Review đèn pin Rovyvon S3: thiết kế độc đáo, sáng 1800 Lumens

0
1738

Rovyvon S3 thuộc phân khúc đèn pin EDC kích thước nhỏ. Nó dùng 1 pin sạc 16340 mà đạt độ sáng khủng tới 1800 Lumens, đây là điều rất ít mẫu đèn pin thương mại nào hiện nay làm được. Ngoài độ sáng khủng thì cây đèn này cũng có thiết kế rất độc đáo đậm chất Rovyvon. Mình đã sử dụng cây S3 này được 2 tuần và gửi đến mọi người bài review chi tiết về em nó.

Rovyvon là thương hiệu đèn pin cao cấp nên sản phẩm của hãng có giá bán khá cao nhưng tương xứng với chất lượng. Hiện S3 đang có giá bán 1.820.000đ tại EDCZone.

1. Video Review

2. Thông số kĩ thuật

  • Trang bị 3 led Cree XP-G3, độ sáng cực đại 1800 Lumnes
  • Sử dụng thấu kính LEDiL từ Phần Lan
  • Pin sạc 16340
  • Thời lượng sáng tối đa 22 tiếng ở độ sáng thấp
  • Pin sạc tích hợp
  • Cổng sạc Type-C
  • Clip cài túi thiết kế mới với ốc 1/4 gắn chân tripod
  • Kích thước: 69.6 x 24.8mm
  • Trọng lượng: 81g (cả pin)
  • Chống nước IPX7

*Lưu ý: Rovyvon S3 có 2 phiên bản: sử dụng led Nichia độ sáng 1200 Lumens và một phiên bản dùng led Cree XP-G3 độ sáng 1800 Lumens. Trong bài review sử dụng phiên bản dùng led Cree.

3. Đánh giá chi tiết

Hộp của cây S3 này làm khá đẹp nhưng bị móp hết trong quá trình vận chuyển. Từ ngoài hộp có thể nhìn rõ đèn ở bên trong luôn.

Mặt sau có bảng runtime cùng vài thông số kĩ thuật nhưng không thấy ghi kích thước gì cả, làm mình phải lên web tìm.

Phụ kiện đi kèm cực kì đầy đủ và chu đáo:

  • 1 viên pin sạc 16340 dung lượng 650mAh
  • 1 cáp sạc Type-C
  • 1 dây đeo tay
  • 1 gioăng cao su dự phòng
  • 1 nắp đậy công tắc dự phòng

Cáp sạc nhìn dày dặn, hoàn thiện tốt và có thể dùng cho nhiều thiết bị khác.

Cho cả nắp đậy cổng sạc sơ cua thì đúng là chu đáo quá mức rồi.

Viên pin sạc 16340 đi kèm có dung lượng 650mAh và dòng xả cao để kéo được 1800 Lumens.

Pin đầu lồi và có mạch bảo vệ.

Cây Rovyvon S3 này có kích thước rất gọn gàng, cầm nắm và bỏ túi đều tốt.

Nằm gọn trong lòng bàn tay.

Trọng lượng cả pin là 81g.

Cây đèn này mang một thiết kế nhìn rất hiện đại và cho cảm giác gì đó từ tương lai. Gần như mọi chi tiết đều bằng kim loại: vỏ đèn bằng nhôm, clip cài túi và công tắc bằng thép, vòng bezel đầu đèn cũng bằng thép luôn.

Mình rất thích thiết kế này, nhìn nó đơn giản nhưng không đụng hàng.

Chất lượng hoàn thiện của Rovyvon nói chung đều rất tốt và S3 cũng không phải ngoại lệ. Đặc biệt là lớp mạ hơi sần chứ không bóng như nhiều hãng khác.

Các chi tiết nhỏ đều được gia công cẩn thận, chính xác.

Rovyvon S3 tháo đuôi để thay pin còn đầu và thân là liền một khối.

Vỏ cây này dày khủng khiếp luôn nhưng có chỗ lại rất mỏng, tức là viên pin sẽ không nằm ở vị trí trung tâm của cây đèn.

Lý do Rovyvon làm như này theo mình đoán là để trang bị cái cực tiếp xúc nhỏ bằng đồng kia. Cái chấu đấy tuy nhỏ nhưng tối ưu hóa khả năng dẫn điện cực tốt, giảm nội trở và tăng hiệu suất của đèn.

Thiết kế này mình đã thấy trên cây Malkoff MD2 rồi.

Chấu nhỏ bằng đồng đấy là dạng lò xo. Nó sẽ tiếp xúc với cái vòng bằng đồng này ở đuôi đèn.

Tiếp xúc cực dương ở đầu đèn cũng là dạng lò xo, điều này có nghĩa Rovyvon S3 hoàn toàn dùng được pin đầu phẳng.

