Review đèn pin Fenix C6 V3.0: phiên bản thu nhỏ của C7

0
1949

Trong bài Review Fenix C7 vào tháng 1 năm nay thì mình có đề cập tới C6 V3.0. Lúc đầu mình không để ý lắm nên cứ đinh ninh rằng C6 V3.0 với C7 thực chất là một, khác nhau ở chỗ C7 bán trên toàn cầu còn C6 V3.0 chỉ bán ở thị trường Ấn Độ.

Nhưng cuối cùng mình đã nhầm, đợt vừa rồi C6 V3.0 về Việt Nam thì hoá ra nó là một mẫu đèn khác, có thiết kế y hệt C7 chỉ có điều nhỏ gọn hơn do thiết kế để dùng pin 18650, độ sáng đạt 1500 Lumens và chiếu xa theo thông số là 300 mét.

Nếu những ai rất thích concept thiết kế của C7 mà lại ngại về kích thước hơi to thì C6 V3.0 là sự lựa chọn rất đáng cân nhắc.

Hiện đèn pin Fenix C6 V3.0 đang được bán lại Bisu Jsc với giá 1.180.000đ với chế độ bảo hành 5 năm. Mình phải nói rằng đây mà mức giá rất là rẻ cho một mẫu đèn pin chất lượng cao đến từ Fenix.

1. Video

2. Thông số kĩ thuật

  • Sử dụng bóng Led Luminus SST40, tuổi thọ 50.000 giờ
  • Độ sáng cực đại 1500 Lumens, chiếu xa 300 mét
  • Đi kèm 1 pin sạc 18650 dung lượng 2600mAh
  • Thân đèn trang bị cổng sạc nhanh Type-C
  • Thiết kế gọn gàng, cứng cáp
  • Thân đèn làm bằng hợp kim nhôm A6061-T6 cao cấp
  • Xử lý mạ Anodzied HAIII siêu cứng
  • Kích thước: 133 x 32 x 23mm
  • Trọng lượng: 103g (chưa tính pin)
  • Chống nước: IP68

3. Đánh giá chi tiết

Cách đóng hộp của đèn pin Fenix thì cũng quá quen thuộc rồi. Lật mặt sau chúng ta sẽ thấy cây C6 V3.0 này có 4 mức sáng với 2 chế độ nháy. Còn C7 có tận 5 mức do độ sáng cực đại của nó đạt tới 3000 Lumens nên phải có thêm một mức khoảng 1400 Lumens nữa.

Là mẫu đèn pin giá rẻ nhưng C6 V3.0 vẫn đi kèm đầy đủ phụ kiện để đảm bảo mua về dùng ngay được luôn.

Đi kèm đèn là viên pin sạc 18650 dung lượng 2600mAh của Fenix. Đây là pin đầu lồi và có mạch bảo vệ ở cực dương. Nếu muốn runtime tối ưu hơn thì nên đầu tư pin 3400mAh.

Cáp sạc Type-C

Dây đeo tay kiểu cũ, loại này thì khác chắc chắn nhưng không có khoá chốt.

Nếu đã xem Review hoặc sở hữu một cây đèn pin Fenix C7 thì bạn sẽ thấy C6 V3.0 có thiết kế giống y hệt, chỉ có điều nó nhỏ hơn do thân dùng pin sạc 18650. Rất tiếc mình không còn cây C7 nào để so sánh cho mọi người xem.

C6 V3.0 có thiết kế đơn giản, tối ưu cho các hoạt động chiếu sáng thông thường hàng ngày với đuôi đèn phẳng để đứng vững và công tắc chính nằm cạnh đầu đèn. Nó có cả clip cài túi có thể tháo rời.

So sánh kích thước với Vezerlezer ED10. Có thể thấy đường kính thân 2 cây là như nhau do dùng cùng loại pin, còn C6 V3.0 dài hơn, đầu đèn to hơn để chiếu xa.

