Vezerlezer ED10: ngôi sao mới trong đèn pin giá tầm trung

0
3080

Vezerlezer là một thương hiệu đèn pin mới toanh vừa nhảy vào thị trường với sản phẩm đầu tiên của họ là ED10. Đây là một mẫu đèn pin cầm tay cỡ trung, mức giá dưới 1 triệu đồng và được trang bị đầy đủ mọi tính năng như cổng sạc Type-C, công tắc điện tử và giao diện sử dụng khá hay.

Dựa vào các mối quan hệ thì mình biết được chủ của Vezerlezer là một cựu kĩ sư của Fenix. Anh ấy lập ra hãng này nhằm cạnh tranh trực tiếp với Sofirn. Sau một thời gian trải nghiệm thì mình thấy ED10 có chất lượng kém Fenix nhưng lại nhỉnh hơn khá nhiều so với Sofirn mà mức giá cũng không cao hơn là mấy.

Nếu bạn lên website của hãng là https://vezerlezer.com/ thì sẽ thấy ED10 được bán với giá khoảng 54$, tức hơn 1.200.000đ tiền Việt. Tuy nhiên vừa rồi EDCZone đã trở thành nhà phân phối độc quyền của thương hiệu này tại Việt Nam và đã deal được giá rất tốt cho cây đèn này, chỉ còn 730.000đ với chế độ bảo hành 2 năm chính hãng.

1. Video

2. Thông số kĩ thuật 

  • Độ sáng cực đại: 2200 Lumens
  • Loại bóng led: Luminus SST40
  • Chiếu xa: 305 mét
  • Số mức sáng: 6
  • Nháy Strobe: có
  • Nháy SOS: có
  • Loại pin: pin sạc 18650
  • Sạc pin: cổng Type-C
  • Chất liệu thân đèn: hợp kim nhôm 6061-T6
  • Kích thước: 112 x 28 x 24.5mm
  • Trọng lượng: 130g (cả pin)
  • Chống nước IP68

3. Đánh giá chi tiết

Cảm tình đầu tiên về cái hãng Vezerlezer này là đóng hộp sản phẩm rất đẹp với thiết kế đơn giản, phối màu nhẹ nhàng và đầy đủ thông tin.

Nhưng mà hãng quên không ghi kích thước của đèn nên mình lại phải tự đo.

ED10 có tới 6 mức sáng, chưa tính thêm 2 chế độ nháy là Strobe và SOS.

Đèn đi kèm những phụ kiện căn bản nhất như pin, cáp sạc, dây đeo tay, o-ring dự phòng để đảm bảo không cần phải mua thêm bất cứ món gì bên ngoài.

Dây đeo tay khá chắc chắn, có chốt chỉnh kích cỡ.

Cáp Type-C không quá dài nhưng chất lượng hoàn thiện tốt.

Viên pin sạc 18650 dung lượng 2600mAh mang thương hiệu Vezerlezer, nhưng chắc là mua pin hãng khác rồi bọc lại thôi.

Pin đầu lồi và có mạch bảo vệ ở cực dương.

Nếu muốn khai thác hết khả năng của đèn thì bạn nên cân nhắc dùng pin dung lượng cao hơn.

ED10 có thiết kế không có gì phá cách, nó rất đơn giản với đủ đặc trưng của một mẫu đèn pin EDC như nhỏ gọn, đuôi phẳng có thể dựng đứng, công tắc điện tử trên đầu và không thể thiếu clip cài.

Thiết kế đơn giản, thanh thoát.

Đèn rất gọn, phù hợp bỏ túi mang theo hàng ngày.

Trọng lượng cả pin đúng 130g.

Có vấn đề là thân cây này hơi ngắn mà công tắc cũng đặt thấp, thành ra khi thao tác bấm như này cảm giác hơi bị lọt thỏm. Công tắc thì không đổi vị trí được nhưng nếu hãng làm đuôi dài ra một chút là hợp lý.

Hoặc ai quen thao tác kiểu này sẽ thoải mái hơn.

Chất lượng hoàn thiện của Vezerlezer ED10 thật sự là tốt, đúng là chủ có xuất thân từ Fenix có khác. Nếu so với Fenix thì cây này đạt 8/10 còn với Sofirn thì bỏ xa khá nhiều.

Lớp mạ làm cũng cũng tốt, bóng và lì vừa phải.

Thân đèn gia công cnc các rãnh dạng xoắn nhìn khá lạ và đẹp. Nhìn kĩ sẽ thấy các rãnh này tuy nhỏ nhưng được gia công rất sắc nét.