Ren vặn dạng vuông rất sạch sẽ. Phần ren này cũng có tác dụng để dẫn điện nên họ không mạ Anodize. Ở phía dưới có gioăng cao su để đảm bảo chống nước chuẩn IPX7.

Một điểm rất thú vị trên cây S3 chính là clip cài túi. Nhìn qua có vẻ bình thường nhưng nếu nhìn kĩ bạn sẽ thấy có một lỗ để gắn ốc 1/4 lên các chân tripod máy ảnh. Đây là lần đầu tiên mình thấy một cây đèn bé như này mà lại được trang bị lỗ gắn gốc 1/4. Bởi vì thường chỉ có những cây đèn kích cỡ khủng dùng 3-4 pin thì mới có thiết kế này.

Cái lỗ gắn ốc này tinh tế ở chỗ nó được làm trên clip cài chứ không ảnh hưởng gì tới thiết kế tổng thể của cây đèn. Không thích có thể tháo ra trong một nốt nhạc.

Sau một thời gian sử dụng mình thấy thiết kế này lợi hại cực kì. Chỉ cần gắn cây đèn lên chân tripod là chúng ta có thể cố định nó theo nhiều hướng để chiếu sáng.

Rất tiện lợi cho nhiều mục đích sử dụng như kiểu sữa chữa xe cộ, đọc sách hay đi cắm trại.

Đuôi đèn là nơi đặt cổng sạc Type-C và một viên bi tròn tròn ít ai để ý nó là cái gì.

Thực ra đây là một viên bi ceramic để phá kính. Có thể là kính cửa của xe hơi để thoát hiểm khi khẩn cấp.

Hiệu quả của viên bi này thì chưa rõ nhưng trước mắt tôi đã thấy nó ảnh hưởng đến khả năng đứng đuôi của đèn rồi.

Cổng sạc Type-C được đậy bằng một nắp cao su và theo tôi biết thì Rovyvon không thiết kế cổng sạc chống nước 2 lớp như Fenix nên khi dùng xong hãy nhớ đậy kín nắp lại.

Bạn có thể sạc cho đèn cho các nguồn USB 5V như sạc dự phòng, sạc điện thoại,…

Dòng sạc tối đa đạt 1A, tức là chỉ mất khoảng 1 tiếng để đầy viên pin dung lượng 650mAh.

Bên cạnh cổng sạc có đèn báo pin sẽ sáng đỏ khi đang sạc và chuyển xanh khi pin đầy.

Rovyvon S3 được điều khiển qua một công tắc chính bằng thép không gỉ. Ngay giữa công tắc cũng có một đèn led báo pin và nó chỉ sáng đỏ khi pin gần cạn thôi.

Công tắc cho cảm giác bấm tốt, rất cứng cáp chứ không bị ọp ẹp.

Viền thép xung quanh công tắc được làm cao lên để tránh bị cấn gây kích hoạt tạm thời. Mình thấy nó cũng không ảnh hưởng gì tới trải nghiệm sử dụng lắm.

Và cuối cùng là hệ thống quang học rất độc đáo với 3 bóng leds Cree XP-G3 cho độ sáng cực đại 1800 Lumens. Sử dụng tới 3 leds thay vì 1 cũng là lý do giúp Rovyvon S3 đạt độ sáng cực đại cao tới vậy.

Từ trước đến nay việc sử dụng nhiều bóng led luôn là giải pháp rất hay giúp đèn pin đạt hiệu suất tốt hơn. Mỗi bóng led gánh 600 Lumens sẽ tốt hơn nhiều so với việc một bóng phải gồng mình gánh 1800 Lumens đúng không?

Thấu kính TIR mà Rovyvon sử dụng cho S3 là của hãng LEDil nổi tiếng đến từ Phần Lan. Hãng này chuyên về hệ thống thấu kính cho các thiết bị chiếu sáng như đèn pin, đèn đường, sân vận động,…

Về cơ bản thấu kính TIR cho hiệu suất truyền dẫn ánh sáng rất cao tới 98-99%. Như trên cây S3 này ánh sáng cho ra sẽ tỏa rất rộng và mịn.

Tuy nhiên màu của con Led Cree XP-G3 hơi trắng quá và hơi ngả xanh khi sử dụng trong nhà. Mới đầu dùng mình thấy hơi khó chịu nhưng sau khoảng 1 tuần thì mắt cũng quen dần.

Trước khi đi sâu vào khả năng chiếu sáng của đèn thì mình sẽ nói qua về:

4. Giao diện sử dụng

Từ trước đến giờ mình luôn đánh giá cao Rovyvon về phần giao diện sử dụng. Từ dòng đèn mini Aurora cho tới cây S3 này đều có giao diện sử dụng thông minh và khá tiện. Nó hơi phức tạp một chút so với Fenix hay Olight nhưng dùng quen rồi thì thấy rất ok.

