Olight 10 năm, 1 chặng đường

0
3320

20/6 vừa rồi mình và bạn Tú bonbon được mời đi dự lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Hãng đèn pin Olight. Thực ra đây cũng là lần thứ 2 đến thăm hãng đèn, sau 2 năm, Olight đã có những bước tăng trưởng vượt bậc.

Chuyến thăm kéo dài 5 ngày 5 đêm và 2 anh em được ở khách sạn 5 sao duy nhất trong khu vực. Olight cử người đón tiếp, đưa rước từ sân bay đến tận phòng khách sạn, đồng thời chăm sóc cẩn thận suốt quá trình vui chơi ở Thẩm Quyến. Mình viết loạt bài để tỏ lòng tri ân với hãng và thực tế, Olight xứng đáng có những bài viết về hãng như vậy.

Để dễ cho các bạn hình dung, Fenix thành lập năm 2003, năm 2004 đổi tên thành Fenix Năm 2006 thì David Chow quyết định làm thương hiệu 4Sevens riêng, năm 2007 thì Fox Fan cùng 2 cộng sự sáng lập Olight. Và đây cũng là thời điểm hãng Nitecore ra đời. Nói chung 3 hãng Fenix, Olight và Nitecore rất khác biệt so với những hãng còn lại ở Trung Quốc.

Cuộc tình của các thương hiệu này mình sẽ viết trong một bài khác.

So với Fenix thì Olight thua về tuổi đời, so với gia tộc ông chủ Nitecore thì xuất phát điểm của Olight rất nghèo. Sau 10 năm  phấn đấu và nhiều lần khủng hoảng. 3 năm trở lại đây doanh số Olight tăng trưởng tốt, năm sau gấp đôi năm trước. Dòng sản phẩm của hãng tuy ít nhưng chất lượng rất ổn định và thiết kế độc đáo, đúng như slogan của hãng “We make a different”.

Chắc nhiều bạn sẽ tự hỏi làm đèn pin cũng dễ, đâu có gì mà rủi ro. Mình cũng sẽ có một bài viết khác về vấn đề này

Olight được thành lập năm 2007 bởi 3 người, ông chủ chính, nắm cổ phần chi phối là Fox Fan. ảnh dưới thì Fox đứng bên trái, còn bên phải là tiến sỹ David Chow, ông chủ của FourSevens.

Fox, ông chủ của Olight ngoài cùng bên trái

Fox vốn là kỹ sư Structural Engineer đế từ tập đoàn Foxconn, thương hiệu của tập đoàn Hon Hai quá nổi tiếng. Năm 2007 ông đã dốc hết vốn liếng để mở công ty, những hợp đồng đầu tiên là gia công cho 4Sevens và sau đó là tự làm đèn với thương hiệu Olight. Fox cũng tham gia thiết kế sản phẩm, mỗi sản phẩm của Olight đều có những “key feature” mà Olight đẩy đến mức tới hạn. Ví dụ như M3XS-UT trong 1 năm không hề có đối thủ ở khoản chiếu xa, hay SR90 2 năm liền dẫn đầu ngành công nghiệp đèn pin LED với 1 bóng LED đơn chiếu xa trên 1km.

Khởi nghiệp gian nan, Olight đã nhiều lần khủng hoảng và Fox đứng trước nguy cơ phá sản, tuy nhiên, Fox đã thành công. David có kể lại là khi bắt đầu có hỏi Fox là “mày có thể thành công được không?”, Fox nói “Được chứ, tao chỉ làm điều khác biệt”, Fox đã bật khóc khi nghe lại cậu chuyện này. Với David, Fox là người rất đặc biệt.

Buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập hãng được tổ chức hoành tráng. Trên sân khấu, Fox ôn lại những cột mốc, những kỷ niệm của công ty.

2007

Hãng Olight ra đời, ban đầu chỉ là một nhóm nhỏ vài người làm việc, họ có 2 thương hiệu là iTP và Olight, sau đó dòng sản phẩm iTP được hợp nhất vào Olight. Từ trái qua phải là chị Christina, anh Sheng, David (đến từ 4Sevens), Fox, và Du. Trong đó Sheng, Fox và Du là 3 cổ đông chính

Từ trái qua phải Chistina, Mr.Sheng, David Chow, Fox, Mr.Du, mấy chip hôi ngày ấy trẻ hơn mình bây giờ 3 tuổi

Sản phẩm đầu tay là Olight T20. Sản phẩm đầu tay đã rất ấn tượng, ngoài việc hỗ trợ pin sạc RCR123A, nó còn có 5 mức sáng và 2 mức nháy, phụ kiên đi theo đèn cũng rất chỉn chu. Bạn có thể tham khảo bài review tại ĐÂY. Và tất nhiên, sản phẩm được cũng cấp bởi Battery Junction,  khách hàng đầu tiên của Olight.

