Olight Olantern: ngon hơn mong đợi!

0
2071

Tôi là người khởi xướng anh em ném gạch cây Olantern ở bài này:

>Olight ăn nhiều “gạch đá” sau khi ra mắt đèn pin cắm trại mới<

nên là bây giờ thấy mình có trách nhiệm phải giải oan cho em nó. Cái này một lần lỗi do tôi đã không đọc kĩ mô tả sản phẩm, cây này dùng 4 pin 18500 nhưng tôi đọc nhầm thành 4 viên 18650 nên lầm tưởng về kích thước của nó rất to. Lỗi còn lại do Olight làm ăn lớn mà không chụp được cái ảnh sản phẩm tử tế nên ăn gạch là phải. Các bạn nhìn ảnh nền trắng trên website của họ thì có công nhận cây đèn trông như đồ chơi trẻ con không? Trong khi Fenix trước giờ đầu tư rất kĩ vào ảnh mô tả sản phẩm nên ảnh ra sao thì sản phẩm thật đúng như vậy.

Nhưng thôi, cách đây mấy tuần Olight họ có gửi mẫu 1 cây Olantern màu xanh rêu và cầm trên tay tôi mới thấy nó ngon, giờ viết 1 bài để giải oan và chuộc tội.

Điểm lại mấy thông số chính:

  • Tích hợp 4 viên pin 18500 dung lượng 1900mAh, tổng dung lượng 7600mAh
  • Sạc pin qua cổng nam châm
  • Độ sáng tối đa 360 Lumens, có thêm 2 chế độ sáng phụ là 120 và 30 Lumens
  • Có thêm chế độ nến 1 Lumens với ánh sáng đỏ và hiệu ứng
  • Runtime khá tốt tới 6.5 tiếng ở 360 Lumens, 20 tiếng ở 120 Lumens và 75 tiếng ở 30 Lumens
  • Trọng lượng: 347g (cả pin)
  • Đường kính thân đèn: 66mm
  • Chống nước IPX4

Mở hộp nhanh

Vẫn là cách đóng hộp đơn giản, tinh tế như thường lệ

Pin thì đã gắn luôn trong đèn rồi nên đi kèm cũng chỉ có cáp sạc nam châm, bóng đèn thay thế, HDSD và 1 cái khăn để lau.

Dây sạc nam châm đi kèm cây này rất dài, phải cỡ 70cm.

Bóng đèn giả lập ánh sáng của ngọn nến, lát tôi cho mọi người thấy sau, nhìn đẹp lắm.

Một vài hiểu nhầm về Olight Olantern

Là mẫu đèn cắm trại đầu tay của Olight nên ai cũng kì vọng họ đem đến 1 thiết kế gì đó đột phá. Cuối cùng thì chúng ta lại có 1 cây đèn với thiết kế classic, nhìn qua ảnh trên web thì xấu òm nhưng đến khi cầm trên tay thì thật sự không đến nỗi. Chính vì nhìn trên ảnh nó xấu quá nên tôi cũng không đọc kĩ thông số, dẫn đến nhiều hiểu nhầm tai hại, đầu tiên phải kể tới:

Kích thước:

Olantern dùng 1 pack pin gồm 4 viên pin sạc Lithium 18500 gộp lại, tôi đọc nhầm thành 4 viên 18650 nên đánh giá ngay rằng cây này to và thô kệch. Nhưng mà đến khi nhận được mới vỡ lẽ ra là kích thước của nó rất nhỏ, chỉ bằng 2/3 so với Fenix CL30R.

Fenix CL30R sử dụng 3 viên pin sạc 18650 nên đã có kích thước khá to, không phù hợp bỏ balo nếu đi cắm trại 1 mình. Chính vì thế khi nhìn nhầm rằng Olantern dùng tới 4 viên 18650 thì tôi lắc đầu lè lưỡi vì kích thước như thế chỉ có phù hợp dùng khi đi dã ngoại bằng xe hơi thôi.

Thực tế thì kích thước của Olantern rất gọn, có thể bỏ vừa ngăn đựng nước của balo. Nó to hơn Fenix CL26R dùng 1 pin 18650 một chút nhưng cho runtime tốt hơn rất nhiều với pin dung lượng tới 7600mAh.

Mà nếu Olantern có dùng tới 3 hay 4 viên 18650 đi chăng nữa thì tổng thể nó vẫn gọn hơn Fenix CL30R và để được trong ngăn đựng nước bên hông balo. Fenix CL30R cấu tại kiểu khoang pin ở trung tâm, xung quanh là hệ thống chiếu sáng nên nó khá to, bù lại ưu điểm là khả năng chống lạnh cho pin rất tốt cũng như cho ánh sáng tỏa đều về mọi phía.

