Review đèn pin xe đạp mới của Fenix: BC21R V3 và BC26R

0
2617

Đèn pin xe đạp là một thị trường rất là nhốn nháo và có ít các hãng lớn tập trung phát triển. Ở Việt Nam thì mình thấy đa số mọi người đều dùng đèn xe đạp mua từ các trang thương mại điện tử, giá loanh quanh 1-300k và chất lượng thì cũng lìu tìu. Bên nước ngoài nếu gõ từ khóa “Best bike lights” thì sẽ ra một đống những thương hiệu nghe lạ hoắc, thông số không có ai xác minh và giá thì cũng không phải rẻ.

Quay trở lại các thương hiệu đèn pin lớn của Trung Quốc như Olight, Fenix, Nitecore, Wuben, Acebeam, Klarus,… thì mình thấy rằng có duy nhất Fenix là thực sự nghiêm túc với mảng đèn pin xe đạp này. Năm nào Fenix cũng đều đặn tung ra đèn xe đạp mới và hiện tại đang có 6 models vẫn được bày bán.

Mới nhất trong năm nay là Fenix BC21R V3 và BC26R được ra mắt vào tháng 6. Hàng đã có tại Bisu cũng vào thời gian đó nhưng giờ mình mới có thời gian để làm bài đánh giá chi tiết.

  • Đèn xe đạp Fenix BC21R V3 có giá bán 1.790.000đ, bảo hành 5 năm
  • Fenix BC26R có giá bán 1.990.000đ, bảo hành 5 năm

1. Video

2. Thông số kĩ thuật

BC21R V3:

  • Độ sáng tối đa 1200 Lumens
  • Chiếu xa 142 mét
  • Sử dụng bóng led Luminus SST40
  • Tương thích pin sạc 18650
  • Cổng sạc USB Type-C
  • Gá cài tháo lắp nhanh
  • Thân đèn bằng hợp kim nhôm A6061-T6
  • Kích thước: 108 x 29 x 27mm
  • Trọng lượng: 157g (cả pin)
  • Chống nước: IP68

BC26R:

  • Độ sáng cực đại 1600 Lumens, chiếu xa 169 mét
  • Sử dụng bóng led tuổi thọ cao của Luminus
  • Tương thích pin sạc 21700 và 18650 (khi dùng với Adapter ALF-18)
  • Tích hợp cổng sạc Type-C
  • Thiết kế gá cài thông minh tháo lắp nhanh
  • Đèn báo pin chính xác, trực quan
  • Kích thước: 113 x 29 x 27mm
  • Trọng lượng: 155g (cả pin)
  • Chống nước: IP68

3. Đánh giá chi tiết

Fenix có mẫu đèn xe đạp BC30 V2 cũng nổi tiếng. Cây này sáng 2200 Lumens, dùng 2 pin sạc 18650 nên phù hợp với những người có nhu cầu sử dụng cao cần duy trì độ sáng ~ 600 Lumens trong nguyên 1 đêm để đạp đường trường.

Nhưng mọi người cũng thấy nhược điểm của BC30 V2 là to và cồng kềnh, nếu chỉ hay đạp xe trong đô thị thì thực sự không cần đến lắm. Chính vì thế mà hãng tiếp tục tung ra phiên bản V3 của dòng đèn xe đạp BC21R huyền thoại và thêm cả cây BC26R mới tinh.

2 mẫu đèn này đều dùng 1 pin, rất nhỏ gọn nên khi gửi xe trong bãi đỗ thì có thể tháo hẳn đèn ra bỏ túi quần luôn.

BC21R V3.0

Nói BC21R là huyền thoại bởi đây là dòng đèn xe đạp đã 6 năm tuổi của hãng tính từ V1 ra mắt 2016. Dù trải qua 3 phiên bản nhưng đặc điểm chung của BC21R là đều sử dụng 1 viên pin sạc 18650 nên lại sự cân bằng tốt giữa kích thước, độ sáng và runtime.

