Review đèn pin Olight Javelot Mini: nhỏ gọn – chiếu xa 600 mét

0
1922

Là một hãng đèn pin lớn thì Olight chia sản phẩm của mình rất bài bản theo các phân khúc khác nhau:

  • Baton là dòng đèn pin EDC, cỡ nhỏ để bỏ túi hàng ngày
  • Warrior là dòng đèn pin tác chiến đa năng
  • Perun là dòng đèn pin gù kiêm đội đầu
  • Marauder là đèn pin công suất khủng > 10.000 Lumens

Javelot là dòng đèn pin chiếu xa rất nổi tiếng. Tên tuổi của dòng đèn Olight Javelot được biết đến từ những năm 2018 với cây M3XS-UT chiếu xa đến 1km, hay phiên bản rút ngắn thân là M2XS-UT cũng chiếu xa 810 mét.

Cho đến nay Olight đã phát triển nhiều phiên bản của dòng đèn Javelot nhưng đặc điểm chung của chúng là kích thước khá lớn, nhất là đầu đèn với đường kính > 60mm để cho ánh sáng gom, chiếu xa tốt.

Nhưng đây là lần đầu tiên xuất hiện một cây đèn pin thuộc dòng Javelot chiếu xa nhưng kích thước lại nhỏ gọn trong lòng bàn tay, và nó cũng là nhân vật chính trong bài viết này.

Olight Javelot Mini mang kích thước có thể bỏ túi quần mà đạt khả năng chiếu xa tới 600 mét với độ sáng chỉ 1000 Lumens. Hãy cùng xem Olight đã làm như thế nào?!


> Cây này đang được giảm giá 15% tại EDCZone, chỉ còn khoảng 2.100.000đ cùng chế độ bảo hành 5 năm chính hãng<

1. Video

2. Thông số kĩ thuật

  • Độ sáng: 1000 Lumens
  • Chiếu xa: 600 mét
  • Số mức sáng: 2
  • Loại pin: 18500
  • Loại sạc: sạc nam châm
  • Dòng sản phẩm: Javelot (chiếu xa)
  • Kích thước: 115 x 40 x 32mm
  • Trọng lượng: 154g (cả pin)
  • Khả năng chống nước: IP68
  • Bảo hành 5 năm chính hãng!

3.Mở hộp và phụ kiện

Olight luôn có sự chỉnh chu cho sản phẩm của mình ngay từ quy cách đóng gói, nhìn là có cảm tình.

Những thông số kĩ thuật quan trọng đều có đầy đủ trên vỏ hộp.

Cây đèn nằm gọn gàng bên trong.

Phụ kiện đi kèm của Javelot Mini cũng đơn giản, bao gồm:

  • Pin sạc 18500 dung lượng 2040mAh
  • Cáp sạc nam châm
  • Bao đựng đèn
  • HDSD

Lần đầu tiên mình thấy một chiếc bao đựng chất như này được tặng kèm theo đèn. Nó làm bằng nhựa cứng và có quai cài lên thắt lưng, balo.

Cây đèn lắp vào vừa khít và rất hợp!

Họ đã thiết kế cơ cấu lẫy ở bên trong bao nên khi lắp đèn vào rồi thì có dốc ngược cũng không rơi ra được.

Ở đáy được thiết kế hở để dùng được cả sạc nam châm mà không cần bỏ đèn ra khỏi bao.

Sợi cáp sạc nam châm.

Viên pin sạc 18500 dung lượng 2040mAh.

Pin được thiết kế đặc biệt với cực âm và dương được đặt về 1 phía, giúp tương thích với công nghệ sạc nam châm.

4. Thiết kế tổng thể

Đèn pin Olight Javelot Mini được nhấn mạnh ở sự tương quan giữa kích thước và khả năng chiếu xa tới 600 mét. Phải công nhận là nó gọn thật, bỏ túi thoải mái luôn.

