Câu chuyện về bốn hãng đèn pin Fenix, Olight, Nitecore, FourSevens

0
7040

Một số link tham khảo

Sự tự tin khi bán mặt hàng tốt rất quan trọng

Trong những mặt hàng EDC mình kinh doanh, có sự góp mặt của hầu hết các tên tuổi hàng đầu trên thế giới.

  • Đến từ Mỹ có Leatherman, TECAccesories, Maxpedition, Streamlight
  • Đến từ Thụy Sỹ là Victorinox
  • Từ Nhật Bản là Panasonic Eneloop
  • Từ Đức là Lamy
  • Từ Trung Quốc là Fenix, Nitecore, Olight
4 hãng đèn pin từng ngồi cùng một mâm

Rất nhiều thương hiệu đến từ nhiều quốc gia và được sản xuất ở nhiều nơi. Trong đó đặc biệt chú ý đến mảng đèn pin, ngoại trừ Streamlight Mỹ cho một số khách hàng đặc biệt, còn lại chủ đạo là Fenix và 2 đối thủ Nitecore và Olight đều đến từ Trung Quốc. Ở đây có một điều mình muốn chia sẻ, đó là sự tự tin, cảm giác yêu thích khi đọc về sản phầm, cầm nó trên tay và bán cho khách hàng. Mình luôn tìm kiếm sự tự tin, thích thú với những sản phẩm bán ra, ở điểm này, Fenix, Nitecore, Olight thực sự thuyết phục. Dù Nitecore có vấp ngã vì phát triển quá nóng (mình sẽ trình bày phía dưới), nhưng nói chung, ở thị trường đèn pin, các hãng đèn pin Trung Quốc làm rất tốt. Các bạn có thể bỏ chút thời gian dạo qua CPF BLF để tham khảo thêm nhé.

Năm nay đặc biệt mình đã triển khai Maxpedition với rất nhiều model Made in Vietnam

So với những ông chủ ở phương tây, các ông chủ ở Trung Quốc khá kín tiếng. Ta có thể dễ dàng thấy Tim Leatherman đi khắp nơi ký tặng lên các cây kìm cho fan hâm mộ, hoặc những câu truyện ly kỳ về cây dao đa năng Victorinox, còn với Fenix, Olight, Nitecore, ta gần như không thấy ông chủ họ xuất hiện và chém gió về công ty, về sản phẩm bao giờ.

Cách đây hơn 2 năm, sau thời gian sa lầy với các sản phẩm lỗi của Nitecore, mình quyết định sang thăm Nitecore và Fenix, đồng thời hỏi thăm một số thương hiệu đèn khác xem thằng nào có nhà máy gần đó thì tao ghé qua. Rất tiếng Nitecore từ chối không mời mình đến thăm nhà máy, vài hãng đèn khác khi mò đến chỉ là văn phòng thương mại. Riêng Fenix và Olight lúc đó là cả xưởng và văn phòng đều nằm chung tòa nhà. Thật bất ngờ, mình là người nước ngoài đầu tiên đến thăm nhà xưởng của Fenix và Olight.

Trong chuyến đi thăm Olight nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập hãng vừa rồi, mình có chút thời gian nói chuyện với David Chow, CEO của FourSevens, và anh ấy đã cung cấp một số thông tin rất thú vị. Bộ 3 Fenix, Nitecore, Olight là những đầu tầu trong lĩnh vực đèn pin LED Trung Quốc cùng với FourSevens của David đã từng có thời cùng bán hàng trên 4Sevens.com. Tuy nhiên năm 2006 mọi thứ đổ vỡ, các hãng tách ra tự làm đèn, tự làm thương hiệu và phát triển kênh bán hàng riêng. Và tất nhiên đi theo nó là mối thù không đội trời chung của các ông chủ.

Hãng đèn pin Fenix

Fenix trong tiếng anh có nghĩa là chim Phượng Hoàng, biến thể khác là Phoenix. Biểu tượng của hãng đèn pin Fenix là con chim Phượng Hoàng lửa. Ông chủ của Fenix là Karass Su.

