Review đèn pin Cyansky P25 V2.0: 3600 Lumens, pin 21700.

0
1612

Cách đây không lâu mình có giới thiệu qua về 2 mẫu đèn pin mới của Cyansky tại bài viết này. Sau đó mình tiếp tục sử dụng và trải nghiệm kĩ hơn cây Cyansky P25 V2 suốt từ đó tới giờ.

P25 V2 được thiết kế là một cây đèn pin EDC với dung lượng pin rất lớn tới 5000mAh, độ sáng cao 3600 Lumens và giao diện sử dụng mang nhiều đặc trưng của đèn pin Fenix. Điểm đặc biệt của cây đèn này ở chỗ nó được trang bị chip Led Cree XHP70.3 có tiết diện khá lớn, trong một đầu đèn nhỏ chỉ 30mm. Thường mình chỉ thấy chip Led này trên đèn pin công suất cao và kích thước to.

Cyansky P25 V2 cho ra ánh sáng cực mạnh nhưng lại không chuyên về chiếu xa. Thực tế thì ánh sáng của cây này tỏa rộng cho tầm nhìn bao quát tốt, tầm chiếu xa hiệu quả khoảng ~ 120 mét. Không phải ai cũng thích ánh sáng của rộng của P25, đặc biệt là những người mới. Nhưng với trải nghiệm của một người đã review hàng trăm cây đèn pin các loại thì mình đánh giá cao về sự thực dụng của nó, chi tiết sao mình sẽ đề cập ở bài viết.

Ở bài viết trước mình có đề cập rằng chất lượng hoàn thiện và hiệu năng của đèn pin Cyansky không thua kém quá nhiều so với Fenix và giá bán lại dễ chịu hơn. Cụ thể thì

> Cyansky P25 V2 đang được bán với giá 1.690.000đ với chế độ bảo hành tới 5 năm chính hãng <

Riêng chế độ bảo hành tới 5 năm đủ cho thấy hãng tự tin về chất lượng sản phẩm của họ cỡ nào!

1. Video

2. Thông số kĩ thuật

  • Độ sáng cực đại 3600 Lumens, chiếu xa 208 mét
  • Trang bị bóng led Cree XHP70.3
  • Tương thích pin sạc 21700 hoặc 18650 (qua adapter)
  • Trang bị cảm biến nhiệt độ chủ động
  • Thân đèn bằng hợp kim nhôm cao cấp
  • Kích thước: 145.4 x 30 x 24.4mm
  • Trọng lượng: 98g (chưa tính pin)
  • Chống nước: IP68
  • Bảo hành 5 năm chính hãng!

Thông số các mức sáng:

3. Đóng gói và phụ kiện

Cyansky đóng gói sản phẩm trong hộp giấy, đơn giản và chỉn chu nhưng điểm trừ là mình không thấy có thông số của sản phẩm in bên ngoài vỏ.

Phụ kiện đi kèm đầy đủ và có chất lượng cao, bao gồm:

  • 1 x Pin sạc 21700 dung lượng 5000mAh
  • 1 x Cáp sạc Type-C
  • 1 x Bao đựng đèn
  • 1 x Dây đeo tay
  • 2 x O-ring chống nước sơ cua
  • 1 x Núm công tắc sơ cua
  • HDSD

Viên pin sạc 21700 đi kèm có dung lượng 5000mAh, đầu lồi và có mạch bảo vệ ở cực dương.

Nó có cổng Type-C ở trên thân giúp sạc trực tiếp trên thân pin. Tất nhiên viên pin vẫn có thể sử dụng bình thường với các bộ sạc rời tương thích.

Mình đo được công suất sạc vào cỡ 6.73W, thực tế sẽ mất khoảng 4 tiếng để đầy pin.

Đây là tốc độ chấp nhận được, không quá chậm bởi mạch sạc được tích hợp có kích thước nhỏ. Đổi lại là sự tiện lợi và linh hoạt nhất là khi đi du lịch.

4. Đánh giá chi tiết

Người tiêu dùng bây giờ đã có quá nhiều lựa chọn khi mua đèn pin. Ở phân khúc giá rẻ, chất lượng ổn thì Sofirn đang thống trị. Nhiều tiền hẳn thì mua mấy hãng lớn như Fenix, Olight, Nitecore, Jetbeam, Imalent,…

Cyansky cũng được thành lập từ năm 2017 tại Trung Quốc nhưng vẫn còn quá mới mẻ với thị trường Việt Nam. Mình cho rằng với sản phẩm có chất lượng không thua gì các hãng lớn, chế độ bảo hành tới 5 năm và để giá bán dễ tiếp cận là một bước đi đúng của Cyansky.

Mình sẽ không đề cập lại quá nhiều việc so sánh chất lượng của Cyansky với Fenix nữa vì đã có trong bài viết trước rồi!

Cyansky P25 V2.0 thuộc phân khúc đèn pin cầm tay cỡ trung dùng pin sạc 21700, cùm mâm với dòng PD36 của Fenix.

