Review đèn pin Fenix PD32 V2.0: thông minh hơn, chiếu xa 400 mét!

0
3867

Fenix có xu hướng cải tiến các model đèn pin đã có hơn là cho ra lò hẳn một mẫu mới, PD32 cũng không là ngoại lệ. Phiên bản 2016 của PD32 bán rất chạy vì bền bỉ, nhỏ gọn, dễ sử dụng và giá rẻ. Nhiều người còn coi dòng PD32 là chuẩn mực của đèn dùng 1 pin 18650!

Đầu năm nay Fenix đã tung ra phiên bản mới nhất là PD32 V2.0 với cả tiến lớn về giao diện sử dụng cũng như khả năng chiếu xa lên gần 400 mét. Các ưu điểm như nhỏ gọn dễ bỏ túi, dễ sử dụng và trâu bò vẫn được thừa kế từ đàn anh.

Thông số kĩ thuật:

  • Độ sáng tối đa: 1200 Lumens
  • Chiếu xa: 395 mét
  • Loại bóng led: Osram 2mm
  • Số mức sáng: 3
  • Nháy Strobe: có
  • Loại pin tương thích: 18650/CR123
  • Trọng lượng (chưa pin): 82g
  • Chống nước: IP68
  • Kích thước: 129.4 x 25.4 x 23.6mm

So sánh thông số với bản cũ

Thông số các mức sáng của Fenix PD32 V2.0

Đánh giá chi tiết

Các đóng hộp như thường thấy của Fenix.

Cây này Fenix bán ra không kèm pin, có lẽ để giảm giá thành. Phụ kiện đi kèm chỉ bao gồm: bao đựng, dây đeo tay, oring dự phòng và hdsd.

Tuy nhiên khi mua tại Bisu thì sẽ được tặng kèm 1 viên pin sạc 18650 2600mAh của Fenix.

Dây đeo loại này của Fenix thì rất chắc nhưng dùng không thích bởi không có điểu chỉnh được độ dài để ôm khít tay.

Bao đựng dùng để đeo vào thắt lưng.

Dù pin sạc 21700 đang dần phổ biến nhưng tôi vẫn thấy đèn dùng 1 pin 18650 vẫn là lựa chọn hoàn hảo để bỏ túi dùng hàng ngày. PD32 V2.0 có chiều dài khoảng 13cm, đường kính đầu 25.4mm và đường kính thân 23.6mm. Kích thước này là vừa miếng để bỏ túi quần jean mà không gây cấn hay khó chịu.

Trọng lượng chưa pin là 82g.

Cả pin là 131g. Đèn trong phân khúc này đều có trọng lượng dưới 150g, rất ổn.

Pin sạc 18650 đem đến sự cân bằng tuyệt vời giữa kích thước, độ sáng và runtime. Nếu nhu cầu dùng tương đối nhiều thì bạn sẽ phải thay pin lên tục với đèn AA hoặc các cỡ nhỏ hơn. Còn với pin 18650 thì dùng mức sáng hợp lí là cả nửa tháng mới phải lôi ra sạc.

Kích thước chính là ưu điểm đầu tiên của PD32 V2.0, nếu muốn mang theo người hàng ngày thì không cần lăn tăn gì thêm.

Bản V2 này vẫn giữ những nét thiết kế đơn giản đặc trưng của đời 2016, trừ việc công tắc phụ trên thân đã bị loại bỏ. Chất lượng gia công của Fenix trước giờ vẫn tuyệt vời, từ những chi tiết nhỏ cho tới lớp mạ.

Cây đèn gọn gàng, đơn giản nhưng cho cảm giác rất trâu bò và tự tin.

Vẫn đứng đuôi được nhé.

Clip cài túi nằm ôm sát thân, nhìn gọn gàng.

Không quá cứng nhưng chủ chắc chắn để giữ đèn nằm im 1 chỗ.