Karrass Su bên trái và một phượt thủ Bin Sun nổi tiếng của Trung Quốc

Vì nhân viên Fenix rất kín tiếng về ông chủ, nên mình cũng chỉ có một số thông tin ít ỏi về ông này. Karrass Su vốn bắt đầu một công ty thương mại năm 2003, khi đó công ty rất bé nhưng anh đã may mắn vớ được một hợp đồng cung cấp đèn pin cầm tay số lượng lớn cho một đối tác. Sau 1 tháng bàn giao sản phẩm, đèn pin lần lượt lăn ra chết và Su phải chật vật mua đèn thay thế. Những cây đèn xịn nhất, kể cả từ các thương hiệu nước ngoài mà anh ấy kiếm được cũng không trụ được lâu, dù trong hoàn cảnh sử dụng bình thường. Rất phẫn nộ vì điều đó, Su quyết định phải làm bằng được đèn pin chất lượng cao và tâm thế của anh ấy là tập trung cạnh tranh ngay cả với những hãng đèn nước ngoài trên thị trường quốc tế. Định hướng này rất quan trọng, ngay bản thân hãng Olight từ đầu không định bán sản phẩm ở Trung Quốc.

Năm 2004, công ty TNHH Fenixlight ra đời. Mục đích của công ty là nghiên cứu phát triển, bán hàng và hoạt động trong lĩnh vực chiếu sáng cầm tay cao cấp.

Karrass luôn đặt vấn đề chất lượng lên trên hết, thế nên so với Olight và Nitecore, Fenix đầu tư tự làm rất nhiều part của đèn pin, đồng thời đầu tư máy móc test đèn rất tốt. Mình chưa được đến thăm xưởng của Nitecore ở Đông Quảng, nhưng so với Olight thì máy móc để kiểm định chất lượng của Fenix gấp nhiều lần.

Tất cả các phản hồi của mình về sản phẩm, đặc biệt là về chất lượng đều được Fenix xử lý và hồi đáp ngay. Những thắc mắc sâu đến kỹ thuật đều được chuyển từ sale sang kỹ sư trả lời. Những lỗi của đèn đều được thừa nhận, phân tích và hồi đáp. Cảm giác làm việc không khác gì một công ty Nhật vậy 🙂

Một điểm nữa mà Fenix khác biệt với Olight và Nitecore, họ thuê giám đốc điều hành riêng. Trong khi Nitecore là công ty gia đình trị thì ông chủ Olight gặp vô số rắc rối về điều hành và sản xuất.

Từ trái qua phải là CEO Vincent , và 3 đồng sáng lập Fenix tên là Cen, Karrass và Yang

Ở thời mông muội, nguồn bóng LED còn khan hiếm (bây giờ thì LED phổ cập rồi), Fenix phải tìm đường nhập bóng LED về để sản xuất đèn pin, và tìm đầu ra cho sản phẩm ở Mỹ. Tiến sỹ David Chow là người đã đứng ra chung gian cho Fenix. Chow cung cấp bóng LED cho Fenix và giúp Fenix bán đèn pin tại Mỹ. Đây là lý do tại sao ban đầu 4Sevens.com lại đăng bán sản phẩm của Fenix. Trải qua hơn 15 năm liên tục phát triển, theo thông tin mới nhất mình nhận được thì số lượng nhân công của Fenix đã lên đến 900 người (để các bạn dễ hình dung thì Olight tầm 200+ và Nitecore là 230+, riêng FourSevens là 20+). Các hãng đèn tràn ngập trên CPF thì họ thường rất bé thôi, size chắc khó có thể quá 50 người.

Từ một số nguồn tin không chính thức từ nhân viên có thâm niên, Fenix đã từ chối gia công đèn cho Streamlight, từ chối lời đề nghị mua lại của Streamlight, và họ cũng đã từ chối lời đề nghị mua lại từ Leatherman.

Bản thân Karrass cũng là một người đam mê outdoor

Hiện nay Fenixlight đã trở thành một trong những hãng đèn pin hàng đầu thế giới và anh kỹ sư của Fenix khá tự tin khi chém “công nghệ đèn pin LED của cúng tôi cũng chả kém gì SureFire cả, ở thị trường outdoor, họ còn phải học chúng tôi nhiều”

Bản thân Karrass cũng là một người đam mê outdoor

Năm 2016 cũng đánh dấu bước chuyển mình của Fenix. Mục tiêu của hãng trong năm tài khóa 2016-2017 là

  • Với đèn pin thì tiếp tục “fill-up product line”
  • Với Gear thì bắt đầu tư làm thương hiệu dao đa năng Ruike
Ruike, mảng đầu tư mới của Fenix

 