Olight Olantern thì cấu tạo khoang pin phía dưới, bóng led và tản sáng ở trên nên chiều rộng không to bằng. Thiết kế này thì rất classic rồi và có thể tìm thấy ở nhiều hãng như Streamlight, Goalzero,…

Fenix CL30R nặng hơn nửa cân khi lắp cả 3 viên pin. Tuy nhiên nhờ thiết kế đặc biệt nên nó còn nổi được trên mặt nước!

Olantern nhẹ hơn kha khá.

Fenix CL26R thì rất nhẹ nhàng, lý tưởng cho các chuyến solo camping!

Vậy là giải quyết xong phần kích thước. Tóm lại là Olantern có kích cỡ tầm trung, bỏ balo gọn gàng luôn!

Chất lượng gia công và thiết kế

Lại một lần nữa chê ảnh sản phẩm của Olight, nhìn vào thì chắc ai cũng đồng ý rằng nhìn chất liệu nhựa của đèn rất dởm và thô. Cảm giác không xứng đáng với cái giá 70$.

Cho đến khi cầm trên tay…

Rất bất ngờ với chất lượng gia công của con này, đa số các bộ phận đều bằng nhựa nhưng không hề có cảm giác rẻ tiền chút nào.

Olantern dùng nhựa cao cấp có bề mặt sần nên không bám vân tay, không rõ khả năng chịu va đập ra sao nhưng nói chung đừng nên đánh rơi đèn lantern bởi cấu tạo của chúng không phù hợp để chịu được.

Phần đế của đèn là cao su sần, chống trơn trượt tốt và cầm rất đã tay.

Phần nắp ở đỉnh cũng có chất liệu tương tự.

Quai xách có thể gấp gọn, nó là thép được bọc cao su ở ngoài. Cái phần chóp nhô ra là thiết kế có chủ ý đấy.

Nó giúp cây đèn có thể treo ở những mặt phẳng kiểu như này, rất hay. Chưa thấy thiết kế tương tự ở các sản phẩm khác.

Lộn xuống đế thấy có 3 con ốc nên lại lóc cóc đi tìm tô vít.

Tháo cây này rất dễ, lưu ý là vặn được 3 con ốc xong thì cầm cái đến rút xuống là được, đừng nên cố vặn. Tôi tháo thử cho mọi người xem chứ không khuyến khích nhé, đến lúc hỏng hóc hãng nó check thấy đã bị mở là từ chối bảo hành đấy.

Tháo xong nắp đuôi thì sẽ lôi được thỏi pin ra.

Đây là mạch driver của cây đèn, nhìn mấy điểm tiếp xúc mạ vàng xịn xò thật.

Pack gồm 4 viên pin sạc 18500 dung lượng 1900mAh mỗi viên. Pin này có kích thước đúng như tên gọi: đường kính 18mm, cao 50mm (kích thước 1 viên nhé). Nói chung là rất gọn.

Pack pin được đóng sẵn với 1 mạch, trên mạch có các chấu tiếp xúc được mạ vàng.

Lắp vào thì các chấu ở pin và mạch sẽ tiếp xúc với nhau.

Mấy chấu còn lại ở trên mạch nhô ra đẻ tiếp xúc với cổng sạc nam châm ở đế.

Tôi đánh giá cao việc Olight tích hợp sạc nam châm lên 1 cây đèn pin cắm trại. Tôi đi cắm trại, dã ngoại nhiều và thấy rất ngại phải cầm cây đèn, tháo pin ra cắm bộ sạc. Thay vào đó móc balo lấy cái dây sạc nam châm rồi hít vào là xong, nhanh gọn!

Dòng sạc khá nhanh, được 1.5A. Với dòng này thì mất chừng 5 tiếng để sạc đầy pin từ lúc cạn kiệt. Thực tế ít ai dùng kiệt pin như vậy mà sẽ sạc đầy trước mỗi chuyến đi hoặc vào ban ngày để đêm có đủ pin dùng.

Cuối cùng là phần đầu đèn với cái chụp có thể tháo rời.

Cái chụp làm bằng nhựa, nhìn vào bên trong sẽ thấy có các họa tiết dạng vòng tròn đồng tâm, mục đích giúp ánh sáng chiếu vào được tản đều hơn.

