Review Olight Warrior 3s: mạnh mẽ và AN TOÀN!

0
2126
Ảnh: reddit

Chúng ta phải thừa nhận một điều rằng độ sáng của đèn pin led hiện tại tỉ lệ thuận với độ nguy hiểm của chúng. Ngoài việc độ sáng cao gây ảnh hưởng tới thị lực nếu bị chiếu phải vô ý thì một rủi ro khác đang bị xem thường đó là nguy cơ gây CHÁY và BỎNG.

Những cây đèn pin siêu sáng > 1000 Lumens hoàn toàn có thể gây bỏng cho người hoặc cháy các đồ vật bởi nhiệt lượng tỏa ra từ ánh sáng đầu đèn là rất lớn. Nhiều cây đèn pin sáng khủng tới mức còn tạo được cả ra lửa (trên youtube nhan nhản videos kiểu này), và hãy tưởng tượng một cây đèn như vậy bị vô ý bật lên khi để trong túi quần hoặc balo! Nhẹ thì cháy thủng quần, áo, nặng thì bỏng đến mức nhập viện chứ không phải đùa!

Hầu hết các hãng đèn pin lớn bây giờ đều trang bị tính năng khóa công tắc để đảm bảo an toàn nhưng dường như vậy là chưa đủ. Olight là một hãng đã khá thấm bài học này khi trước đây nhiều mẫu đèn pin EDC trang bị công tắc thân của họ đã gây thủng túi của các khách hàng bên nước ngoài. Dưới góc nhìn của mình thì đây là lỗi thiếu cẩn trọng thôi vì đèn rõ ràng có khóa an toàn, nhưng nếu có vụ gì nghiêm trọng xảy ra thì hãng có thể bị kiện luôn!

Chính vì vậy là hầu như tất cả các mẫu đèn pin siêu sáng > 1000 Lumens sau này của Olight đều được trang bị thêm 1 tính năng an toàn rất hiệu quả đó là: cảm biến tiệm cận.

Cây Olight Warrior 3s trong bài viết này không phải một mẫu đèn hoàn toàn mới. Thực chất nó là một phiên bản nâng cấp của Warrior 3 với thiết kế và cấu hình giống nhau tới 98%. Điểm khác biệt đáng kể nhất là Warrior 3s được trang bị một cảm biến tiệm cận ở đầu của cây đèn (phần khuyết nhỏ màu đen ở mặt trước của đèn)

Nhiệm vụ của cái cảm biến này là sẽ hạ độ sáng của Warrior 3s xuống mức 200 Lumens nếu đèn đang bật ở độ sáng cao (2300 và 800 Lumens) và phát hiện có vật thể ở ngay gần phía trước.

Với tính năng này thì đèn pin siêu sáng của Olight nói chung sẽ trở nên thật sự an toàn khi mà nếu chẳng may bị kích hoạt vô ý trong túi quần hay balo thì chúng cũng không gây hại gì.

Cảm biến của Olight làm việc cực kì nhạy và hiệu quả, delay rất thấp. Kiểu bật thử độ sáng cao rồi dí lại gần tay thì ngay lập tức nó hạ xuống 200 Lumens, và nếu đưa ra đủ xa thì đèn lại về độ sáng cao ban đầu.

Giới thiệu sơ qua vậy, còn bây giờ chúng ta cùng đánh giá kĩ về cây này!

> Olight Warrior 3S đang được phân phối tại EDCZone với giá bán 3.040.000đ cùng chế độ bảo hành 5 năm <

 

1. Video

2. Thông số kĩ thuật

  • Độ sáng: 2300 Lumens
  • Chiếu xa: 300 mét
  • Số mức sáng: 5
  • Loại pin: 21700 5000mAh
  • Loại sạc: sạc nam châm
  • Dòng sản phẩm: Warrior
  • Kích thước: 139 x 26.2mm
  • Trọng lượng: 176g (cả pin)
  • Khả năng chống nước: IP68

Thông số các mức sáng:

LEVEL 1 (lumens) 2,300~800~250
Run-time LEVEL 1 2.5+160+39 phút
LEVEL 2 (lumens) 800~250
Run-time LEVEL 2 166+39 phút
LEVEL 3 (lumens) 200
Run-time LEVEL 3 13 giờ
LEVEL 4 (lumens) 15
Run-time LEVEL 4 130 giờ
LEVEL 5 (lumens) 1
Run-time LEVEL 5 55 ngày
Strobe
SOS / BEACON Không

 

3. Đánh giá chi tiết

Cách đóng hộp sản phẩm của Olight luôn đơn giản và sang trọng!