Kích thước của P25 V2 không hẳn là quá gọn gàng, nếu so với Fenix PD36R thì nó to hơn chút. Nhưng đây là kích thước hợp lí với sức mạnh mà nó đem lại, tới 3600 Lumens cùng khả năng duy trì ổn định ở 800 Lumens trong 3 tiếng đồng hồ.

Trọng lượng thân đèn là 100g.

Khi thêm viên pin 21700 nữa là 173g.

Gọi là đèn pin EDC (Everydaycarry) là bởi chúng phù hợp mang theo người hàng ngày, chủ yếu do kích thước hợp lý. Đặc trưng nhất chính là đường kính đầu đèn to bằng hoặc nhỉnh hơn đường kính thân một chút, bỏ túi không bị cộm và cấn.

P25 V2 có cả clip để cài túi nhưng hơi ngắn và nông. Khi cài túi quần thì vẫn còn một khúc đuôi đèn nhô hẳn lên nhìn hơi thô.

Mình đánh giá đây là một cây đèn có thiết kế nuột và hoàn thiện tốt, các góc cạnh đều được bo tròn nhưng vẫn đem lại sự cứng cáp và hầm hố.

Thân đèn dày vừa phải, đều và không bị sắc cạnh.

Ren vặn được gia công vuông giúp tăng độ bền, có cả gioăng cao su để đảm bảo kín nước IP68.

Tiếp xúc pin ở đuôi được làm với 2 lò xo mạ vàng để giảm tối đa nội trở. Đến của Fenix cũng chưa làm tới 2 lò xo như này.

Công tắc chính được đặt ở đuôi, cho cảm giác bấm tốt và nhạy ngay cả khi đeo găng tay, mỗi tội tiếng phát ra hơi so nếu so với của Fenix.

Cây này vẫn có thể đứng đuôi được do công tắc không bị làm nhô lên quá nhiều.

Đeo găng tay vẫn thao tác ổn.

Công tắc phụ trên đầu đèn được làm bằng kim loại, cảm giác bấm chắc chắn, không bị ọp ẹp. Tích hợp ở giữa là đèn báo tình trạng pin.

  • Đèn xanh sáng cố định: 80 – 100%
  • Đèn xanh nháy: 50 – 80%
  • Đèn đỏ sáng cố định: 25 – 50%
  • Đèn đỏ nháy: < 25%

Thiết kế công tắc khá giống của Fenix PD36R với các vòng tròn đồng tâm nhằm tăng độ bám.

Và được làm nhô lên giúp dễ truy cập ngay cả trong bóng tối hay đeo găng.

Và điểm đặc biệt nhất của Cyansky P25 chính là hệ thống quang học bao gồm chip Led Cree XHP70.3 tiết diện lớn nằm ngay chính giữa cùng chóa phản xạ dạng sần.

Có thể thấy rõ Cree XHP70.3 được cấu tạo từ 4 chip led nhỏ hơn tạo thành.

Để trực quan thì mình đặt cạnh để so sánh với Luminus SFT70 trên Fenix PD36R Pro. Thấy rõ rằng các kĩ sư của Cyansky có chủ đích thiết kế P25 V2 là một cây đèn chiếu rộng nhờ cái hệ thống quang học này.

Ánh sáng của P25 V2 soi vào tường ở khoảng cách 2 mét.

Và của Fenix PD36R Pro.

Sự khác biệt là rõ ràng giữa hệ thống quang học.

5. Giao diện sử dụng

Cyansky P25 V2.0 có giao diện sử đơn giản với:

  • Công tắc chính ở đuôi để bật/tắt
  • Công tắc phụ trên đầu đền để chuyển các mức sáng

Không khó để nhận ra đây là giao diện quen thuộc và đặc trưng của nhiều mẫu đèn pin Fenix từ trước đến nay.

Nó đơn giản, ai cũng có thể dễ dàng làm quen và sử dụng thành thạo, kể cả người lớn tuổi.

Nó hiệu quả, khi đáp ứng được các nhu cầu sử dụng cơ bản hàng ngày, không cần tính năng gì cầu kì như Strobe nhanh các thứ.

Công tắc đuôi:

  • Nhấn 1 lần để bật/tắt
  • Nhấn giữ nhẹ để sáng tạm thời, nhả tay để tắt

Công tắc chức năng:

  • Khi đèn đang bật, nhấn 1 lần để chuyển qua lại 3 mức sáng cơ bản
  • Nhấn giữ 1.2s để kích hoạt nháy Strobe, nhấn giữ tiếp qua SOS (với P25 V2), nhấn 1 lần về độ sáng ban đầu

Kích hoạt nhanh Moonlight (độ sáng thấp nhất):

  • 1 tay nhấn giữ công tắc thân, tay còn lại nhấn công tắc đuôi
  • Đây là một điểm ưu việt hơn giao diện sử dụng của Fenix

Mình trải nghiệm rất nhiều đèn pin và giao diện sử dụng khác nhau nhưng cuối cùng vẫn thích kiểu thiết kế như này của Cyansky hay Fenix, nó đơn giản và không rườm rà.

