Review Olight Prowess: cây đèn sẽ thay đổi cuộc chơi!

0
529

Prowess là thiết kế đèn pin mới của Olight với sự kết hợp của đèn chiếu sáng truyền thống và đèn chiếu tỏa cho các hoạt động tầm gần. Ý tưởng này không hề mới nhưng Olight đã đưa nó lên một tầm cao mới với độ hoàn thiện và tính năng rất tuyệt vời.

Mọi tinh hoa trong công nghệ của Olight đều có trên Prowess, từ giao diện sử dụng thông minh, pin sạc 21700 dung lượng cao và sạc nam châm. Hệ thống đèn chiếu tỏa 800 Lumens cho phép Prowess dùng như đèn cắm trại. Đèn chính 5000 Lumens thì đủ sức cân mọi nhu cầu chiếu sáng cường độ cao ngoài trời, chỉ có điều chiếu xa sẽ không phải là thế mạnh.

> Olight Prowess có giá bán 3.680.000đ tại Bisu với chế độ bảo hành 5 năm <

Tặng bạn đọc của Blogdenpin Code giảm giá 10% khi mua hàng tại website Bisu.vn: PRO9CTAGWESS


Danh mục sản phẩm:

  1. Video
  2. Thông số kĩ thuật
  3. Mở hộp và phụ kiện
  4. Kích thước
  5. Thiết kế và tính năng
  6. Chất lượng hoàn thiện
  7. Giao diện sử dụng
  8. Khả năng chiếu sáng
  9. Thời lượng hoạt động
  10. Kết luận

1. Video

2. Thông số kĩ thuật

  • Độ sáng: 5000 Lumens
  • Chiếu xa: 245 mét
  • Số mức sáng: 5
  • Nháy Strobe: có
  • Loại pin: Lithium Ion 21700 (5000mAh)
  • Loại sạc: Type-C, nam châm
  • Kích thước: 143 x 49mm
  • Trọng lượng: 269g (tính cả pin)
  • Khả năng chống nước: IP67

Bảo hành 5 năm chính hãng.

Thông số các mức sáng 

Đèn chính (Chiếu xa)
Mức 1 Mức 2 Mức 3 Mức 4  Mức 5 Nháy Strobe
Độ sáng (Lumens) 5000 ~ 1200 Lumens 1200 ~ 300 Lumens 300 Lumens 50 Lumens 5 Lumens Có (13Hz)
Chiếu xa (Mét) 245
Thời gian sáng 3 + 140 phút 150 + 30 phút 10 tiếng 50 tiếng 20 ngày
Đèn phụ (chiếu tỏa rộng)
Mức 1 Mức 2
Độ sáng (Lumens) 800 ~ 600 ~ 400 Lumens 2 Lumens
Thời gian sáng 20 + 135 + 55 phút 20 ngày

 

3. Mở hộp và phụ kiện

Mình luôn đánh giá cao Olight về sự chỉnh và lịch sự trong cách đóng gói sản phẩm. Nếu để ý chút bạn sẽ thấy họ học nhiều phong cách này từ hãng công nghệ Apple.

Mặt trước.

Mặt sau.

Bên trong hộp bao gồm:

Cáp USB-A -> Type-C cùng Dock sạc của Prowess.

Chiếc dock này dùng nguồn Type-C và kết nối với đèn qua nam châm.

Bao đựng cùng phụ kiện để gắn lên các mặt phẳng hoặc tường.

Kiểu như này.

Chiếc bao đựng rất xịn với chất liệu nhựa cứng, có khả năng tháo/lắp nhanh và đi kèm Clip cài thắt lưng tiện lợi. Có một lưu ý nhỏ là hãy hướng phần công tắc ra ngoài khi lắp đèn vào bao.

Phần đáy được làm hở để có thể sử dụng sạc nam châm.

4. Kích thước

Olight Prowess mang kích thước vừa đủ gọn so với một cây đèn chạy pin 21700. Đầu đèn đường kính 5cm và chiều dài thân ~ 14cm khiến mình không thoải mái lắm khi bỏ túi quần Jeans nhưng túi áo khoác hay 1 ngăn nhỏ trong balo thì không thành vấn đề.

Trọng lượng cả pin là 270g.

Từ trái qua: Fenix TK20R V2, Olight Prowess, Fenix PD36R V2, Fenix HT32

So sánh kích thước với vài mẫu đèn cầm tay khác.