Mình đánh giá Fenix C6 V3.0 có kích thước khá to so với mặt bằng chung của đèn cầm tay chạy pin 18650, đổi lại chúng ta sẽ có cảm giác cầm nắm và khả năng chiếu xa rất tốt.

Đèn cho trải nghiệm cầm nắm và thao tác rất thoải mái, không bị hụt hẫng như ED10 hay các mẫu đèn khác có kích thước nhỏ hơn mà vẫn dùng công tắc trên thân.

C là dòng đèn pin giá tầm trung của Fenix, hướng tới các nhu cầu sử dụng hàng ngày và ở môi trường công nghiệp. Mới mức giá chỉ hơn 1 triệu nhưng mình thấy chất lượng hoàn thiện của C6 V3.0 tốt không kém gì so với dòng TK cao cấp.

Đầu đèn làm trơn, không hề có rãnh tản nhiệt.

Thân đèn với các đường vân giúp chống trơn trượt khi cầm nắm.

Clip cài túi làm khá gọn gàng và có chất lượng hoàn thiện cao, không bị méo hay biến dạng. Nếu không thích có thể tháo nó ra nhưng làm vậy đèn sẽ dễ bị lăn khi đặt trên các mặt phẳng.

Đuôi đèn làm phẳng và có tiết diện lớn nên đèn đứng rất vững.

Ngoài ra nó còn có nam châm để hít lên các bề mặt kim loại, hít rất chắc chắn là đằng khác. Đây là một tính năng rất cần thiết cho đèn pin với công tắc chính trên thân, và cũng chính vì thế mà C6 V3.0 hay C7 phù hợp dùng trong các nhà xưởng hay công việc sửa chữa máy móc.

Đầu đèn được gắn keo khoá ren nên chỉ có thể vặn đuôi để thay pin.

Độ dày thân của C6 V3.0 cũng khá ổn. Lúc đầu nhìn vào mình tưởng cây này gia công thân bị lệch vì độ dày không đồng đều, nhưng thực chất phần nhìn có vẻ dày hơn lại là mặt cắt của một bước ren vặt.

Cây này cũng dùng tiếp xúc dạng cứng như C7 nên chỉ có thể sử dụng pin đầu lồi.

Tiếp xúc ở đuôi đèn là lò xo mạ vàng, làm rất dày dặn.

Công tắc chính đặt gần đầu đèn, nó là công tắc điện tử được bọc cao su. Mình nghĩ nếu làm công tắc bằng kim loại sẽ bền hơn rất nhiều do nhiều người có thói quen dùng đầu móng tay để bấm, lâu ngày chắc chắn sẽ rách cao su.

Bên dưới công tắc có một đèn led nhỏ để báo tình trạng pin, như đèn xanh là pin còn đầy, nháy đỏ là sắp cạn. Đèn này sẽ sáng trong 3s khi kích hoạt đèn chính, hoặc khi đèn đang tắt có thể nhấn công tắc 1 lần cũng kích hoạt được.

Đối diện công tắc là vị trí đặt cổng sạc Type-C được đậy rất chắc chắn, như này thì không lo về khả năng chống nước hay bụi. Những có một vấn đề là mình rất hay bị ấn nhầm giữa công tắc và cái nắp đậy cổng sạc này. Kiểu ban đêm cầm được cây đèn thì cũng loay hoay 1 lúc mới tìm được vị trí của công tắc rồi bật.

Tốc độ sạc của cây C6 V3.0 này khá nhanh, gần 2A với nguồn 5V, trong khi đa số các mẫu đèn cỡ này chỉ đạt 1A.

Với tốc độ này thì sạc đầy viên pin 2600mAh chỉ hết gần 3 tiếng, pin 3400mAh thì gần 4 tiếng (bởi dòng sạc sẽ giảm dần khi pin sắp đầy).

