Review đèn pin móc khóa Olight I1R 2 Pro: sáng 180 Lumens, pin 130mAh, sạc type-C

0
1456

Mình vừa nhận cây đèn móc khóa I1R 2 Pro mới tinh của Olight nên sau vài ngày sử dụng phải chia sẻ mấy dòng. Cây này là bản nâng cấp của I1R 2 EOS với thân to hơn để dùng pin dung lượng cao, sáng hơn vài chục Lumens và sử dụng cổng sạc Type-C.

Olight I1R 2 Pro có giá bán 520.000đ tại EDCZone. Trong khi đó phiên bản I1R 2 OES có giá 410.000đ.

1. Video 

2. Thông số kĩ thuật

  • Độ sáng: 180 Lumens
  • Chiếu xa: 48 mét
  • Loại led: CSP
  • Số mức sáng: 2
  • Loại pin: Lithium ion dung lượng 130mAh
  • Loại sạc: type-C
  • Dòng sản phẩm: I (đèn pin EDC)
  • Kích thước: 51.3 x 16.2mm
  • Trọng lượng: 22g (cả pin)
  • Khả năng chống nước: IPX8
Các mức sáng
Mức 1 (lumens) 180
Run-time mức 1 23minutes
Mức 2 (lumens) 5
Run-time mức 2 12h
Strobe

 

3. Đánh giá chi tiết

Phong cách đóng hộp lịch sự và tối giản của Olight.

Mặt sau in đầy đủ các thông số của đèn.

Trong mô thả thì Olight có ghi là đèn sử dụng bóng led CSP, nghe rất lạ nên mình có đi tìm hiểu.

CSP là viết tắt của cụm từ “Chip Scale Package” tức chỉ những con led được chế tạo theo công nghệ mới cho kích thước siêu nhỏ mà vẫn giữ được công suất thậm chí sáng mạnh hơn các con led cùng phân khúc.

Đây là công nghệ không quá mới và rất phù hợp để áp dụng trên các mẫu đèn pin có kích thước bé như này.

Cây đèn nằm gọn gàng bên trong, mặt sau đựng phụ kiện và giấy tờ.

Gọi phụ kiện cho oai chứ đi kèm chỉ có 1 sợi cáp sạc Type-C và HDSD. Pin sạc đã được tích hợp trong thân đèn và không tháo ra được.

Olight đã học được bài học xương máu từ Fenix UC02 với thiết kế pin có thể tháo rời. Đại loại là với đèn pin nhỏ cỡ này thì những viên pin sạc có thể tháo rời vô cùng không ổn định. Chúng rất dễ hỏng như kiểu để vài hôm không dùng là tự cạn sạch. Đó cũng là lí do UC02 là một thất bại khá đau của Fenix khi tỉ lệ bảo hành cực kì cao.

Từ sau đó cả Fenix, Olight lẫn các hãng khác đều chỉ sử dụng pin gắn liền trong thân cho đèn móc khóa cỡ nhỏ và chúng đã hoạt động cực kì ổn định.

Sợi cáp sạc hơi ngắn nhưng chất lượng tốt, có thể dùng cho các thiết bị khác ngon lành.

Cây đèn bé tí, thiết kế đơn giản mà cực kì đẹp.

So sánh kích thước với Olight I1R 2 OES (bên phải). Bản Pro to hơn thấy rõ do dùng pin dung lượng cao gần gấp đôi (130mAh so với 70mAh).

Thân của I1R 2 Pro cũng dày dặn hơn.

Trọng lượng cả pin của Olight I1R 2 Pro là 22g.

Trong khi I1R 2 EOS nhẹ hơn gần 10g.

Đấy là so sánh tương quan giữa 2 cây thôi chứ bản thân I1R 2 Pro cũng rất bé, chỉ bằng ngón tay cái. Trọng lượng nhẹ tênh khiến nó hoàn hảo để treo vào chùm chìa khóa hoặc đeo ở cổ.

Đứng cạnh viên pin AAA.

Đèn có kích thước bé nhưng chất lượng hoàn thiện rất sắc nét. Mình nói điều này bởi đèn càng nhỏ thì càng khó gia công và yêu cầu phải dùng tới máy móc xịn.

Nhưng các hãng giá rẻ mà làm đèn cỡ này thì các bạn sẽ thấy các chi tiết nhỏ làm không được nét, có phần thô. Thân đèn nếu tháo được thì sẽ có tình trạng độ dày không đồng đều, kiểu vậy.

Các rãnh trên thân đèn cầm vào rất mịn, không bị sắc cạnh.