Có thể nói đây là sự lựa chọn tuyệt vời cho nhu cầu đạp xe trong đô thị buổi tối hoặc cả các cung đường trường bởi BC21R có thể tháo rời pin, mang theo 1-2 viên để dự phòng là thoải mái.

Đây là BC21R V2 với thân bằng nhựa và đầu bằng nhôm nên trọng lượng rất nhẹ. Mình rất thích cây này nhưng có vẻ nhiều người vẫn có định kiến với vỏ đèn nhựa.

Còn đây là BC21R phiên bản đầu tiên từ năm 2016, cấu hình có thể nói là bá đạo vào thời điểm đó với 880 Lumens và thiết kế ngầu lòi.

Tiếp đến là với sự lên ngôi của pin 21700 nhờ sự phát triển của xe oto điện thì Fenix cũng không thể làm ngơ được. Và kết quả là chúng ta có BC26R chạy pin 21700 ra đời. Đo xong runtime cây này thì mình thấy nó ăn đứt BC30 V2.0 về mọi mặt, thua mỗi cái công tắc kết nối không dây thôi.

Lúc đầu mình định viết 2 vài riêng cho 2 mẫu đèn, nhưng sau khi sử dụng thực tế thì thấy chúng cho trải nghiệm khá giống nhau nên quyết định gộp làm 1 luôn. Tất nhiên mỗi cây vẫn có điểm mạnh và yếu riêng.

Giá bán 2 cây này chênh nhau khoảng 200.000đ, mặc dù sử dụng viên pin 21700 có thông số tối ưu hơn hẳn nhưng không vì thế mà nói rằng BC26R ăn đứt BC21R V3, rồi mua BC21R V3 là phí tiền. Chẳng hạn như mình là người có thể nói là “tôn sùng” pin 18650, ở nhà có sẵn rất nhiều pin này thì mình sẽ không chọn BC26R.

Mình rất thích kiểu đóng gói mà người mua có thể thấy rõ cả sản phẩm như này thay vì in mỗi cái ảnh lên.

Thông số các mức sáng và runtime của BC21R V3.

Mình quên mất không chụp phụ kiện của 2 cây, nhưng cũng chỉ có mỗi viên pin đi kèm và sợi cáp sạc Type-C thôi.

Thông số của BC26R.

Fenix BC21R V3 đi kèm viên pin sạc 18650 dung lượng 2600mAh, khi đo runtime thực tế thì mình đã thay bằng pin 3500mAh cho nó công bằng. Còn BC26R đi kèm viên pin sạc 21700 dung lượng cao nhất là 5000mAh.

2 mẫu đèn đều sử dụng chung một loại gá cài xe đạp nên có thể đổi cho nhau được. Đây là loại gá dùng chung cho tất cả các mẫu đèn pin xe đạp hiện tại của Fenix, mình đánh giá cao sự đồng bộ và linh hoạt này.

Miến đệm cao su này là dành cho những loại xe đạp mà ghi đông có đường kính nhỏ, đặc biệt các loại xe gấp gọn hay chuyên chạy trong đô thị.

Xe mình có ghi đông nhỏ nhưng gắn cái gá này lên lại rất chắc chắn, xe không có giảm xóc mà đạp vào đường xấu thì cây đèn vẫn không hề xê dịch nên cảm thấy rất yên tâm.

Với thiết kế như này thì việc tháo hay lắp cả cái gá vào ghi đông cũng rất nhanh gọn. Về cơ chế thì nó cũng đơn giản quá rồi mọi người nhìn là hiểu, nhưng hầu như là sẽ để cố định cái gá ở đây, chỉ tháo và lắp đèn thôi.

Mặc dù dùng pin 21700 to hơn nhưng BC26R chỉ nhỉnh hơn chút về chiều dài, cụ thể là dài hơn 5mm (113mm vo với 108mm), còn đường kính thân và đầu đèn là bằng nhau = 27 x 29mm.

