Review đèn pin sáng nhất của Fenix: LR60R (21.000 Lumens, giá 10 triệu)

0
1409

Trong 2 năm trở lại đây hãng đèn pin Fenix đã có sự thay đổi lớn về cách phân loại các dòng sản phẩm của họ một cách trực quan và khoa học hơn. Ví dụ dòng TK sẽ chuyên đèn pin chiến thuật với kích thước tầm trung; E là đèn móc khóa, đèn EDC cỡ nhỏ; HLđèn pin đội đầu có pin sạc tích hợp; CL là đèn pin cắm trại,…

Nhưng đáng chú ý nhất phải là dòng “LR“, nơi dành cho những cây đèn pin công suất khủng (>10.000 Lumens), dung lượng pin cao và đặc biệt là tầm chiếu xa phải từ 500 mét đổ lên. Fenix không đề cập cụ thể nhưng chúng ta đều hiểu rằng “LR” là viết tắt của “Long Range” = “Tầm xa”.

Fenix LR60R là cây đèn pin mới và sáng khủng nhất của hãng này được lên kệ vào cuối tháng 10/2023 với thiết kế rất hầm hố, công suất 21.000 Lumens và trang bị cả tá các tính năng hiện đại. Hệ thống quang học đặc biệt cho phép nó vừa đạt tầm chiếu xa tới 1000 mét mà vẫn chiếu rộng, bao quát.

Giá bán tới 10 triệu!

Với giá bán tới hơn 10.000.000đ và độ sáng 21.000 Lumens cũng không phải quá ấn tượng trong thị trường đèn pin hiện giờ khi cùng mức giá bạn có thể sở hữu Imalent MS18 sáng gấp 5 lần (100.000 Lumens) hay SR32 sáng nhất thế giới với 120.000 Lumens.

Vậy Fenix LR60R đem lại những gì? Câu trả lời chính là: CHẤT LƯỢNG và SỰ CÂN BẰNG!

Làm đèn pin siêu sáng không quá khó với công nghệ bây giờ, nhưng để cân bằng được giữa độ sáng – hiệu suất – độ bền và chất lượng hoàn thiện với là bài toán khó. Đây cũng là những giá trị cốt lõi luôn là kim chỉ Nam cho Fenix chứ không phải cắm đầu vào chạy đua Lumens!


Mục lục bài viết:

  1. Video
  2. Thông số kĩ thuật
  3. Mở hộp và phụ kiện
  4. Kích thước
  5. Thiết kế và các tính năng
  6. Công tắc và giao diện sử dụng
  7. Khả năng chiếu sáng
  8. Runtime
  9. Tổng kết

1. Video

2. Thông số kĩ thuật

  • Độ sáng cực đại: 21.000 Lumens
  • Chiếu xa: 1085 mét
  • Led chính chiếu xa: 1 x Luminus SFT70 (3000 Lumens)
  • Led phụ chiếu rộng: 12 x Luminus SST40 (15000 Lumens)
  • Pin sạc công suất 57Wh (4 x 4000mAh)
  • Cổng sạc nhanh Type-C 2 chiều, 45W
  • Cổng sạc ra USB-A 20W
  • Công tắc chính dạng xoay cơ khí
  • Màn hình OLED hiển thị thông số
  • Thân đèn bằng hợp kim nhôm hàng không, quay xách có thể tháo rời
  • Có lỗ ốc gắn chân Tripod
  • Kích thước: 208 x 91 x 62.5mm
  • Trọng lượng: 1500g (tính cả pin)
  • Chống nước: IP68

3. Mở hộp và phụ kiện

Hộp đựng rất to và đủ thông tin.

Phụ kiện đi kèm gồm có:

  • Pin sạc Fenix ARB-L56-4000
  • Cáp sạc
  • Dây đeo vai
  • Dây đeo tay
  • Móc cho dây đeo vai
  • O-ring chống nước sơ cua
  • HDSD

Viên pin sạc Lithium Li-ion công suất 57.6Wh cho cây đèn.

Sợi cáp bọc dù rất xịn, hỗ trợ sạc nhanh tối thiểu 45W.

Đây là cáp 2 đầu Type-C và có Adapter cho cổng USB-A.

Cái móc thép này dùng cho dây đeo vai, lỗ ốc chuẩn 1/4 gắn vừa các chân tripod.

4. Kích thước

Sự cân bằng giữa kích thước và sức mạnh luôn là đặc điểm chung của đèn pin Fenix. Mặc dù thuộc phân khúc đèn pin cỡ lớn, công suất cao nhưng mình thấy kích thước LR60R rất hợp với độ sáng khủng 21.000 Lumens, đủ gọn để bỏ balo và đủ to để đảm bảo tản nhiệt tốt.