Mặt sau in đầy đủ các thông số quan trọng của cây đèn.

Phụ kiện đi kèm gồm có:

  • 1 Bao đựng đèn
  • 1 Pin sạc 21700 5000mAh của Olight
  • 1 Cáp sạc nam châm
  • HDSD

Cái bao đựng đèn đi kèm của Olight chất lượng thực sự tốt, được thiết kế tối ưu!

Có thể cài vào thắt lưng hay balo tùy ý.

Chất vải dày dặn, có khóa cài chắc chắn.

Warrior 3s sử dụng pin sạc 21700 nhưng chỉ tương thích với loại pin đặc biệt này của Olight.

Viên pin này được Olight thiết kế với cực âm (-) và dương (+) ở cùng một phía, mục đích là để tương thích sạc nam châm đặc trưng của hãng này.

Mình thấy Olight thiết kế pin sạc riêng cho đèn của mình có cái lợi lẫn hại:

Ưu điểm: 

  • Giúp đèn hoạt động ổn định, tránh hỏng hóc do dùng pin kém chất lượng
  • Tối ưu tốt nhất cho tính năng sạc nam châm

Nhược:

  • Đèn sẽ không sáng với các loại pin thông thường khác
  • Giá hơi cao

Olight có bán rời loại pin này cho ai muốn mua thêm nhưng giác cũng không dễ chịu cho lắm!

Olight Warrior 3s thuộc phân khúc đèn pin cầm tay cỡ trung, cùng mâm với Fenix PD36 Pro.

Kích thước tổng thể: 139 x 26.2mm (chiều dài x đường kính thân)

Trọng lượng cả pin ~ 176g.

=> Đây là một kích thước tiêu chuẩn của đèn pin cỡ này, mạnh mẽ, runtime tốt mà vẫn đủ gọn để bỏ túi dùng hàng ngày.

Olight không thay đổi thiết kế gì đáng kể của Warrior 3S so với bản Warrior 3 trước đó. Các độ sáng và mức sáng cũng tương tự nhau.

Ngoài cái cảm biến tiệm cận ra thì vòng bezel của bản 3S được làm “hiền” hơn Warrior 3, còn đâu thì y hệt.

Chưa bàn tới các yếu tố khác nhưng nếu xét về thiết kế đẹp và hiện đại thì Olight ăn đứt mọi đối thủ. Dù gu mỗi người là khác nhau nhưng gần như ai cũng thấy đèn của Olight rất đẹp!

Warrior 3S hoàn thiện cực tốt, kích thước cầm vừa tay và dễ thao tác. Cây này có thể đáp ứng tốt cả nhu cầu tác chiến tự vệ lẫn sử dụng cho các mục đích thông thường với hệ thống công tắc kép và giao diện sử dụng thông minh.

Công tắc chính của đèn đặt ở đuôi cho phép thao tác và phản ứng nhanh trong mọi tình huống. Đây là công tắc điện tử bằng kim loại nên rất êm và bền, dùng lâu không lo bị thủng như công tắc cao su nhưng nói chung cảm giác bấm sẽ rất khác.

Olight thiết kế 3 cái chấu nhỏ xung quanh công tắc cho phép cây đèn vẫn đứng đuôi được mà không ảnh hưởng mấy tới trải nghiệm sử dụng.

Kể cả dùng tay thường hay đeo găng thì bấm cũng rất ổn, không bị hụt.

Công tắc đuôi này được tích hợp cả sạc nam châm trứ danh của Olight.

Cái công nghệ sạc nam châm này nhìn vậy là cũng mất nhiều năm để Olight có thể hoàn thiện được đến hôm nay. Các phiên bản sạc đời đầu từ 3-4 năm trước dính nhiều lỗi vặt nên khá khó chịu, còn bây giờ mọi thứ ngon lành rồi.

Cái hay của sạc nam châm đó là tiện lợi, nó cũng kiểu như sạc không dây trên điện thoại ấy! Chỉ đưa cây đèn lại gần dây sạc là chúng tự hít chặt, sạc đầu rút nhẹ ra là xong. Dùng qua sạc nam châm này rồi thì khó bỏ lắm, giờ bảo dùng sang đèn khác mà tháo pin ra để lắp bộ sạc rời cũng thấy ngại!