Và một điều rất shock đó là trọng lượng. Nhìn như này thì ai cũng sẽ đoán ngay rằng BC26R nặng hơn là cái chắc, nặng hơn nhiều là đằng khác. Nhưng khi cân lên thì há hốc mồm luôn:

BC21R V3 cả pin nặng 158g.

Trọng lượng rỗng là 109g.

BC26R cả pin là 155g.

Trọng lượng rỗng là 83g.

Cân không hỏng và mình cũng không cân nhầm, chính xác là BC26R nhẹ xác hơn cả BC21R dù to hơn và viên pin cũng nặng hơn.

Để hiểu được lí do thì phải tháo nắp đậy pin ra để xem, ở góc độ này chúng ta vẫn chưa thấy được gì khác biệt.

Nhưng lắp pin vào là hiểu rõ vấn đề ngay. 2 cây đèn có đường kính thân bằng nhau và gắn vừa 2 loại pin khác nhau nên chắc chắn độ dày cũng phải khác nhau.

Như bên trái là cây BC21R V3, viên pin 18650 nằm vừa khít và thân thừa ra một khoảng cực kì dày (phải đến 2.5mm). Chính vì thân dày như này nên trọng lượng của đèn tăng.

Thân của BC26R làm mỏng hơn, mỏng là so tương quan với cây kia chứ đối với mình như này đủ dày dặn rồi.

Thiết kế của BC21R V3 và BC26R giống nhau tới 80%, khá nhàn đầu cho kĩ sư phụ trách thiết kế. Cả 2 đều làm hoàn toàn bằng hợp kim nhôm A6061-T6 và có sự khác biệt nhỏ về màu sắc. BC21R V3 màu xám Titan còn BC26R vẫn là đen truyền thống.

Lớp mạ Anodize của Fenix luôn được đánh giá rất cao về thẩm mĩ cũng như độ bền, và ngày càng tốt hơn do hãng họ sở hữu công nghệ mạ riêng chứ không phải nhờ bên thứ 3.

Ưu điểm mình cực kì thích ở những mẫu đèn xe đạp nhỏ gọn dùng 1 pin như này đó là chúng có thể dùng như đèn pin cầm tay thông thường một cách hoàn hảo, và khi có việc chỉ mất 1s để gắn lại lên xe.

Như 2 cây này tháo ra khỏi gá cài xe thì nhìn không khác gì đèn pin thông thường, cầm nắm rồi thao tác đều thoải mái. Ánh sáng thì tỏa rộng, chiếu xa vừa đủ nên dùng rất ổn. Vậy nên nếu không có nhu cầu gì quá đặc biệt thì mình mua một trong 2 mẫu đèn này làm đèn chính được luôn.

Chất lượng hoàn thiện tuyệt vời, không tìm được khuyết điểm nào.

Đuôi đèn phẳng có thể dựng đứng nhưng vì đèn xe đạp nên không có nam châm. Ai khéo tay độ thêm vào cũng ổn đấy.

Hệ thống quang học cũng giống nhau luôn, cùng một loại thấu kính TIR là dùng chung led là Luminus SST40. Sự khác biệt nhỏ là BC21R V3 sáng 1200 Lumens, ánh sáng trắng. Còn BC26R sáng 1600 Lumens, ánh sáng vàng nhẹ.

Bên trái là beamshot của BC26R, bên phải là BC21R.

Thấu kính này được Fenix thiết kế riêng để cho ánh sáng tỏa rộng, bám đường phù hợp việc đạp xe. Ánh sáng cho ra cũng đẹp, không có hiện tượng nhiễu sáng đặc trưng của thấu kính TIR dạng trơn.

Công tắc chính được đặt gần đầu đèn, mình thấy khá hợp lí để thao tác khi đạp xe hay cả lúc dùng riêng như đèn cầm tay. Kể ra nếu có công tắc kết nối không dây như BC30 V2 thì hoàn hảo luôn bởi nhiều khi đang đạp xe mà bỏ 1 tay để chỉnh đèn cũng khá nguy hiểm.