Đuôi đèn có một chấu nhô lên để gắn móc đeo dây hay chìa khóa.

Nhưng mà vẫn đứng đuôi được mới ghê, mặc dù hơi nghiêng ngả.

Vặn đầu đèn ngược chiều kim đồng hồ sẽ để lộ cổng sạc Type-C, đây là một nâng cấp đáng tiền nữa so với bản I1R 2 OES chỉ có cổng Micro USB. Giờ chả mấy thiết bị nào dùng cổng Micro USB nữa nên đi đâu cũng phải mang theo 1 sợi cáp riêng thì khá phiền.

Phần thân đèn bên trong này có O-ring cao su để đảm bảo chống nước IPX8. Xung quanh vị trí này cũng bôi khá nhiều mỡ, cảm giác bị thừa quá. Thường thì bôi một chút quanh O-ring là đủ rồi.

Từ phiên bản Olight I1R thì đã có thiết kế chống rơi đầu đèn và cây này cũng không phải ngoại lệ. Đại loại là đầu đèn không thể tháo rời ra khỏi thân được, dùng yên tâm hơn rất nhiều.

Cạnh cổng sạc sẽ có một đèn led nhỏ báo pin. Khi pin đang sạc đèn sẽ sáng đỏ, pin đầy đèn chuyển xanh và tự ngắt.

Có thể sạc cho đèn qua sạc dự phòng, sạc điện thoại hay bất kì cổng USB 5V nào. Lưu ý là dòng sạc của cây này rất nhỏ, chỉ 0.1A nên nhiều loại sạc dự phòng sẽ tự ngắt, không sạc được. Còn các loại pin dự phòng có thế độ sạc dòng điện siêu nhỏ thì dùng vô tư.

4. Giao diện sử dụng

Cách sử dụng của cây đèn này cũng rất đơn giản và trực quan. Khi đèn đang ở trạng thái tắt:

  • Xoay đầu đèn theo chiều kim đồng hồ khoảng 1/4 vòng: kích hoạt sáng 5 Lumens
  • Xoay thêm theo chiều kim đồng hồ: sáng 180 Lumens
  • Xoáy ngược lại để giảm mức sáng và tắt đèn

Dù kích thước nhỏ nhưng biết cách thì cây này vẫn thao tác được bằng 1 tay.

5. Khả năng chiếu sáng

Olight I1R 2 Pro có độ sáng cao tới 180 Lumens dù kích thước bé bằng ngón tay cái. Vì ánh sáng tỏa rộng nên độ sáng cao này dùng trong nhà cũng rất ổn, không bị gây chói mắt.

180 Lumens
5 Lumens

5 Lumens nghe có vẻ thấp nhưng mình thấy đủ dùng cho các mục đích chính của một cây đèn như này, đó là: soi đường đi cầu thang, tìm đồ trong cốp xe, soi ổ khóa,…

180 Lumens

Còn ở ngoài trời chỉ dùng được ở 180 Lumens, 5 Lumens mờ tịt khó thấy gì. Ánh sáng của cây này tỏa rộng nên chiếu xa hiệu quả chỉ 15 mét đổ lại.

Ở tầm gần thì sáng phết không đùa.

6. Runtime

Mình đo runtime của đèn ở mức sáng cao nhất 180 Lumens. Đèn duy trì mức này chưa được 1 phút thì bắt đầu hạ liên tục. Sau 10 phút hạ còn cỡ 100 Lumens, sau 25 phút hạ còn 70 Lumens và phút thứ 29 thì hết pin.

Kết quả này có thể nói là ổn áp so với một cây đèn pin mini và còn vượt thông số 23 phút mà Olight công bố.

Mức sáng 5 Lumens thì mình tin là đèn có thể hoạt động được 12 tiếng như thông số, thậm trí có thể nhỉnh hơn.

Nếu mỗi này bật đèn khoảng 5-10 phút ở mức 180 Lumens thì sau gần 1 tuần mới phải sạc pin. Còn dùng nhiều ở 5 Lumens thì 1-2 tháng mới sạc.

7. Tổng kết

Mình đánh giá cao sự thực dụng của Olight I1R 2 Pro. Vì là một cây đèn pin móc khóa nên nó sẽ luôn theo bạn khi ra đường và được sử dụng nhiều hơn cả mấy cây đèn to bỏ túi. Nếu để góp ý cho đèn hoàn thiện hơn thì mình nghĩ Olight nên nâng độ sáng thấp từ 5 lên 10-15 Lumens. Sáng tầm đó là dùng tốt cả trong nhà lẫn ngoài trời.