Dòng sạc khá nhanh ~ 2A với điện thế 5V. Với tốc độ này thì thời gian sạc thực tế rơi vào khoảng 3.5 – 4h thì đầy viên pin 5000mAh, khá ổn.

Phía gần đầu đèn là công tắc chức năng, dùng để truy cập các 5 mức sáng linh hoạt cho các nhu cầu sử dụng thông thường. Đây cũng là công tắc điện tử và được bọc cao su.

Một thiết kế nhỏ nhưng mình đánh giá rất cao đó là dải đèn led ở 2 bên:

  • Bên phải là đèn báo pin, mỗi đèn tương ứng 25%
  • Bên phải là đèn báo mức sáng, hiển thị mức sáng mà đèn đang hoạt động

Đầu đèn có thiết kế chống lăn khi đặt lên các mặt phẳng.

Thân có các rãnh giúp cầm nắm chắc chắn nhất, đỡ bị trơn trượt.

Clip cài túi 2 chiều có thể tháo rời, mình thấy cầm không bị quá cấn và có còn giúp thêm khả năng chống lăn.

Đèn sẽ tháo đuôi để thay pin vì phần đầu được gắn keo khóa ren rồi.

Thân của Warrior 3s không quá dày nhưng vẫn đủ cứng cáp và chắc chắn.

Ren vặn được bôi sẵn mỡ đầy đủ nên vặn rất trơn. Ren dạng vuông và được mạ Anodize. Phía dưới có gioăng cao su đảm bảo chống nước IP68.

Tiếp xúc cực âm ở đuôi là lò xo.

Tiếp xúc ở phía đầu đèn được thiết kế đặc biệt bởi viên pin đi kèm có cả cực âm lẫn dương về 1 phía. Với cây Warrior 3S này nếu vặn lỏng đuôi thì vẫn sử dụng được bình thường các chức năng thông qua công tắc ở đầu đèn, thế mới dị!

Hệ thống quang học của Warrior 3S gồm thấu kính TIR và led Luminus SFT70 ánh sáng trắng. Tất nhiên có thêm chi tiết là cái cảm biến tiệm cận.

Về cái cảm biến thì các bạn nên xem video sẽ trực quan nhất, chứ trình bày bằng lời cũng hơi khó hình dung về độ hiệu quả của nó.

Đây thực sự là nâng cấp rất đáng giá so với đời trước là Warrior 3. Không sớm thì muộn cái cảm biến tiệm cận này cũng trở thành tiêu chuẩn an toàn chung của đèn pin siêu sáng.

Hệ thống quang học này cho ra beam sáng tròn xoe, vẫn có vùng sáng tỏa nhưng không rõ ràng như chóa phản xạ. Mình thấy beam sáng kiểu này dùng vẫn khá linh hoạt dù ở tầm gần hay xa.

4. Giao diện sử dụng

Công tắc đuôi của cây này chủ yếu để truy cập nhanh Turbo 2300 Lumens và nháy Strobe. Olight đã thiết kế 2 chế độ sử dụng rõ ràng và có thể chuyển qua lại phù hợp với tình huống sử dụng:

  • Chế độ 1: truy cập Turbo (2300 Lumens) và mức Medium (200 Lumens
  • Chế độ 2: truy cập Turbo (2300 Lumens) và nháy Strobe

Mặc định khi xuất xưởng là đèn sẽ ở chế độ 1.

Lưu ý quan trọng: Công tắc đuôi có 2 vị trí nhấn rõ ràng, nhấn nhẹ với 30% và nhấn mạnh với 90% lực. Lực nhấn khác nhau sẽ cho ra độ sáng khác nhau.

Chế độ 1:

  • Nhấn và giữ công tắc với khoảng 30% lực, đèn sẽ sáng tạm thời ở 200 Lumens
  • Nhấn và giữ công tắc hết hành trình của nó, đèn sẽ sáng tạm thời ở 2300 Lumens
  • Thả tay ra đèn tắt
  • Khi muốn bật đèn sáng cố định ở 1 trong 2 mức sáng trên thì nhấn công tắc với lực tương ứng rồi thả tay ra. Làm tương tự để tắt đèn

Chế độ 2:

  • Nhấn và giữ công tắc với khoảng 30% lực, đèn sẽ sáng tạm thời ở 2300 Lumens
  • Nhấn và giữ côn tắc hết hành trình của nó, đèn sẽ sáng tạm thời ở chế độ nháy Strobe
  • Thả tay ra đèn tắt

Ở chế độ 2 đèn chỉ sáng tạm thời nếu nhấn công tắc đuôi, không có chế độ sáng cố định.