Kích thước tổng thể của cây này là: 115 x 40 x 32mm

Còn trọng lượng thực tế khi lắp cả pin là ~ 162g.

Cầm Javelot Mini là mình liên tưởng ngay tới cây Sofirn IF22A bởi thiết kế của chúng cũng khá giống nhau, đặc biệt ở hình dáng đầu đèn.

IF22A của Sofirn cũng là 1 mẫu đèn nhỏ gọn, chiếu xa bán rất chạy với mức giá chưa tới 1 triệu đồng.

Cả 2 cây đều đạt tầm chiếu xa theo công bố ~ 600 mét nhưng IF22A của Sofirn cần tới 2100 Lumens trong khi Olight Javelot Mini chỉ cần 1000 Lumens.

Chưa kể IF22A sẽ to và nặng hơn do sử dụng viên pin sạc 21700.

Để hiểu được Olight đã làm như thế nào thì chúng ta phải nhìn vào hệ thống quang học của Javelot Mini.

Chi tiết đầu tiên gây chú ý chính là chóa đèn được làm khá sâu và có đường kính gần 40mm.

Và ở chính giữa là một chip LED nhìn rất lạ, không phải của Cree hay Luminus như thường gặp, Osram cũng không luôn. Chip led này có nhân với tiết diện nhỏ và được làm phẳng, đây chính là mấu chốt cho ánh sáng có độ gom và chiếu xa rất tốt.

Olight không công bố đây là loại led gì, nhưng theo như mình tìm hiểu thì mã của nó là: RT-5050CW-S72-1C1B-NVPE của hãng Rayten Lighting.

Đây là ánh sáng ở tầm gần của Javelot Mini, có thể thấy tâm sáng rất nhỏ và chói, vùng sáng tỏa xung quanh có cường độ như nhau khi xét từ tâm ra ngoài rìa.

Mình sẽ đề cập rõ hơn về khả năng chiếu sáng của đèn ở cuối bài, giờ thì cùng xem qua một chút về thiết kế tổng thể của nó.

Từ trước tới nay Olight luôn theo đuổi ngôn ngữ thiết kế tối giản, hiện đại cho đèn pin của mình, Javelot Mini cũng không phải ngoại lệ.

Cây đèn nhìn đơn giản nhưng rất đẹp, không bị rối mắt hay nhàm chán. Kích thước thân và đầu được làm cân đối và tổng thể cây đèn chỉ có các đường nét bo tròn.

Cầm cây này trên tay mới thấy được sự cân đối của nó, nói chung nhìn đẹp.

Nhưng mà có điều mình chưa ưng lắm là thân đèn không có clip cài túi hay lỗ để xỏ dây đeo tay luôn. Khéo tay một chút vẫn buộc dây Paracord vào được nhưng đây vẫn coi là điểm trừ.

Các rãnh ở thân đem lại độ bám tốt khi cầm nắm, hoàn toàn không bị đau tay khi cầm lâu.

Đầu đèn được làm trơn, ở phía dưới có các khe tản nhiệt khá lớn. Cây này mình bật liên tục ở 1000 Lumens cũng không bị quá nóng, rất ổn!

Công tắc chính của đèn được đặt ở đuôi và kiêm luôn cổng sạc nam châm.

Thậm chí nam châm ở đuôi còn đủ khỏe để giúp cây đèn hít chặt lên các bề mặt kim loại có từ tính.

Olight Javelot Mini đáp ứng đủ điều kiện của một cây đèn pin tác chiến/chiến thuật:

  • Có công tắc đuôi
  • Có khả năng bật/tắt liên tục cố định ở 1 độ sáng

Bezel ở đầu đèn nhìn khá hiền, có tác dụng phá kính và bảo vệ mặt kính của đèn khỏi bị xước.

Chóa đèn sạch bong, led được căn chuẩn ở giữa tâm.

Javelot Mini sẽ tháo đuôi để thay pin.

