Các loại pin dùng cho đèn pin LED phổ biến trên thị trường

0
20204

Đèn pin LED nói riêng hay bất kỳ thiết bị điện “portable” nào nói chung, muốn hoạt động khi “portable” được phải có pin đi kèm cung cấp nguồn điện.
Có rất nhiều loại pin thương mại có trên thị trường, muốn tìm hiểu kỹ, mời bạn tham khảo tại WIKI
Tuy nhiên, trong thế giới đèn pin LED, phổ biến nhất là các loại pin sau: Pin Alkaline (1.5V), Pin sạc NiMH (1.2V), Pin Lithium (3V), Pin sạc Lithium-ion (3.7V)
Bài viết sẽ giải thích cho bạn tương đối cả dòng pin thường và pin sạc thông dụng dùng cho đèn pin:

Pin Alkaline đại D, pin trung C, pin tiểu AA và pin đũa AAA, không sạc được

Có nhiều công nghệ pin sử dụng trong pin cỡ D, C, AA và AAA, tuy nhiên gần đây ở thị trường dân dụng, pin Alkaline áp đảo nhờ chất lượng tốt, giá thành tốt và thân thiện với môi trường. Pin Alkalline thông thường có điện áp 1.5V và sụt dần qua quá trình sử dụng. Thường xuống đến 0.9V thiết bị sẽ không hoạt động được và được coi là hết pin. Pin tiểu, pin đũa Alkaline rất phổ biến trong thế giới đèn pin dùng bóng sợi đốt. Ở thời kỳ đầu của đèn pin LED chúng cũng rất phổ cập. Điển hình là hãng đèn pin Maglite đều sử dụng pin Alkaline cho dòng đèn pin LED của hãng trong thời kỳ đầu

Pin AAA Alkaline, chỉ dùng được một lần, điện áp 1.5V và cạn dần về 0.9V. Sản phẩm điện tử dùng pin 1.5V hầu hết đều hỗ trợ pin sạc NiMH 1.2V

Pin AA, Alkaline, chỉ dùng được một lần, điện áp 1.5V và cạn dần về 0.9V. Sản phẩm điện tử dùng pin 1.5V hầu hết đều hỗ trợ pin sạc NiMH 1.2V

Pin C, Alkaline, chỉ dùng được một lần, điện áp 1.5V và cạn dần về 0.9V. Sản phẩm điện tử dùng pin 1.5V hầu hết đều hỗ trợ pin sạc NiMH 1.2V

Pin D Alkaline, chỉ dùng được một lần, điện áp 1.5V và cạn dần về 0.9V. Sản phẩm điện tử dùng pin 1.5V hầu hết đều hỗ trợ pin sạc NiMH 1.2V

Pin NiMH, sạc được, điển hình là dòng sản phẩm Eneloop của Sanyo và sau này thuộc về Panasonic

Pin NiMH là pin sạc được nhiều lần. Với các thương hiệu như Duracell, Energizer, GP, Panasonic… ngoài dòng sản phẩm Alkaline 1.5V, họ luôn có dòng NiMH tương đương 1.2V. Tuy điện áp thấp hơn 1 chút, nhưng hầu hết các thiết bị trên thị trường dùng pin Alkaline 1.5V đều hỗ trợ NiMH 1.2V

Dòng sản phẩm Eneloop của Sanyo (và bây giờ thuộc về Panasonic) có lẽ là nổi bật nhất. Trong khi các hãng khác có tuổi thọ pin chỉ 100-200 lần sạc (thường sạc hơn 100 lần là viên pin có vấn đề), thì Sanyo cho ra dòng sản phẩm với 500 lần sạc. Qua nhiều năm nghiên cứu và phát triển, dòng Eneloop Lite của Panasonic giờ đây đã có số lần sạc lên đến 5000 lần. Dòng Eneloop thường thì số lần sạc là 2100 lần. Bạn có thể dùng pin Eneloop hơn 10 năm (trải nghiệm cá nhân, tôi đã dùng pin này 10 năm mà vẫn chưa hỏng).

Với đèn pin dùng pin tiểu AA và pin đũa AAA, bên cạnh pin Alkaline dùng một lần thì Eneloop là lựa chọn số 1:

Pin AAA – pin đũa dòng Eneloop nổi tiếng của Sanyo (giờ thuộc về Panasonic). Pin siêu bền với 2100 lần sạc

Pin AA – pin tiểu dòng Eneloop nổi tiếng của Sanyo (giờ thuộc về Panasonic). Pin siêu bền với 2100 lần sạc. Pin Eneloop là pin sạc lý tưởng cho đèn pin sử dụng pin AA

Các đèn pin đeo móc khóa dùng pin tiểu AA, pin đũa AAA thường tương thích tốt với pin sạc Eneloop.