Cách chuyển đèn qua lại giữa chế độ 1 và 2:

  • Khi đèn đang tắt, nhấn và giữ công tắc đuôi, đồng thời dùng tay còn lại nhấn 1 lần vào công tắc chức năng ở đầu đèn.

Nếu công tắc đuôi dành cho những hoạt động cần phản ứng nhanh, truy cập tức thời độ sáng cao hoặc nháy Strobe thì công tắc chức năng ở đầu đèn dành cho những hoạt động chiếu sáng thông thường.

Khi đèn đang tắt:

  • Nhấn 1 lần để truy cập mức sáng cuối cùng sử dụng (trừ Moonlight, Turbo và Strobe)
  • Nhấn và giữ để kích hoạt moonlight 1 Lumens
  • Nhấn nhanh 2 lần để kích hoạt Turbo
  • Nhấn nhanh 3 lần để kích hoạt nháy Strobe

Khi đèn đang bật:

  • Nhấn 1 lần để tắt đèn
  • Nhấn và giữ để chuyển qua lại 3 mức sáng: Low – Medium – High
  • Nhấn nhanh 2 lần để kích hoạt Turbo
  • Nhấn nhanh 3 lần để kích hoạt nháy Strobe

Chế độ khóa lock-out:

Chế độ này nhằm tránh cho đèn bị kích hoạt vô ý trong trường hợp công tắc bị vật gì đó đè lên.

  • Khi đèn đang tắt, nhấn và giữ công tắc chức năng khoảng 3s là đèn sẽ vào chế độ khóa. Làm tương tự để mở khóa.

Nếu cảm thấy hướng dẫn này vẫn chưa đủ dễ hiểu thì bạn có thể xem video review nhé:

5. Khả năng chiếu sáng

5.1. Trong nhà

2300 Lumens

800 Lumens

200 Lumens

15 Lumens

Moonlight 1 Lumens thì phù hợp để dùng ở khoảng cách siêu gần ~ 1, 2 mét.

5.2. Ngoài trời

2300 Lumens. Ánh sáng từ hệ thống quang học này cho sự cân bằng tốt giữa chiếu xa và rộng để nhìn bao quát. Tầm chiếu sáng hiệu quả của Warrior 3S lên tới 150 – 170 mét.

800 Lumens.

200 Lumens.

2300 Lumens.

2300 Lumens.

800 Lumens.

=> Trừ những tình huống đặc biệt ra thì mình thấy 800 Lumens là đủ dùng ở ngoài trời.

6. Thời lượng sử dụng (runtime)

Mình đo runtime của Warrior 3S ở 2300 và 800 Lumens, đây là kết quả, cũng không khác mấy so với Warrior 3:

  • Turbo 2300 Lumens (đường màu xanh): 2300 Lumens duy trì chưa đầy 1 phút trước khi hạ xuống ~ 760 Lumens và một mạch cho tới khi pin yếu dần. Tổng runtime đạt 181 phút ~ 3 tiếng
  • High 800 Lumens (đường màu cam): cây đèn chạy một mạch ở độ sáng này cho tới khi hết pin. Tổng runtime đạt 179 phút ~ 3 tiếng.

=> Kết quả cho thấy Olight Warrior 3s được thiết kế tối ưu để hoạt động liên tục ở khoảng 800 Lumens đổ xuống.

7. Tổng kết

Nhìn chung Olight Warrior 3S vẫn mang đủ các ưu điểm vốn có từ Warrior 3 như thiết kế đẹp, tối ưu, giao diện sử dụng cực thông minh, khả năng chiếu sáng tốt trong khoảng ~ 150 mét đổ lại và duy trì 800 Lumens tới gần 3 tiếng liên tục!

Quan trọng nhất là bản 3S đã an toàn hơn rất nhiều, hạn chế tối đa những tai nạn không đáng có do cây đèn bị vô ý kích hoạt khi để trong túi hay balo, hành lý.

Những điểm mình chưa thích:

  • Nhiệt màu ánh sáng quá trắng
  • Không có vị trí để xỏ dây đeo tay
  • Sử dụng pin thiết kế quá đặc biệt
  • Đi chơi xa phải mang theo sợi cáp nam châm nếu muốn sạc pin