Sau thành công lớn của mẫu đèn pin EDC ARKFELD, Olight tiếp tục tung ra phiên bản ARKFELD Pro với nhiều nâng cấp mới về sức mạnh và tính năng.
Đèn pin Olight ARKFELD Pro có dung lượng pin được tăng thêm 42.9% (1500mAh) so với bản cũ, nâng độ sáng lên 1300 Lumens và tích hợp đèn LASER ánh sáng xanh lẫn đèn UV tất cả trong 1.
Có thể nói ARKFELD Pro xứng đáng là siêu đèn pin EDC đáp ứng mọi nhu cầu chiếu sáng hỗn hợp từ trong nhà ra ngoài trời, cũng như những hoạt động chuyên biệt cần tới đèn Laser và UV.
Olight trang bị cho cây đèn cổng sạc nam châm danh tiếng của hãng cùng hệ thống công tắc thông minh, đem lại trải nghiệm sử dụng thân thiện và tiện lợi hơn bao giờ hết!
> Olight ARKFELD Pro có giá bán 2.720.000đ tại EDCZone với chế độ bảo hành 2 năm chính hãng <
Mục lục bài viết:
- Video
- Thông số kĩ thuật
- Mở hộp và phụ kiện
- Kích thước tổng thể
- Thiết kế tổng thể
- Dung lượng pin và thời gian sử dụng
- Giao diện sử dụng
- Khả năng chiếu sáng
- Tổng kết
1. Video
2. Thông số kĩ thuật
- Độ sáng: 1300 Lumens
- Chiếu xa: 102 mét
- Số mức sáng: 6
- Nhiệt màu ánh sáng: 5700K – 6700K
- Tích hợp đèn Laser xanh lá cây (Class 3R)
- Tích hợp đèn UV công suất 900mW
- Loại pin: Lithium Polymer 1500mAh
- Loại sạc: cổng nam châm
- Dòng sản phẩm: ARK
- Kích thước: 120 x 27 x 16mm
- Trọng lượng: 111g (cả pin)
- Khả năng chống nước: IPX7
3. Mở hộp và phụ kiện
Vẫn là cách đóng gói quen thuộc của Olight với hộp trắng đẹp và lịch sự.
Vì được tích hợp hết mọi tính năng bên trong nên phụ kiện đi kèm của ARKFELD Pro chỉ có sợi dây sạc nam châm và HDSD.
Cáp sạc nam châm sử dụng nguồn USB 5V thông dụng.
4. Kích thước tổng thể
Để dễ hình dung thì mình đặt ARKFELD bản tiêu chuẩn ở bên cạnh. Thấy rõ là bản Pro to hơn khoảng 22% nhất là về chiều dài, nhưng bù lại thì dung lượng pin được tăng tới 42% (1050mAh vs 1500mAh).
Độ dày thì không chênh nhau mấy (~16 – 17mm).
ARKFELD Pro nặng chỉ ~ 111g đã tính cả pin, rất nhẹ nhàng để bỏ túi quần.
5. Thiết kế tổng thể
Mặc dù to và nặng hơn phiên bản đầu tiên khoảng ~ 22% nhưng Olight ARKFELD Pro vẫn mang một đặc biệt cực kì quan trọng khiến nó trở thành “siêu đèn pin EDC” đó chính là thiết kế dạng thân dẹt.
Thân dẹt với độ dày chỉ 17mm cho phép ARKFELD Pro nằm gọn gàng trong túi quần, áo mà không bị xê dịch như thân ống truyền thống. Bản thân cây đèn cũng đem lại trải nghiệm cầm nắm và thao tác rất tốt dù thân trơn.
Mình thấy thân dẹt sẽ không phù hợp cho những cây đèn có kích thước quá khổ nhưng như ARKFELD thì lại hoàn hảo. Cây đèn đã nhỏ giờ lại càng gọn hơn và đặt trên mặt bàn cũng không bị lăn.
Toàn bộ thân của ARKFELD Pro được gia công từ hợp kim nhôm nguyên khối chứ không phải nhiều mảnh rồi ghép lại, đem tới sự cứng cáp và bền bỉ cho sử dụng lâu dài.
Chất lượng hoàn thiện của các chi tiết nhỏ nhất và lớp mạ đều ở mức xuất sắc, không có khuyết điểm nào.
Mặt sau của ARKFELD Pro là vị trí của nắp pin (người dùng không nên tháo) và clip cài túi 2 chiều được bắt ốc vào thân.
Bạn có thể cài nó lên mũ để dùng như Headlamp khi cần thiết, rất tiện!
Sự nâng cấp đáng tiền nhất của ARKFELD Pro với bản tiêu chuẩn chính là việc tích hợp cả đèn UV và Laser (Green), bên cạnh LED chính ánh sáng trắng.
