Đánh giá đèn pin Armytek ELF C2 sau 2 năm sử dụng

0
3619

2 năm không phải là dài nhưng đó là khoảng thời gian mình từng gắn bó lâu nhất với một cây đèn pin. Mình mua cây đèn pin Armytek ELF C2 này từ 2018 sau rất nhiều lần mua đi bán lại nhiều đèn khác để chọn 1 cây phù hợp nhất. Kể từ đó đến giờ thì không khi hôm nào mình rời nhà mà thiếu cây ELF C2 này trong túi hoặc balo. Nó đã cùng đồng hành qua biết bao chuyến đi, từ vào hang cho tới lên rừng và thậm trí ở nhà nó vẫn phục vụ mình hàng ngày.

Trong suốt 1 thời gian sử dụng như vậy thì ELF C2 bộc lộ rõ nhiều ưu cũng như nhược điểm. Tuy nhược điểm là có nhưng cũng chỉ là vài điểm nhỏ nhặt, còn lại mình chưa gặp một vấn đề gì về sự ổn định và bền bỉ của cây này. Đây sẽ là 1 bài viết cô đọng nhất nhưng cảm nhận và đánh giá của mình về ELF C2!

Tại sao mình chọn dùng đèn pin gù?

Đèn pin gù quá tiện! Nó có thể đáp ứng hầu hết mọi chức năng của đèn pin dạng thẳng và làm được nhiều trò mà đèn pin thẳng không làm được. Với một cây đèn pin gù thì bạn có thể cầm tay để dùng bình thường như mọi loại đèn pin khác. Thế rồi khi cần làm những công việc khá đặc thù như sửa chữa xe cộ, máy móc thì nếu dùng đèn pin thẳng, bạn chỉ có vài phương án như: ngậm vào miệng, đặt dưới sàn chiếu hắt lên hoặc nhờ người khác soi. Còn với đèn gù có tích hợp sẵn 1 cái đuôi nam châm, bạn chỉ đơn giản là đặt nó xuống 1 mặt phẳng hoặc hít lên bất kì bề mặt kim loại nào hoặc gắn lên dây đeo trán mà làm việc!

Tóm lại câu trả lời ở đây là sự đa năng!

Tại sao chọn đèn pin của Armytek?

Armytek là chuyên gia về đèn pin gù. Trên thị trường bây giờ có hàng chục hãng cũng làm đèn pin gù nhưng ít ai làm tốt được như Armytek. Hãng này bây giờ có 2 dòng đèn pin gù chính: (Wizard; Tiara) và ELF. Bọn này có thiết kế gần y chang nhau, chỉ khác ở vài tính năng. Mỗi dòng đều có 2 phân khúc là đèn dùng pin 18650 và 18350.

  • Wizard: dòng đèn gù cao cấp nhất của Armytek với độ sáng > 2000 Lumens, dùng 1 pin sạc 18650, trang bị sạc nam châm ở đuôi, có khoảng 11 mức sáng trong đó có tận 3 chế độ nháy Strobe khác nhau.
  • Tiara: y hệt Wizard, chỉ có điều là dùng pin sạc 18350 có kích thước nhỏ hơn, độ sáng cũng chỉ đạt > 900 Lumens

 

  • Dòng ELF bao gồm ELF C1 (dùng pin 18350) và ELF C2 (dùng pin 18650): có độ sáng và các chức năng tối giản hơn so với Wizard và Tiara. Cả ELF C1 và C2 đều đạt độ sáng 980 Lumens, 6 mức sáng, không có chế độ nháy và sạc pin qua cổng Micro USB trên thân. Giá của dòng ELF cũng rẻ hơn nhiều.

Nhận thấy nhu cầu chẳng bao giờ dùng đến độ sáng > 2000 Lumens cũng như các chế độ nháy nên mình chọn luôn ELF C2 và tiết kiệm được 1 khoản kha khá.

Armytek không chỉ đơn giản là đèn pin, chúng được tích hợp rất nhiều tính năng thực dụng, không hề thừa thãi như: cảm biến nhiệt độ chủ động, đèn báo pin nháy 5s một lần kiêm luôn định vị trong bóng tối, mạch điều khiển được đổ kín keo cũng như có tận 2 gioăng cao su nên chống nước cực tốt. Đèn pin của các hãng khác chỉ chống nước tối đa 2 mét trong 30 phút, chống va đập 1.5 mét thì đèn gù của Armytek chống nước được 10 mét, chống va đập 10 mét, đã vậy còn bảo hành 10 năm!