Khách hàng đầu tiên của Olight là Matt, ông chủ của BatteryJunction chính thức ký hợp động phân phối Olight tại Mỹ

2008

Olight gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng. Fox nói rằng trong ngày đó, cô nhân viên bán hàng cật lực 3 ngày gọi điện sang Hà Lan liên lạc với Dolf là CEO của Adola.nl, một công ty phân phối đồ Outdoor ở Hà Lan để xin tiền cọc. Mặc dù rất rủi ro lúc đó vì còn chưa biết thằng Olight là thể loại gì, Dolf cũng gửi $30.000 để giúp đỡ Fox và số tiền này đã cứu công ty khỏi nguy cơ phá sản. Chuyến thăm lần này thì Dolf không đi được (chắc bác ấy già lắm rồi), có cháu trai đi dự và Fox có cử chỉ cảm tạ ân nhân.

Adola, một công ty lâu đời ở Hà Lan
Fox nói lời cảm ơn đến cháu của Dolf, người đã cứu Olight vào thời điểm khó khăn nhất

2009

Olight chuyển đến trụ sở mới 100m2 và có xưởng gia công 800m2

Trong năm này có 3 người quan trọng tham join vào công ty, đó là Betty, Sui và Li. Cô Betty này là xương sống của công ty, chuyên lo chuỗi cung ứng (rất nhiều linh phụ kiện mới lắp được thành cái đèn pin). Anh Sui thì là kỹ sư thiết kế, anh này định hướng ngôn ngữ thiết kế công nghiệp cho đèn pin. Anh Li thì là kỹ sư phần mềm, mọi firmware của đèn pin Olight đều do anh ấy đặt nền móng.

Betty, chuyên lo chuỗi cung ứng
Mr.Sui phụ trách thiết kế công nghiệp
Mr.Li phụ trách mảng phần mềm firmware

Trong năm 2009 một số đối tác như đối tác làm CNC (gia công cơ khí) và in bao bì cũng bắt đầu bắt tay với Olight. Fox nói rằng Olight làm cho đối tác phát điên vì liên tục thay đổi kế hoạch sản xuất. Đôi khi chỉ vì 1 sản phẩm bán chạy, tất cả phải nai lưng ra làm ngày làm đêm để in bao bì, làm thêm body cho đèn…

2010

Olight phát triển rất nhanh trong quãng thời gian này. Kỹ sư Sonic rất”cứng” tham gia Olight, anh này có profile rất ngon về R&D ở đâu đó mình chả kịp nghe, anh ấy tham gia vào đội thì thành trưởng phòng R&D của Olight luôn. Từ ngày có Sonic, mọi khó khăn về kỹ thuật đều được giải quyết.

Sonic, trưởng phòng R&D của Olight

Năm 2010 đánh dấu bước ngoặt khi Olight bắt đầu bán hàng tại Trung Quốc (Olight ban đầu không định bán hàng tại đại lục). Anh LiuFeng tham gia vào đội Marketing, cách tiếp cận của Liu rất hay và Olight nhanh chóng có lực lượng fan đông đảo ở Trung Quốc. Rất nhiều tay chơi EDC nổi tiếng như Bony Dragon, Ant, In- the -Cloud, Ah-Cool v.v… trở thành fan ruột của Olight.

Thực tế là nhiều Fan Olight mang theo SureFire và các kiểu đèn Mỹ đi dự hội nghị (kekeke)

2011

Lúc này cổ đông chỉ còn có Fox, Christina và Sheng. Trong năm này, Christina và Sheng rút vốn, Olight rất khó khăn.

anh Jun đến từ Trung Quốc
Marshall đến từ Mỹ (GoingGear.com) và anh Tú đến từ Việt Nam lol

Trong cái rủi có cái may, Fox gặp Mr. Chen Jun người Trung Quốc và hotboy Youtuber Marshall của GoingGear. 2 đồng chí này nghe nói là góp ý rất nhiều vào đèn đóm của Olight, thế nên cuối năm đó 2 sản phẩm S10 và S1 ra đời, bán rất chạy, nuôi sống cả công ty.

2012

Olight làm quen được ông Benny (gốc Trung Quốc nhưng sống đâu đó ở Châu Âu), nói chung cánh cửa châu Âu bây giờ mới mở ra với Olight (Adola trước đó không ăn thua, bé tí)

Benny, người setup chuỗi cửa hàng cho Olight ở Châu Âu
Tobias (đội mũ) và Henry (bên trái)

Cũng trong năm này Olight bớ được 2 thánh là Tobias và Henry, bộ đôi này đẩy thị phần của Olight lên chóng mặt, hiện nay còn bán hàng chạy hơn cả GoingGear.

