Đèn pin chiếu xa chủ lực của Olight: Javelot Pro 2 (2500 Lumens, tầm xa 1050 mét)

0
777

Olight được ví như Apple của ngành đèn pin và ngày mình càng thấy đúng. Điểm chung giữa 2 thương hiệu này là họ luôn có lối đi ngược lại với số đông trong và tiên phong trong nhiều thiết kế. Có thể kể tới một vài đặc trưng của đèn pin Olight mà ban đầu phải hứng nhiều nhận xét tiêu cực như:

  • Pin sạc được thiết kế riêng (đắt và không phổ biến)
  • Sạc nam châm (các thế hệ đầu không ổn định, sạc chậm)
  • Pin gắn liền thân đèn (khó thay thế nếu hỏng hóc, xuống cấp)

Không quá khó hiểu khi Olight không được cộng đồng người chơi, sưu tầm đèn pin đánh giá cao nhưng lại được yêu thích bởi người dùng. Câu chuyện này cũng giống như điện thoại Android và IOS vậy.

Thời gian đã trả lời rằng rõ ràng không phải Olight bảo thủ mà họ có một tầm nhìn rất rõ ràng, đó là xây dựng một hệ sinh thái riêng cho mình. Chỉ có người dùng đèn pin trong hệ sinh thái Olight mới thấy sạc nam châm tiện cỡ nào, khi 1 dây có thể sạc được rất nhiều mẫu đèn. Đi làm về chỉ cần đặt đèn gần dây sạc là chúng tự hít lấy nhau, sáng dậy có đầy pin để dùng tiếp.

Pin sạc được thiết kế riêng hay liền thân không phải vấn đề quá lớn khi sự ổn định và nhẹ đầu mà chúng đem lại thực sự vượt trội. Mọi người rất thích mua đèn Olight để tặng người thân bởi chúng dễ sử dụng, không cần đòi hỏi nhiều kiến thức hay kinh nghiệm gì về đèn pin.

Suy cho cùng mục đích chính của đèn pin là chiếu sáng, phải bền bỉ, đưa cho ai cũng dùng được và không phải lăn tăn vấn đề mua pin gì cho chuẩn, sạc như nào cho đúng. Olight chính là một thương hiệu làm rất tốt điều này!


Olight Javelot Pro 2

Lan man một chút vậy là để mọi người hiểu được những nhận xét không tốt về đèn pin Olight đa phần đến từ người chơi, đam mê đèn mà trong khi đây không phải tập khách chính mà hãng hướng tới. Và đó cũng là lí do mình phải đặt bản thân vào một người dùng đúng nghĩa khi đánh giá về Olight Javelot Pro 2 bởi đây là cây đèn mà bạn sẽ thấy rất khó hiểu khi nhìn dưới góc độ của một người chơi:

Liệu cây Javelot Pro 2 này có đang bị ảo giá? hãy cùng tìm hiểu trong bài viết.


Danh mục bài viết:

  1. Video
  2. Thông số kĩ thuật
  3. Mở hộp và phụ kiện
  4. Kích thước
  5. Thiết kế và tính năng
  6. Pin và sạc nam châm
  7. Giao diện sử dụng
  8. Ánh sáng thực tế
  9. Thời lượng sử dụng
  10. Kết luận

1. Video

2. Thông số kĩ thuật

  • Độ sáng: 2500 Lumens
  • Chiếu xa: 1050 mét
  • Số mức sáng: 4
  • Loại pin: Lithium Ion 10.000mAh
  • Loại sạc: nam châm
  • Dòng sản phẩm: Javelot (chiếu xa)
  • Kích thước: 259 x 63 x 26mm
  • Trọng lượng: 423g (tính cả pin)
  • Khả năng chống nước: IPX8
  • Bảo hành 5 năm chính hãng!

Thông số các mức sáng:

Mức 1 Mức 2 Mức 3 Mức 4
Độ sáng (Lumens) 2500 – 1000 – 600 Lumens 600 – 150 150 15
Chiếu xa (Mét) 1050 510 255 85 mét
Thời gian sáng 5 + 180 + 27 phút 420 + 42 phút 32.5 tiếng 12 ngày

 

3. Mở hộp và phụ kiện

Javelot Pro 2 được đựng trong Vali chống shock rất xịn!

Khi bỏ ra khoảng ~ 5 triệu bạn sẽ nhận về một cây đèn tử tế đến cả cách đóng gói. Với những mẫu đèn cỡ lớn dạng này thì Olight thường sẽ đựng trong 1 chiếc Vali chống shock rất xịn, có gioăng cao su kín nước và cả van điều áp.

