nghìn Lumens mà phí tiền oan nhé.

Tổng kết

Nhìn chung tôi có ấn tượng rất tốt với Yakorsei GD12, nhất là chất lượng hoàn hiện và giao diện sử dụng thông minh, cả khả năng chiếu sáng cũng ấn tượng. Nếu bắt buộc phải so với Fenix thì tôi sẽ cho điểm 9/10 và thực tế giao diện sử dụng của Yakorsei cũng đã ăn đứt Fenix rồi.

Tuy nhiên có một nhược điểm nhỏ nhưng làm tôi khá khó chịu chính là hiện tượng “delay” khi bật đèn. Nó kiểu khi nhấn công tắc đuôi thì cây đèn sẽ mất cỡ 0.5s để bật lên, từ trước giờ tôi gặp khá nhiều đèn từ các hãng gặp hiện tượng này rồi nên có thể khẳng định không phải lỗi và là một đặc điểm của Driver. Nhiều người dùng khác sẽ không bận tâm nhưng vì hơi khó tính nên thôi khá quan trọng việc này, mong là hãng sẽ cải thiện trong các phiên bản mới hơi.

Hiện ở đây là cây đèn pin Yakorsei duy nhất ở Việt Nam do hãng gửi để làm Review, trong tương lai gần rất có thể EDCZone sẽ phân phối đèn mang thương hiệu này, mọi người có thể theo dõi tại Fanpage của họ: https://www.facebook.com/edczone