Nằm trong túi rất gọn, đuôi đèn nhô lên để có biến là lôi ra dùng được luôn.

Đầu đèn đã gắn keo nên chỉ tháo được đuôi, làm như này cũng tránh được nhiều người tháo ra rồi lắp ngược thân khiến đèn không sáng.

 

Thân dày dặn.

Ren vuông, có ron cao su chống nước đàng hoàng.

Đuôi đèn dùng lò xo mạ vàng

Nhưng tiếc là tiếp xúc ở đầu lại ở dạng điểm cố định, như này thì sẽ không dùng pin sạc 18650 đầu phẳng được. Cái này là điểm trừ bởi nhiều người thích dùng pin đầu phẳng hơn vì nó rẻ. Có thể khắc phục bằng cách hàn thêm cực cho pin nhưng với ai không rành thì vẫn là điểm trừ.

Phần đầu làm rất sắc nét với các mặt chống lăn và các khe tản nhiệt.

Đèn sẽ không bị lăn khi để trên mặt phẳng, kể cả khi tháo clip cài ra.

Bezel ở đầu chủ yếu có tác dụng là chống xước cho mặt kính bởi nếu muốn phá được kính xe hơi thì sẽ phải làm nó nhọn hơn.

Phần thân với các hoạt tiết mới dạng rãnh nhìn đẹp hơn đời cũ, công dụng là tăng ma sát khi cầm nắm kể cả khi đeo găng hay tay ra mồ hôi.

PD32 V2.0 cho cảm giác cầm nắm và thao tác rất thoải mái.

PD32 đời 2016 được trang bị 2 công tắc, 1 ở đuôi và 1 ở trên đầu đèn. Đến bảo V2 này thì Fenix làm lại toàn bộ giao diện sử dụng và tôi đánh giá là nó ngon hơn.

Có 1 điểm cầu lưu ý rằng đây là công tắc điện tử, nó gần như không gây ra tiếng động nào như công tắc cơ. Nhiều hãng làm công tắc điện tử có hành trình rất ngắn nên bấm không sướng.

Cây này là ngoại lệ, Fenix làm hành trình của nó như công tắc cơ luôn nên bấm cực sướng và không phát ra tiếng cạch cạch.

Vì không làm núm công tắc lồi lên hẳn nên đèn vẫn có khả năng đứng bằng đuôi, mất điện dùng hắt trần ok.

Thao tác vẫn nhanh gọn, chính xác.

Giao diện sử dụng

Giao diện mới của cây này ngon hơn đời cũ nhiều, cụ thể là:

  • Số mức sáng giảm xuống còn 3: 1200 – 350 – 50 Lumens
  • Truy cập nhanh nháy Strobe
  • Có nhớ mức sáng
  • Mọi chức năng thao tác hết qua công tắc đuôi

Cụ thể như này:

  • Bật/Tắt tạm thời: nhấn giữ công tắc với 30% lực, đèn sẽ sáng tạm thời, nhả tay ra đèn tắt
  • Bật/Tắt cố định: nhấn hết hành trình công tắc rồi nhả tay, đèn sẽ sáng cố định. Làm tương tự để tắt đèn.
  • Truy cập nhanh Strobe: khi đèn ở bất kì trạng thái nào dù tắt hay bật, nhấn và giữ hết hành trình công tắc trong 0.5s đèn sẽ nháy Strobe điên đảo. Nhấn nhẹ công tắc rồi nhả tay để về mức sáng bình thường
  • Đèn có chế độ nhớ mức sáng cuối được sử dụng

Có thể thấy PD32 V2.0 có giao diện sử dụng rất đơn giản, dễ làm quen nhưng không kém phần hiệu quả. Nó đáp ứng tốt các nhu cầu chiếu sáng thông thường và tự vệ/tác chiến khi cần thiết. Trong quá trình sử dụng thông thường bạn sẽ không gặp phải tình trạng vô tình kích hoạt nháy Strobe khi đang chuyển mức sáng.

