Review đèn pin Olight Warrior X 3: thiết kế đẹp, 2 mức sáng như đèn Mĩ

0
1786

Thấm thoát đã 3 năm kể từ ngày review cây Warrior X phiên bản đầu tiên, và bây giờ mình có trên tay Warrior X 3. Olight Warrior X 3 là phiên bản thứ 4 và mới nhất của dòng đèn này, mình thấy nó vẫn giữ ngôn ngữ thiết kế cũ, nâng cấp lên pin 21700 như Warrior Pro và độ sáng tăng lên 2500 Lumens cùng khả năng chiếu xa rất ấn tượng.

Ngoài thiết kế ngầu lòi ra thì điều mình thích nhất ở dòng đèn Warrior X của Olight chính là giao diện sử dụng 2 mức sáng, không nháy Strobe, SOS, cực kì đơn giản và thực dụng.

Đèn đang có giá 3.180.000đ tại EDCZone.com với chế độ bảo hành 5 năm chính hãng.

1. Video

2. Thông số kĩ thuật

  • Độ sáng: 2500 Lumens
  • Chiếu xa: 560 mét
  • Số mức sáng: 2
  • Loại pin: Lithium Ion 21700 5000mAh
  • Loại sạc: nam châm
  • Dòng sản phẩm: Warrior
  • Kích thước: 149.5 x 39 x 26.2mm
  • Trọng lượng: 255g (đã kèm pin)
  • Khả năng chống nước: IP68

Thông số các mức sáng:

Các mức sáng
Mức 1 (lumens) 2,500~1,000~300
Run-time mức 1 2.5+129+13 phút
Mức 2 (lumens) 300
Run-time mức 2 8 hours
Strobe không
SOS / BEACON không

 

3. Đánh giá chi tiết

Vẫn là cách đóng hộp đơn giản mà tinh tế của Olight, cảm giác như unbox một chiếc điện thoại đắt tiền chứ không phải đèn pin nữa.

Mặt sau hộp có đầu đủ thông số kĩ thuật của sản phẩm.

Đèn chỉ có 2 mức sáng là 2500 và 300 Lumens.

Phụ kiện đi kèm tới tận răng, còn cái bao đựng rất xịn mà mình quên mất không chụp cùng, các bạn xem video sẽ thấy.

Đèn pin Olight Warrior X 3 sẽ không có lỗ để xỏ dây đeo tay, thay vào đó hãng sẽ cho đi kèm 2 món phụ kiện như trong ảnh.

Đây là cái “ring” nhôm giúp xỏ ngón tay vào khi cầm cây đèn. Mình đánh giá rất cao cái này với chất lượng hoàn thiện tốt và cho cảm giác cầm thoải mái.

Thiết kế ăn nhập với tổng thể cây đèn.

Cái “ring” còn lại được làm bằng kim loại và bên ngoài bọc cao su, gắn vào nhìn cây đèn gọn gàng hơn hẳn nhưng lại không chống lăn tốt bằng cái kia.

Nó dành cho những ai thích cầm và thao tác đèn như này.

Đèn đi kèm viên pin sạc 21700 dung lượng 5000mAh được thiết kế đặc biệt của Olight.

Viên pin này của Olight có bán lẻ, giá hiện tại là 640.000đ.

Nó khác pin thông thường ở chỗ là cả cực âm (-) và dương (+) được chuyển về cùng một phía. Thiết kế này để hỗ trợ cho tính năng sạc nam châm của đèn. Mình đã thử lắp pin của hãng khác vào thì cây Warrior X 3 này không sáng.

Và tất nhiên sẽ có một sợi dây sạc nam châm với dòng lên tới 2A.

Olight Warrior X 3 thuộc phân khúc đèn pin cầm tay cỡ trung, đầu đèn làm khá to để chiếu xa tốt.

Thân đèn thì cầm rất vừa tay và thoải mái.

Trọng lượng cả pin khoảng gần 230g.

Nếu gắn thêm phụ kiện này thì cộng thêm 33g.

Cái này nhẹ hơn, chỉ có 5g.

So sánh kích thước với Fenix TK20R V2.0 thì thấy chúng có độ dài ngang nhau, thân TK20R V2.0 to hơn chút nhưng đầu lại bé hơn hẳn.

Chính vì kích thước đầu đèn to và lại không có clip cài túi nên mình thấy Olight Warrior X 3 bỏ túi khá là cộm và khó chịu. Nó phù hợp khi bỏ bao đựng rồi cài ở thắt lưng hơn.

Fenix TK20R V2.0 thì thiết kế thon gọn và trọng lượng cũng nhẹ hơn nhiều, cả cây đèn lẫn pin nặng có 200g thích hợp bỏ túi quần sử dụng hàng ngày.

