Ở những bài viết trước mình đã Review chi tiết về Elzetta Alpha và Bones, nên là hôm nay sẽ đến lượt dòng Bravo.
Bravo là dòng đèn pin có thân dùng 2 cell pin CR123A (cây thứ 2 từ phải sang) hoặc 1 pin sạc 16650. Nếu như Alpha thiên về sự nhỏ gọn va linh hoạt, Charlie có lợi thế về thân dài dùng được 3 pin nhưng khó bỏ túi thì Bravo lại cân bằng giữa 2 yếu tố trên. Có lẽ vì vậy mà Bravo là dòng đèn pin bán chạy nhất của Elzetta.
Elzetta Bones là một biến thể đặc biệt của Elzetta Bravo với khả năng dùng được pin sạc 18650. Đọc bài Review chi tiết Elzetta Bones tại ĐÂY.
1. Video
2. Tư duy thiết kế đèn pin của Elzetta
Nếu có kinh nghiệm chơi đèn pin Mĩ lâu năm thì bạn sẽ biết đèn pin của Elzetta xưa nay được thiết kế theo dạng module, tức là bạn có thể tự xây dựng nên một cây đèn để phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình. Nếu xem video review thì mình đã nói rất rõ về việc này, còn ngắn gọn thì như này:
Ví dụ mình vào website của hãng là Elzetta.com và có nhu cầu mua một cây Bravo. Thì hãng sẽ đưa ra các option sau, đầu tiên là chọn loại đầu đèn:
- Đầu đèn AVS là dùng thấu tính TIR, bạn có thể chọn giữa đầu AVS có vòng bezel phẳng hoặc nhọn
- Đầu đèn HC là loại mới, dùng chóa phản xạ, bạn cũng có thể chọn giữa vòng bezel phẳng hoặc nhọn
Sau khi chọn đầu đèn thì sẽ đến chọn thấu kính, lưu ý là chỉ khi chọn đầu AVS thì mới có option chọn thấu kính nhé.
- Thấu kính trơn (Standard lens) là chuyên để chiếu xa, ánh sáng sẽ tập trung hơn
- Thấu kính dạng tổ ong (Flood lens) là chuyên để chiếu tầm gần, ánh sáng tỏa rộng và mịn
Và cuối cùng là chọn loại công tắc. Ở đèn pin của Elzetta thì công tắc là linh kiện quyết định đến giao diện sử dụng của đèn, mà dễ hiểu thì là quyết định đèn có bao nhiêu mức sáng ấy. 4 loại công tắc phổ biến của Bravo với Charlie đó là:
- Công tắc xoay (Rotary Tailcap): loại này thì nhấn công tắc chỉ bật đèn tạm thời thôi, thả tay ra nó lại tắt. Muốn bật đèn cố định thì siết chặt công tắc vào thân
- Clikc Tailcap: loại công tắc này cho cây đèn chỉ 1 mức sáng duy nhất, nhấn là bật, nhấn nữa là tắt
- High – Low Tailcap: đây là công tắc 2 mức sáng, cho cây đèn thêm một mức sáng yếu nữa. Công tắc High – Low sẽ có cơ chế là siết chặt vào thân để bật ở độ sáng cao, nới lỏng một chút để bật ở độ sáng thấp
- High – Strobe Tailcap: cái này giống công tắc High – Low, chỉ khác ở chỗ nếu nới lỏng thì đèn sẽ kích hoạt nháy Strobe
Sau khi chọn được tất cả các option phù hợp nhu cầu sử dụng thì website sẽ đưa cho chúng ta một model phù hợp nhất. Chẳng hạn mình chọn option là:
- Đầu đèn AVS
- Thấu kính tổ ong (Flood lens)
- Công tắc High – Low
thì kết quả cần tìm sẽ là cây Bravo Model B143.
Nếu còn nhớ toán xác xuất thì bạn sẽ nhẩm ngay được rằng khi tổng hợp tất cả các option kia thì Elzetta Bravo sẽ có tới gần 40 models với các cấu hình khác nhau. Với số lượng quá nhiều như vậy thì việc nhập hết toàn bộ các models về bán tại nơi nào khác ngoài nước Mĩ là hoàn toàn không thực tế, chưa kể nhiều models có cấu hình không thực dụng với nhu cầu sử dụng của người Việt Nam.
Chính vì vậy mà EDCZone đã cân nhắc và nhập 4 models phổ biến và thực dụng nhất của dòng Elzetta Bravo với nhu cầu sử dụng của người Việt Nam, đó là: B133, B333, B334 và B453. Trong bài viết này mình sẽ giới thiệu tới các bạn về cả 4 models trên.
Elzetta Bravo nói chung được thiết kế để dùng 2 viên pin CR123A. Đây là pin Lithium dùng một lần, có điện thế 3 volts thay vì 3.7 – 4.2 volts như pin sạc 16340. Đây là lưu ý rất quan trọng bởi gắn nhầm 2 viên pin sạc 16340 là quá áp có thể gây hỏng đèn!