Quan trọng nhất chính là chức năng nhớ độ sáng cuối cùng được sử dụng, giúp mình có thể dùng cố định ở 1 độ sáng duy nhất trong đa số mọi hoàn cảnh (thường là 200 Lumens).

6. Khả năng chiếu sáng

6.1 – Trong nhà

Mức Eco 5 Lumens rất được việc ở tầm gần, đủ dùng, không bị chói mắt.

50 Lumens

200 Lumens

800 Lumens

3600 Lumens, cháy cả sáng.

6.2 – Ngoài trời

Chưa có đèn

3600 Lumens

800 Lumens

200 Lumens

50 Lumens.

3600 Lumens.

So sánh với 2800 Lumens của Fenix PD36R Pro.

Ánh sáng của P25 V2.0 rộng và bao quát hơn nhiều, tầm chiếu hiệu quả khoảng 120 mét đổ lại.

Mình khá ưng ánh sáng của cây này đặc biệt khi dùng ở trong đô thị và ở không gian hẹp. Nó đáp ứng tốt tới 90% các nhu cầu sử dụng cơ bản, như đi dạo hay đạp xe mỗi tối.

Vì ánh sáng tỏa rộng nên cây này gắn xe đạp rất hợp lý.

7. Thời lượng hoạt động (Runtime)

Cyansky trang bị cảm biến nhiệt độ chủ động cho mẫu đèn này nên mình sẽ đo làm 2 trường hợp ở mỗi mức sáng:

  • TH1: có sự hỗ trợ của một quạt tản nhiệt
  • TH2: không có quạt tản nhiệt, đèn hoạt động ở nhiệt độ phòng ~ 25°C

Turbo (3600 Lumens)

Sau khi đo runtime thực tế thì mình có nhận định rằng mạch Drvier của Cyansky có hiệu năng rất ổn. Chẳng hạn đây là độ sáng 3600 Lumens của P25 V2, không bị hạ sáng đột ngột mà rất từ từ trong khoảng 6 phút rồi xuống ~ 800 Lumens.

Nhìn chung thì ở mức Turbo này việc có sự hỗ trợ của quạt tản nhiệt cũng không đem lại nhiều khác biệt. Sau khoảng 6-10 phút thì độ sáng cũng hạ xuống ~ 800 Lumens và duy trì ổn định. Thời lượng sử dụng thực tế khoảng ~ 2 tiếng.

High (800 Lumens)

Mức sáng cao 800 Lumens duy trì ổn định khi có quạt tản nhiệt, và hạ nhẹ xuống ~ 720 Lumens khi không có quạt. Thời gian hoạt động trung bình rơi vào khoảng ~ 3.1 tiếng.

Kết quả này tương đồng với của Fenix PD36R Pro ở độ sáng cao 1000 Lumens.

Đây là biểu đồ runtime của PD36R Pro, có thể thấy mức sáng cao 1000 Lumens cũng hạ xuống ~ 800 Lumens sau 10 phút và duy trì ổn định được hơn 3 tiếng.

Mình bật liên tục ở độ sáng cao nhất 3600 Lumens thì không thấy nhiệt độ đầu đèn vượt quá 60°C, chứng tỏ cảm biến hoạt động tốt.

Thân đạt gần 50°C, cầm khá nóng nhưng chưa đến mức rát tay.

Mình thấy rằng các hãng đang tiêu chuẩn hóa công nghệ cảm biến nhiệt độ chủ động cho những cây đèn công suất cao của mình. Đây là việc đúng đắn bởi nó vừa đảm bảo tuổi thọ cho các linh kiện lẫn an toàn của người sử dụng.

7. Tổng kết

Cyansky P25 V2 là một cây đèn pin không có tính năng gì quá đặc biệt hay màu mè nhưng nó cho trải nghiệm sử dụng thực sự tốt đặc biệt là cảm giác yên tâm như khi dùng đèn pin của Fenix. Mọi thứ về nó đều ổn, từ kích thước, độ sáng, dung lượng pin cho tới giao diện sử dụng.

Gần 1 tháng qua mình dùng cây này làm đèn chính cho mọi hoạt động thì thấy rất hài lòng, chưa có việc gì làm khó được nó.

Ưu điểm:

  • Duy trì được 800 Lumens trong 3 tiếng
  • Dung lượng pin tốt (5000mAh)
  • Có thể truy cập nhanh độ sáng thấp nhất
  • Có nhớ mức sáng cuối
  • Kích thước vừa phải
  • Chất lượng gia công và hiệu năng tốt

Cần cải thiện:

  • Bezel làm phẳng, không có công dụng tự vệ hay phá kính
  • Nên có thêm cổng sạc trên thân (vì là đèn thuần EDC)
  • Clip cài túi làm hơi ngắn