5. Thiết kế và tính năng

Thoạt nhìn thì Olight Prowess mang thiết kế điển hình của đèn pin trong tiềm thức của bao người với đầu đèn to, thân nhỏ và thuôn, công tắc đặt ngang thân. Nhưng tin mình đi, nếu nhìn kĩ chút thì không có điểm nào bình thường trên cây đèn này cả!

Hệ thống chiếu sáng đa hướng:

Đây là đặc điểm khiến mình khẳng định rằng Prowess có thể là cây đèn cầm tay duy nhất bạn cần cho gần như mọi hoạt động chiếu sáng cơ bản đến phức tạp.

Olight không đề cập rõ loại chip LED nhưng có vẻ là OSRAM P9.

Ở phía trước là hệ thống đèn chính với 6 chip LED hiệu năng cao cho độ sáng khủng 5000 Lumens cùng tầm chiếu xa 245 mét. Có thể thấy rõ ánh sáng của Prowess mang thiên hướng tỏa rộng, bao quát.

5 mức sáng của Olight Prowess

Độ sáng này cùng 5 mức linh hoạt đủ cân > 90% các hoạt động chiếu sáng cường độ cao ngoài trời.

Ngay ở phía dưới 1 chút là hệ thống LED phụ ánh sáng vàng, công suất 800 Lumens và chiếu tỏa rộng 360°. Chức năng này cho phép Prowess có thể dùng làm đèn cắm trại, sinh hoạt và làm việc tầm gần.

800 Lumens của đèn chiếu tỏa trên Olight Prowess.

Ánh sáng cho ra từ đèn này có thể chiếu 1 vùng có đường kính ~ 20 mét đủ cho 3-4 người sinh hoạt.

Ý tưởng thiết kế này không mới thậm trí đã xuất hiện khá lâu trên cả đèn giá rẻ lẫn tầm trung (Sofirn SC03, dòng đèn khủng SR và MS của Imalent,…). Nhưng điểm ăn tiền của Olight Prowess là họ đã tối ưu được rất tốt để hệ thống đèn phụ này nhìn ăn nhập với thiết kế tổng thể, không bị thô kệch hay lộ liễu.

Chưa kể ánh sáng được thiết kế để hướng xuống dưới, hoàn hảo cho làm việc hay đọc sách vì không bị chói mắt như thiết kế đèn Lantern truyền thống.

Hệ thống đèn này có cả chế độ sáng vô cấp từ 2-800 Lumens, tính năng khá hiếm thấy trên đèn của Olight.

Hệ thống công tắc thông minh

Với 2 hệ thống chiếu sáng cùng nhiều chế độ mà Olight vẫn đảm bảo được trải nghiệm sử dụng đơn giản và tốt ưu nhất, tất cả nhờ hệ thống công tắc này. Mình đã trải nghiệm qua hàng trăm cây đèn pin từ đủ các thương hiệu nhưng vẫn chưa thấy hãng nào thiết kế giao diện sử dụng tốt như Olight.

Prowess có công tắc chính dạng nhấn để Bật/Tắt đèn cùng công tắc gạt để chuyển nhanh giữa 2 chế độ (Chiếu gom – tỏa).

Công tắc chính bằng kim loại, có tiết diện lớn và cho cảm giác bấm tốt, rất nhạy. Nó không hề có cảm giác ọp ẹp hay lỏng lẻo.

Ngay chính giữa là 1 đèn LED nhỏ để báo dung lượng pin theo thời gian thực:

  • Xanh lá cây: > 60%
  • Cam: 10 – 60%
  • Đỏ: 5 – 10%
  • Nháy đỏ: > 5%

Pin sạc dung lượng cao

Độ sáng khủng đòi hỏi một viên pin có dung lượng tương xứng. Không ngạc nhiên khi Olight sử dụng pin Lithium 21700 cho Prowess, đem tới sự cân bằng tốt giữa kích thước và hiệu năng.

Mình cũng mong sẽ có một phiên bản nữa sử dụng pin cỡ 18650, lúc này độ sáng sẽ được hạ xuống ~ 2000 Lumens và đèn sẽ nhỏ gọn hơn. Nhưng dù sao để một trải nghiệm sử dụng thoải mái ở ngoài trời thì pin 21700 vẫn là lựa chọn hợp lý.

Viên pin này có dung lượng 5000mAh và được Olight thiết kế đặc biệt với cực âm (-) và dương (+) đặt về cùng 1 phía, nhằm tương thích với sạc nam châm.

Olight có bán lẻ pin này, giá không chênh quá nhiều so với pin 21700 loại tiêu chuẩn của Fenix.