Cá nhân mình thấy thiết kế của Warrior X 3 nói riêng và đèn pin Olight nói chung đều cực kì đẹp. Đèn nhiều chi tiết cầu kì, gai góc theo phong cách hiện đại như đến từ tương lai. Chất lượng hoàn thiện thì cũng không có gì để chê với một hãng đèn pin lớn nhất nhì Trung Quốc như này.

Cây này đứng đuôi được và đứng vững là đằng khác.

Các lá tản nhiệt kích thước lớn ở đầu đèn được làm bo tròn chứ không sắc cạnh như các phiên bản trước.

Đèn chỉ có thể tháo đuôi, đầu đã được gắn keo khoá ren. Một lưu ý là nếu không gắn cái “ring” tác chiến như trong ảnh thì đèn rất dễ bị lăn khi đặt trên mặt bàn.

Thân đèn dày dặn và cứng cáp.

Có thể thấy phần tiếp xúc pin ở đầu đèn được làm đặc biệt cho viên pin cũng đặc biệt không kém.

Tiếp xúc đuôi đèn thì là lò xo dạng cứng.

Ren vặng dạng vuông gia công cực kì tinh xảo và sạch sẽ. Trong hình có tận 3 gioăng cao su nhưng chỉ 1 gioăng gần ren vặn là để chống nước. 2 gioăng còn lại để đệm vào cái “ring” khi lắp vào.

Warrior X 3 sử dụng duy nhất một công tắc đuôi, cái công tắc này có quá nhiều điểm đặc biệt: đầu tiên nó tích hợp luôn chức năng sạc nam châm, tiếp theo nó là công tắc điện tử chứ không phải công tắc cơ, thứ 3 là nó có tận 2 nấc đem lại giao diện sử dụng khá thú vị.

Công tắc đuôi nam châm này hít khá mạnh nhưng cũng chỉ giúp đèn cố định được ở vị trí treo như này, còn theo chiều ngang thì bó tay.

Xung quanh công tắc có 3 cái chấu làm lồi lên tạo thành một mặt phẳng.

Tuy vậy trong quá trình sử dụng mình thấy nó cũng không gây cấn tay lắm, thậm trí đeo găng tay vẫn bấm thoải mái.

Chỉ cần đặt gần dây sạc nam châm lại đuôi đèn là chúng sẽ tự hít. Bạn có thể sạc cho đèn qua các nguồn USB như sạc dự phòng, sạc điện thoại,… với dòng khá nhanh tới gần 2A.

Thực tế mình chỉ mất hơn 3 tiếng để sạc đầy viên pin dung lượng 5000mAh này. Khi pin đầy đèn sẽ tự ngắt dòng, rất an toàn.

Vòng bezel đầu đèn được làm màu xanh rất hợp với tông màu đen của thân. Kiểu phối màu này nhìn sang trọng và rất đặc trưng trong thiết kế của gần như mọi mẫu đèn pin Olight.

Trên vòng Bezel sẽ có 3 viên bi được làm bằng hợp kim zirconium, một thứ kim loại nhẹ hơn thép và đạt độ cứng cực kì cao. Tác dụng của 3 viên bi này là để phá kính xe hơi khi cần thoát nạn hoặc để tự vệ.

Olight không công bố loại bóng led sử dụng trên Warrior X 3.

Nhưng mình thấy nó dùng cùng loại với cây Fenix TK20R V22.0, và đó là led Luminus SFT70.

Trên Warrior X 3 con led này đem lại độ sáng khủng 2500 Lumens, kết hợp cùng choá phản xạ trơn và sâu cho khả năng chiếu xa rất ấn tượng tới 560 mét theo lý thuyết.

Led SFT70 trên cây đèn này là bản ánh sáng trắng, nếu có thêm lựa chọn ánh sáng vàng thì tuyệt vời!

4. Giao diện sử dụng

Như đã đề cập ngay đầu bài viết thì giao diện sử dụng là điểm mình thích nhất trên cây Olight Warrior X 3 này. Nó được trang bị 2 mức sáng duy nhất như các phiên bản trước đây nên sử dụng rất đơn giản và được việc.

Cái công tắc đuôi này có 2 nấc. Nếu ấn nhẹ với 30% lực thì đèn sẽ sáng ở 300 Lumens, còn nhấn mạnh thì đèn sáng ở 2500 Lumens.

