Review Armytek Prime C1 Pro: 1050 Lumens, pin 18350, sạc nam châm

0
3862

Với nhiều người, đèn dùng 1 pin 18650 thì quá to trong khi dùng pin AA lại quá yếu để sử dụng hàng ngày. Trong những tình huống khó chọn như vậy thì pin 18350 sẽ là một giải pháp tốt. Có thể nói đèn pin dùng 1 viên pin sạc 18350 là một chuẩn mực mới của đèn EDC.

Pin 16340 đã lỗi thời!

Sự thật đáng buồn là vậy! Cách đây vài năm pin sạc 16340 vẫn đang là vua vì nó rất nhỏ gọn. Các hãng làm đèn EDC cỡ nhỏ đều theo size pin này nên cây đèn có thể chỉ to hơn ngón tay cái một chút mà lại đạt độ sáng > 500 Lumens dễ dàng. Nhưng giới hạn của pin 16340 chính là dung lượng chỉ đạt tối đa khoảng 700mAh. Nếu dùng đèn ở mức sáng hợp lý tầm 150 Lumens đổ lại thì pin 16340 vẫn đáp ứng rất tốt. Vấn đề là hầu như ai cầm cây đèn lên cũng tiện tay dí nó lên mức Turbo cao nhất nên sau vài lần dùng là đã cạn pin. Hồi trước tôi dùng cây Olight S1 đời đầu, toàn đang dùng thì nó hết pin rất bực.

https://bucket.nhanh.vn/store/3411/psCT/20180526/7524798/20170714142354.jpg

Sau này pin sạc 18350 trở nên thịnh hành thì cũng không còn nhiều người dùng 16340 nữa. Pin 18350 chỉ to hơn 16340 2mm về đường kính nhưng dung lượng lại có thể đạt gần gấp đôi. Điển hình là pin sac 18350 của Keeppower có thể đạt dung lương 1200mAh. Dung lượng tăng gấp đôi đồng nghĩa với runtime tốt hơn, rất có ý nghĩa kể cả khi bạn không lạm dụng mức Turbo!

Armytek Prime C1 Pro

Armytek là một trong những hãng tiên phong trong việc sử dụng pin sạc 18650 khi mà hầu như các dòng đèn cỡ nhỏ của họ đều dùng loại này. Đèn pin Armytek luôn được đánh giá cao về chất lượng, chế độ bảo hành tới 10 năm và giá hợp lý!

Prime C1 Pro là mẫu đèn EDC cao cấp nhất của Armytek sử dụng pin 18350 nên nó sẽ là nhân vật chính trong bài này.

Thông số kĩ thuật

  • Công suất tối đa: 1050 Lumens (ánh sáng trắng) | 980 Lumens (ánh sáng vàng)
  • Loại led: Cree XP-L
  • Chiếu xa: 165 mét
  • Hệ thống quang học: thấu kính TIR
  • Chất liệu thân: nhôm hàng không
  • Xử lí mạ bề mặt: Premium type III hard anodizing 400HV
  • Loại pin: 1 pin sạc 18350 hoặc 1 pin sạc 16340
  • Kích thước: 91mm x 24.5mm x 24.5mm (chiều dài x đường kính thân x đường kính đầu)
  • Trọng lượng (chưa pin): 58g
  • Chống nước: sâu 10 mét
  • Chống va đập: 10 mét
  • Trang bị sạc nam châm
  • Có cảm biến nhiệt độ thông minh

Mở hộp và đánh giá chi tiết

Điểm cộng lớn của Armytek chính là họ luôn cho khách hàng lựa chọn về nhiệt màu ở mọi mẫu đèn. Prime C1 Pro cũng không phải ngoại lệ, nó có 2 bản là ánh sáng trắng và vàng, giá gần như nhau.