Khi đèn pin LED bắt đầu chiếm ưu thế trên thị trường. Những đèn pin LED công suất cao sử dụng pin tiểu thường hỗ trợ 4-8 viên Eneloop mới có khả năng đạt đến độ sáng >300 lumens

Fenix LD40 sử dụng 4 pin Eneloop

 

Pin sạc cỡ C của Eneloop, siêu bền. Hiện nay ít thấy trên thị trường.

Bạn cũng có thể dùng adapter lắp với 1 viên pin AA eneloop để có được viên pin cỡ C. Nói chung pin trung C giờ ít gặp trong đèn pin LED

Pin sạc cỡ D của Eneloop, siêu bền. Hiện nay ít thấy trên thị trường.

Tuy nhiên Panasonic vẫn bán sản phẩm này. Bạn cũng có thể dùng adapter lắp với 1 viên pin AA eneloop hoặc 2 viên pin eneloop để có được viên pin cỡ D. Tham khảo thêm bài viết về pin D NiMH tại ĐÂY và sản phẩm Adapter tại ĐÂY. Pin đại D giờ cũng ít gặp trong thế giới đèn pin LED

Pin CR123A điện áp 3V

Sử dụng công nghệ Lithium (phân biệt với Lithium-ion nhé), đây là pin dùng một lần, không sạc được. Pin CR123A rất quen thuộc trong các máy ảnh dùng film những năm 1990 và đầu năm 2000. Điện áp của pin là 3.0V. Pin CR123A nổi tiếng về sự ổn định, đáng tin cậy và độ tự xả cực thấp. Bạn có thể tham khảo thêm tại ĐÂY. Tuy nhiên không sạc được nên nó khá mắc tiền.

Pin CR123A được tin dùng trong những đèn pin LED chiến thuật và các đèn nhỏ EDC:

Pin sạc Lithium-ion điện áp 3.7V

Với điện áp cao, pin sạc Lithium-ion là lựa chọn hợp lý với đèn pin LED. Pin sạc Lithium-ion đi theo nhiều kích cỡ, từ nhỏ đến lớn.

Với nhược điểm là pin không phổ thông (như pin AA và AAA) và có nguy cơ cháy nổ, Pin Lithium-ion ban đầu ít được tin dùng. Tuy nhiên theo thời gian, chất lượng pin được tăng cao, pin ổn định hơn và độ bền tốt hơn (sạc được >500 lần). Pin Lithium Ion dần trở nên rất phổ biến

Pin cell 18650 công nghiệp, điện áp 3.7V và không có mạch bảo vệ.

Bạn nên đọc thêm tại ĐÂY. Pin 18650 màu xanh trong hình trên là pin cell 18650 của Panasonic, chưa có mạch bảo vệ. Các hãng đèn pin thường mua pin này về, lắp thêm mạch bảo vệ. Pin có mạch bảo vệ thường dài hơn và to hơn pin cell gốc. Pin cell gốc có nhiều dung lượng khác nhau từ 2.000mAh đến 3.600mAh

Các hãng đèn pin thường khuyến cáo đèn pin nên đi kèm với pin có mạch bảo vệ chính hãng. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của tôi, dùng pin không có mạch bảo vệ cũng ổn, chú ý dùng với sạc tốt và đèn cũng phải hỗ trợ đầu pin phẳng (đọc thêm tại đây)

Pin 18650  có mạch bảo vệ, pin này là pin cell đã được lắp thêm mạch bảo vệ.

Sử dụng pin có mạch bảo vệ sẽ an toàn hơn. Tuy nhiên cần chú ý, pin 18650 có kích thước khác nhau. Pin dung lượng càng lớn thì kích thước thường lớn hơn một chút do có vỏ co nhiệt và mạch bảo vệ trùm lên cell pin. Việc này sẽ khiến cho một số đèn pin lắp được pin 3200mAh, nhưng nếu lắp pin 3500mAh thì lại không vừa. Khi mua đèn pin dung lượng lớn, phải chú ý điều này. Hình dưới là viên pin 18650 dung lượng 3500mAh có mạch bảo vệ của hãng đèn pin Fenix