Nếu như trước đây mua đèn thì bạn thường phải phân vân là nên vứt bỏ hay giữ lại hộp giấy để sau này bán lại cũng được giá thì đó không phải là vấn đề với Javelot Pro 2 nữa. Bạn hoàn toàn có thể tận dụng chiếc Vali này để đựng những đồ có giá trị mà dễ hỏng hóc do va đập.

Vì được tích hợp hết những chức năng cần thiết nên phụ kiện đi kèm của đèn cũng đơn giản, chỉ có:

  • Cáp sạc nam châm
  • Bao đựng đèn
  • HDSD

Chiếc bao đựng cho phép cài đèn ở thắt lưng để dễ truy cập và thao tác.

4. Kích thước

Từ trước khi công nghệ LEP (Laser ánh sáng trắng) được ứng dụng phổ biến, cho phép đèn chiếu xa thu gọn kích cỡ lại để bỏ được trong túi thì đây là thiết kế phổ biến của đèn sử dụng công nghệ LED.

Olight Javelot Pro 2 có thân dài 26cm để dùng 2 viên pin sạc 21700 (gắn liền), đầu đèn đường kính 63mm và trọng lượng ~ 420g tính cả pin.

So sánh kích thước với Fenix HT32Fenix PD36R V2.0.

Kích thước này đủ gọn để bỏ trong balo hoặc cài ở thắt lưng để sử dụng cá nhân, cũng như dùng để tự vệ khi cần thiết bởi toàn bộ thân đèn bằng hợp kim nhôm cứng cáp.

Hiện tại hầu như hãng đèn nào cũng có 1-2 cây chiếu xa thiết kế tương tự như này. Fenix trước đây có dòng TK47 nhưng đã ngưng sản xuất từ lâu và thay thế bằng HT18R nhỏ gọn hơn. Tuy vậy mình nghĩ Fenix vẫn nên tung ra một cây tương tự vậy mà dùng 2 pin bởi rõ ràng nhu cầu là vẫn có.

5. Thiết kế và tính năng

Javelot Pro 2 có thể tháo làm 3 khúc là đầu, thân và đuôi đèn, từ đó cũng thấy được chất lượng hoàn thiện cao cấp của Olight.

Tất cả các tiếp xúc pin đều được mạ vàng để giảm tối đa nội trở, ren vặn dạng vuông dày dặn đảm bảo cứng cáp.

Toàn bộ thân đều được gia công từ hợp kim nhôm A6061-T6 rất dày nên có thể dùng để tự vệ được.

Bề mặt được xử lý bằng công nghệ mạ Anodize HAIII giúp tăng độ cứng, chống trầy xước.

Đầu đèn to với đường kính 63mm để chiếu xa với các lá tản nhiệt cỡ lớn giúp duy trì nhiệt độ ổn định.

Chip LED Luminus SFT40 trên Javelot Pro 2.

Để chiếu xa được tới ~ 1km thì Olight đã trang bị cho Javelot Pro 2 chóa phải xạ trơn cỡ lớn cùng chip LED Luminus SFT70 cho độ sáng 2500 Lumens.

  • SFT70 là biến thể chuyên dụng chiếu xa của SST70, vốn xuất hiện trên ~ 80% các mẫu đèn pin dùng LED đơn, sáng tầm 3000 Lumens đổ lại hiện giờ nhờ hiệu năng quá tốt.
  • Olight cho SFT70 chạy ở 70% công suất trên cây này giúp tối ưu hiệu suất và tuổi thọ. Thực tế thì đèn có thể kéo 2500 Lumens tới tận 5 phút trước khi hạ sáng

Ánh sáng của Javelot Pro 2 cách tường ~ 4m, thấy rõ được tâm sáng nhỏ và rất chói, vùng sáng tỏa tròn đều, không bị méo mó.

Thiết kế rãnh chống trượt trên thân của Javelot Pro 2.

Phần thân được thiết kế rất gai góc nhưng cầm vào không hề bị khó chịu, ngược lại nó còn cho độ bám tốt ngay cả khi đeo găng tay.

Javelot Pro 2 được trang bị 2 công tắc độc lập đều có thể dùng để bật/tắt đèn.

Công tắc chính đặt ở đuôi cho mục đích sử dụng tác chiến/tự vệ nhờ khả năng thao tác nhanh và chính xác trong mọi tình huống.

Đây là công tắc 2 tầng, nhấn nhẹ kích hoạt 15 Lumens và nhấn mạnh cho 2500 Lumens. Có thể kích hoạt đèn tạm thời bằng cách nhấn và giữ tay, nhả ra đèn sẽ tắt.