Có thể thấy thân đèn làm rất dày. Olight hoàn toàn có thể làm thân nhỏ hơn bởi còn rất nhiều khoảng trống, nhưng có lẽ làm to để nhìn cân đối với đầu.

Ren đuôi được làm tử tế, sạch sẽ và có gioăng cao su chống nước.

Tiếp xúc pin dạng cứng và bọc đồng.

Javelot Mini sử dụng 1 viên pin sạc cỡ 18500 dung lượng 2040mAh. Trên thị trường không có quá nhiều loại đèn dùng pin này.

Để mọi người dễ hình dung kích thước thì mình có đặt nó cạnh 1 viên pin 18650.

Và tất nhiên là Olight sử dụng pin được thiết kế đặc biệt để tương thích với công nghệ sạc nam châm của họ. Cực âm và dương của viên pin được đặt về 1 phía.

Điều này có nghĩa nếu muốn mua thêm pin dự phòng thì bạn phải lấy đúng loại này chứ không dùng pin hãng khác được. Olight bán viên pin sạc 18500 này giá khoảng hơn 500.000đ.

5. Sạc nam châm

Cổng sạc nam châm có lẽ là thiết kế nổi tiếng nhất của Olight và đã trở thành 1 hệ sinh thái riêng. Tức chỉ cần 1 dây sạc là bạn có thể sạc cho nhiều cây đèn Olight khác nhau.

Ưu điểm của sạc nam châm là:

  • Nhanh gọn, tiện lợi: chỉ cần cắm cố định dây sạc với nguồn rồi để gần cây đèn lại là chúng tự hít lấy nhau
  • Đảm bảo chống nước tuyệt đối.

Dòng sạc của cây này là khoảng 0.8A5 volts, cũng ổn cho viên pin dung lượng chỉ 2000mAh.

Thời gian sạc đầy pin thực tế là khoảng ~ 3 tiếng.

Kiểu tối đi làm về với cây đèn gần hết pin, thay vì phải có 2-3 thao tác mới sạc được đèn như cổng sạc Type-C thì chỉ cần 1 động tác nhanh gọn với sạc nam châm. Sáng ra có cây đèn đầy pin để dùng tiếp.

Còn nhược điểm thì rõ ràng là đi chơi xa sẽ phải mang theo sợi cáp sạc riêng cho đèn, mất là cũng mệt đấy!

6. Giao diện sử dụng

Giao diện sử dụng là điểm mình tâm đắc nhất trên Olight Javelot Mini khi cây đèn chỉ có 2 mức sáng duy nhất: 200 – 1000 Lumens.

Đối với mình 2 mức sáng là quá đủ cho mọi nhu cầu sử dụng. 200 Lumens dùng trong nhà hay đi dạo loanh quanh ngoài trời, bật liên tục được cỡ 5 tiếng. 1000 Lumens khi cần chiếu sáng tầm xa, duy trì cũng được khoảng 2 tiếng.

Sự thông minh nằm ở thiết kế công tắc đuôi với 2 nấc và gần như không phát ra tiếng động khi bấm.

Mọi mẫu đèn có công tắc đuôi hiện tại của Olight đều được thiết kế 2 nấc kiểu này. Như ở Javelot Mini thì:

  • Nhấn nhẹ công tắc: đèn sáng ở 200 Lumens
  • Nhấn mạnh công tắc: đèn sáng ở 1000 Lumens.

Thiết kế này cho phép người dùng luôn biết trước đèn sẽ bật lên ở độ sáng nào.

Ngoài ra:

  • Nhấn và giữ công tắc đèn sẽ sáng tạm thời, nhả tay ra đèn tắt
  • Nhấn dứt khoát và nhả tay, đèn sẽ sáng cố định.

Nói chung giao diện của Javelot Mini đáp ứng tuyệt vời nhu cầu sử dụng thông thường lẫn tác chiến, chiến thuật.

Đèn sẽ không có chế độ nháy Strobe.