1. Phụ kiện

Đầy đủ phụ kiện:

  • Bao đựng đèn
  • Pin sạc 18350 900mAh
  • Cáp sạc nam châm
  • Clip cài
  • O-ring dự phòng
  • HDSD

Dây sạc nam châm khá dài và dày dặn, nó linh hoạt hơn dây dạng dẹt của Olight.

Cái dây này rất hay bởi khi cắm vào nguồn là nó sẽ sáng màu xanh, dùng để định vị trong đêm hoặc làm đèn ngủ cực tiện. Lưu ý là nếu cắm sạc dự phòng thì sau vài giây nó sẽ ngắt điện nếu không cắm đèn vào sạc. Còn muốn dây sạc sáng cố định thì cắm vào adapter điện thoại là được.

Bao đựng đèn nhỏ gọn, tiện lợi.

Viên pin sạc 18350 đi kèm có dung lượng 900mAh, dùng khá thoải mái rồi nhưng nếu cẩn thận thì nên mua thêm vài viên của 1200mAh keeppower để sơ cua. Như tôi mang khoảng 2 viên dự phòng với 1 viên trong đèn là 3 đã rất thoải mái trong các chuyến đi rồi, với điều kiện có sẵn nguồn USB 5V để sạc khi rảnh.

So sánh kích thước: Pin 18350 ngắn bằng một nửa pin 18650 và chỉ to hơn 16340 một chút. Dung lượng viên 16340 của Olight chỉ đạt 650mAh trong khi 18350 có thể đạt max tới 1200mAh. Tôi không rõ có phải do giới hạn về công nghệ hay không nhưng hiện tại chưa có ai làm pin 16340 dung lượng lớn hơn được cả.

Clip cài túi là nhược điểm lớn của Armytek. Nó cứng là dễ làm trầy lớp mạ trên thân đèn. Thực ra việc dễ trầy cũng do đặc tính của lớp mạ nữa, cái này lát tôi sẽ nói kĩ. Ai không bận tâm việc đèn bị trầy thì cứ gắn thoải mái thôi vì nó sẽ tiện hơn khi dùng và thêm tính năng chống lăn nữa.

2. Kích thước

Kích thước của Armytek Prime C1 Pro là hoàn toàn hợp lý cho một cây đèn pin bỏ túi dùng hàng ngày. Bạn sẽ không thấy cộm hay khó chịu gì khi bỏ nó trong túi bởi đơn giản là nó rất nhỏ gọn!

Nằm trong lòng bàn tay.

Thao tác dễ dàng, thoải mái.

Trọng lượng cả pin là khoảng 82g, để dễ hình dung thì trọng lượng trung bình 1 quả trứng gà công nghiệp là 60g.

3. Thiết kế và chất lượng hoàn thiện

Đèn pin Armytek có thiết kế lạ và cây này cũng thế. Nhưng nhìn chung dòng Prime C1 có thiết kế cân đối và đẹp, còn dòng A1, A2 dùng pin AA mới dị bởi thân chúng bé tẹo khi so với đầu và đuôi.

Phần đặt công tắc và phía đối điện được làm lõm xuống đẻ dễ thao tác và ôm tay hơn.

Armytek cũng sử dụng lớp mạ khác so với các hãng còn lại trên thị trường, tên cụ thể của nó là “Premium type III hard anodizing 400HV”. Công nghệ mạ này đem lại cho đèn một bề mặt nhám chứ không bóng như thường thấy, cá nhân tôi thấy kiểu nhám này cầm thích hơn.

Lớp mạ thân của Armytek rất lợi hại trong việc chống lại các vết xước dăm về mặt và giảm trầy xước khi đánh rơi đèn. Nhưng khi bị kim loại cọ vào với lực mạnh thì lớp mạ này cũng không trụ nổi.

Đây là cây Armytek ELF C2 của tôi sau hơn 2 năm sử dụng, nó có lớp mạ tương tự và mọi người có thể thấy nó bền như nào.

Prime C1 Pro có thiết kế đơn giản, không có chi tiết nào thừa hay cầu kì.