Mình luôn đánh giá cao việc tích hợp cổng sạc trên thân đèn vì nó tiện khi đi chơi xa. Thay vì mang bộ sạc rời rồi tháo pin ra sạc xong lại cất vào thì chỉ cần cắm sợi dây sạc cái là xong. Còn về khả năng chống nước với bụi thì ít nhiều cũng bị ảnh hưởng chút ít, như Fenix trang bị tính năng chống nước 2 lớp cho cổng sạc của các mẫu đèn cao cấp. Trên C6 V3.0 không thấy đề cập tính năng này nhưng tốt nhất hãy nhớ đóng nắp đậy mỗi khi sạc pin xong là được.

C6 V3.0 không có bezel làm lồi lên để phá kính hay tự vệ, điều này càng chứng tỏ đây là một mẫu đèn phổ thông đúng nghĩa.

Hệ thống quang học của đèn là sự kết hợp của led Luminus SST40 và choá phản xạ trơn. Mặt kính tất nhiên cũng được phủ lớp chống phải xạ AR với đặc trưng là có ánh tím khi nhìn nghiêng.

Choá rất sạch không một hạt bụi.

4. Giao diện sử dụng

Fenix C6 V3.0 có cách sử dụng rất đơn giản và thân thiện, ai cũng có thể làm quen được. Mọi chức năng đều được thao tác qua công tắc nằm trên thân.

Để luôn cái ảnh đây cho trực quan. Nhược điểm của giao diện sử dụng này thì vẫn là không có khả năng truy cập nhanh mức sáng thấp và cao nhất, nhưng trong đa số trường hợp sử dụng mình thấy nó cũng không quá quan trọng.

5. Khả năng chiếu sáng

5.1 Trong nhà

30 Lumens, dùng trong nhà khá đủ.

100 Lumens.

400 Lumens.

1500 Lumens.

5.2 Ngoài trời

1500 Lumens, khoảng cách tới cuối đường là 70 mét.

C6 V3.0 chiếu xa 300 mét theo thông số, thực tế nó chiếu rất tốt trong 150 mét đổ lại. Một điều nữa là dù sử dụng choá trơn nhưng ánh sáng cây này toả đều và mịn, cân bằng tốt giữa chiếu xa và rộng.

400 Lumens.

100 Lumens.

30 Lumens.

6. Runtime

Mình đo runtime của đèn ở 2 mức sáng cao với viên pin sạc đi kèm có dung lượng 2600mAh cho nó thực tế. Nếu dùng pin 3400mAh thì các bạn cứ cộng thêm 15-20% vào tổng runtime.

  • Mức Turbo 1500 Lumens (đường màu xanh): đạt tổng runtime 70 phút, trong đó độ sáng cao nhất duy trì được khoảng 1 phút trước khi hạ xuống dần. Khá ngạc nhiên là sự hạ sáng của cây này không đề đột ngột mà rất từ từ.
  • Mức High 400 Lumens (đường màu cam): đèn duy trì mức này một mạch tới hết pin, tổng runtime đạt 236 phút ~ 3.9 tiếng, rất sát với nhà sản xuất công bố.

7. Tổng kết

Nhìn chung Fenix C6 V3.0 có hết những ưu điểm từ thiết kế của C7, đặc biệt là nam châm đuôi thực dụng cùng giao diện sử dụng rất thân thiện. Sử dụng pin 18650 đem lại cho C6 V3.0 kích thước thon gọn hơn, phù hợp bỏ túi quần. Độ sáng của đèn đạt 1 nửa so với C7 nhưng mình thấy vậy cũng quá đủ cho nhiều hoạt động ngoài trời, đặc biệt độ sáng 400 Lumens có thể duy trì liên tục mà không bị hạ.

Một vài nhược điểm:

  • Công tắc bọc cao su nên về lâu dài sẽ rách nếu dùng không giữ gìn
  • Hay bị ấn nhầm giữa công tắc và cổng sạc
  • Bezel đầu đèn làm phẳng nên úp xuống mặt bàn là không biết đèn còn bật hay không
  • Chưa có khả năng truy cập nhanh mức sáng thấp và cao nhất

Ai có nhu cầu có thể mua đèn tại Bisu.vn với giá 1.180.000đ.