Bên Mĩ rất chuộng loại pin CR123A dùng một lần này bởi chúng có dung lượng cao gấp đôi pin sạc cùng kích cỡ, bảo quản được tới 10 năm và giá bán không đắt so với thu nhập của họ.
Về Việt Nam thì chẳng mấy ai dám dùng thoải mái loại này vì nó quá đắt, tới gần 60.000đ/viên mà chỉ dùng được có 1 lần.
Rất may khi đã có giải pháp thay thế là pin sạc 16650. Đây là pin sạc Lithium Ion nên rất kinh tế và bền. Nó có kích thước bằng đúng 2 viên CR123A mắc song song nên là sự thay thế hoàn hảo.
Pin sạc 16650 có dung lượng 2100 – 2500mAh nên cho runtime khá ổn, mà quan trọng là nó sạc lại được nên dùng thoải mái khỏi cần lo nghĩ nhiều.
Một viên pin sạc 16650 này có giá chỉ 200.000đ mà dùng phà phà vài năm.
Còn nếu muốn dùng pin 18650 thì bạn hãy cân nhắc Elzetta Bones nhé!
3. Chất lượng và giá bán của đèn pin Elzetta
Đèn pin Mĩ xưa nay chưa bao giờ là rẻ, bởi chúng được khẳng định về độ bền và ổn định. Elzetta sản xuất ra những cây đèn pin được mệnh danh là “Bền nhất thế giới” và đây không phải nói xuông.
Đèn pin của Elzetta được thiết kế đơn giản và tối ưu hóa sự bền bỉ nhất có thể. Chúng không có các chức năng màu mè, chỉ thực hiện đúng chức năng của đèn pin là chiếu sáng, cứ bật là sáng! Mình không nói đèn pin Mĩ hay Elzetta không bao giờ hỏng, chỉ là chúng rất ít khi hỏng bởi gần như không có gì để hỏng.
Đây là thân của Elzetta Bravo, cực kì dày và cứng cáp nên chịu va đập tốt.
Phần mạch điện tử được đổ kín keo đảm bảo chống nước và shock tuyệt đối. Điều này có nghĩa trong trường hợp nước có lọt được vào trong thân đèn thì cũng không làm hỏng phần điện tử được. Chưa kể đèn pin Elzetta chỉ thường có 1-2 mức sáng nên các chi tiết điện tử sẽ đơn giản và bền bỉ hơn so với đèn của các hãng Trung Quốc.
Elzetta tự tin bảo hành trọn đời cho đèn pin của họ, có thể hiểu thực tế là trọn đời cái hãng đó!
Chính vì những yếu tố như trên + thêm cái mác “Made In USA” mà đèn pin Elzetta có giá khá đắt so với người dùng phổ thông. Cụ thể thì dòng Elzetta Bravo có giá từ trên 5.000.000đ.
Các bạn muốn mua đèn pin Elzetta chính hãng có thể liên hệ EDCZone nhé!
4. Giới thiệu các models phổ biến của Elzetta Bravo
Trước hết mình phải lưu ý rằng toàn bộ đèn pin Elzetta đang bán tại EDCZone đều là phiên bản Gen 3 mới nhất, được nâng cấp về hiệu suất và độ sáng so với bản Gen 2. Được nâng cấp mạnh và đáng tiền nhất phải kể tới dòng Alpha với khả năng dùng được cả pin sạc và tích hợp nháy Strobe.
4.1 – Bravo B133
B133 mà models phổ biến nhất trong gia đình Bravo với cấu hình rất thực dụng với đại đa số người dùng:
- Đầu đèn AVS sáng 850 Lumens
- Thấu kính TIR trơn chiếu xa 253 mét
- Công tắc High – Low cho thêm độ sáng thấp 25 Lumens
Đèn có kích thước cân bằng, đủ gọn để bỏ túi và đủ thoải mái để thao tác.
B133 sẽ dùng vòng Bezel dạng phẳng, không hữu hiệu khi dùng để tự vệ hay phá kính nhưng được cái là ít gây chú ý và không bị gây khó dễ khi mang lên máy bay.
Nó sử dụng đầu AVS với thấu kính TIR dạng trơn đem lại khả năng chiếu xa tới 253 mét.
Bạn có thể tháo cả cụm thấu kính này ra và thay bằng loại thấu kính tổ ong nếu muốn chiếu rộng.
Đây là con led của Bravo B133, vì Elzetta không công bố nên mình cũng không rõ là led loại gì.
Điểm tạo nên sự phổ biến của B133 có lẽ chính là cụm công tắc High – Low với 2 mức sáng đơn giản, thực dụng.
Công tắc nhấn sẽ dùng để Bật/Tắt đèn. Bạn có thể bật đèn tạm thời bằng cách nhấn giữ với khoảng 30% lực, khỉ thả tay ra đèn sẽ tắt. Công tắc của Elzetta phát ra rất ít tiếng động khi nhấn.
Khi siết chặt công tắc vào thân thì đèn luôn sáng ở 850 Lumens, còn nới lỏng khoảng 1/4 vòng thì đèn sáng ở 25 Lumens. Mình rất thích thiết kế này bởi người dùng sẽ luôn biết trước được là đèn đang ở độ sáng nào.
