Review dao đa năng Ruike S31 G – chất lượng đáng tiền!

0
3124

Ruike là thương hiệu con của Fenix chuyên về dụng cụ đa năng. Theo trải nghiệm thực tế sau nhiều năm thì tôi đánh giá chất lượng của Ruike ít nhất được 8/10 nếu so với Victorinox, chưa kể giá lại mềm hơn, nhiều chức năng hơn và lại có chế độ bảo hành 5 năm chính hãng y hệt như đèn pin Fenix.

Hàng của Ruike rất xứng đáng để được trải nghiệm nếu bạn muốn thứ gì đó mới mẻ hơn Victorinox. Thực tế nhiều khách hàng cũng đã chọn luôn Ruike làm đồ chính của họ vì chất lượng với giá cả quá tốt.

Nhân vật chính hôm nay Ruike S31-G, cây dao đa năng thuộc dòng 69mm. Nó còn có hai anh em khác là S11 và S22, cả 3 đều có kích thước và thiết kế giống nhau, chỉ khác về số chức năng. S11 có giá rất mềm, chưa tới 400.000đ, S22 có thêm cây kéo và giá cũng dưới 600.000đ, S31 có tới 6 chức năng, giá chỉ 620.000đ.

Cây này đóng được đóng gói tử tế với phong cách giống đèn pin Fenix.

Bóc vỉ ra và cầm trên tay, ấn tượng đầu tiên là quá đẹp và chất lượng hoàn thiện thì quá tốt! Nhưng lát nữa tôi sẽ nói kĩ hơn về chất lượng hoàn thiện.

Về kích thước, S31-G dài 69mm, nó tơ hơn dòng 58mm của Victorinox nhưng lại gọn hơn nhiều so với dòng 91mm. Kích thước của cây này tôi thấy vừa đủ gọn để móc chìa khóa như Vic 58 nhưng lại cho trải nghiệm sử dụng tốt hơn.

Victorinox mang vẻ đẹp bóng bẩy, tinh tế còn Ruike có vẻ gì đó thô và chắc chắn hơn nhiều.

Dòng Victorinox 58mm thì đã quá nổi tiếng rồi, chúng sinh ra để treo vào chùm chìa khóa.

Ruike S31-G dài hơn 11mm, vẫn ổn để móc chìa khóa. Trọng lượng của nó khoảng 53g.

Cây Victorinox này là Classic SD, tôi dùng nó để cho thấy tương quan về độ dài so với S31-G và lát nữa sẽ so sánh 1 vài chức năng tương đồng. Còn rõ ràng về độ dày và trọng lượng thì lại quá khập khiễng.

Dao đa năng của Ruike đều có cán bằng G10, một chất liệu rất quen thuộc để làm cán các loại dao. Về cơ bản thì G10 là một loại vật liệu tổng hợp, nó có cấu cạo từ các sợi vải thủy tinh được ngâm trong keo epoxy rồi ép dưới áp lực và nhiệt độ cao. Kết quả là chúng ta có một chất liệu nhẹ và rất bền.

Điều tôi thích ở G10 là nó có bề mặt nhám cho cảm giác cầm nắm tốt. Với bề mặt này thì G10 cũng chống xước tốt, dùng lâu thì nhìn nó sẽ mới hơn là mặt nhựa bóng của Victorinox là cái chắc.

Cảm giác cầm nắm, thao tác rất ok, kể cả khi tay ướt.

Victorinox dùng chốt để gắn khí vỏ với ốp, còn Ruike thì sử dụng ốc vít. Việc không dùng tới ốc vít để gắn ốp sẽ phù hợp hơn với thiết kế tinh tế của Victorinox, nhưng nhược điểm của phương pháp này là vỏ sẽ bị bong nếu đánh rơi nhiều. Ốp cán của Ruike thì cho cảm giác chắc chắn, kể cả có đánh rơi cũng không hề gì.

Ruike S31-G được gia công rất ngon, ốp rồi bản lề và các tool đều khít và thẳng hàng tăm tắp.

