Những mẫu đèn pin sáng khủng, chiếu siêu xa hay siêu rộng chỉ chiếm 1 thị phần rất nhỏ, còn lại là dành cho phân khúc đèn pin cỡ nhỏ đến vừa. Chính vì vậy hầu hết các hãng đều rất tập trung vào mảng đèn EDC.
Khoảng tầm tháng 6 năm 2019 Fenix có tung ra E30R (đã có bài Review tại ĐÂY), và nó đã gặt hái được nhiều thành công khi bán rất chạy và được đánh giá cao về nhiều mặt. Tuy nhiên mình cũng như nhiều người chưa thực sự ưng ý với Fenix E30R ở 1 điểm: nó chỉ có duy nhất 1 công tắc ở trên thân.
Công tắc trên thân rất phù hợp với các mẫu đèn cỡ nhỏ đến vừa vì nó tiện thao tác khi đang cầm nắm và giúp đèn đứng được bằng đuôi. Dẫu vậy mình vẫn là fan của đèn có công tắc ở đuôi bởi khả năng thao tác rất nhanh trong mọi tình huống. Fenix hiểu được điều đó, và thế là LD30 ra đời.
Video
Thông số kĩ thuật:
- Sử dụng pin sạc 18650 hoặc 2 pin dùng 1 lần CR123A
- Công suất: 1600 Lumens
- Chiếu xa: 205 mét
- Loại led: Luminus SST-40 hiệu suất cao
- Công tắc kép với công tắc phản ứng nhanh ở đuôi và công tắc phụ trên thân
- Mạch điện tử giúp duy trì độ sáng ổn định
- Tích hợp đèn led cảnh báo pin yếu
- Bảo vệ chống lắp ngược cực
- Clip cài túi 2 chiều tiện lợi
- Làm từ hợp kim nhôm hàng không 6061-T6 cao cấp
- Xử lí mạ bề mặt Anodized HA type III siêu cứng
- Kích thước: 109 x 25.4 x 21.5 (chiều dài x đường kính đầu x đường kính thân)
- Trọng lượng: 59g (chưa pin)
Đánh giá nhanh
Đây sẽ là 1 bài đánh giá ngắn thôi vì căn bản LD30 với E30R giống nhau đến 90% về mặt thiết kết. Các điểm khác biệt mấu chốt như là:
LD30 trang bị công tắc ở đuôi nên dài hơn E30R một chút, nó cũng mất khả năng đứng được bằng đuôi.
LD30 bỏ đi cổng sạc nam châm ở trên thân như E30R, đồng nghĩa với việc phải sử dụng sạc pin rời. Việc thay đổi từ công tắc thân thành công tắc đuôi kéo theo phải thay đổi cả mạch driver, có lẽ vì lí do nào đó nên Fenix quyết định không làm sạc nam châm để tránh làm phức tạp phần điện tử của đèn.
Clip cài túi của E30R là loại 1 chiều, nhìn khá thôi và mất cân đối với thân đèn.
LD30 đã được cả tiến với Clip cài 2 chiều, rất gọn gàng và hữu dụng hơn nhiều. Bây giờ bạn đã có thể cài đèn lên mũ lưỡi chai để dùng như 1 cây headlamp.
Đó là những điểm khác biệt căn bản, còn lại các thông số về khả năng chiếu sáng vẫn y nguyên như E30R.
Tùy kích thước dài hơn E30R một chút nhưng LD30 vẫn rất gọn gàng và lí tưởng để mang theo sử dụng hàng ngày. Thân đèn dài khoảng hơn 10cm 1 xíu, giúp nó nằm gọn trong lòng bàn tay.
Cái công tắc đuôi dùng rất là đã, thao tác nhanh gọn, vừa tay. Công tắc cơ của Fenix luôn tốt, chúng không quá mềm cũng không quá cứng, nói chung là ổn.
Cái công tắc đuôi này phụ trách việc bật/tắt đèn cố định hoặc tạm thời (nhấn giữ với 30% lực). Lợi thế của công tắc đuôi là thao tác rất nhanh trong mọi tình huống, vừa rút đèn ra khỏi túi là bật được ngay.
Công tắc phụ trên thân để điều chỉnh các mức sáng. Khi đèn đang bật, nhấn công tắc này 1 lần để chuyển qua lại giữa: 30 – 150 – 350 – 800 – 1600 Lumens. Đèn sẽ nhớ mức sáng cuối cùng được sử dụng.
Để truy cập nháy Strobe, nhấn giữ công tắc này 1.2s, nhấn 1 lần để chuyển qua nháy SOS, nhấn giữ 1.2s để trở về chế độ sáng trước đó.
Giao diện sử dụng này đã quá quen thuộc với đại đa số các mẫu đèn của Fenix như PD35, PD32, UC35, PD36R,…
Nhìn chung giao diện này có ưu điểm là dễ sử dụng, còn nhược là không cho phép truy cập nhanh các mức sáng như Eco, Turbo hay Strobe (ở khoản này thua xa Olight).
Ở công tắc phụ được trang bị đèn báo pin, đèn xanh là pin đầy, đỏ là gần cạn.
LD30 vẫn sử dụng thấu kính TIR được Fenix thiết kế riêng + Led Luminus SST-40. Combo này cho ánh sáng rất cân bằng, tỏa đều và chiếu xa theo thông số là khoảng 200 mét.
Chất lượng gia công vẫn xuất sắc như mọi khi.
Test nhanh khả năng chiếu sáng
Cả 3 tấm đều ở chế độ Turbo 1600 Lumens, vì Beamshot của LD30 giống hệt E30R nên các bạn có thể xem thêm ở bài Review E30R.
Nhiệt độ và Runtime cũng y vậy.
Với thân đèn nhỏ như này thì 1600 Lumens dùng liên tục là rất nóng, còn mức 800 Lumens đổ xuống chạy rất ổn định và mát mẻ. Như trong nhà mình dùng 150 Lumens là đã quá đủ, ngoài trời thì 350 Lumens là chủ yếu, có việc cần lắm mới nhảy lên cao hơn.
Tổng kết
Mình khá hài lòng với cây LD30 này, ngoại trừ cái giao diện sử dụng chưa thực sự hoàn hảo ra thì không có gì nhiều để chê về LD30. Cây này nhỏ thật sự, bỏ túi mang theo hàng ngày không cảm thấy gì nhưng ra tới cửa mà không mang nó là thấy thiếu thiếu ngay.
Đợt Fenix E30R ra mắt còn lăn tăn mãi vụ công tắc nên chưa quất, đến khi có LD30 thì quất luôn không đắn đo nhiều. Dự là nó sẽ phục vụ mình trong thời gian dài sắp tới.
LD30 đang được Bisu Jsc phân phối chính hãng với 2 lựa chọn:
- Không kèm pin, giá là 1.620.000đ
- Kèm 1 pin sạc 18650 dung lượng 3500mAh, có cổng sạc Micro USB của Fenix, giá là 1.980.000đ
Mua trong các dịp khuyến mãi thì giá sẽ êm hơn.
Review đèn pin Fenix E30R – (1600 Lumens, 1 x 18650, sạc nam châm)