Đèn tháo được làm 3 phần. Lưu ý là ren vặn phần đầu sẽ là nhôm trắng không mạ, màu đen được mà là ren đuôi. Vặn nhầm thì đèn có thể không sáng hoặc không khít.

Cái thân đèn cho thấy chất lượng hoàn thiện của Armytek tốt như nào, ren vuông dày dặn và đặc biệt có tới 2 ron cao su chống nước ở mỗi đầu. Ở các hãng khác chúng ta chỉ thấy đèn pin lặn biển chuyên dụng với được trang bị 2 ron cao su nhưng đó lại là một tiêu chuẩn với mọi cây đèn pin của Armytek. Chính vì vậy tôi cũng không hoài nghi về quảng cáo chống nước sâu 10 mét của họ.

Ren vuông dày dặn, sạch đẹp và được bôi mỡ đầy đủ.

Thân đèn cũng rất dày, cỡ 1.5mm đem lại cảm giác yên tâm khi sử dụng.

Mặt trong của thân cũng được mạ.

Tiếp xúc ở đầu đèn dạng phẳng và có diện tích lớn, dùng được cả pin đầu phẳng lẫn đầu lồi.

Lò xo đuôi làm đặc biệt dày và phẳng, đảm bảo khả năng dẫn điện tốt.

Đuôi đèn dạng phẳng kiêm sạc nam châm.

Nam châm ở đuôi thừa mạnh để giúp đèn hít chắc chắn lên nhiều mặt phẳng bằng kim loại.

Có một lưu ý quan trọng trước khi sạc pin đó là phải vặn lỏng đuôi đèn 1/4 vòng. Khi sạc xong thì vặn chặt lại.

Nhiều người không để ý cái này, cứ hít thẳng dây sạc vào và kết quả là để cả đêm pin cũng không vào được tí điện nào. Nếu chưa vặn lỏng đuôi thì dây sạc sẽ nháy màu đỏ, còn vặn lỏng rồi thì dây sạc sẽ sáng đỏ cố định.

Dòng sạc tối đa đạt 0.6A, khá nhanh với một viên pin dung lượng nhỏ. Vì pin gần đầy dòng sạc sẽ giảm dần nên mất khoảng 2-3 tiếng để sạc đầy viên 18350 900mAh đi kèm.

Vì là đèn pin thuần EDC nên Prime C1 Pro được bố trí công tắc trên thân. Đây là công tắc điện tử, làm lồi lên nên dễ thao tác kể cả khi trong bóng tối hoặc đeo găng tay. Điểm hay của công tắc điện tử là gần như không gây ra tiếng động.

Nó được trang bị 1 đèn báo pin sẽ nháy liên tục 5s/lần. Khi pin đầy đèn sẽ nháy xanh, pin còn 1 nửa nháy màu cam và pin gần hết thì nháy đỏ. Cái đèn báo pin này tắt được nhưng tôi thấy nó rất tiện và còn dùng để định vị đèn trong bóng tối nên cứ để đó.

Khi mới bóc khỏi hộp thì cái đèn báo pin này mặc định ở chế độ tắt. Muốn bật hoặc tắt nó thì thao tác như sau:

  • Bước 1: vặn lỏng đuôi đèn 1/4 vòng
  • Bước 2: nhấn và giữ công tắc
  • Bước 3: xoáy chặt đuôi đèn (vẫn giữ công tắc nhé)
  • Bước 4: lại vặn lỏng đuôi đèn 1/4 vòng, sau đó nhả công tắc ra

4. Giao diện sử dụng

Giao diện sử dụng luôn là điểm mạnh của Armytek, nó cho phép người dùng truy cập nhanh các mức sáng bằng nhiều thao tác bấm thay vì phải chuyển lần lượt từng mức. Ở Prime C1 Pro thì giao diện cụ thể như sau:

Đầu tiên hãy xem qua các nhóm sáng chính. Cây này được chia ra làm 4 nhóm như hình là: Turbo, Main, Firefly và Strobe. Trong mỗi nhóm sáng chính lại có các mức sáng phụ. Đèn cho phép truy cập nhanh vào các nhóm sáng, sau đó sẽ chọn mức sáng phụ mong muốn bằng thao tác nhấn giữ công tắc.