Hãng đèn pin FourSevens

FourSevens là một công ty Mỹ

Khởi đầu của FourSevens là 4Sevens, hiện nay 2 website này tồn tại song song, nhưng nếu bạn vào 4Sevens.com, bạn sẽ được điều hướng sang FourSevens.com. Ông chủ của FourSevens là tiến sỹ David Chow, một người đam mêm tốc độ. David sống ở bang Goergia, Mỹ. Ông nội của David là người Đài Loan, từng lái máy bay tiêm kích trong quân đội Tưởng Giới Thạch từ thế chiến thứ 2, ông của David di cư sang Mỹ và David sinh ra ở Mỹ. David là người Mỹ, có gốc gác Đài Loan (2 đời rồi). Sau khi tốt nghiệp trung học, David học luật và trở thành một thẩm phán, tuy nhiên, vốn là một người đa tài và đam mê tốc độ, thế nên ông cũng có thêm một bằng kỹ sư điện tử.

Phù thủy David và mãnh thú XM18

David hợp tác với Fenix từ rất sớm, khoảng năm 2004, anh ấy cung cấp bóng LED cho Fenix, đổi lại Fenix phân phối đèn pin ở Mỹ thông qua David. Trong một thời gian ngắn, Fenix phát triển rất nhanh, họ thấy David làm chưa hết khả năng phân phối đèn pin cho họ, vì thế Fenix tìm kiếm thêm những đối tác khách ở Mỹ. năm 2006, David quyết định thành lập một công ty chuyên về đèn pin, và 4Sevens ra đời. Định hướng của 4Sevens lúc đầu là phân phối đèn pin của Fenix và tự làm thương hiệu 4Sevens của mình. Năm 2007 David gặp Fox Fan ở Olight và Simon Lee từ Nitecore, và trên website của hãng thêm thương hiệu OlightNitecore.

FourSevens và Olight ra đời với mối quan hệ rất căng thẳng của cặp đội Fox và David đối với hãng đèn pin Fenix. David quyết định đổi tên công ty từ 4Sevens thành FourSevens, đồng thời chuyển sang nhà mới www.FourSevens.com, thiết kế lại logo và ngưng hợp tác với Fenix

Mini Turbo Mk2, siêu nhỏ vói độ sáng 1000 lumens

Nhiều người thắc mắc 4Sevens là gì? David nói rắng đó là một từ “lóng” về cờ bạc, cụ thể ở đây là trò Jackpot. David nói rằng 2 con số này nó ngẫu nhiên trong đầu, đi ăn cả ngã về không. Anh ta đã bán tất cả những gì mình có, trừ quần áo mặc trên người để bắt đầu công ty này.

Với David, anh ấy muốn làm một công ty đèn pin cho những người yêu thích đèn pin flashaholics. Anh ấy muốn đèn 4Sevens độc đáo hơn, bền hơn, nhỏ hơn, sáng hơn, pin sài lâu hơn và giá tốt hơn cho người yêu thích đèn pin.

Khi đầu mình lầm tưởng FourSevens là một công ty Trung Quốc hoặc “núp bóng” USA, thực tế FourSevens là công ty 100% Mỹ, họ có team 20 kỹ sư người Mỹ, đóng đô ở bang Goergia, Mỹ. Tất cả đèn pin FourSevens đều được thiết kế và thử nghiệm tại Mỹ. Hãng OEM cho FourSevens là Olight. FourSevens 2 năm trở lại đấy quẫy khá khỏe, nhiều mẫu đèn mới rất độc đáo được ra mắt. So với hãng “anh em” Olight thì chắc không bằng, nhưng FourSevens là thương hiệu yêu thích của dân chơi đèn pin.

Trong buổi ăn trưa tán phét, David cũng chia sẻ về “LED Flashlight small circle”, cái vòng tròn nhỏ của những người trong ngạch đèn pin LED. Anh ấy rất thân với sếp của SureFire, Streamlight ở Mỹ, cũng không lạ gì mấy bạn bên Maglite, Elzetta, Zebralight và Malkoff. Còn ở Trung Quốc thì còn ở Trung Quốc thì Karrass, Simon, Fox đều là bạn cũ cả. Nếu mấy bố kỳ cựu ngồi lại với nhau thì sẽ lấp đầy một cái bàn tròn nho nhỏ thôi.

