Olight cho lên kệ Baton Pro, mấy nhóm rồi forum bên nước ngoài nhao nhao cả lên khoe hàng các thứ làm mình nóng hết ruột. Đợi ròng rã cả tháng thì hàng cũng cập bến. Mình lấy luôn 2 cây về trải nghiệm, đến hôm nay với lên bài Review cho mọi người.
Đánh giá ban đầu: Olight Baton Pro là 1 phiên bản khác của S2R Baton II. Nó được thay đổi chút về thiết kế, nâng công suất lên 2000 Lumens, beam sáng tỏa đều, mịn hơn. Còn lại thì giao diện sử dụng, các tính năng thì giống y hệt. Bạn nào đang sở hữu S2R II thì cũng không cần phải nâng cấp trừ khi thích độ sáng cao hơn. Còn những ai đang tìm kiếm 1 cây đèn pin EDC chuẩn mực thì Baton Pro là lựa chọn rất đáng tiền!
Thông số kĩ thuật
- Độ sáng tối đa: 2000 lumens
- Chiếu xa: 132 mét
- Led: Luminus SST40 ánh sáng trắng
- Sạc pin: sạc nam châm
- Loại pin tương thích: 18650
- Cường độ sáng: 4350 (Candela)
- Hệ thống quang học: thấu kính TIR hiệu suất cao
- Dòng sản phẩm: S (sử dụng hàng ngày)
- Chống nước: IPX8
- Trọng lượng: 107g
- Chiều dài: 108mm
- Đường kính đầu: 25mm
- Đường kính thân: 24mm
- Đóng gói: hộp giấy
- Đóng gói bao gồm: Đèn, pin sạc 18650 dây sạc nam châm và phụ kiện khác
Các mức sáng và Runtime tương ứng
Mở hộp và đánh giá chi tiết
Hàng về với 2 bản: nhôm thường và Titanium. Thực tế Olight tung ra đến 4 phiên bản bao gồm cả màu xanh dương và vàng cát (chi tiết)
Bản nhôm thì giá rất êm, hiện giờ là 2.150.000đ. Bản Titan là 3.550.000đ.
Có điều kiện và đam mê thì nên chơi bản Titanium vì nó sản xuất với số lượng giới hạn và dùng thời gian dài nhìn vẫn đẹp chứ không trầy be bét như bản nhôm.
Olight ngày càng hoàn thiện cách đóng gói sản phẩm, nhìn rất đơn giản mà sang trọng như Iphone vậy.
Bản Titan đắt tiền hơn nên đóng gói cũng sang trọng hơn hẳn.
Về nội dung bên trong thì cả 2 bản đều y như nhau, full option đến tận răng luôn. Gồm có:
- Thân đèn
- 1 pin sạc 18650 dung lượng 3500 mAh
- Cáp sạc nam châm
- Bao đựng bằng nhung
- Dây đeo tay
- HDSD
“Attention to detail” là đây! Từng món phụ kiện dù nhỏ nhất đều cho cảm giác cực kì chất lượng. Đến cái dây đeo tay họ cũng có sẵn 1 cái kim nhỏ để xỏ dễ dàng hơn.
Giống như nhiều mẫu đèn khác dùng công nghệ sạc nam châm của Olight, Baton Pro cũng sử dụng 1 viên pin sạc 18650 được hãng độ lại.
Cụ thể là họ thiết kế cả cực âm và dương của viên pin về cùng 1 phía để tương thích với sạc nam châm. Điều này có nghĩa chỉ khi dùng đúng loại pin này thì cây đèn mới sạc được qua cổng nam châm. Tất niên đèn vẫn tương thích với các loại pin 18650 đầu lồi khác đang phổ biến nhưng sẽ không sạc được qua thân đèn.
Thiết kế này là bất tiện hay tiện dụng? trước khi trả lời câu hỏi này hãy quay sang câu chuyện của Apple.
Bạn nghĩ đúng rồi đấy, Olight đang làm theo chính xác những gì mà Apple đã áp dụng: họ tạo ra 1 hệ sinh thái riêng của mình, nơi mà các sản phẩm có sự liên kết, đồng bộ chặt chẽ với nhau.
Đếm sơ sơ thì Olight đã có hàng chục model sử cùng sử dụng công nghệ sạc nam châm như nhau, chúng cho phép 1 đế/dây sạc có thể dùng cho tất cả các cây đèn. Kiểu sạc nam châm này dùng càng lâu càng khó dứt ra.
Lấy ngay mình làm ví dụ: tối đi làm về người mệt lử, đèn pin dùng gần cạn pin. Lúc này bảo tháo pin ra rồi đi tìm bộ sạc, cắm điện rồi nhét pin vào sạc thì đúng là ác mộng. Nhưng với Olight thì những gì cần làm là hít cây đèn vào dây sạc đã cắm sẵn rồi đi ngủ, sáng dậy là đèn đã đầy pin để sẵn sàng sử dụng.
Ngoài cùng bên trái là Olight S2R Baton II. Có thể thấy rõ là Baton Pro sử dụng y chang thiết kế thân của S2R, có đầu đèn là được thay đổi hoàn toàn.