Công tắc phụ đặt ở ngay đầu đèn, đem lại tư thế cầm thoải mái nhất khi sử dụng trong thời gian dài liên tục. Công tắc này sẽ điều khiển được hết 4 mức sáng của đèn: 15 – 150 – 600 – 2500 Lumens.

Bên trái là LED báo mức sáng, bên phải là LED báo dung lượng pin.

Đây cũng là nơi đặt hệ thống LED báo mức sáng và dung lượng pin. Mỗi dải gồm 4 LED rất chính xác và trực quan.

6. Pin 10.000mAh và cổng sạc nam châm

  • Pin sạc 10.000mAh

Viên pin chính là thiết kế gây tranh cãi của Javelot Pro 2 khi nó được tích hợp thẳng luôn vào thân đèn, điều này có nghĩa bạn sẽ phải mua nguyên cái thân mới nếu cần thêm pin dự phòng và giá cũng không rẻ, khoảng ~ 2 triệu.

Bên trong là 2 viên pin sạc 21700 dung lượng 5000mAh mỗi viên, tổng 10.000mAh. Đây là nâng cấp lớn so với chỉ 7000mAh của Javelot đời đầu.

Chính viên pin liền thân này là lí do mà mình cho rằng những người chơi, sưu tầm đèn sẽ không thích Javelot Pro 2 bởi đơn giản là họ sẽ không tận dụng được những viên pin đang có sẵn, khá lãng phí. Còn với người dùng thì mình thấy đây không phải vấn đề gì quá to tát, thậm trí còn là ưu điểm bởi pin đi kèm sẽ luôn có sự ổn định và độ bền tốt nhất. Nó tránh được việc lắp pin kém chất lượng vào gây hỏng thiết bị và nguy hiểm tới người dùng.

600 Lumens của Javelot Pro 2 có thể kéo ~ 7 tiếng liên tục.

Và thực tế viên pin 10.000mAh của cây này đủ kéo độ sáng cao ~ 600 Lumens tới 7 tiếng liên tục, quá đủ cho đa số người dùng phổ thông. Còn nếu bạn có nhu cầu dùng quá cao, cần thay pin liên tục thì nên cân nhắc tới mẫu đèn khác dùng pin rời.

Tuổi thọ pin Lithium bây giờ cũng được tối ưu hơn nhiều so với ngày trước, với cường độ 1 tuần sạc 1 lần thì viên pin này dùng phà phà 4-5 năm chưa cần thay.

  • Cổng sạc nam châm

Olight tích hợp luôn sạc nam châm vào công tắc đuôi của Javelot Pro 2 giúp tối ưu diện tích và đảm bảo thẩm mĩ.

Dây sạc sẽ sử dụng nguồn USB 5V thông dụng với công suất tối thiểu nên là ~ 10W.

Tốc độ thực tế của kết nối sạc này không tệ, đạt ~ 10W nhưng với viên pin 10.000mAh của Javelot Pro 2 thì sẽ mất tới ~ 7 tiếng để đầy pin, vậy nên lý tưởng là cắm sạc qua đêm.

Đây là trong tình huống thử nghiệm nên mình mới để đèn tới cạn pin rồi sạc, chứ thực tế đa phần mọi người sẽ dùng tới ~ 4-50% là sạc rồi thì sẽ đỡ phải đợi lâu hơn. Pin Lithium Lion bây giờ không bị chai nếu sạc nhồi nên cứ dùng thoải mái thôi!

Thiết kế sạc nam châm của Olight có ưu và nhược điểm rõ ràng:

  • Ưu điểm:
    • Tiện lợi, rút gọn thao tác
    • Đảm bảo chống nước, bụi
    • Có nguyên 1 hệ sinh thái của Olight sử dụng thiết kế này
  • Hạn chế:
    • Phụ thuộc vào sợi dây sạc nam châm khi đi chơi xa
    • Tốc độ sạc không nhanh bằng Type-C

7. Giao diện sử dụng

Công tắc đuôi

  • Nhấn và giữ: kích hoạt tạm thời
    • Nhấn và giữ nhẹ: sáng ở 15 Lumens
    • Nhấn và giữ mạnh: sáng ở 2500 Lumens
    • Nhả tay: tắt đèn
  • Nhấn và nhả tay dứt khoát: kích hoạt cố định
    • Nhấn nhẹ và nhả: sáng ở 15 Lumens
    • Nhấn mạnh và nhả: sáng ở 2500 Lumens
    • Nhấn thêm lần nữa: tắt đèn

Công tắc thân

  • Bật/Tắt: nhấn và giữ công tắc 0.5s
  • Chuyển mức sáng: nhấn khi đèn đang bật (15 – 150 – 600 – 2500 Lumens)

Javelot Pro 2 có nhớ mức sáng cuối được sử dụng.