Kích thước tổng thể của cây đèn là: 208 x 91 x 62.5mm (chiều dài x đường kính đầu x đường kính thân)

Trọng lượng khi lắp cả pin là ~ 1.5kg (1500g)

5. Thiết kế và các tính năng

Fenix LR60R gây ấn tượng mạnh về thiết kế đẹp và hầm hố khi được lấy cảm hứng từ loài bọ cạp cổ đại. Nói thẳng ra là từ trước đến nay mình ít khi khen đèn Fenix đẹp nhưng cây này phải là ngoại lệ! Nó còn vinh dự đạt giải thưởng danh giá về thiết kế REDDOT 2023.

Chi tiết tạo nên điểm nhấn cho cây đèn chính là chiếc quai xách (mô phỏng đuôi của bò cạp). Không phải chỉ để cho đẹp mà chiếc quai này hỗ trợ đắc lực cho trải nghiệm cầm nắm và sử dụng cây đèn trong thời gian dài.

Mình cầm thử LR60R vào phần thân và chiếc quai trong 5 phút thì cho cảm giác khác hẳn. Thân đèn đường kính ~ 6cm khá to với đa số cỡ tay mọi người, cầm một lúc là mỏi.

Trong khi chiếc quai được thiết kế rất khéo khi nó giúp tay người dùng cầm vào đúng trọng tâm của thân đèn, cực kì thoải mái.

Vì được cố định vào đuôi đèn bởi 2 con ốc nên chiếc quai này có thể tháo rời được.

Điểm trừ duy nhất là khi cầm đèn bằng quai xách thì gần như không thao tác được công tắc bằng 1 tay.

5.1 – Lỗ ốc 1/4 gắn chân Tripod

Fenix trang bị cho LR60R tận 2 vị trí ốc 1/4 để gắn lên chân tripod, 1 ở thân đèn và 1 ở ngay trên quai xách.

Đây là chi tiết nên được coi là tiêu chuẩn trên mọi mẫu đèn pin cỡ lớn bởi nó giúp cho ánh sáng cố định trong nhiều tình huống, chẳng hạn như đi cắm trại, tìm kiếm cứu nạn,….

Và tất nhiên sẽ có cả dây đeo vai để mang vác lâu đỡ bị mỏi, khi cần có thể rảnh 2 tay để làm việc được.

5.2 – Đầu đèn góc cạnh

Phần đầu được thiết kế dạng đa giác và góc cạnh, khác hẳn với ngoại hình bo tròn của đa số đèn pin Fenix. Mình thấy làm đầu dạng này giúp chống lăn tốt khi đặt trên mặt bàn.

Các lá tản nhiệt cỡ lớn được bố trí kín tới ~ 70% diện tích của phần đầu.

Phần bezel được làm bằng thép có độ cứng cao hơn nhôm của thân, tông màu xám – đen kết hợp nhìn cũng đẹp.

Tiện đây cũng phải “soi” luôn hệ thống quang học hầm hố bao gồm 13 chip LED hiệu năng cao cho tổng độ sáng tới 21.000 Lumens.

Ngay chính giữa là chip LED Luminus SFT70, sáng 3000 Lumens, chiếu xa 1000 mét.

3 góc ở xung quanh là 12 chip LED Luminus SST40 công suất 15.000 Lumens, phụ trách chiếu sáng rộng, bao quát ở tầm gần.

LR60R có thể bật độc lập từng hệ thống LED hoặc cả 2 để đạt độ sáng cao nhất 21.000 Lumens.

Fenix lần đầu trang bị hệ thống LED “Hybrid” như này trên nguyên mẫu LR40R vào năm 2019 và được đánh giá rất cao về tính thực dụng!

5.3 – Màn hình OLED

Fenix chỉ có 2 mẫu đèn được trang bị màn hình OLED là TK72R (đã ngưng sản xuất) và cây này.

Chiếc màn hình có kích thước nhỏ, được đặt ở nơi dễ nhìn nhất, hiển thị rõ nét được 3 thông số quan trọng:

  • Độ sáng hiện tại
  • Dung lượng pin còn lại
  • Thời lượng hoạt động còn lại

Tất cả đều theo thời gian thực, tức là khi hạ từ độ sáng cao xuống thấp thì cái màn hình này cũng hiện thị chính xác.

Mình không phàn nàn gì về cái màn hình này, nó có chất lượng tốt và hoàn thành đúng nhiệm vụ.

5.4 – Cảm biến hạ độ sáng tự động

Đèn pin công suất cao có thể gây nguy hiểm bởi nhiệt lượng tỏa ra từ đầu đèn khi hoạt động ở độ sáng cao là rất lớn, có thể gây bỏng hay cháy hỏng đồ đạc.

Để đảm bảo an toàn thì Fenix trang bị hệ thống cảm biến tiệm cận ở ngay góc này của chóa đèn, với nhiệm vụ là tự động hạ độ sáng về mức thấp vô hại khi phát hiện có vật cản ở phía trước.