S2R Baton II có kích thước bé hơn kha khá và độ sáng cũng chỉ bằng 1 nửa Baton Pro.
Tuy nhiên sự khác biẹt về kích thước này là không đáng kể vì Baton Pro cũng quá nhỏ gọn để đút túi mang theo hàng ngày. Bạn nào tay to thì sẽ thấy thao tác trên Baton Pro dễ dàng hơn.
Còn khách quan mà nói thì S2R Baton II vẫn đáp ứng tuyệt vời các nhu cầu chiếu sáng hàng ngày với độ sáng 1150 Lumens! Giá của cây này cũng chỉ có 1.740.000đ nên sẽ phù hợp với túi tiền nhiều người hơn.
Bây giờ cân thử nào:
S2R Baton II có trọng lượng cả pin là 95g
Baton Pro bản nhôm là 110g
Bản Titanium nặng hơn tí với 133g
Bây giờ tập trung vào nhân vật chính. Ngoài sự khác nhau về chất liệu ra thì Baton Pro bản nhôm và Titan có thiết kế, cấu hình y hệt nhau.
Chất lượng hoàn thiện của Olight bỏ xa các đối thủ đến vài bậc. Từ lớp mạ cho đến những chi tiết nhỏ nhất đều rất chất lượng.
Bản Titanium được xử lí bề mặt nhám mờ, chống xước rất tốt và không in lại dấu vân tay.
Thân đèn với các “gân” để tăng ma sát khi cầm nắm, ngay cả khi đeo găng tay hay ra nhiều mồ hôi.
Baton Pro tháo được làm 2 khúc như hình. Thân đèn làm dày dặn, các ren vặn đều dạng vuông và có gioăng cao su chống nước đàng hoàng.
Yếu tố quan trọng của 1 cây đèn EDC là clip cài túi. Về khoản này Olight làm khá ngon với clip cài 2 chiều.
Clip cài ở bản nhôm là thép không gỉ, được mạ xanh giống màu của bezel
Clip ở bản Titan cũng bằng thép luôn.
Đèn nằm gọn và rất chắc chắn trong túi quần. Đầu đèn nhô lên 1 chút để dễ lấy ra khi cần chứ không có chìm hẳn xuống.
Kẹp theo chiều kia thì đuôi đèn nhô ra nhiều.
Đuôi đèn phẳng kiêm đế sạc nam châm.
Nó đủ mạnh để hít đèn lên các bề mặt kim loại.
Baton Pro vẫn sử dụng dây sạc nam châm giống của các model khác.
Chỉ cần đưa lại gần đuôi đèn là nó tự hít.
Baton Pro sạc pin với nguồn USB 5V-1A thông dụng. Bạn có thể cắm vào củ sạc có dòng 2A, 3A thậm chí cao hơn cũng chẳng sao, đèn sẽ tự điều chỉnh dòng cho phù hợp.
Dòng sạc thực tế đạt 0.8A, thực tế sẽ mất khoảng 5 tiếng để sạc đầy viên pin dung lượng 3500mAh đi theo đèn. Pin đầy đèn sẽ tự ngắt, rất an toàn.
Trong quá trình sạc đèn báo ở dây sẽ sáng đỏ, pin đầy thì chuyển sang xanh lá cây.
Olight Baton Pro có thiết kế đầu đèn kích thước gọn gàng để bỏ túi quần không bị cấn. Công tắc điều khiển cũng nằm ở đây luôn.
Công tắc của Baton Pro được bố trí khá hợp lí, giúp thao tác dễ dàng bằng tay và ngay cả trong bóng tối.
Mặt cao su được làm lồi lên 1 chút, như vậy bỏ trong túi cũng không dễ bị vô ý kích hoạt mà đeo tăng tay vẫn thao tác được vô tư.
Ngay chính giữa công tắc là 1 đèn led nhỏ báo pin. Nó sẽ luôn sáng khi đèn đang được kích hoạt. Khi pin gần cạn đèn sẽ sáng đỏ.
Pin đầy đèn sáng màu xanh lá cây.
Olight vẫn sử dụng thấu kính TIR cho Baton pro, loại thấu kính này cho hiệu suất truyền dẫn ánh sáng tới 98%. Ánh sáng phát ra tỏa rất mịn và đều.
Baton Pro sử dụng led Luminus SST-40 ánh sáng trắng. Dạo này các hãng đèn thi nhau dùng con led này vì hiệu suất khá tốt.
Nhược điểm là nhiệt màu ánh sáng sẽ cao, khoảng 6000-6500k (tức ánh sáng trắng).
Olight S2R II (bên trái) và Baton Pro dùng 2 loại thấu kính khác nhau nên beam sáng cũng có sự khác biệt.
Beam sáng của S2R Baton II tập gom hơn, chiếu xa đạt 135 mét. Của Baton Pro tỏa đều, mịn hơn nhiều nhưng độ sáng cao gấp đôi S2R II nên cũng chiếu xa được 132 mét.