Cái hay của Fenix là những thiết kế nào tối ưu thì họ thường sử dụng chung cho nhiều mẫu đèn. Cái kiểu công tắc này chắc mọi người cũng quá quen thuộc trên LD32 UV, E18R V2,… rồi.

Đây là công tắc kim loại nên bền hơn loại bọc cao su, ở giữa có đèn led để báo tình trạng pin.

Vì là đèn xe đạp nên khi đèn chính hoạt động, cái đèn báo pin cũng sẽ sáng liên tục cho người dùng tiện theo dõi. Đèn báo đỏ hay nháy đỏ là pin sắp hết và cần thay.

Đèn màu xanh là pin còn đầy.

Mặt dưới là ray để gắn lên gá cài và ở trên là nơi đặt cổng sạc Type-C.

BC21R V3 có lẽ vì trọng lượng đèn đã nặng rồi nên Fenix làm ray trượt bằng nhựa cứng, còn BC26R là nhôm liền thân luôn. Nhìn cây BC26R nó liền lạc và ăn nhập hơn hẳn.

Cổng sạc Type-C dùng nắp đậy cao su, vì nằm bên dưới nên chống mưa thoải mái. Còn thực tế 2 cây này đạt chuẩn chống nước tới IP68.

Nên mình tin rằng bản thân cổng sạc cũng đã được làm kín nước rồi, nắp đậy chủ yếu chống bụi.

Làm cổng sạc Type-C là một điểm cộng rồi, còn tốc độ sạc của 2 cây cũng khá ổn khi được ~ 1.5A.

Với tốc độ này thì BC21R V3 mất 2 tiếng để đầy pin 2600mAh, 2.6 tiếng đầy pin 3500mAh.

BC26R thì mất 3.5 tiếng để đầy viên pin 5000mAh.

Cùng nhìn lại tổng thể một lượt 2 cây đèn, đầu tiên là BC21R V3.

BC26R.

Gắn lên xe:

4. Giao diện sử dụng

Nếu đã sử dụng quen đèn pin của Fenix thì chắc bạn chỉ mấy 15s là dùng thạo 2 cây này.

Mọi thao tác đều rất đơn giản với 1 công tắc chính:

  • Bật/Tắt đèn: nhấn giữ 0.5s
  • Chuyển mức sáng: nhấn công tắc 1 lần khi đèn đang bật
  • Truy cập nháy Flash (báo hiệu): nhấn nhanh công tắc 2 lần khi đèn đang bật

Cả 2 cây đèn đều nhớ mức sáng cuối được sử dụng.

Trong quá trình sử dụng mình phát hiện ra nhược điểm của kiểu giao diện này, đó là nếu khi chuyển độ sáng mà bạn nhấn công tắc nhanh quá thì nó sẽ nhảy qua chế độ nháy Flash, cái này mình bị thường xuyên. Fenix nên thay đổi việc kích hoạt nháy Flash bằng cách bấm nhanh công tắc 3 lần hoặc nhấn giữ 1.2s thì sẽ ổn hơn.

5. Khả năng chiếu sáng

5.1. Trong nhà

Fenix BC21R V3

1200 Lumens

400 Lumens

150 Lumens

50 Lumens

Fenix BC26R

1600 Lumens, ánh sáng vàng nhẹ

600 Lumens

200 Lumens

50 Lumens

5.2. Ngoài trời

BC21R V3

1200 Lumens

400 Lumens

150 Lumens

50 Lumens

BC26R

1600 Lumens

600 Lumens

200 Lumens

50 Lumens

=> Đánh giá:

  • Ánh sáng của BC21R V3 và BC26R được thiết kế chuyên dụng cho mục đích đạp xe nên có độ tỏa vừa đủ rộng và quan trọng nhất là bám đường, không gây chói mắt người và phương tiện ngược chiều.
  • Thông số chiếu xa của mỗi cây cũng > 100 mét nhưng đối với mình điều này không quá quan trọng vì đây là đèn xe đạp, đủ nhìn trong 50m là quá ổn rồi.
  • Độ sáng và các mức sáng phụ của BC21R V3 là đủ dùng với nhu cầu đạp xe trong đô thị, đặc biệt ở 150 và 400 Lumens. Còn khi chuyển sang BC26R thì thấy còn ổn hơn nữa vì các mức sáng phụ cũng cao hơn, chẳng hạn 200 Lumens nhìn tốt hơn 150 Lumens khá nhiều.
  • Mình thích ánh sáng vàng nhẹ của BC26R hơn, rất đẹp và dịu mắt

6. Runtime

6.1. Fenix BC21R V3

Cây này đi kèm pin sạc 18650 dung lượng 2600mAh, mình đã thay bằng pin 3500mAh để đo runtime cho nó công bằng. Pin 2600mAh là chưa đủ để thể hiện hết khả năng của cây đèn này.

  • Có thể thấy Turbo 1200 Lumens duy trì tốt hơn kì vọng, tới 5 phút trước khi hạ xuống ~ 430 Lumens và chạy tới khi hết pin. Tổng runtime mức này đạt 215 phút ~ 3.6 tiếng.
  • Đường màu cam là mức High 400 Lumens, theo như kết quả của mức Turbo thì cây BC21R V3 này hoàn toàn duy trì được 400 Lumens cho tới khi hết pin, nhưng Fenix lại quyết định cho hạ xuống ~ 200 Lumens chỉ sau 1 phút, chắc để đạt được runtime tối ưu nhất. Tổng runtime mức này đạt 593 phút ~ 9.8 tiếng.

So sánh với runtime của nhà sản xuất công bố với pin 2600mAh thì có thể thấy việc nâng cấp lên pin 3500mAh cho kết quả vượt trội hơn hẳn.

6.2. Fenix BC26R

  • Mức Turbo 1600 Lumens (đường màu xanh) bị hạ rất nhanh trong chưa đầy 5 phút xuống ~ 1200 Lumens, sáng trong khoảng 20 phút rồi hạ tiếp xuống 600 Lumens và sáng tới khi hết pin. Tổng runtime đạt 211 phút ~ 3.5 tiếng.
  • Mức High 600 Lumens sáng liên tục suốt 100 phút trước khi hạ dần xuống ~ 160 phút và sáng cực lâu tới 420 phút. Tổng runtime đạt 576 phút ~ 9.6 tiếng.

=> Qua kết quả trên có thể thấy Fenix BC26R có runtime và độ sáng rất tối ưu khi duy trì 600 Lumens liên tục trong gần 2 tiếng đồng hồ. Điều này rất có ý nghĩa với những ai hay đạp xe đường trường. Còn nhu cầu bình thường như đạp trong đô thị thì BC21R V3 đáp ứng khá tốt.

7. Tổng kết

Nhìn chung thì 2 mẫu đèn có rất nhiều điểm tương đồng nên ưu điểm có thể gộp chung lại:

  • Nhỏ gọn
  • Thiết kế đẹp, hoàn thiện tốt
  • Có thể dùng như đèn pin cầm tay bình thường
  • Độ sáng cao, các mức sáng chia rất hợp lý
  • BC26R với pin 21700 cho runtime rất vượt trội đặc biệt ở độ sáng cao 600 Lumens.
  • BC21R V3 duy trì 200 Lumens trong gần 10 tiếng đồng hồ.
  • Có cổng sạc Type-C tiện lợi
  • Chống nước tới IP68

Hạn chế:

  • Giao diện sử dụng đơn giản, hiệu quả nhưng rất vô ý kích hoạt chế độ nháy Flash nếu bấm công tắc quá nhanh
  • Nên có thêm phụ kiện công tắc gắn rời

*Giá bán của từng cây và code giảm 10% mình để ở đầu bài viết!