4Sevens chỉ là 2 con số thể hiện sự liều lĩnh của David

Vốn là người đam mê tốc độ, David có thú vui là độ xe và tự làm ô tô. Có lẽ thú đam mê này thừa hưởng từ ông nội, một phi công lái máy bay tiêm kích. David nói rằng anh ấy tự làm xe đua từ a-z như mua máy, hộp số, thiết kế khung gầm, đúc vỏ xe… Phóng xe tốc độ 300km là niềm yêu thích lớn của anh ấy

Chiếc xe David tự làm

David cũng làm 1 người thích Trekking

David nói rằng làm đèn thì dễ, nhưng làm đèn LED siêu sáng, nhỏ gọn, đẹp, hiệu suất cao, bền bỉ thì không hề đơn giản. Đây là chia sẻ của anh ấy và cũng là thông tin hữu ích cho những bạn bị nhầm lẫn giữa “đèn Tầu”, “chạy đua lumens” và “các thông số ảo”. Mình sẽ có bài viết khác về đề tài này.

Với bản tính ham chơi và nhiều thú vui tốn kém, FourSevens có vẻ chậm lại so với đối thủ. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây họ đã rất nỗ lực. Hi vọng hãng đèn FourSevens sẽ sớm có đại lý ở VN

^_^

Hãng đèn pin Nitecore

Công ty Bisu bắt đầu hợp tác với Nitecore từ năm 2012, ngay sau khi Nitecore và Jetbeam li dị. Ở đây có chút chuyện vui để tán phét trước, đó là các ông chủ Trung Quốc rất dốt tiếng Anh. Việc bán đèn pin ra thị trường nước ngoài những năm 2000s không đơn giản với các anh ấy. Bây giờ thì chuyện này đã thành máy xay sinh tố với việc bùng nổ thương mại điện tử, những trang bán hàng online xuyên lục địa và các diễn đàn chuyên sâu như CPF, BLF cũng thương mại hóa rồi.

Chính vì thế những ngày đầu, Fenix hợp tác với David, còn Olight thì vô cùng chật vật khi mở rộng thị trường (các bạn xem thêm ở ĐÂY). Ngoài Fenix bắt đầu là một công ty thương mại, anh Fox bên Olight thì là một kỹ sư, các nhân viên của anh ấy vẫn thán phục sếp chăm chỉ học tiếng Anh dù nó chệu chạo vô cùng.

Gia tộc nhà anh Simon Lee, sếp của Nitecore rất giầu, bản thân Simon là chủ một doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế rất lớn ở Trung Quốc. Công ty điện Sysmax của Simon chỉ là một công ty con bé bé lúc khở đầu, Simon giao cho cô em vợ là June làm quản lý (Simon đã li dị vợ rồi). Ảnh dưới là June bên trái, thứ 3 là Simon Lee, bên phải là Emily, trợ lý của Simon.

Từ trái qua phải June (chị vợ của Simon), một dealer của Nitecore, Simon Lee (ông chủ Nitecore) và cô trợ lý Emily

Simon được đánh giá là một người cực kỳ thông minh, xuất thân của anh ấy vốn đã giàu có và bản thân anh ta tự gây dựng cho mình một công ty rất lớn hoạt động trong lĩnh vực Y tế ở Trung Quốc. Khởi đầu công ty điện Sysmax của Simon thuê Jetbeam gia công đèn pin từ  năm 2004, qua thời gian, họ cũng thành lập thương hiệu Nitecore vào năm 2007. Nhưng việc bán hàng thuận lợi, Nitecore muốn tự làm đèn pin. Đến năm 2012 thì chiến tranh giữa Jetbeam và Nitecore nổ ra. Các bạn tham khảo thêm tại ĐÂY. Mình copy xuống dưới để tiện theo dõi.