Giao diện sử dụng
Nếu bạn dùng qua dòng S (S10, S20, S30, S1, S2,…) của Olight rồi thì sẽ thấy giao diện của Baton Pro y chang vậy. Mình thấy giao diện sử dụng của Olight rất tối ưu, hơn cả Fenix vì có thể truy cập nhanh Moonlight, Turbo và Strobe.
Để mình dịch nguyên văn cái Manual:
- Bật/Tắt: nhấn công tắc 1 lần, đèn sẽ bật ở mức sáng cuối cùng được sử dụng (trừ Turbo và Strobe)
- Chuyển độ sáng: khi đèn đang bật, nhấn giữ công tắc để chuyển qua lại các mức sáng Low – Medium – High
- Truy cập Moonlight: khi đèn đang tắt, nhấn giữ công tắc 1s
- Truy cập nhanh Turbo: khi đèn đang bật hoặc tắt, nhấn đúp (2 lần) công tắc. Nhấn 1 lần để về mức sáng bình thường
- Truy cập nhanh nháy Strobe: khi đèn đang tắt, nhấn nhanh công tắc 3 lần. Nhấn 1 lần để về mức sáng bình thường
- Khóa an toàn (tránh đèn bị vô ý kích hoạt): khi đèn đang tắt, nhấn giữ công tắc 2s để khóa đèn. Làm tương tự để mở đèn.
- Chế độ hẹn giờ: Baton Pro có chức năng hẹn giờ với 2 mức là 3 và 9 phút (sẽ tự tắt sau khoảng thời gian này). Để kích hoạt hẹn giờ, nhấn đúp công tắc và giữ khi đèn đang bật, đèn sẽ nháy 1 phát khi ở chế độ hẹn giờ 3 phút và 2 phát khi ở 9 phút.
Test khả năng chiếu sáng
Olight Baton Pro bố trí các cế độ sáng rất hợp lí cho nhu hầu hết mọi nhu cầu sử dụng. Dùng hàng ngày trong nhà thì 120 Lumens trở xuống là đủ trong khi ở ngoài trời thì 600 Lumens đã quá ổn.
Mức sáng Moonlight 5 Lumens đủ để làm đèn ngủ, tìm đồ trong balo, cốp xe,….
Nửa đêm dậy cần ánh sáng soi đường đi WC thì 5 Lumens là đủ rồi đó 😀
30 Lumens
120 Lumens, dùng ngoài trời ngon luôn
600 Lumens, mức này hay dùng và rất ổn định
2000 Lumens, mình chỉ bật nó khi cần thiết. Sau khoảng 1-2 phút ở 2000 Lumens thì đèn sẽ hạ xuống 600 Lumens.
2000 Lumens, quá ấn tượng. Có thể thấy rõ ánh sáng của Olight Batom Pro tỏa rộng, đều và không hề có điểm chói.
Theo thông số thì cây này chiếu xa được 132 mét. Nói chung chiếu xa không phải lợi thế và cũng không phải mục đích của Baton Pro. Nó được thiết kế để đáp ứng hoàn hảo các nhu cầu chiếu sáng tầm gần ở không gian rộng. Tầm chiếu xa hiệu quả thực tế của cây này đạt 70 – 100m, rất ok.
Runtime
Mình test runtime ở 2 mức: 2000 và 600 Lumens.
- 2000 Lumens duy trì trong 2 phút rồi hạ dần xuống ~ 500 Lumens và sáng liên tục 150 phút trước khi tắt vì hết pin. Tổng Runtime đạt 153 phút ~ 2.55h
- 600 Lumens thì chạy một mạch đến hết pin luôn, đạt 166 phút ~ 2.76h
Các mức sáng thấp hơn sáng quá lâu nên mình không test cho đỡ tốn thời gian. Qua bài test này cũng thấy thông số thực tế rất sát với công bố.
Nhiệt độ khi hoạt động
Khi chưa bật đèn
Nhiệt độ đầu đèn sau khi bật Turbo trong 3 phút, đạt gần 50 độ, khá nóng.
Thân đèn thì chỉ hơi ấm, cầm vẫn ok
Mức sáng thấp hơn thì nhiệt độ không quá cao và duy trì ổn định nên dùng rất thoải mái.
Tổng kết
Sau hơn 1 tuần trải nghiệm thì mình thấy không có gì nhiều để phàn nàn về Olight Baton Pro. Cái này cũng dễ hiểu vì Baton Pro là kết tinh của rất nhiều năm kinh nghiệm làm đèn pin EDC của Olight. Nó đạt đến độ gần hoàn hảo.
Tóm gọn lại thì Baton Pro là 1 cây đèn pin EDC rất tuyệt, nó không phù hợp với những ai có nhu cầu chiếu xa, còn với những nhu cầu sử dụng khác thì đây là sự lựa chọn không nên bỏ qua.
Hiện Olight Baton Pro đang được phân phối tại EDCZone với chế độ bảo hành 5 năm chính hãng!
Review đèn pin Fenix E30R – (1600 Lumens, 1 x 18650, sạc nam châm)
Giới thiệu Fenix LD30: cây đèn pin All-in-one cho mọi nhu cầu!