8. Khả năng chiếu sáng

Mức 600 Lumens.

Mặc dù là đèn chiếu xa có tâm sáng rất chói nhưng Olight Javelot Pro 2 vẫn có thể dùng ở tầm gần khi cần nhờ vùng sáng tỏa. Đây là lợi thế so với đèn sử dụng công nghệ Laser (LEP).

Mình hay dùng 15 và 150 Lumens trong môi trường này, còn từ 600 Lumens đổ lên thì hơi thừa

Ngoài trời – chưa bật đèn.

2500 Lumens.

Mức cao nhất 2500 Lumens với tầm chiếu hiệu quả 5-600 mét (chỗ mình test trong ảnh đạt ~ 200 mét). Có thể thấy vùng sáng tỏa rất tròn và đủ nhìn bao quát xung quanh.

600 Lumens.

Mức sáng chính 600 Lumens đủ đáp ứng hầu hết các nhu cầu cơ bản ngoài trời với tầm xa hiệu quả ~ 250 mét. Đèn chạy ổn định và không bị nóng ở mức này.

150 Lumens.

150 Lumens chiếu hiệu quả ~ 100 mét đổ lại và có thể duy trì tới 30 tiếng liên tục.

15 Lumens.

15 Lumens đủ dùng ở tầm gần và có thể sáng liên tục 12 ngày.

9. Thời lượng sử dụng (Runtime)

Vì được trang bị cảm biến nhiệt độ chủ động nên runtime thực tế của Javelot Pro 2 sẽ phụ thuộc nhiều vào môi trường sử dụng. Ví dụ nhiệt độ môi trường cao -> đèn sẽ nhanh hạ xuống độ sáng thấp -> duy trì được lâu hơn (và ngược lại).

Mình test runtime cây này ở phòng điều hòa, nhiệt độ ~ 25°C và kết quả khá tốt:

  • Turbo 2500 Lumens (màu xanh): mức này duy trì được gần 5 phút trước khi hạ xuống ~ 1000 Lumens trong 145 phút (1.4 tiếng) và sau đó hạ dần vì pin yếu. Tổng runtime đạt 199 phút ~ 3.3 tiếng.
  • High 600 Lumens (màu cam): mức này duy trì ổn định một mạch tới khi hết pin mà không bị hạ sáng, tổng runtime đạt 425 phút ~ 7.1 tiếng
Mức 1 Mức 2 Mức 3 Mức 4
Độ sáng (Lumens) 2500 – 1000 – 600 Lumens 600 – 150 150 15
Chiếu xa (Mét) 1050 510 255 85 mét
Thời gian sáng 5 + 180 + 27 phút 420 + 42 phút 32.5 tiếng 12 ngày

 

Đây là kết quả tốt nếu so với thông số của nhà sản xuất, đặc biệt là 600 Lumens kéo được tới 7 tiếng tức đủ dùng xuyên đêm để đi rừng.

10. Kết luận

Mình vẫn giữ quan điểm rằng Olight Javelot Pro 2 có thể sẽ không phù hợp với người chơi, sưu tầm đèn pin nhưng sẽ là chân ái với người có nhu cầu sử dụng nhờ trải nghiệm nó đem lại quá tốt.

Bạn không cần phải có nhiều kinh nghiệm hay kĩ năng về đèn pin siêu sáng mà vẫn có thể làm chủ tốt được cây này. Olight đã loại bỏ hết những thao tác thừa thãi như tháo lắp pin hay cắm sạc rườm rà, chúng ta chỉ việc sử dụng, hết pin để gần dây sạc nam châm để tự hít vào là xong.

  • Giao diện sử dụng đơn giản nhưng thông minh cho phép Javelot Pro 2 đóng vai trò của đèn tác chiến cũng như các nhu cầu sử dụng thông thường.
  • Viên pin sạc 10.000mAh với tuổi thọ trung bình 3-5 năm tùy cường độ sử dụng là đủ cho ~ 80% người dùng phổ thông. Còn nếu có nhu cầu sử dụng quá cao, cần thay pin liên tục thì có thể cân nhắc mua thêm pin sơ cua hoặc một cây khác phù hợp hơn.
  • Tốc độ sạc chỉ ~ 10W là một hạn chế trên Javelot Pro 2 nếu bạn thường xuyên dùng cạn pin vì mất tới 7 tiếng để sạc đầy hoàn toàn.