Khi đèn đang tắt:

  • Nhấn công tắc 1 lần để bật ở mức sáng cuối cùng được sử dụng
  • Nhấn giữ công tắc để vào chế độ sáng thấp nhất là Firefly

Khi đèn đang bật:

  • Nhấn công tắc 1 lần để tắt
  • Nhấn giữ công tắc để chuyển qua lại các mức sáng phụ ở trong các nhóm sáng chính

Khi đèn đang bật hoặc tắt:

  • Nhấn nhanh công tắc 2 lần để vào chế độ sáng Main
  • Nhấn nhanh công tắc 3 lần để vào chế độ sáng Turbo
  • Nhấn nhanh công tắc 4 lần để vào chế độ nháy Strobe

Đèn có 2 trạng thái hoạt động:

  • Chế độ sáng thông thường: đáp ứng các nhu cầu sử dụng bình thường. Khi ở chế độ này thì đèn sẽ tắt/bật sau 1 lần nhấn công tắc.
  • Chế độ tác chiến (tactical): ở chế độ này đèn sẽ sáng khi nhấn giữ công tắc, nhả ra là tắt. Nó rất thích hợp cho những nhu cầu sử dụng cần tắt bật đèn liên tục.

Khi ra khỏi hộp thì đèn mặc định ở chế độ sáng thông thường, muốn chuyển sang chế độ tác chiến thì thao tác như sau:

  • Vặn lỏng đuôi đèn 1/4 vòng
  • Nhấn và giữ công tắc, sau đó xoáy chặt đuôi đèn vào rồi nhả công tắc ra

Để chuyển lại chế độ sáng thông thường:

  • Nhấn và giữ công tắc
  • Vặn lỏng đuôi đèn ra 1/4 vòng sau đó nhả tay khỏi công tắc

5. Hệ thống quang học và Beamshot

Đám đèn cỡ nhỏ của Armytek đều dùng thấu kính TIR thay vì chóa. Thấu kính giữ cho đèn kích thước nhỏ gọn mà vẫn cho khả năng chiếu xa hay rộng theo mong muốn.

Thấu kính chất lượng cao, trong vắt!

Trái tim của cây đèn là led Cree XP-L với 2 phiên bản ánh sáng: trắng và vàng.

Ánh sáng trắng

Các hãng như Fenix, Olight, Jetbeam, Surefire,… rất ít khi cho khách hàng lựa chọn về nhiệt màu. Đa số đèn của họ đều là ánh sáng trắng 6500k, điều này không làm thỏa mãn những người mê ánh sáng vàng như tôi.

Ánh sáng vàng

Nhưng đối với Armytek thì việc được chọn nhiệt màu là rất đương nhiên. Mọi cây đèn của hãng đều có 2 bản là ánh sáng trắng và vàng, đây là điểm tạo nên giá trị đặc biệt của hãng.

Đánh giá chút về chất lượng beam shot của Prime C1 Pro: nó không cho ra beam đẹp hoàn hảo như dùng chóa nhưng cũng không có gì nhiều để chê. Thấu kính TIR cho ánh sáng tập trung khá tốt với một cây đèn kích thước đầu nhỏ như này. Tâm của beamshot tròn và đều, tuy nhiên nếu chiếu xa hơn sẽ thấy ở rìa của beam sẽ có 1 vòng tròn nhìn khá khó chịu. Tôi là người người tính về chất lượng beamshot và sẽ cho Prime C1 Pro 8/10 điểm về phần này.