Cách sử dụng của Rovyvon S3 như sau:

Khi đèn đang tắt:

  • Nhấn và giữ công tắc: kích hoạt tạm thời độ sáng 1800 Lumens, thả tay ra là đèn tắt
  • Nhấn công tắc 1 lần: đèn bật ở chế độ sáng thấp 8 Lumens, nhấn giữ công tắc 0.3s để tắt đèn
  • Nhấn nhanh công tắc 2 lần: đèn bật ở chế độ sáng cuối cùng được sử dụng, nhấn công tắc 1 lần để chuyển qua lại các chế độ sáng, nhấn giữ 0.3s để tắt
  • Nhấn nhanh công tắc 3 lần: kích hoạt nháy Strobe, nhấn 1 lần để chuyển qua nháy SOS, nhấn giữ 0.3s để tắt

Nếu thấy vẫn khó hình dung thì các bạn xem video cho dễ hiểu nhé:

 

Vậy là Rovyvon S3 có khả năng kích hoạt nhanh chế độ sáng thấp và Turbo mà không phải chuyển qua lại các chế độ khác. Đây là điểm mình đánh giá rất cao ở một cây đèn pin EDC vì sẽ có những tình huống các bạn chỉ cần dùng độ sáng rất thấp thôi. Còn khi khẩn cấp thì chỉ với một thao tác là đã kích hoạt ngay được 1800 Lumens.

Thế nhưng cây S3 này cũng có một khuyết điểm khá lớn là đèn không hề có chức năng khóa an toàn, cả vật lý lẫn điện tử. Với đèn pin thông thường thì mình xoáy lỏng đuôi ra một chút là khóa được rồi, tránh đèn kích hoạt vô ý. Nhưng S3 sử dụng kiểu tiếp xúc quá đặc biệt nên có vặn lỏng gần hết đuôi ra đèn vẫn bật bình thường. Và ngay trong giao diện sử dụng nó cũng không có chế độ khóa nào.

Đây là một điểm thiếu xót lớn vì với kiểu nhấn giữ để kích hoạt 1800 Lumens thì cây đèn rất dễ gây cháy quần nếu công tắc bị đè cấn lên khi bỏ trong túi. Dù Rovyvon cũng thiết kế công tắc để khó bị cấn như vậy nhưng mình nghĩ vẫn nên có chế độ khóa để an toàn.

5. Khả năng chiếu sáng

5.1 Trong nhà

1800 Lumens

500 Lumens

100 Lumens

8 Lumens

5.2 Ngoài trời

1800 Lumens, ánh sáng tỏa siêu rộng

500 Lumens

100 Lumens đủ đi dạo loanh quanh

8 Lumens thì bật ngoài trời cũng như không.

Rõ ràng chiếu xa không phải là lợi thế của Rovyvon S3. Nó chiếu hiệu quả trong khoảng 3-40 mét đổ lại.

Còn ở tầm gần thì đúng là quái vật.

6. Runtime

Mình đo runtime của S3 ở 1800 và 500 Lumens.

  • Đường màu xanh (1800 Lumens): mức Turbo hạ rất nhanh chỉ trong chưa đầy 1 phút chứ không được 3 phút như quảng cáo. Nó hạ xuống ~ 550 Lumens rồi sáng ổn định trong 46 phút. Tổng runtime đạt 52 phút.
  • Đường màu cam (500 Lumens): mặc dù dựa vào kết quả bên trên thì Rovyvon S3 có thể duy trì tốt ở ~ 500 Lumens tới khi hết pin nhưng nhà sản xuất vẫn lập trình cho cây này hạ xuống ~ 300 Lumens để đạt runtime tối ưu. Tổng runtime đạt 119 phút ~ 2 tiếng.

Vì mức Turbo của đèn hạ rất nhanh nên nhiệt độ đo sau 15 phút vẫn ở 35°C và không đổi nhiều.

Mức High 500 Lumens cũng vậy, bật mãi cũng chỉ ở 37.6°C.

7. Tổng kết

  • Thiết kế: 8.5/10

Mình rất ưng cái lỗ gắn ốc 1/4 của cây này, cực kì tiện

  • Giao diện sử dụng: 8/10

Đèn cần được bổ sung chế độ khóa an toàn

  • Khả năng chiếu sáng: 9/10

Nếu bỏ qua nhiệt màu thì ánh sáng cây này gần như hoàn hảo

  • Runtime: 8.5/10

Khá ngon so với mặt bằng chung của đèn chạy pin 16340

Tóm lại đây là một cây đèn pin EDC thú vị và đáng dùng, đặc biệt với những ai thích sự mới mẻ và thiết kế độc đáo, hiện đại.