Nâng cấp cơ chế sạc pin

Sạc nam châm từ lâu đã trở thành tính năng biểu tượng của Olight, đến nỗi họ có nguyên một hệ sinh thái cho đèn pin với thiết kế này (Điều này làm mình liên tưởng tới Apple).

Cổng sạc nam châm của Prowess được đặt ở đuôi và có thể dùng để hít rất chặt lên các bề mặt kim loại từ tính.

Tuy nhiên đi kèm trong hộp của cây đèn này sẽ không có dây sạc nam châm mà thay vào đó là dock sạc được thiết kế riêng. Nó cũng kết nối với đuôi đèn qua nam châm nhưng sử dụng nguồn từ cáp Type-C.

Có thể lắp cố định dock sạc vào đuôi đèn và cứ thế sử dụng.

Mình phát hiện ra người dùng hoàn toàn có thể gắn cố định cái dock này vào đuôi đèn mà cứ thế sử dụng bởi chúng hít rất chặt, chỉ có điều sẽ không lắp được vào bao đựng thôi.

Hoặc để cố định tại 1 ví trí trong nhà chuyên để sạc đèn, nhìn thẩm mĩ hơn hẳn một sợi cáp sạc thông thường.

Mình cũng lấy cáp sạc nam châm MCC của Olight Javelot Pro 2 thì thấy hoàn toàn tương thích với Prowess, từ đó có thể rút ra vài kết luận:

  • Dock sạc này giúp người dùng Prowess đỡ phụ thuộc hơn và sợi cáp nam châm chuyên dụng khi đi du lịch dài ngày, bởi nó có thể gắn cố định vào thân đèn và sử dụng.
  • Hoặc có thể dùng dock này ở nhà và mua thêm cáp sạc Olight MCC3 bỏ balo để dự phòng

Dù dùng nguồn Type-C nhưng dock sạc với đuôi đèn vẫn là kết nối không dây nên tốc độ chỉ đạt ~ 8W, thực tế là sẽ mất khoảng ~ 3 tiếng để đầy viên pin 5000mAh.

6. Chất lượng hoàn thiện

Với số tiền không nhỏ bỏ ra cho 1 cây đèn pin thì người dùng hoàn toàn có thể kì vọng chất lượng gia công và hoàn thiện thuộc hạng Top trong thị trường.

Thân đèn với các vân dạng kim cương giúp tăng độ bám khi cầm nắm.

Toàn bộ thân vỏ được gia công từ hợp kim nhôm hàng không A6061-T6 với lớp mạ Anodize giúp tăng độ cứng cho bề mặt, hạn chế trầy xước.

Thân của Prowess khá dày, điều không thường thấy bây giờ bởi các hãng luôn cố gắng tối ưu trọng lượng và giảm chi phí sản xuất.

Ren vặn dạng vuông độ bền cao và các tiếp xúc cực pin đều được mạ vàng nhằm giảm tối đa nội trở.

Cùng soi các chi tiết nhỏ khác được hoàn thiện tinh xảo của Prowess:

7. Giao diện sử dụng

Trước khi đi vào khả năng chiếu sáng thì mình sẽ hướng dẫn qua các bạn cách dùng Olight Prowess.

Đầu tiên hãy chú ý tới vị trí của công tắc gạt:

  • Gạt lên trên -> Đèn chính chiếu xa
  • Gạt xuống dưới -> Đèn phụ chiếu tỏa

Thao tác đèn chính:

  • Nhấn công tắc 1 lần để Bật/Tắt
  • Khi đèn đang bật:
    • Nhấn giữ để chuyển qua lại 3 mức sáng: 50 – 300 – 1200 Lumens
    • Prowess sẽ nhớ mức sáng cuối
  • Khi đèn đang tắt:
    • Nhấn giữ công tắc 1.2s để kích hoạt mức thấp nhất 5 Lumens
  • Khi đèn đang tắt hoặc bật:
    • Nhấn 2 lần để kích hoạt Turbo 5000 Lumens
    • Nhấn 3 lần để kích hoạt nháy Strobe
    • Nhấn 1 lần về lại độ sáng ban đầu

Thao tác đèn phụ:

  • Nhấn công tắc 1 lần để Bật/Tắt
  • Khi đèn đang bật:
    • Nhấn giữ để tăng độ sáng vô cấp tới 800 Lumens
      • Nhấn và giữ tiếp để giảm độ sáng vô cấp xuống 2 Lumens
    • Prowess sẽ nhớ mức sáng cuối
  • Khi đèn đang tắt:
    • Nhấn giữ công tắc 1.2s để kích hoạt mức thấp nhất 2 Lumens
  • Khi đèn đang tắt hoặc bật:
    • Nhấn 2 lần để kích hoạt Turbo 800 Lumens