Đây là ánh sáng của B133 với thấu kính TIR trơn, ở mức sáng cao nhất 850 Lumens.
Ánh sáng cân bằng tốt giữa chiếu xa và rộng, tầm chiếu thực tế đạt khoảng 120 mét đổ lại.
Vẫn là 850 Lumens.
Chiếu xa khá tốt.
Còn độ sáng thấp 25 Lumens là đủ dùng ở tầm gần, đặc biệt ở trong nhà.
=> Tóm lại là nếu không đặt nặng việc tự vệ ở tầm gần, chỉ cần một cây đèn dùng tốt cho đa mục đích thì B113 là sự lựa chọn đáng cân nhắc.
4.2 – Bravo B333
Về cơ bản B333 có cấu hình rất giống B133, chỉ là vòng Bezel phẳng đã được thay bằng loại có các chấu nhọn.
Các chấu nhọn này được sinh ra để tự vệ và phá kính xe hơi trong các trường hợp khẩn cấp. Thực ra nhìn Bezel này cũng không quá nhọn để mà bị gây khó dễ khi mang lên máy bay, nhưng mình không chắc nữa, cái đó kiểu hên xui.
Tổng thể cây đèn nhìn “chiến” hơn hẳn.
Tóm lại thì vòng Bezel là yếu tố khác biệt duy nhất của B333 với B133, còn lại mọi thứ khác đều y hệt.
4.3 – Bravo B334
Bravo B334 có ngoại hình y hệt và cấu hình khá giống B333, cũng là đầu AVS với thấu kính trơn cùng Bezel có chấu nhọn.
Điểm khác biệt đáng kể nhất là B334 sử dụng công tắc High – Strobe thay vì High – Low.
Công tắc High – Strobe cho cây đèn 2 mức sáng: 850 Lumens và nháy Strobe. Khi nới lỏng 1/4 vòng thì đèn sẽ ngay lập tức kích hoạt chế độ nháy Strobe.
Bravo B334 là một cấu hình rất tối ưu để dùng cho mục đích chiếu sáng thông thường ngoài trời và tự vệ.
4.4 – Bravo B453
B4xx là serie đặc biệt của dòng Elzetta Bravo khi sử dụng đầu đèn HC với chóa phản xạ thay vì đầu AVS như truyền thống.
Đầu HC mới chỉ được tung ra khi Elzetta nâng cấp toàn bộ đèn pin của họ lên bản Gen 3, còn trước đó thì Bravo và Charlie vẫn chỉ dùng đầu AVS.
Đầu đèn HC sẽ dài và thon hơn so với đầu AVS, nhưng bù lại là ánh sáng chiếu xa tốt và đẹp hơn đầu AVS. Để mình giải thích rõ hơn:
Đây là ánh sáng của B453 với đầu HC khi chiếu vào tường ở khoảng cách gần.
Và đây là ánh sáng của đầu AVS. Có thể nhận ra rất rõ vài sự khác biệt:
- Đầu HC cho ánh sáng vàng, nhiệt màu cỡ 4500k
- Đầu AVS cho ánh sáng trắng, nhiệt màu cỡ 6000k
- Đầu HC cho ánh sáng tập trung, tròn đều, đẹp và rất ít vùng nhiễu
- Đầu AVS cho ánh sáng có nhiều vùng tỏa hơn, khá nhiều vùng nhiễu ở xung quanh
Thì nhược điểm của những mẫu đèn pin dùng thấu kính TIR cỡ lớn đó là ánh sáng cho ra sẽ không tròn đẹp hoàn hảo như chóa phản xạ, trừ khi dùng thấu kính dạng tổ ong.
Sự không hoàn hảo của ánh sáng chỉ rõ rệt khi chiếu vào tường ở khoảng cách gần, còn dùng bình thường cũng ít ai bận tâm lắm.
Còn chóa phản xạ vẫn luôn cho ánh sáng đẹp nhất, ở đầu HC của Elzetta thì ánh sáng có độ gom rất tốt nên dù chỉ sáng 600 Lumens nhưng vẫn chiếu xa ngang ngửa 850 Lumens của đầu AVS.
Cấu hình cụ thể của Elzetta Bravo B453 là:
- Đầu đèn HC sáng 600 Lumens, ánh sáng vàng, chiếu xa 253 mét
- Bezel phẳng
- Công tắc High – Low
Vì dùng chóa nên có thể thấy rõ con led cây này dùng là Cree XP-L HI.
Đầu HC dài hơn nhưng đường kính nhỏ hơn đầu AVS.
Ánh sáng vàng đẹp và có độ gom cực tốt, nên là 600 Lumens của cây này chiếu xa ngang 850 Lumens của AVS.
Đầu AVS thì ánh sáng tỏa rộng cho khả năng nhìn bao quát tốt hơn, nói chung cái này tùy sở thích mỗi người. Mình thì thích đầu HC hơn.
Rõ ràng là cùng thông số chiếu xa ~ 250 mét nhưng đầu HC nhìn rõ ràng hơn hẳn.
Sắp tới mình sẽ có một bài review chi tiết hơn về cây Bravo B453 này!