Armytek luôn cho khách hàng lựa chọn về nhiệt màu giữa ánh sáng trắng và vàng, đây là điểm ăn đứt nhiều hãng khác nhất là Olight. Mình thích ánh sáng vàng cho dịu mắt và phá sương tốt hơn.

Đánh giá ưu, nhược điểm của Armytek ELF C2:

1. Ưu điểm:

  • Kích thước gọn gàng: lý tưởng để bỏ túi mang theo hàng ngày, khi cần là móc ra dùng luôn. Nếu mang balo mình sẽ cầm theo cả dây đeo trán nữa.

  • Dùng pin sạc 18650: mình có vài cây đèn và tất cả đều dùng pin sạc 18650. Đây là cỡ pin sạc chuẩn công nghiệp, rất phổ biến, giá rẻ và chất lượng ổn định. Đèn dùng pin 18650 có trọng lượng không quá nặng để bỏ túi, hơn nữa chúng cho độ sáng cao và runtime rất tốt, nói chung là khá toàn diện.

Việc sử dụng pin 18650 đem lại cho Armytek ELF C2 runtime rất tốt. Mình ít khi dùng mức 980 Lumens và chỉ loanh quanh 340, 150 và 30 Lumens. Trong những lần đi cắm trại thì bật mức 150 Lumens xuyên đêm khoảng 6 tiếng đèn báo pin vẫn còn xanh. Hàng ngày ở nhà mỗi ngày dùng 15 – 20p thì khoảng 2 tuần mới phải sạc pin một lần.

Có duy nhất trong lần đi vào hang Sa Khao dài 7km ở Thái Nguyên thì phải duy trì mức Turbo liên tục do hang quá tối, và lần đó thay hết 4 viên pin cho 9 tiếng ra vào hang.

Hàng ngày đi làm, đi học hoặc trong các chuyến đi nhẹ nhàng mình vẫn cẩn thận mang theo 2 viên pin để dự phòng nhưng có vẻ cũng chưa lần nào phải dùng tới.

  • Chất lượng gia công và lớp mạ quá tốt

Đèn pin Armytek cũng sử dụng chất liệu nhôm hàng không như mọi hãng khác nhưng riêng về lớp mạ thì lại không giống ai. Cụ thể là họ sử dụng công nghệ xử lý bề mặt Premium type III hard anodizing 400HV. Mình chưa tìm hiểu kĩ nó khác gì với lớp mạ Premium type HAIII hard-anodized của các hãng như Fenix, Olight, Nitecore,… nhưng thực tế sử dụng cho thấy lớp mạ này bền vãi chưởng.

Bề mặt thân đèn pin Armytek cho cảm giác sần chứ không trơn bóng. Nếu bạn lấy móng tay cào vào thì sẽ để lại vết ngay lập tức nhưng xoa xoa vài cái là biến mất luôn, thế mới dị. Cây Armytek ELF C2 này mình không dùng kiểu nâng niu lắm mà cứ bạ đâu vứt đấy, nhất là trong balo với nhiều đồ kim loại khác như chiều khóa, dao đa năng Victorinox. Số lần làm rơi nó cũng không đếm được nhưng cuối cùng thì trên thân đèn chỉ có vài vết xước nhỏ.

Tổng quan có thể thấy lớp mạ của đèn còn như mới

  • Chống nước ngon

Bình thường chỉ có đèn pin lặn của các hãng mới được trang bị tới 2 gioăng cao su chống nước. Nhưng với Armytek thì đây lại là tiêu chuẩn bắt buộc với mọi cây đèn. Mình chưa gặp phải vấn đề gì với khả năng chống nước của cây này, phải nói là quá yên tâm khi đi mưa hoặc thậm chí đi lặn.

Ngay cả cái cổng sạc Micro USB cũng có khả năng chống nước từ bên trong luôn. Tính năng này mới thấy ở trên đèn pin Fenix và Armytek.