Test thực tế cho thấy cảm biến này hoạt động rất nhạy và chính xác, mình dí tay lại gần khi bật ở 21.000 Lumens thì chưa kịp cảm nhận được sức nóng mà đèn đã tự hạ sáng rồi, để tay ra xa nó lại trở về độ sáng ban đầu.

Vấn đề là chỉ 1 cặp cảm biến là hơi ít bởi sẽ có ít nhất 2 vị trí trên đầu đèn là “góc chết”, tức nếu vật cản chỉ che tại 1 phần nơi không có cảm biến thì tính năng an toàn này cũng không hoạt động.

Fenix nên trang bị thêm 1 hoặc 2 cặp cảm biến nữa tại các vị trí còn lại sẽ tối ưu được sự an toàn.

5.5 – Thỏi pin sạc

Cung cấp năng lượng cho toàn bộ cây đèn là viên pin sạc Lithium Ion có thể tháo rời với thông số:

  • Dung lượng 4000mAh
  • Điện thế 14.4 volts
  • Công suất: 57Wh

Thỏi pin này tương đương với 4 viên 21700 ghép lại và đem tới cho cây đèn thời gian hoạt động từ 1.5 – 113 tiếng tùy độ sáng.

Thiết kế tháo rời giúp người dùng chủ động hơn trong việc thay thế pin ngay trong quá trình sử dụng.

5.6 – Cổng sạc nhanh 45W 2 chiều

Fenix công bố thời gian sạc đầy pin của LR60R chỉ trong vỏn vẹn 1.5 tiếng. Bạn không nghe nhầm đâu, đúng “1.5 tiếng” cho viên pin có tổng dung lượng tính ra là ~ 16.000mAh ở điện thế 3.7 volts này. Tức là vội lắm thì cắm sạc khoảng 30 phút là cũng dùng khá thoải mái rồi!

Điều này có được là nhờ hệ thống cổng sạc khủng được đặt ngay dưới màn hình hiển thị, được đậy bằng nắp cao su để đảm bảo chống nước IP68.

Cổng Type-C bên trái có công suất sạc cả ra lẫn vào đạt 45W (theo hãng công bố).

Mình sử dụng Adapter 65W chính hãng của Apple thì đo được ~ 30W khi sạc vào cho đèn.

Và dùng chính cây đèn sạc ngược cho Macbook Pro M2 thì cũng đo được ~ 30W. Mình nghĩ đây là do sự thương thích giữa các thiết bị bởi nhiều Reviewer nước ngoài đo thực tế cây này vẫn được đủ ~ 45W. Mình thì không có sẵn nhiều adapter sạc vậy để test nhưng nói chung 30W là quá ngon rồi.

Nó sạc vù vù cho cái Macbook của mình, đủ để vừa làm việc nặng và viên pin vẫn được sạc 1 cách độc lập.

Nếu sử dụng nguồn khoảng ~ 20W (thông dụng hơn) thì thời gian sạc đầy pin cho đèn là khoảng 3.5 tiếng, không tệ.

Còn bên cạnh là cổng USB-A công suất ~ 20W chỉ để sạc ra cho các thiết bị ngoài, mình đo thực tế cho nhiều thiết bị đang có thì chỉ được cỡ ~ 10W.

Kết hợp cả 2 cổng thì Fenix LR60R sạc được cho tối đa 2 thiết bị 1 lúc.

6. Công tắc và giao diện sử dụng

Với tổng cộng 10 mức sáng mà vẫn phải đảm bảo yêu cầu là trực quan và dễ sử dụng thì đúng là chỉ có công tắc xoay đáp ứng được!

LR60R cũng là cây đèn duy nhất ở thời điểm hiện tại trong dòng “LR” của Fenix được trang bị công tắc xoay và đem lại trải nghiệm sử dụng tuyệt vời! Nó dễ dùng tới nỗi bạn đưa cây đèn cho 1 người chưa biết gì, không cần hướng dẫn thì họ cũng chỉ mất khoảng ~ 30s là dùng thành thạo.

Phía bên phải là 3 mức sáng của hệ thống đèn chiếu rộng: 2000 – 6000 – 15000 Lumens cùng 2 chế độ nháy là SOS và Strobe.

Bên trái là 4 mức của đèn chiếu xa: 50 – 300 – 1000 – 3000 Lumens.

Nấc cuối cùng là kích hoạt độ sáng tối đa 21.000 Lumens.

Fenix xưa nay chuộng công tắc xoay cơ khí nên bạn sẽ cảm nhận rõ từng nấc khi vặn nhưng vẫn mượt. Nó có ưu điểm là không bị nhiễu như công tắc từ tính khi đặt trong từ trường mạnh (1 cục nam châm chẳng hạn).