Mỗi tool đều có bản lề riêng giống như Vic.

Ruike S31-G có tổng cộng 6 chức năng và tôi sẽ đi lần lượt từng cái một. Trước hết thì nói qua một chút về chất thép: dao đa năng của Ruike hầu hết đều sử dụng thép Sandvik 12C27 được nhập từ Thụy Điển. Loại thép này có vẻ là lựa chọn rất ổn để làm dụng cụ đa năng với các đặc tính: chống gỉ tốt, giữ cạnh tốt và rất dễ mài.

Thép Sandvik 12C27 có thành phần gồm: 0.6% carbon, 13.5% Chromium, 0.4% Silicon và 0.4% Manganese. Nó có độ cứng 54-61HRC, đảm bảo dễ mài và độ giữ sắc cao. Trong quá trình sử dụng tôi thấy nó không có nhiều khác biệt so với thép của Victorinox, nói chung là ổn áp.

Chức năng đầu tiên là ring móc chìa khóa.

Thứ hai là lưỡi dao chính, tôi rất thích lưỡi dao của S31-G bởi nó có bản to, dày dặn nên dùng thích.

So với dao của dòng Vic 58mm thì đúng 1 trời 1 vực.

Dao của Vic 58mm phù hợp rạch thùng, rọc giấy, cắt linh tinh chứ để gọt hoa quả thì cũng hơi nhọc.

Của Ruike S31-G thì ngược lại, ngoài cắt linh tinh ra thì nó phục vụ tốt cả các nhu cầu gọt hoa quả, cắt thái đồ ăn.

Kích thước 69mm cũng giúp nó cầm nắm dễ dàng hơn.

Chức năng thứ 3 là kéo. Kéo của S31-G dày dặn, sử dụng lãy cố định giống Wenger.

Kéo rất trơn tru và sắc, tuy nhiên nếu chẳng may gãy lẫy thì lại phải gửi bảo hành chứ không tự thay thế được.

Kéo vic sử dụng lẫy rời, khi gãy có thể thay thoải mái. Còn về độ trơn tru thì đáng buồn lại không được như Ruike, có thể do lẫy của S31-G nó mạnh hơn nên cho độ nảy tốt, còn Vic thì lẫy yếu. Kéo của S31-G nó nảy ở mọi vị trí, tức là khi bắt đầu ấn lẫy kéo xuống là đã cảm nhận được độ nảy rồi. Còn Vic do lẫy yếu hơn nên phải ấn tới 1/3 hành trình của cây kéo mới thấy được độ nảy.

Đây là tool thứ 3 của S31-G và nó kiêm luôn 3 chức năng (từ dưới lên): mở nắp chai, lưỡi cắt dây, đầu vặn vít 2 cạnh.

Làm khá dày dặn.

Mở nắp chai và lưỡi cắt dây dùng rất ok nên không bàn nữa, còn đầu vặn vít tôi lại thấy Ruike làm chưa bằng Vic. Đầu của Vic thon hơn nên vặn được những ốc nhỏ, còn của S31-G thì không, nếu đem nó đi vặn mấy ốc to hơn thì nhiều khi lại không đủ lực để vặn.

Tổng kết

Bài viết này không nhằm chứng minh Ruike S31-G tốt hơn cây Victorinox nào cả, chỉ là tôi thấy nó đáp ứng tốt chức năng của một cây dao đa năng cỡ vừa.

Sự tinh tế trong thiết kế và chất lượng hoàn thiện của Victorinox vẫn rất khó để đánh bại nhưng ở phân khúc giá rẻ hơn thì Ruike lại làm thật sự tốt. Với những ai muốn các chức năng phong phú, dày dặn và chắc chắn để sử dụng thoải mái hơn, đỡ phải suy nghĩ nhiều thì Ruike S31-G là sự lựa chọn hợp lý. Với mức giá 620.000đ thì tôi tin là bạn sẽ hài lòng với cây dao này.