  • Giao diện sử dụng đơn giản, hợp lý

Lý do lớn nhất mình chọn mua Armytek ELF C2 thay vì Wizard chính là giao diện sử dụng của dòng ELF quá đơn giản, dùng không phải nghĩ ngợi nhiều. Wizard thì ngon đấy nhưng cái giao diện sử dụng của nó lằng nhằng, nói chính xác hơn là quá nhiều mức sáng không cần thiết.

Wizard hay Tiara có tận 11 mức sáng được chia làm 4 nhóm: Turbo (2 mức); Main (3 mức); Firefly (3 mức); Strobe (3 mức). Dùng quen thì không sao chứ mới mua về nghịch cũng chết mệt. Với cả mình không dùng nháy Strobe nên chọn ngay ELF không phải nghĩ nhiều.

Dòng ELF có 6 mức sáng thôi, thao tác sử dụng cũng chỉ đơn giản là nhấn giữ công tắc để chuyển qua lại, khi cần lên Turbo thì nháy đúp. Đèn cũng có nhớ mức sáng cuối hay sử dụng nhất, cứ bật là lên không phải nghĩ nhiều. Độ sáng của ELF C2 chỉ đạt 980 Lumens so với 2300 Lumens của Wizard Pro nhưng với mình thế là quá đủ. Thực tế cũng không hay dùng tới mức sáng nhất đó vì đèn nóng khá nhanh.

  • Ánh sáng đẹp

Đa số đèn pin gù sẽ đáp ứng tốt các nhu cầu chiếu sáng ở tầm gần, cỡ khoảng 50 mét đổ lại và Armytek ELF C2 cũng không phải ngoại lệ. Armytek sử dụng thấu kính TIR dạng tổ ong cho tất cả đèn gù của họ. Thấu kính này giúp đầu đèn giữ được kích thước nhỏ gọn và cho ra ánh sáng tròn, đều, rất mịn.

Thấu kính TIR có hiệu suất truyền dẫn ánh sáng tới 98%, cao hơn với chóa phản xạ truyền thống.

Mình rất ưng ánh sáng tròn mịn của cây này, tầm chiếu hiệu quả thực tế tầm 4-50 mét đổ lại thôi nhưng dùng ở khoảng cách gần như trong nhà thì quá tuyệt. Trong các chuyến cắm trại cũng chỉ cần ánh sáng tỏa rộng để dễ nấu ăn hay đi lại làm việc linh tinh.

Lần vào hang Sa Khao thì ánh sáng của ELF C2 rực rỡ như này đây, dù hang tối um nhưng ánh sáng tỏa rộng luôn thấy rõ đường đi.

  • Cuối cùng là vài ưu điểm trong thiết kế:

Công tắc của đèn pin gù Armytek được đặt bên thân, ngay tầm với của ngón cái nên thao tác nhanh, gọn, chính xác ngay cả khi đang dùng để đeo trán.

Hoặc thao tác với ngón trỏ cũng ok.

Cái công tắc này có tích hợp 1 đèn led báo pin, cứ 5s nó sẽ nháy một lần nên kiêm luôn cả định vị trong đêm tối. Pin còn đầy nó sẽ nháy xanh, pin yếu nháy màu cam và pin cạn nháy màu đỏ. Ai thấy đèn nháy này phiền có thể tắt đi theo hướng dẫn sử dụng nhưng mình thấy nó quá tiện, tội gì không dùng.

Tiếp đến là cái cổng sạc Micro USB. Nó đạt dòng sạc 1A nên sạc đầy viên pin 18650 3400mAh trong khoảng 4 tiếng. Đi chơi xa thì chỉ cần mang theo 1 sợi cáp là đủ thay vì cả bộ sạc rời lích kích. Cổng sạc này chống nước 2 lớp như đã nói bên trên, tức là không đậy nắp cao su vẫn chống nước ok.

NHƯNG, cái điều hay ho và đáng tiền nhất ở cây Armytek ELF C2 này chính là nó có thể dùng điện trực tiếp ở cổng sạc để sáng, không cần pin! Tức là nếu phải bật đèn cố định trong thời gian dài như kiểu ở khu cắm trại thì có thể tháo pin ra rồi cắm sạc dự phòng vào dùng phà phà cả chục tiếng luôn.