Cụ thể Jetbeam đã cáo buộc Sysmax vi phạm hợp đồng:
– Làm người tiêu dùng nhầm lẫn giữa việc sở hữu thương hiệU Jetbeam.
– Đăng ký nhãn hiệu Jetbeam tại EU và Australia.
– Kiềm chế số lượng đặt hàng Jetbeam và nâng giá.
– Công bố sai lượng hàng out of stock, và tự thúc đẩy bán sản phẩm riêng của mình.
– Chậm thanh toán cho Jetbeam Thẩm Quyến.
Trong khi đó, Sysmax cáo buộc lại Jetbeam. Các kỹ sư thiết kế của Sysmax đứng đằng sau các sản phẩm của Jetbeam.
– Vi phạm hợp đồng, tự ý tạo mới thương hiệu Niteye.
– Sử dụng nhà máy gia công đèn pin Jetbeam, sản xuất tối đa sản phẩm Niteye, khiến cho việc gia công sản phẩm của Sysmax  bị đình trệ
– Nhà máy mà Nitecore thuê để gia công đèn pin cho Jetbeam đã tự tiện đăng ký thương hiệu Jetbeam tại Trung Quốc và Mỹ

Ngay sau khi li dị với Jetbeam, Sysmax quyết định đẩy mạnh thương hiệu Nitecore của mình, họ đổi tên thành từ Sysmax sang Nitecore luôn, thống nhất giữa tên công ty và tên thương hiệu. Tham vọng lật đổ Fenix rất lớn. Nguyên văn từ một cựu quản lý Nitecore tiết lộ cho mình:

  • Nitecore đổ rất nhiều tiền cho nghiên cứu và phát triển, tham gia các hội trợ triển lãm và chi tiết cho hoạt động Marketing. Rất nhiều người biết đến Nitecore. Nhưng Fenix tốt hơn. Nitecore muốn vượt qua Fenix nhưng chưa bao giờ thành công.
Nitecore rất muốn lật đổ Fenix

Còn theo nhận xét từ phía Olight, Nitecore rất giàu có, họ muốn làm gì thì làm. Cách làm Marketing của Nitecore cũng vô cùng hiệu quả

Bên Olight nói rằng Nitecore rất giầu, thích làm gì thì làm, không sợ thua lỗ

Đầu năm 2013 là giai đoạn nở rộ các sản phẩm đèn pin từ Nitecore, họ đã cực kỳ sáng tạo. Những sản phẩm như EA40 với công tắc kép, quái thú TM26 siêu siêu nhỏ 3500 lumens, Dòng Sens với mớ cảm biến, dòng MH tích hợp cổng sạc, EC4 với công nghệ Die Cast nhôm nguyên khối…

EC4S với công nghệ diecast của Nitecore, tuy nhiên với thiết kế này, phần tailcap trở thành một thảm họa

Năm 2014 là cơn bão đèn pin lỗi đến từ Nitecore, các sản phẩm lỗi liên tục sau một thời gian sử dụng và dần tồi tệ đến mức đèn lỗi ngay khi mở hộp. Mình đã báo cho hãng rất nhiều lần, nhưng đều không được hồi âm. Vừa rồi mới biết dealer từ Úc cũng từng than vãn về vấn đề chất lượng. Nhưng tất cả phải lặng im vì doanh số của Nitecore vẫn ổn, đặc biệt mảng sạc và pin sạc của hãng.

Năm 2014 là cơn khủng hoảng về chất lượng của Nitecore

Sang năm 2016, có vẻ như Nitecore đã hiểu vấn đề về đèn pin của mình, họ đã hãm bớt số lượng đầu hàng đèn pin mới và xóc lại quy trình quản lý chất lượng và giảm bớt các con số lumens khủng khiếp. Dù sao cũng cần có thời gian để đánh giá xem Nitecore đã thực sự cải thiện tình hình hay chưa. Một cây đèn pin tốt cần hơn 5 năm để chứng tỏ điều này.

Nitecore hiện là ông trùm trong mảng pin sạc và đặc biệt là thị trường VAPE. Simon cũng nhanh tay tách mảng đèn pin và pin sạc thành hai bộ phận độc lập đồng mở rộng sang mảng balo túi xách và lấn sân sang làm pin sạc cho máy ảnh, phụ kiện pin sạc và đèn pin GoPro…

Các bộ sạc Nitecore rất tốt vẫn bán rất chạy

Các sản phẩm thiết kế rất đẹp và bắt mắt. Dù sao thì cũng có một chút cảm giác “ôm đồm” từ Nitecore khi họ làm cả cái máy pha tinh dầu VAPE. Nếu làm quá nhiều thứ, bạn sẽ mất tập trung và khó có thể ra sản phẩm tốt được.

SRT9 một trong những cây đèn chủ lực của Nitecore năm nay

Hãng đèn pin Olight

Bài viết về Olight khá chi tiết ở ĐÂY rồi, mới các bạn tham khảo.