ARKFELD đời đầu có kích thước quá tối ưu dẫn tới việc người dùng chỉ có 1 trong 2 lựa chọn (Olight chia làm 2 phiên bản):
- LED + Laser
- LED + UV
Thực ra việc tích hợp thêm 1 chức năng nữa (LASER hoặc UV) trong 1 cây đèn nhỏ cỡ này đã là quá tuyệt, nhưng việc tích hợp cả 2 hệ thống đèn trên vào là hoàn toàn có thể, và đó là lí do phiên bản Pro của ARKFELD ra đời, đáp ứng toàn diện được các nhu cầu.
Cận cảnh về hệ thống quang học của ARKFELD Pro, bên trái là LED UV công suất 900mW, ở giữa là Green Laser (5mW) và ngoài cùng là LED ánh sáng trắng 1300 Lumens.
Mình sẽ nói rõ hơn về hệ thống quang học này trong phần sau của bài viết.
Đuôi của ARKFELD Pro là nơi đặt cổng sạc nam châm, đảm bảo kín nước và bụi hoàn toàn.
Tất nhiên là có thể dựng đứng được để bật hắt trần khi cần thiết. Đây là tính năng tương đối quan trọng của đèn pin EDC nói chung.
Hoặc bạn có thể hít cây đèn lên các bề mặt kim loại có từ tính để chiếu sáng rảnh tay. Anh em dẫn kĩ thuật sẽ rất thích điều này!
ARKFELD Pro vẫn thừa hưởng hệ thống công tắc gạt và nhấn từ phiên bản tiền nhiệm. Công tắc gạt giúp chuyển đổi nhanh giữa 3 chế độ sáng (LED – LASER – UV) còn công tắc nhấn (ở giữa) đảm nhiệm bật/tắt và chuyển các mức sáng.
Sạc nam châm từ lâu đã là thiết kế biểu tượng của Olight khi mà phải đến ~ 80% các mẫu đèn của hãng đều được trang bị. Ưu điểm của sạc nam châm quá rõ ràng:
- Tiện lợi: để gần là đèn với dây sạc tự hít lấy nhau
- Kín nước, bụi tuyệt đối.
Dây sử dụng nguồn sạc USB 5V thông dụng từ pin dự phòng, sạc điện thoại,…
Mình thì hay cắm cố định dây sạc này lại 1 vị trí ở bàn làm việc. Mỗi cuối ngày hoặc khi nào đèn hết pin thì chỉ mất đúng 1 thao tác là đặt cây đèn lại gần để sạc, pin đầy rút nhẹ ra là xong.
Hạn chế của dây sạc nam châm là tốc độ, như ARKFELD Pro đạt ~ 5W và sẽ mất khoảng 2.5 tiếng để đầy pin. Đây là tốc độ chấp nhận được bởi dù sao viên pin bên trong cũng chỉ có dung lượng 1500mAh.
6. Dung lượng pin và thời lượng sử dụng
Đánh đổi lại với sự chênh lệch ~ 22% về kích thước với phiên bản đầu tiên là dung lượng pin được tăng tới 42%, cụ thể:
- Olight ARKFELD đời đầu được tích hợp pin sạc Li-Polymer dung lượng 1050mAh
- Olight ARKFELD Pro có pin dung lượng 500mAh.
Sự khác biệt ~ 450mAh đem lại thời gian sáng tốt hơn hẳn cũng như có thể duy trì liên tục ở độ sáng cao hơn.
Mình đo thử cả 2 cây ở độ sáng cao nhất thì đây là kết quả:
- Olight ARKFELD (đường màu cam): duy trì được ~ 1000 Lumens trong 3 phút trước khi hạ xuống 300 Lumens và sáng tới khi hết pin. Tổng runtime đạt 113 phút.
- Olight ARKFELD Pro (đường màu xanh): duy trì được ~ 1300 Lumens trong 1 phút rồi hạ xuống và sáng ổn định ở 420 Lumens. Tổng runtime đạt 134 phút.
Sau đó mình đo thêm ở mức 420 Lumens của ARKFELD Pro thì đạt 143 phút ~ 2.38 tiếng.
7. Giao diện sử dụng
Với một cây đèn được trang bị tới 3 hệ thống chiếu sáng khác nhau cùng nhiều mức sáng nữa thì việc sử dụng 1 công tắc chính duy nhất sẽ là công thức cho thảm họa!
Olight đã giải quyết vấn đề này rất tài tình bằng cách trang bị thêm 1 công tắc gạt để chuyển qua lại giữa 3 hệ thống đèn. Mình đánh giá đây là giải pháp 10/10 điểm không có khuyết điểm!
Công tắc gạt:
Đơn giản là gạt về 3 vị trí có sẵn để kích hoạt hệ thống đèn tương ứng:
- Ngoài cùng (bên phải): LED sáng trắng
- Ở giữa: LASER (green)
- Bên trái: đèn UV
Công tắc nhấn:
- Chế độ LED (1300 Lumens):
- Nhấn 1 lần để Bật/Tắt đèn
- Khi đèn đang bật, nhấn và giữ để chuyển qua lại 15 – 100 – 420 Lumens (nhớ mức sáng cuối được sử dụng)
- Khi đèn đang tắt, nhấn và giữ 1.2s để kích hoạt mức Moonlight 1 Lumens
- Khi đèn đang tắt hoặc bật:
- Nhấn nhanh công tắc 2 lần -> nháy Strobe.