7. Khả năng chiếu sáng

Ánh sáng đặc trưng của Javelot Mini không phù hợp lắm để dùng ở không gian hẹp, nhưng cũng không tới nỗi vô dụng.

Còn ở ngoài trời mới là đất diễn của nó.

Khi chưa có đèn

1000 Lumens.

Ánh sáng thẳng tắp như cây kim.

200 Lumens đủ dùng để đi dạo, chiếu xa hiệu quả khoảng 150 mét.

1000 Lumens.

Zoom lại gần.

1000 Lumens.

1000 Lumens của Olight Javelot Mini.

Còn đây là 2100 Lumens của Sofirn IF22A ở cùng 1 khoảng cách.

Sự khác biệt rõ ràng nằm ở chỗ:

  • Ánh sáng của Olight Javelot Mini cho vùng sáng tỏa khá rộng để nhìn bao quát xung quanh.
  • Ánh sáng của Sofirn IF22A gần như không có nhiều vùng sáng tỏa, chỉ tập trung ở chính giữa.

Nếu xét về độ sự thực dụng thì Javelot Mini đang nằm mâm trên.

8. Thời lượng hoạt động

Vì có được trang bị cảm biến nhiệt độ chủ động nên mình đo thời gian sáng ở mức cao nhất trong 2 trường hợp:

  • TH1: có quạt tản nhiệt (Cooled)
  • TH2: không có quạt tản nhiệt, hoạt động ở nhiệt độ phòng ~ 25°C

  • 1000 Lumens (có quạt tản nhiệt): đèn duy trì được khoảng 6- 10 phút ở mức cao nhất, sau đó hạ dần xuống ~ 500 Lumens và chạy trong khoảng 42 phút, hạ tiếp xuống 200 Lumens trong 27 phút rồi hết pin. Tổng thời gian sáng đạt 89 phút.
  • 1000 Lumens (không có quạt tản nhiệt): đèn duy trì được 4 phút ở 1000 Lumens, hạ dần xuống 500 Lumens rồi chạy trong ~ 60 phút, hạ tiếp xuống 200 Lumens trong 28 phút rồi hết pin. Tổng thời gian đạt 107 phút
  • Mức 200 Lumens thì chạy 1 mạch tới khi hết pin được 290 phút ~ 4.8 tiếng mà không cần quạt tản nhiệt.

Tóm lại thì khả năng duy trì liên tục trung bình khoảng 5 phút ở 1000 Lumens là quá ngon cho một cây đèn cỡ này, điều này cũng chứng tỏ hiệu suất của chip led là rất tốt.

9. Tổng kết

Olight Javelot Mini rõ ràng có chủ đích thiết kế rất rõ ràng là dành cho các hoạt động tuần tra bảo vệ, tìm kiếm tầm xa và thậm trí cả tác chiến. Cây đèn sẽ phát huy công dụng tốt nhất khi sử dụng chung với cái bao đựng đi kèm để cài ở thắt lưng.

Trong khoảng 2 tuần mình có bỏ túi Javelot Mini mang theo hàng ngày thì nói chung vẫn khá thoải mái nhờ kích thước nhỏ gọn của nó, chỉ có điều không có dây đeo tay đem tới bất tiện nho nhỏ, nhất là sự làm rơi đèn khi không cẩn thận.

Tổng kết lại ưu và nhược điểm:

Ưu điểm:

  • Thiết kế đẹp, nhỏ gọn
  • Chất lượng hoàn thiện thân vỏ quá xuất sắc
  • Khả năng chiếu xa cực ngon so với kích thước
  • Ánh sáng đẹp
  • 2 mức sáng đơn giản, thực dụng
  • Sạc nam châm tiện lợi

Hạn chế:

  • Viên pin sạc quá chuyên dụng, chỉ có thể mua từ hãng
  • Đi chơi xa phải mang theo dây sạc nam châm
  • Không có nháy Strobe, không tối ưu cho tự vệ cá nhân nói chung