Khóa an toàn: tránh việc kích hoạt vô ý khi công tắc bị đè, cấn

  • Khi đèn đang tắt: nhấn và giữ công tắc ~ 2s để khóa (đèn công tắc sẽ nháy đỏ)
    • Thao tác tương tự để mở khóa

8. Khả năng chiếu sáng

 

5000 Lumens ở trong nhà.

Ánh sáng rộng và bao quát của Prowess rất ổn để sử dụng ở không gian hẹp, tầm gần.

5000 Lumens.

Và dễ dàng chiếu sáng 1 vùng diện tích rộng ngoài trời tới tầm hiệu quả đạt ~ 100 – 120 mét.

1200 Lumens.

Mức sáng chính của Prowess là từ 1200 Lumens đổ xuống với khả năng duy trì liên tục thời gian dài mà không bị hạ.

300 Lumens.

300 Lumens đủ cho các hoạt động nhẹ nhà như đi dạo.

50 Lumens.

50 Lumens thì hơi yếu để dùng hiệu quả ngoài trời do tỏa khá rộng.

800 Lumens.

Mức sáng 800 Lumens của đèn chiếu rộng, đủ cho 3-4 người sinh hoạt.

800 Lumens trong nhà.

Đặc biệt hiệu quả khi sử dụng trong nhà.

800 Lumens.

Dù độ sáng rất mạnh nhưng hệ thống LED chiếu tỏa này được thiết kế để không gây chói mắt.

9. Thời lượng hoạt động (Runtime)

Mình test thực tế thời lượng hoạt động của Olight Prowess ở 3 mức sáng cao nhất và kết quả khá tốt.

Lưu ý là cây này được trang bị cảm biến nhiệt độ chủ động nên thời gian hoạt động sẽ phụ thuộc nhiều vào nhiệt độ môi trường. Ví dụ nhiệt độ môi trường cao -> Đèn nhanh hạ xuống độ sáng thấp -> Sáng được lâu hơn (và ngược lại).

Đèn chính

  • Mức Turbo 5000 Lumens (màu xanh): duy trì được ~ 1 phút trước khi hạ xuống 1200 Lumens và sáng tới khi hết pin. Tổng runtime đạt 141 phút ~ 2.35 tiếng.
  • Mức High 1200 Lumens (màu cam): duy trì ổn định 1 mạch tới khi hết pin được 152 phút ~ 2.53 tiếng.

Đèn phụ

  • Mức Turbo 800 Lumens (màu xám): duy trì ổn định từ lúc bật được 108 phút trước khi hạ xuống ~ 400 Lumens và sáng tiếp ~ 60 phút trước khi hết pin. Tổng runtime đạt 172 phút ~ 2.9 tiếng.

10. Kết luận

Olight Prowess quả thật là cây đèn có thể thay đổi cục diện cuộc chơi đèn đóm từ trước đến giờ:

  • Bạn là người mới có ngân sách dư giả khoảng 4 triệu → Prowess sẽ là cây đèn duy nhất bạn cần cho 90% các hoạt động chiếu sáng cơ bản đến nâng cao, đặc biệt dùng nhiều tới ánh sáng tỏa rộng.
  • Bạn chơi đèn pin lâu năm và có nhiều trải nghiệm → Prowess sẽ đem lại những trải nghiệm mới mẻ và toàn diện nhờ thiết kế được tối ưu quá tốt của nó.

Olight làm hệ thống đèn chiếu tỏa rất tốt cả về chất lượng ánh sáng, hiệu năng lẫn sự cân nhắc tới việc không làm chói mắt người dùng ngay cả ở độ sáng cao nhất → đáng ghi nhận về sự chu đáo.

Giao diện sử dụng đơn giản nhưng rất thông minh, các hãng nên tích cực học tập.

Sạc nam châm đem tới sự thảnh thơi và nhẹ đầu khi sử dụng, cũng như đảm bảo kín nước tuyệt đối. Tốc độ không phải quá nhanh nhưng chấp nhận được, đáng đánh đổi lấy sự tiện lợi.

Olight Prowess sẽ không phù hợp với ai:

  • Người cần khả năng chiếu xa tốt > 300 mét
  • Có sẵn nhiều pin 21700 loại thường mà muốn tận dụng.