- Nhấn nhanh công tắc 3 lần -> Turbo 1300 Lumens.
- Chế độ LASER:
- Nhấn 1 lần để Bật/Tắt đèn
- Khi LASER đang bật, nhấn nhanh 2 lần để kích hoạt đồng thời LED chính
- Nhấn và giữ công tắc để chuyển qua lại 15 – 100 – 420 Lumens của LED chính
- Nhấn công tắc 1 lần để tắt toàn bộ
- Chế độ UV:
- Nhấn 1 lần để Bật/Tắt đèn
=> Nhìn chung giao diện sử dụng của Olight ARKFELD Pro đạt 8.5/10 điểm về sự tiện lợi và thông minh, ngay cả người mới sử dụng cũng có thể dễ dàng làm quen. Điểm duy nhất làm mình hơi bối rối là cây này nhấn nhanh 3 lần để lên Turbo và 2 lần để nháy Strobe – điều mà ngược lại so với tất cả đèn pin của Olight trước giờ.
Điều này dẫn tới sẽ mất chút thời gian để làm quen lại ngay cả với người dùng đã có kính nghiệm với hãng này!
8. Khả năng chiếu sáng
-
LED Chính (1300 Lumens)
1300 Lumens trong nhà.
420 Lumens trong nhà.
100 Lumens trong nhà.
15 Lumens trong nhà.
1 Lumens.
1200 Lumens ngoài trời với tầm chiếu xa 102 mét theo thông số.
Ánh sáng của ARKFELD Pro có xu hướng tỏa rộng cho khả năng nhìn bao quát rất tốt. Tầm chiếu hiệu quả của cây này đạt tốt ở ~ 50 mét đổ lại, đủ cho một cây đèn EDC sử dụng trong đô thị.
420 Lumens là độ sáng chính vì có thể duy trì ổn định tới hết pin. Mức này mình dùng cho > 90% các tình huống.
100 Lumens không tệ, đủ để đi dạo hoặc soi tầm gần để sinh hoạt.
Mức này sáng được hơn 9 tiếng liên tục theo thông số.
15 và 1 Lumens thì quá thấp để dùng hiệu quả ngoài trời nên mình không chụp.
So sánh với 1000 Lumens của ARKFELD tiêu chuẩn thì có thể thấy bản Pro sáng và tỏa rộng hơn, nhưng chiếu xa lại tương đương (~ 100 mét).
-
Đèn LASER (GREEN) (5mW)
Olight trang bị cho ARKFELD phiên bản Pro LASER ánh sáng xanh với công suất 5mW, thuộc Class 3R và mạnh gấp 12 lần của bản tiên chuẩn (chỉ 0.39mW).
Laser này có mục đích chính là trình chiếu, giám sát ở công trường,… nhưng việc tăng công suất tỉ lệ thuận với độ nguy hiểm. Nếu như ở bản tiêu chuẩn thì Laser khá yếu và vô hại (thuộc Class 1) thì bản Pro có thể gây tổn thương mắt nếu bị chiếu thẳng vào, vì vậy phải rất cẩn thận!
Ở cùng 1 khoảng cách có thể thấy Laser trên bản Pro mạnh hơn hẳn (bên trái). Ở ngoài trời tầm 50m là Laser của bản tiêu chuẩn đã hơi mờ rồi còn Pro thì vẫn thấy rõ.
-
Đèn UV
ARKFELD Pro là cây đèn có UV mạnh nhất so với kích thước mà mình từng dùng, công suất 900mW.
Ứng dụng của tia UV thì nhiều, nhất là trong tìm kiếm dấu hết, kiểm tra giấy tờ, tiền bạc,…
Cá nhân mình không dùng nhiều tới đèn UV, nhưng nhiều người thì dùng hàng ngày trong công việc và đôi khi cần cả Laser. Đó là lúc ARKFELD Pro phát huy giá trị thực sự!
9. Tổng kết
Những gì là ARKFELD làm được thì ARKFELD Pro sẽ làm tốt hơn vậy. Mình vẫn giữ quan điểm rằng đây là dòng đèn pin EDC rất bá đạo nếu bạn cần sự đơn giản, nhẹ đầu khi sử dụng vì bản thân cây đèn đã được tích hợp hết tất cả những gì cần thiết bên trong.
Dung lượng pin được tăng lên 1500mAh đem lại cho ARKFELD Pro thời gian sử dụng thoải mái hơn nhiều, đặc biệt ở khả năng duy trì độ sáng 420 Lumens trong hơn 2 tiếng liên tục.
Điểm duy nhất mình thấy hơi bối rối ở phiên bản Pro đó là Olight thay đổi một chi tiết trong giao diện sử dụng, cụ thể ở cách kích hoạt nhanh Turbo và nháy Strobe.