Đèn pin LED Li-ion dùng pin 18650 hiện nay đang thống trị trên thị trường. Các hãng đèn pin Mỹ cũng đã bắt đầu hỗ trợ pin Li-ion 18650 trong sản phẩm của mình và dải sản phẩm có xu hướng mở rộng

 

Đèn pin Surefire hỗ trợ cả CR123A truyền thống, cả pin sạc 18650

Pin sạc Lithium-ion 14500

Pin có kích thước bằng pin tiểu AA  nhưng thường dài hơn một chút, điện áp của nó 3.7V, cao hơn nhiều so với pin tiểu AA 1.5V. Cần chú ý khả năng tương thích của đèn pin trước khi sử dụng pin này

Các hãng đèn pin Trung Quốc mà đi đầu là Nitecore, Jetbeam đã hỗ trợ pin Li-ion 14500 từ rất sớm. Thời gian gần đây pin 14500 dần trở trên phổ biến trong các đèn pin EDC cầm tay. Kích thước nhỏ như pin tiểu nhưng công suất rất cao.

 

Pin Lithium-ion 16340,

Thực tế đây là pin RCR123A – 3.7V. Nó là phiên bản pin sạc được của pin không sạc được CR123A – 3.0V. Trước đây các hãng đèn pin Mỹ không “tín nhiệm” chất lượng pin RCR123A. Tuy nhiên với tiến bộ trong ngành sản xuất pin. RCR123A có chất lượng càng ngày càng tốt và đèn pin sử dụng pin này càng ngày càng nhiều. Đèn pin hỗ trợ pin RCR123A thường hỗ trợ pin CR123A, tuy nhiên điều ngược lại chưa chắc đã đúng

Pin RCR123A LiFE-PO4

Đây là giải pháp trung cho những cây đèn pin đắt tiền, chỉ tương thích với pin dùng 1 lần CR123A điện áp 3.0V đắt đỏ. Pin Tenergy sử dụng công nghệ LiFE-PO4. Đây là là pin RCR123A nhưng điện áp của nó chỉ 3.2V, và gần như tương thích với đèn pin 3.0V

Pin 10180 Lithium-ion

Đây là pin sạc siêu nhỏ,  hiên nay nó là viên pin rất phổ biến trong những đèn pin móc khóa nhỏ

Đèn pin móc khóa UC02 sử dụng pin sạc Li-ion 10180 rất nhỏ

Pin 18650 tích hợp mạch sạc trên đầu pin

Thực tế là những cell pin 18650 được hãng  tích hợp mạch sạc USB thẳng vào đầu viên pin. Và ta có 1 viên pin 18650 có ngay cổng sạc Micro USB trên đầu pin, cực kỳ tiện lợi mỗi khi muốn sạc. Để sạc nó, bạn dùng dây sạc thông dụng của điện thoại là được. Nó dùng như viên pin 18650 bình thường. Điện áp ra của nó là 3.7V.

Loại pin này vừa được hãng đèn pin Fenix ra mắt trên thị trường, chắc chắn sẽ phổ biến trong tương lai gần

Pin sạc 18650 tích hợp cổng sạc Micro USB ngay ở đầu pin

Pin 14500 Lithium-ion tích hợp cổng sạc Micro USB của hãng Fenix

Nó là pin Lithium-ion, được tích hợp cổng sạc Micro USB ngay trên đầu viên pin. Nhưng nó khác với những viên pin Lithium-ion 14500 khác, điện áp ra của nó chỉ là 1.5V chứ không phải 3.7V. Nó hoàn toàn tương thích với những thiết bị dùng điện 1.5V có trên thị trường.

Pin sạc Li-ion 16650

Bạn chú ý đây là pin 16650, đừng nhầm với pin 18650. Pin này có kích thước đường kính nhỏ hơn pin 18650 một chút. Một số đèn pin với ống nhỏ chỉ tương thích với 2 pin CR123A hoặc 1 pin 16650

Pin sạc Li-ion 26650

Là pin sạc Li-ion có chiều dài như pin 18650 nhưng đường kính to hơn. Vì thế pin này có dung lượng lớn hơn (4800mAh so với 3400mAh)

Gần đây một số đèn pin công suất lớn bắt đầu sử dụng pin 26650

Hầu hết đèn pin sử dụng pin 26650 đều tương thích với pin 18650, tuy nhiên ta phải gắn pin 18650 vào trong khay nhựa để tăng đường kính, giúp viên pin khít khi nhét vào đèn

Fenix PD40 hỗ trợ pin 26650. Muốn dùng pin 18650, phải nhét nó vào khay nhựa

 

Chart các loại pin sạc với kích thước thật