2013

Olight phình khá to và gặp nhiều vấn đề về tổ chức, tài chính và sản xuất.

Bruce là một giáo viên, vốn là bạn của Fox tham gia vào công ty. Anh này là người xây dựng văn hóa công ty cho Olight. Thực sự ở khách sạn 5*, sáng ra có người đón, tối có người đưa về là một trải nghiệm tuyệt vời, tất cả là vì văn hóa công ty mà Bruce xây dựng.

Bruce, người lo xây dựng văn hóa công ty cho Olight

Anh Mike tham gia công ty, anh này xốc lại quy trình sản xuất cho Olight. Phải nói là nhà xưởng và văn phòng của Olight cực kỳ sạch đẹp và ngăn nắp. Người Nhật có 5S (Sàng lọc, sắp sếp, sạch sẽ, sẵn sàng, săn sóc?) thì anh này áp dụng 6S, mình chả nhớ cái thứ 6 của anh ấy là gì nữa.

Anh Mike, chăm lo mảng sản xuất

Nếu bạn vào thăm xưởng sản xuất của Olight, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp trong 1 dây chuyền sản xuất có 1 chị chuyên đi bắt lỗi và 1 anh kỹ sư chuyên đứng giúp đỡ điều chỉnh quy trình. Tất cả là nhờ Mike. Tôi đã rất ấn tượng với dây chuyền sản xuất của Olight, ngay cả khâu đóng gói cũng có 1 anh kỹ sư túc trực chỉnh đốn quy trình

Ngay cả ở khâu đóng gói cũng có người đừng kiểm soát

Trong quá khứ Olight gặp nhiều khó khăn về luồng tiền. Fox nói là cô Nina này đã khi tham gia vào công ty đã giải quyết hết các rắc rối về tài chính.

Chị Nina là trưởng phòng tài chính

2014

Fox rất thích binh pháp gì đó, chắc là Tôn Tử?!

Trong năm 2014, lần thứ hai Olight cất cánh

Lần thứ 2 Olight cất cánh

2015

Chị Cindy tham gia công ty, tổ chức lại website và làm lại bộ mặt marketing toàn cầu cho Olight. Website Olight được đập đi xây lại liên tục, đội làm Photoshop, chụp ảnh sản phẩm tuyển được mấy em xinh hơn, khác hẳn phần còn lại của công ty, toàn em xấu và đầu tóc bù xù

2016

Với sự giúp đỡ của David, Olight mở công ty TNHH Olight Technology tại bang Georgia ngay cạnh trụ ở FourSevens. Thực tế đây là môt Ưarehouse cho các dealer tại Mỹ đồng thời phụ trách dịch vụ sau bán hàng tại Mỹ

Công ty TNHH Olight Technology ở Mỹ

Trong năm này một nhân vật quan trọng tham gia Olight, đó là Emily. Em này có quan điểm bán hàng rất cứng rắn và quản lý đội bán hàng mấy chục mạng ở Olight. Doanh số Olight tăng gần gấp đôi nhờ Emily và team sale. Trước khi sinh nhật 10 năm Olight được tổ chức, Emily đã đi 5 châu lục, hơn 20 quốc gia (không có Việt Nam) để xúc tiến hợp tác. Nghe đâu tháng 8 này sẽ hạ cánh xuống Nội Bài 😀

Emily phụ trách sale ở Olight

2017

Năm nay Fox giàu rồi, suốt từ 2014 đến giờ x2 liên tục, lại sắp ra x9 nữa. Anh ấy ít đến công ty hơn nhưng vẫn tham gia làm đèn. Và anh ấy luôn giữ thói quen ăn cơm trong căng tin cùng nhân viên.

Fox, Chritina và vợ

Ngay tại buổi ra mắt sản loạt sản phẩm quý 3 của Olight thì những đơn hàng lớn đã được đặt. Emily tự tin nói rằng Olight đã vượt qua Nitecore để đứng thứ 2 sau Fenix

Slide cuối ở bài phát biểu của Fox, anh ấy muốn Olight trở thành một con rồng lửa

Nhưng để hóa rồng thì còn tùy thuộc vào những Olight Heroes (theo cách gọi của Fox)

Một trong những Heroes, anh ấy không những biết làm, mà con biết ăn

Thôi hết chuyện rồi, bonus cuối bài là ảnh chụp cùng 2 fans thực thụ của Bisu, sấp xỉ tuổi mình và giờ vẫn thưởng thức e-Sport đều.

2 fans của Bisu