Điều rất tiếc là ED10 có đuôi phẳng nhưng lại không có nam châm để hít lên nhiều bề mặt kim loại. Mình không rõ là hãng muốn tiết kiệm chi phí hay có ý đồ gì nữa, nhưng đây sẽ là một điểm trừ.

ED10 không gắn keo ở đầu nên có thể tháo làm 3 phần như hình. Chú ý là ren vặn ở đầu và đuôi có độ dài khác nhau nên nếu lắp lộn đèn sẽ không sáng.

Tiếp xúc pin ở cả đầu lẫn đuôi đèn đều là lò xo được mạ vàng. Điều này cũng có nghĩa ED10 dùng được pin 18650 đầu phẳng.

Thân đèn hơi mỏng, phần thân ở phía đầu còn mỏng nữa. Nó cũng không ảnh hưởng mấy đến độ bền tổng thể nhưng mình nghĩ làm dày hơn khoảng 0.5mm thì đẹp.

Ren vặn dạng vuông ở cả 2 đầu, tất nhiên không thể thiếu gioăng cao su chống nước.

Clip cài của ED10 làm bằng thép, cài túi khá chắc chắn và có thể tháo rời ra được.

Phần khe tản nhiệt ở đầu đèn được làm vuông vức chứ không bo tròn, mình thấy làm như này giúp đèn chống lăn tốt khi đặt trên mặt bàn.

Sờ vào mấy lá này cũng không có cảm giác sắc cạnh như Sofirn.

ED10 sử dụng một công tắc chính duy nhất nằm trên đầu đèn. Đây là thiết kế điển hình của những cây đèn pin thuần EDC khi công tắc đặt ở vị trí này rất tiện để thao tác.

Toàn bộ cụm công tắc này được làm bằng kim loại, rất chắc chắn và cho cảm giác bấm tốt, nhạy.

Ngay giữa công tắc sẽ có một đèn led nhỏ để báo pin. Pin yếu đèn sáng đỏ, pin còn đầy thì sáng xanh.

Đối diện với công tắc là vị trí đặt cổng sạc. Điều mình khen ở cây này chính là nắp đậy cổng sạc được làm phẳng hẳn xuống nên không bị nhầm với công tắc khi mò mẫm bật cây đèn trong bóng tối. Nắp đậy này cũng khá chắc chắn, giảm nguy cơ bị bung khi để trong túi quần chật.

Đèn dùng cổng sạc Type-C hợp với xu thế.

Dòng sạc không quá nhanh, chỉ đạt 1A. Nhưng đa số những cây đèn nhỏ cỡ này thì dòng sạc cũng chỉ giới hạn trong tầm đó. Sạc nhanh quá chưa hẳn là tốt vì nó sinh ra nhiều nhiệt, về lâu dài ảnh hưởng tới các linh kiện.

Với tốc độ này thì thực tế mất khoảng 3 tiếng để đầy viên pin 2600mAh đi theo đèn, còn dùng pin 3400mAh thì mất hơn 4 tiếng một chút.

Khi sạc xong hãy nhớ đậy nắp lại bởi cây này không làm chống nước 2 lớp như Fenix.

ED10 sử dụng bóng led Luminus SST40. Đây là nhân led rất được chuộng trong 1-2 năm trở lại đây, gần như hãng nào cũng có vài cây đèn dùng led này. Lý do thì cũng đơn giản: SST40 có hiệu suất tốt và cho ánh sáng cân bằng. Như trên ED10 thì con led này cho độ sáng cực đại tới 2200 Lumens.

Cây ED10 này kích thước nhỏ nhưng nhà sản xuất đã đẩy con led SST40 lên gần giới hạn bởi như Fenix họ cũng chỉ dừng lại ở 1600 Lumens trên cả những cây đèn có kích thước to hơn nhiều như TK22 UE.

Kết hợp với led SST40 là choá phản xạ dạng sần cùng mặt kính phủ lớp chống phản xạ AR.

Đây là sự kết hợp hoàn hảo khi nó cho ra ánh sáng phải nói rất tròn và mịn ở mọi khoảng cách.

4. Giao diện sử dụng

Thiết kế đẹp và độ sáng cao thôi là chưa đủ, giao diện sử dụng mới là yếu tố chính để mình đánh giá một cây đèn pin có thực sự tốt và phù hợp hay không.

Trên đây là sơ đồ giao diện của ED10, nhìn vào chắc cũng hơi khó hiểu nên mình sẽ trình bày lại cho mọi người.