Hạn chế duy nhất mình thấy của thiết kế này là khó thao tác bằng 1 tay nếu đang cầm đèn ở quai xách, còn lại thì ổn.

7. Khả năng chiếu sáng

7.1 – Trong nhà

LED SFT70 cho ánh sáng rất gom nên không phù hợp dùng ở không gian hẹp.

12 LED SST40 thì lại quá hợp lí nhưng nên có thêm độ sáng thấp khoảng 500 Lumens, 2000 Lumens vẫn cao quá.

7.2 – Ngoài trời

Khi chưa có đèn

LED Chiếu xa (SFT70)

3000 Lumens. Ánh sáng thẳng tắp như cây kim và tầm chiếu xa hiệu quả có thể đạt 5-600 mét dễ dàng.

Zoom lại ở 3000 Lumens.

1000 Lumens.

300 Lumens.

50 Lumens.

LED chiếu rộng (SST40)

15.000 Lumens.

6000 Lumens.

2000 Lumens.

Kết hợp cả 2

Độ sáng cực đại 21.000 Lumens khi bật đồng thời 13 chip LED.

Đặt trên chân Tripod.

8. Hiệu năng và Runtime

  • Turbo 21.000 Lumens (màu xanh): mức cao nhất duy trì trong khoảng 1 phút trước khi hạ xuống ~ 3500 Lumens và sáng tới khi hết pin. Tổng thời gian đạt 98 phút (so với thông số là 110 phút).
  • 15.000 Lumens – đèn chiếu rộng (màu cam): mức này thì khá hơn khi hạ xuống ~ 5000 Lumens và duy trì trong 5 phút, sau đó cũng hạ dần xuống ~ 3000 – 3500 Lumens và sáng tới khi hết pin. Tổng thời gian đạt 114 phút (so với thông số là 130 phút).
  • 3000 Lumens – đèn chiếu xa (màu xám): Ở 3000 Lumens thì đèn chạy liên tục 1 mạch trong 60 phút mà không bị hạ sáng, sau đó hạ xuống ~ 2100 Lumens rồi chạy tới khi hết pin. Tổng thời gian đạt 146 phút (so với thông số là 225 phút).

Vì được trang bị cảm biến nhiệt độ chủ động nên sự tăng/giảm độ sáng của Fenix LR60R phụ thuộc hoàn toàn vào nhiệt độ môi trường. Mình đo runtime cây này vào mùa đông với nhiệt độ phòng ở ~ 20℃.

Kết quả đo trên mang tính chất tham khảo, đặc biệt ở độ sáng 3000 Lumens bởi hãng luôn đo runtime của đèn trong điều kiện chuẩn tại phòng thí nghiệm.

-> Nhìn chung vẫn có thể đưa ra kết luận rằng Fenix LR60R hoạt động ổn định nhất ở độ sáng 3000 – 3500 Lumens!

Có thể thấy cảm biến đã hoạt động hiệu quả khi mình bật liên tục cây đèn 15 phút từ mức Turbo 21.000 Lumens mà nhiệt độ ở phần đầu vẫn dưới 50℃, thân thì hoàn toàn mát mẻ khi chưa tới 25℃.

9. Tổng kết

Ưu điểm:

  • Thiết kế đẹp, chất lượng hoàn thiện tốt
  • Hiệu năng tuyệt vời trong phân khúc
  • Trang bị nhiều tính năng hữu dụng như màn hình OLED, cổng sạc nhanh 45W 2 chiều, lỗ gắn chân Tripod,…
  • Ánh sáng rất đẹp và thực dụng
  • Thân thiện, dễ sử dụng

Hạn chế:

  • Không có lựa chọn ánh sáng vàng
  • Tốc độ sạc đo thực tế chỉ đạt ~ 30W cả 2 chiều
  • Không đi kèm củ sạc mặc dù giá bán không hề rẻ
  • Thiếu đi độ sáng thấp khoảng ~ 500 Lumens ở hệ thống led chiếu rộng
  • Cảm biến tiệm cận chưa bao phủ được toàn bộ góc trên đầu đèn

Tóm lại Fenix LR60R vẫn không gây thất vọng cho những Fan của chất lượng và hiệu năng. Và mặc dù có kích thước khá gọn so với sức mạnh nhưng mình thấy rằng đây không phải mẫu đèn phù hợp cho sử dụng cá nhân. Nó được sinh ra dành cho những đội nhóm cứu hộ, thám hiểm chuyên nghiệp hoặc sử dụng trên xe hơi.

Có một chi tiết rất khó hiểu là với mức giá bán > 10 triệu mà Fenix không cho đi kèm nổi 1 cục Adapter sạc cho cây đèn? Xét về khoản chu đáo này thì Olight ăn đứt!