  • Nếu nhấn và giữ công tắc thì đèn sẽ sáng tạm thời, thả tay ra đèn tắt
  • Nếu nhấn rồi thả tay luôn thì đèn sẽ sáng cố định

Cách sử dụng chỉ đơn giản vậy thôi, ngoài Olight ra thì mình thấy rất ít hãng đèn của Trung Quốc nào làm giao diện sử dụng kiểu này bởi trước giờ nó là đặc trưng của đèn pin Mĩ.

Giao diện sử dụng như này là tối ưu cho các hoạt động tác chiến, đặc biệt khi dùng đèn chung với các loại súng. Bởi vì trong những trường hợp đó thì người dùng chỉ cần kích hoạt nhanh và tắt bật liên tục ở độ sáng cao, việc trang bị nhiều mức sáng khác là rườm rà và không cần thiết. Còn trong các nhu cầu sử dụng thông thường thì độ sáng 300 Lumens đáp ứng vẫn rất ổn.

5. Khả năng chiếu sáng

5.1 Trong nhà

300 Lumens là một độ sáng vẫn ổn để dùng trong nhà, tuy nhiên khi cần ánh sáng lúc nửa đêm để đi WC hay tìm đồ loanh quanh thì không lí tưởng cho lắm.

2500 Lumens thì rõ ràng là quá sáng.

5.2 Ngoài trời

2500 Lumens.

Khả năng chiếu sáng của cây này ngoài trời rất ấn tượng. Ánh sáng có sự cân bằng tốt giữa chiếu xa và rộng. Thực tế thì đèn chiếu xa tốt trong khoảng 250-270 mét đổ lại, còn khoảng cách trong ảnh mới chỉ 70 mét thôi.

Trời quang đãng mà vẫn thấy rõ cả tia sáng.

300 Lumens dùng ngoài trời rất ổn áp nếu không phải cho những hoạt động gì đặc biệt. Độ sáng này duy trì được 8 tiếng, tức đủ dùng xuyên đêm khi đi rừng, hang động,…

6. Runtime

Với 2 mức sáng thì việc đo runtime của cây này cũng nhàn, và đây là kết quả:

  • Mức High 2500 Lumens (đường màu xanh) thì có thể thấy rõ 3 giai đoạn của cây đèn. Đầu tiên 2500 Lumens duy trì được khoảng 1 phút rồi hạ xuống ~ 1000 Lumens, sáng liên tục được 84 phút trước khi hạ dần xuống ~ 300 Lumens. Tổng runtime của mức High là 116 phút ~ 1.9 tiếng
  • Mức Low 300 Lumens thì đèn chạy một mạch tới khi hết pin với độ sáng gần như không đổi. Tổng runtime đạt 471 phút ~ 7.85 tiếng, khá chính xác so với runtime công bố.

Có thể thấy Olight tính toán rất kĩ khi trang bị cho đèn chỉ 2 độ sáng nhưng vẫn đủ đáp ứng mọi nhu cầu sử dụng, đặc biệt với mức 300 Lumens duy trì liên tục được gần 8 tiếng đồng hồ.

Đầu đèn nóng cực nhanh khi bật ở 2500 Lumens, cụ thể là sau 1 phút đã đạt trên 50°C.

Thân đèn cũng không mát mẻ hơn là mấy.

Thế nhưng điều này cũng không quá đáng lo bởi sau 1 phút đèn đã hộ sáng nên nhiệt độ cũng chỉ duy trì ở mức này và còn có xu hướng hạ xuống sau đó, nên là vẫn cầm để thao tác bình thường. Còn trong trường hợp người dùng liên tục kích hoạt độ sáng cao trong thời gian ngắn thì mình đảm bảo thân đèn sẽ nóng rát tay, không cầm nổi.

Còn độ sáng 300 Lumens mình bật liên tục 30 phút thì nhiệt độ thân đèn cũng chỉ ngang cơ thể người, cầm vào mát mẻ thoải mái.

7. Tổng kết

Những điểm mình thích:

  • Đèn thiết kế đẹp, hoàn thiện rất tốt
  • Giao diện sử dụng đơn giản, thực dụng với 2 mức sáng
  • Độ sáng cao, khả năng chiếu xa tốt
  • Mức sáng 300 Lumens thực dụng với khả năng duy trì tới 8 tiếng
  • Sạc nam châm tiện lợi, tốc độ khá nhanh

Chưa thích:

  • Đèn không có khả năng chống lăn nếu không gắn thêm phụ kiện
  • Kén pin, chỉ dùng được với pin “đặc chủng” của Olight cung cấp

Bạn nào có nhu cầu của Olight Warrior X 3 thì có thể liên hệ với EDCZone.com, hiện cây này đang có giá 3.180.000đ với chế độ bảo hành 5 năm chính hãng.