Khi đèn đang ở trạng thái tắt:

  • Nhấn công tắc 1 lần để bật đèn, nhấn và giữ để chuyển qua lại 5 mức sáng. Đèn sẽ nhớ mức sáng cuối được sử dụng. Nhấn công tắc 1 lần nữa để tắt đèn.
  • Nhấn và giữ công tắc 0.5s để kích hoạt sáng moonlight 1 Lumens.
  • Nhấn nhanh công tắc 2 lần để kích hoạt Turbo 2200 Lumens (có thể kích hoạt khi cả đèn đang bật). Nhấn 1 lần để tắt hoặc về độ sáng cuối được sử dụng.
  • Nhấn nhanh công tắc 3 lần để kích hoạt nháy Strobe. Nhấn 1 lần để tắt hoặc về độ sáng cuối được sử dụng.
  • Nhấn nhanh công tắc 4 lần để kích hoạt nháy SOS. Nhấn 1 lần để tắt hoặc về độ sáng cuối được sử dụng.
  • Nhấn nhanh công tắc 5 lần để truy cập chế độ khoá an toàn (hoặc đơn giản xoáy lỏng đuôi đèn 1 tí là cũng khoá được).

Ngoài chế độ với các mức sáng chia sẵn thì ED10 còn có cả chế độ sáng vô cấp. Bạn có thể kích hoạt sáng vô cấp bằng cách nhấn và giữ công tắc 5 giây khi đèn đang tắt. Nhưng qua trải nghiệm thì mình thấy chế độ sáng vô cấp của cây này rất tệ, chưa được hoàn thiện. Cụ thể khi chuyển từ độ sáng thấp -> cao thì đèn nhảy sáng rất nhanh, không hề mượt mà. Vậy nên mình nghĩ dùng các chế độ sáng chia sẵn là tiện lợi nhất.

5. Khả năng chiếu sáng

Cây ED10 mình có ở đây là phiên bản ánh sáng trắng 6500k

5.1 Trong nhà

30 Lumens.

128 Lumens.

560 Lumens.

1400 Lumens.

2200 Lumens.

Ở trong nhà dùng 128 Lumens đổ lại là ổn, 560 Lumens thì hơi sáng quá, còn Moonlight 1 Lumens phù hợp làm đèn ngủ, soi đường đi wc hay đọc bản đồ thôi.

5.2 Ngoài trời

2200 Lumens. ED10 cho ánh sáng rất cân bằng giữa chiếu xa và rộng, khoảng cách chiếu xa hiệu quả thực tế khoảng 120 mét đổ lại.

1400 Lumens.

560 Lumens.

128 Lumens phù hợp dùng tầm gần.

30 Lumens cũng vậy.

Vezerlezer nên chia mức sáng trung Medium là 350 Lumens thì sẽ hợp lý hơn 560 Lumens, bởi độ sáng tầm đó dùng được tốt cả trong nhà lẫn ngoài trời.

6. Runtime

Mình đo runtime của ED10 ở 3 độ sáng là 2200, 1400 và 560 Lumens thì kết qua cũng như dự tính thôi. Với kích thước nhỏ gọn thì ED10 duy trì khá tốt ở độ sáng 500 Lumens, còn 1000 Lumens trở lên thì đèn cực nóng nên độ sáng giảm cũng nhanh.

Cả 2 mức là 2200 và 1400 Lumens thì đèn chỉ duy trì được tối đa là 2 phút xong cũng giảm xuống ~ 4-500 Lumens và sáng tới khi hết pin. Dù sao đây cũng là runtime rất ấn tượng ở một độ sáng thực dụng như này.

Nhiệt độ thân đèn thì ở 2200 và 1400 Lumens nóng khỏi bàn rồi nên mình không đo. 2 ảnh trên là nhiệt độ của đèn ở 560 Lumens bật liên tục hơn 15 phút. Cả thân lẫn đầu đèn chỉ loanh quanh ~ 40°C, hơi ấm nên vẫn cầm thoải mái.

7. Tổng kết

Là sản phẩm đầu tay để bước chân vào thị trường đèn pin nhưng Vezerlezer đã làm khá tốt với ED10. Cây đèn này mặc dù không quá mạnh về điểm nào nhưng nó đem lại sự cân bằng tốt giữa nhiều yếu tố, từ thiết kế nhỏ gọn, dễ sử dụng cho tới khả năng chiếu sáng ấn tượng. Thực sự mình thấy nó khá ngon trong mức giá loanh quanh 700.000đ, còn nếu để nguyên giá khoảng 1.2 triệu thì thực sự chưa xứng đáng lắm, bởi chỉ cần thêm 400.000đ là mua được Fenix PD32 V2.0 rồi.

ED10 vẫn còn cần cải tiến thêm ở các phiên bản sau này như: thêm nam châm đuôi, clip cài hoàn thiện tốt hơn và giao diện sử dụng cần hoàn thiện sáng vô cấp hoặc bỏ luôn đi cũng được.