Với dùng nguồn rời như này thì đèn sẽ chỉ bật được mức sáng tối đa là 340 Lumens, không lên được Turbo 980 Lumens đâu nhé.

Không thể quên nhắc đến cái đuôi đèn có tích hợp nam châm, rất tiện khi sửa chữa lặt vì gì mà có nhiều bề mặt kim loại ở xung quanh. Nam châm của Armytek hít mạnh, chắc chắn. Nhớ ngày trước mình mua cái đèn gù của Skilhunt, đuôi nam châm yếu thậm tệ, lỡ tay chạm nhẹ cái là cả cây đèn bổ nhào xuống đất.

Cuối cùng là cái dây đeo trán. Đi đâu mà mang balo theo thì mình cũng luôn có cái dây đeo trán này trong đó. Các hoạt động ngoài trời như cắm trại, leo núi, đi hang, đi rừng thì cần phải rảnh 2 tay để làm việc, vì thế cái dây đeo trán là không thể thiếu.

Dây đeo trán của Armytek khá tốt, dùng 2 năm mà vẫn như mới. Dây có thể điều chỉnh kích thước cho vừa với từng người.

Là một tính năng đi kèm thôi nhưng Armytek ELF C2 không thua bất cứ cây đèn pin đeo trán chuyên nghiệp nào.

Gắn lên mũ bảo hộ chuyên dụng để đi hang, xuyên rừng thì hết ý!

2. Nhược điểm

Khen nhiều rồi giờ đến chê. Cũng chỉ có chê mấy cái về thiết kế thôi chứ về hiệu năng và sự ổn định thì không có gì phàn nàn.

Điểm chê bai đầu tiên là Armytek làm clip cài quá cứng, cứng khủng khiếp. Lần mới mua về mình hí hửng lắp ngay clip cài vào và đến lúc tháo ra thì tái mặt. Dùng tay không thể gỡ nổi và cuối cùng phải cần sự hỗ trợ của kìm.

Hậu quả đây, xước be bét cái thân đèn chỗ gắn clip. Sau với rút kinh nghiệm là dùng kìm banh cái clip ra một chút thì nó sẽ mềm hơn và tháo lắp được bằng tay.

Thứ hai là muốn lắp đèn vào dây đeo trán thì luôn phải tháo clip cài ra, ở nhà thì không sao chứ đang cơ động trong đường rừng thì cũng bất tiện vì như mình nói rồi, clip cài nó cứng, khó tháo.

Về điểm này thì thấy có Fenix HM61R làm ngon choét, clip cài ôm sát vào thân nên lắp vào dây đeo trán thoải mái, không cấn hay đụng chạm gì.

Cái chê cuối cùng là nắp đậy cổng sạc làm quá mỏng manh, chắc nó dày hơn tờ giấy A4 được 1 tí. Nắp đậy này để chống bụi là chủ yếu nhưng làm mỏng như vậy khiến nó dễ bị bật ra và dễ đứt nếu không để ý.

Giải pháp là lấy một sợi gioăng cao su cố định lại khi không sử dụng.

Tổng kết

Sau 2 năm sử dụng thì mình kết luận Armytek ELF C2 là một cây đèn tốt, gần như toàn diện về mặt hiệu năng, ổn định cũng như thiết kế. Cây này đáp ứng phải tới hơn 90% các nhu cầu chiếu sáng của mình từ trong nhà lẫn ngoài trời. Mặc dù sở hữu nhiều đèn khác nhưng trong balo lúc nào cũng phải có ELF C2 để đề phòng trong những tình huống xấu nhất.

Mình chưa có ý định bán nó để đổi đèn mặc dù thấy Fenix HM61R mới ra ngon hơn hẳn về nhiều mặt. Chủ yếu mình gắn bó với nó cũng lâu rồi nên thấy được nhiều giá trị ẩn cũng như có một sự liên kết khá bền chặt.

Với mức giá khoảng 1tr5, đã kèm cả pin và phụ kiện tại EDCZone thì Armytek ELF C2 là một cây đèn pin rất đáng cân nhắc. Hơn nữa với chế độ bảo hành tới 10 năm thì bạn còn lãi chứ chưa thấy lỗ gì.