Có gioăng cao su chống nước hẳn hoi. Được thiết kế nhìn rất kín nhưng Olantern chỉ đạt tiêu chuẩn chống nước IPX4, tức là chịu mưa vừa được. Tiêu chuẩn này thấp hơn kha khá so với IP66 của đèn cắm trại Fenix.

Điểm tôi chê nhất ở cây đèn này cũng chính là phần chụp. Nó làm bằng nhựa trong suốt như không phải đục như của Fenix. Tôi rất sợ khi dùng lâu nó sẽ bị xước be bét và nhìn xấu hoắc, trong khi làm nhựa đục thì hạn chế được rất nhiều cái này.

Olight Olantern được thiết kế với cụm bóng đèn tháo rời được. Olight cho đi kèm 1 cụm bóng ánh sáng trắng 360 Lumens, 4 chế độ sáng và 1 cụm bóng giả lập ánh sáng của nến (1 Lumens).

Ai chơi đèn Mĩ sẽ quen gọi đây là cụm Drop-in.

Bản thân cụm drop-in đã được thiết kế để cho ánh sáng tỏa đều và mịn ra xung quanh rồi.

Phần đế bằng nhôm, dưới đáy là các tiếp xúc được mạ vàng.

Khi xoáy vào nó sẽ tiếp xúc với mấy cái chấu này, cũng được mạ vàng nốt xịn thật!

Mấy cái chấu này có lò xo ở dưới nhé, đảm bảo tiếp xúc cực ngon.

Lắp cái drop in ánh sáng vàng thì cây đèn sẽ như kiểu dùng nến, cho hiệu ứng ánh sáng bập bùng như lửa nhìn rất hay. Mọi người xem video cho dễ hình dung:

Còn đúng cái công tắc và giao diện sử dụng là chưa nhắc tới. Công tắc cây này nó sẽ luôn nháy đèn xanh để định vị trong bóng tối kiêm báo tình trạng pin luôn.

Giao diện sử dụng cũng không có gì nhiều để nói:

  • Nhấn 1 cái để bật/tắt
  • Nhấn giữ chuyển mức sáng
  • Lắp cái drop in giả lập nến thì có 1 mức sáng duy nhất thôi nhé

Bây giờ thì:

Test khả năng chiếu sáng

Đây là thông số các mức sáng cùng runtime tương ứng:

Mức 1 (lumens) 360
Run-time mức 1 6.5 tiếng
Mức 2 (lumens) 120
Run-time mức 2 20 tiếng
Mức 3 (lumens) 30
Run-time mức 3 75 tiếng
Mức 4 (lumens) – chế độ nến 1 lumen (bập bùng)
Run-time mức 4 80 tiếng

 

Olantern có độ sáng tối đa 360 Lumens và duy trì rất ổn định ở mức này. Kinh nghiệm sau nhiều chuyến cắm trại qua đêm thì tôi thấy 360 Lumens là dư dùng, có khi tôi chỉ cần mức thấp hơn là 120 Lumens còn khi làm đèn ngủ thì bật mức thấp nhất hoặc lắp drop in nến vào.

Tương tự khi nhà mất điện, bật liên tục hợp lý các mức sáng cũng phải được 2-3 buổi tối.

360 Lumens, rất sáng

120 Lumens, dịu mắt đủ dùng

Nếu trong lều cầm ánh sáng để sinh hoạt thì 20 Lumens là ổn

Chế độ nến 1 Lumens mà sáng phết đến, dành cho ai thích hoài niệm.

360 Lumens

120 Lumens

20 Lumens

Tổng kết

Một cây đèn mà chúng ta đều coi thường cho tới khi cầm nó trên tay.

Ưu điểm:

  • Đẹp, gọn gàng
  • Gia công rất tốt
  • Sáng hợp lý, có thể thay drop in rất hay. Sau này Olight có thể phát triển thêm nhiều kiểu drop in nữa chẳng hạn như ánh sáng vàng,…
  • Thiết kế rất tinh tế
  • Có sạc nam châm tiện lợi, dung lượng pin trâu bò cho cái kích thước

Nhược điểm:

  • Phần chụp đèn bằng nhựa trong suốt, dùng để bị xước nhìn sẽ xấu
  • Pin hỏng phải mua của hãng chứ ngoài thị trường không có loại nào tương thích
  • Hơi nặng nếu dùng cá nhân
  • Chống nước chỉ IPX4
  • Hết pin phải đợi sạc chứ không thay luôn được.

Nếu không ưng cây này thì dòng đèn cắm trại CL của Fenix vẫn luôn là lựa chọn tuyệt vời.