Tôi muốn chút thông tin thú vị cho mục này đó là cái tên Olight có ý nghĩa gì. Năm 2006, World Cup diễn ra tại Đức và đội bóng Italia đã vô địch. World Cup qua đi nhưng âm hưởng của tiếng reo hò của cổ động viên và bài hát vẫn vang vọng mãi trong đầu của Fox Fan, đó là tiếng goal goal goal ale ale ale… âm anh của chiến thắng. Fox quyết định lấy tên Olight vì nó đọc hao hao giống tiếng ale (anh ấy dốt tiếng Anh nhé). Thương hiệu Olight có nguồn gốc từ đó.

Đối với Olight, Fenix là đối thủ mà Fox muốn vượt qua. Năm 2016 thì Fenix kỷ niệm 15 năm ngày thành lập hãng, rất nhiều đối tác đã đến thăm và chia vui với họ. Sang năm 2017, Fox thực sự muốn có một câu trả lời với Fenix, và Olight đã có một buổi lễ kỷ niệm thật hoành tráng. Trong slide cuối cùng của Olight, hình ảnh troll Fenix xuất hiện, đó là một con rông lửa, nó đối nghịch với con phượng hoàng lửa của Fenix.

Olight áp dụng chính sách rất cạnh tranh nhằm vào đối thủ Fenix. Ở Việt Nam, nếu đèn Olight lỗi, chỉ cần chụp ảnh và gửi hãng, nhà phân phối EDCZone sẽ đổi mới sản phẩm cho khách. Các bạn có thể tham khảo tại ĐÂY

Fox nói rằng mỗi năm Olight chỉ cho ra 10 sản phẩm mới mà thôi, các sản phẩm đều phải có cái gì đó nhất trái đất. Và hình như Olight có nét giống FourSevens, họ thiết kế đèn pin thường đi với những “key feature” độc đáo, tập trung vào chất chứ không vào lượng.

Con rồng lửa, đối nghịch với phượng hoàng lửa của Fenix

Quan điểm cạnh tranh của Olight khá hay, họ không ngần ngại nói về điều đó. Olight thường gửi cho mình thông tin cạnh tranh cơ bản trước khi họ gửi bản prototype để mình review, các đối thủ của hãng thường là Fenix, Nitecore, SureFire…

Như dưới đây, M2R so với 3 đối chủ chính là đèn pin Fenix PD32 TAC, Nitecore P12 và SureFire Fury Tactical

Olight tự tin cạnh tranh với SureFire và Streamlight ở mảng đèn pin gắn súng. Câu bông đùa đầu tiên là Fenix đang mở rộng các đầu hàng, nhưng họ không có đèn pin Weaponlight, Handgun thực sự. SureFire quá đắt, Streamlight quá tối. Nghe nói năm ngoái Olight thắng lớn với cây đèn pin gắn súng Valkyrie PL-1, sản phẩm mới cũng nhận được lượng đặt hàng rất lớn ngay khi ra mắt. Có thể nói thị trường này rất béo bở, đặc biệt ở Mỹ, Nga và Bắc Âu.

Tinh thần cạnh tranh của Olight rất đơn giản, nghiên cứu đối thủ, làm tốt hơn và khác biệt.

Cao JiangBao, kỹ sư trẻ về Structural design
Cao đã mổ rất nhiều đèn pin và tự tin nói rằng Olight luôn học hỏi điều tốt và muốn làm tốt hơn
Các anh kỹ sư Olight nghịch ngợm khắc chữ lên Fenix TK22
TK61, Olight muốn SR52 vượt trội hơn sản phẩm này
E2D defender từ Surefire
Đèn pin Fenix trong lab của Olight

Một điều thú vị nữa về Olight là ông chủ Fox là một cao thủ về Plank, kỷ lục Fox xác lập hôm party chia tay là 13 phút 30 giây. Những giây phút cuối cùng, mồ hôi nhỏ tong tỏng, phải lấy chậu ra hứng.

Khách mời tham dự cuộc thi Plank

Chuyện nhạt chỉ có vậy, một lần nữa mình muốn khẳng định những đèn pin được Bisu cung cấp là những sản phẩm hàng đầu thế giới. Các bạn có thể hoàn toàn tự tin khi mua một sản phẩm từ Fenix, Olight hay Nitecore. Bisu tự tin vào những mặt hàng này và chúng tôi tin chắc khách hàng cũng vậy.

Olight 10 năm, 1 chặng đường