Hệ thống quang học 

Có một điểm gây chú ý trong thông số của PD32 V2.0 chính là khả năng chiếu xa tới 395 mét dù đầu đèn nhỏ. Khả năng chiếu xa này ngang ngửa các dòng đèn đầu to gấp đôi như TK22UE,…

Và đây là câu trả lời: bóng Led Osram CSLPM1.TG (đọc quéo cả lưỡi). Điểm đặc biệt của led này chính là nhân led của nó rất nhỏ chỉ 1x2mm nên cho ánh sáng có độ chụm cao -> đèn chiếu rất xa dù giữ nguyên kích thước của đầu.

Để tôi lấy Fenix UC35 có kích thước đầu đèn ngang ngửa ra so.

2 cây này kích thước đầu và dùng chóa giống nhau. Fenix UC35 bên trái dùng led Cree XPL-HI, cũng là một dòng led chiếu xa. Nhưng nhìn sang PD32 V2.0 thì thấy tâm led Osram nhỏ hơn gấp đôi.

Cùng khoảng cách 2m tới tường, đây là beamshot của PD32 V2.0 với tâm sáng nhìn rất rõ và chói. Thông số chiếu xa là 395 mét.

Còn đây là của UC35, tâm không rõ và chói bằng. Thông số chiếu xa là 266 mét.

PD32 V2.0 vẫn dùng kính phủ AR như thường lệ.

Test Beamshot

Trong nhà

1200 Lumens

350 Lumens, dùng trong nhà là vừa miếng

Nếu muốn thấp hơn thì có thể xuống tiếp 30 Lumens

Ngoài trời

Chưa bật đèn

Fenix PD32 V2.0 – 1200 Lumens

1200 Lumens, khoảng cách đến cuối ngõ khoảng 100 mét.

Fenix TK16 V2.0 – 3100 Lumens

So với mức Turbo 3100 Lumens của Fenix TK16 V2.0 thì PD32 V2.0 chụm tốt và chiếu xa hơn.

350 Lumens, đủ dùng cho hầu hết mọi hoạt động ngoài trời.

50 Lumens

Test runtime

Vì đèn không kèm pin nên tôi test runtime với pin Fenix 18650 3500mAh.

  • Đường màu xanh là Turbo 1200 Lumens, dễ đoán ngay là đèn trụ được khoảng 1 phút trước khi hạ xuống độ sáng thấp hơn. Tổng runtime đạt 123 phút ~ 2 tiếng.
  • Đường màu cam là 350 Lumens, rất ổn định và chạy được 258 phút trước khi hết pin.

Nhiệt độ khi hoạt động

Có vài nhận xét:

  • Turbo thì đèn rất nóng, chắc chắn rồi, trong phân khúc dùng 1 pin 18650 như này thì con này sáng trên 1000 Lumens cũng nóng thôi. Chủ yếu người dùng mua đèn cỡ này là để dùng ổn định ở mức 150 – 350 Lumens nên không bận tâm lắm đến Turbo.
  • 350 Lumens đèn chạy ổn định, thân ấm và vẫn cầm thoải mái, không có gì để phàn nàn.

Tổng kết

Ưu điểm là gì:

  • Chất lượng gia công rất tốt
  • Kích thước gọn gàng
  • Độ sáng cao, chiếu xa vượt trội so với nhiều đèn cùng phân khúc
  • Giao diện sử dụng ngon, có thể Strobe nhanh được chỉ với duy nhất 1 công tắc
  • Công tắc điện tử nhưng cho cảm giác sử dụng tốt như công tắc cơ

Nhược điểm:

Không có nhược điểm rõ ràng nhưng tôi thấy nên có 1 mức sáng khoảng 150 Lumens thì tốt.


Fenix PD32 V2.0 đang bán tại Bisu với giá 1.660.000đ | bảo hành 5 năm