Bây giờ test ngoài trời

Theo thông số thì Armytek Prime C1 Pro chiếu xa được 165 mét, thực tế tôi thấy nó chiếu hiệu quả nhất 60 mét đổ lại, từng này cũng quá đủ cho 1 cây đèn pin EDC rồi.

Thêm 1 điều nữa là cây này có nhiều mức sáng quá nên tôi test ở Turbo 2 (1050 Lumens)Turbo 1 (470 Lumens thôi)

Khi chưa có đèn

Ánh sáng trắng ở Turbo 2 – 1050 Lumens. Có thể thấy là bản ánh sáng trắng của cây này hơi ngả xanh 1 chút.

Ánh sáng vàng thì lại rất đẹp, cũng đang ở Turbo 2 – 1050 Lumens. Thực tế thì led ánh sáng vàng có hiệu suất thấp hơn ánh sáng trắng nên Turbo 2 có thể kém hơn khoảng 5%.

Ánh sáng trắng Turbo 1 – 470 Lumens

Ánh sáng vàng Turbo 1 – 470 Lumens

6. Runtime

Có một điểm đặc biệt nữa ở đèn pin của Armytek đó là cảm biến nhiệt độ chủ động. Tức là miễn cây đèn được làm mát (bởi môi trường, tản nhiệt ngoài,…) thì nó sẽ duy trì được mức sáng cao đến khi hết pin mà không bị hạ xuống mức thấp hơn. Chính điều này ảnh hưởng trực tiếp đến runtime của đèn, và nó sẽ thay đổi nhiều tùy thuộc vào môi trường sử dụng.

Tôi đo runtime của đèn ở 2 trường hợp: có và không sử dụng quạt tản nhiệt, trong điều kiện nhiệt độ phòng khoảng 16°C, và đây là kết quả:

Đo ở Turbo 2: 1050 Lumens:

  • Đường màu xanh là khi sử dụng quạt tản nhiệt: độ sáng cao được duy trì rất ổn định trước khi hạ dần vì pin yếu, runtime đạt 30 phút rất sát với runtime công bố của hãng.
  • Đường màu vàng là không sử dụng quạt tản nhiệt: thấy rõ là đồ thị biến thiên lên xuống liên tục do đèn bị quá nhiệt nên tự hạ sáng, 1 lúc sau nhiệt độ ổn định thì nó lại tăng sáng, cứ thế mãi đến khi hết pin. Tổng runtime đạt 36 phút.

Kết luận là runtime cây này rất sát với hãng công bố và sẽ thay đổi nhiều tùy vào nhiệt độ môi trường và điều kiện sử dụng. Nếu dùng ở bên Nga vào mùa đông chắc nó chạy 1 mạch đến hết pin, không drop tí nào luôn 😀

Có một điều nữa cần lưu ý là nếu chạy ở độ sáng cao nhất thì đèn cực nóng, đến nỗi không dám cầm từ phần đuôi đèn trở lên. Khi nhiệt độ vượt quá 65°C thì đèn ở công tắc sẽ nháy màu cam liên tục để cảnh báo.

Tổng kết

Yếu tố chưa đề cập trong cả bài đó là giá bán. Bên EDCZone đang bán Prime C1 Pro giới giá là 1.320.000đ cho bản ánh sáng trắng, ánh sáng vàng đắt hơn 10.000đ. Với giá này chúng ta có gì:

  • Thương hiệu đến từ Canada
  • Bảo hành tới 10 năm
  • Chất lượng gia công và lớp mạ rất tốt, thiết kế đẹp
  • Giao diện sử dụng thông minh, tiện lợi
  • Có sạc nam châm
  • Có lựa chọn ánh sáng trắng và vàng
  • Cực bền, chống nước và chống va đập tới 10 mét
  • Hiệu năng tốt, tích hợp cảm biến nhiệt và nhiều chức năng các hãng khác còn xách dép theo
  • Phụ kiện đi kèm đầy đủ

Vậy tóm lại cây này là đắt hay rẻ thì các bạn có thể tự đánh giá!