Đánh giá chi tiết đèn tác chiến Fenix TK20R UE – 2800 Lumens, 465 mét chiếu xa!

0
598

2 năm trước mình đã đánh giá chi tiết về Fenix TK20R V2.0, mẫu đèn pin chiến thuật xuất sắc từ chất lượng hoàn thiện tới tính năng. TK20R V2.0 thừa hưởng cụm công tắc đuôi kép của TK16 V2, trang bị thêm cổng sạc Type-C thiết kế ẩn và tăng khả năng chiếu xa lên 475 mét với chip LED Luminus SFT70.

Khoảng 1 năm sau (2023) Fenix tiếp tục cho người dùng thêm sự lựa chọn với phiên bản TK20R UE (UE = Ultimate Edition). Cây này được phát triển dựa trên TK20R V2 nên cả 2 có sự tương đồng lớn tới 90% về:

  • Thiết kế tổng thể (kích thước, loại pin, cổng sạc)
  • Khả năng chiếu sáng
Fenix TK20R V2 (bên trái) và TK20R UE

Điểm khác biệt lớn nhất nằm ở giao diện sử dụng, cụ thể là thiết kế của cụm công tắc đuôi và đây cũng là yếu tố khiến nhiều người đau đầu khi lựa chọn.

Fenix TK20R UE được trang bị cụm công tắc xoay đa năng cho phép chuyển đổi nhanh giữa 3 chế độ:

  • Tactical (tác chiến)
  • Duty (chiếu sáng thông thường)
  • Lock-out (khóa an toàn)

Trên lý thuyết thì đây là một thiết kế thông minh khi tách biệt được giữa chế độ tác chiến (cần các mức sáng tối giản) và chế độ sáng thông thường (cần sự linh hoạt), thực tế thì liệu phiên bản UE này có thể thay thế hoàn toàn TK20R V2.0 hay không? hãy cùng tìm hiểu trong bài viết.

Giá bán:

> Fenix TK20R UE hiện đang có giá bán 3.190.000đ với 4 phiên bản màu sắc thay vì chỉ màu đen truyền thống như bản V2.0 <

Trong bài viết này mình đang có màu Metallic sand và Tropical green.

Video


Mục lục bài viết:

  1. Thông số kĩ thuật
  2. Mở hộp và phụ kiện
  3. Giao diện sử dụng mới
  4. Ưu và nhược điểm của mỗi hệ thống công tắc
  5. Thiết kế và khả năng chiếu sáng
  6. Kết luận

 

1. Thông số kĩ thuật

  • Độ sáng cực đại 2800 Lumens, chiếu xa 465 mét
  • Trang bị bóng led Luminus SFT70
  • Tương thích pin sạc 21700 và 18650 (qua adapter)
  • Hệ thống công tắc xoay FlexiSensa được đăng kí bản quyền
  • Cổng sạc Type-C thiết kế ẩn
  • Thân đèn bằng hợp kim nhôm A6061-T6 cao cấp
  • Xử lý mạ bề mặt Anodize HA-III siêu cứng
  • Kích thước: 153.7 x 34 . 25.4mm
  • Trọng lượng: 135g (chưa tính pin)
  • Chống nước: IP68
  • Bảo hành 5 năm chính hãng!
Thông số các mức sáng và runtime tương ứng.

2. Mở hộp và phụ kiện

Phụ kiện đi kèm của Fenix TK20R UE bao gồm:

  • Pin sạc 21700 5000mAh của Fenix
  • Cáp sạc Type-C
  • Bao đựng đèn
  • Dây đeo tay
  • Gioăng cao su chống nước (dự phòng)
  • HDSD

Pin sạc 21700 dung lượng 5000mAh, chất lượng cao của Fenix.

Pin đầu lồi và có trang bị mạch bảo vệ ở cực dương.

3. Giao diện sử dụng mới

Bài viết này sẽ tập trung vào sự khác biệt về trải nghiệm mà 2 hệ thống công tắc đem lại, từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp với mỗi nhóm người dùng.

Fenix TK20R V2.0

TK20R V2.0 thừa hưởng thiết kế công tắc đuôi kép từ TK16 V2.0, vốn đã được chứng minh về sự đơn giản và hiệu quả trong sử dụng. Hệ thống này bao gồm:

  • Công tắc chính có kích thước lớn, được làm lồi hẳn lên có nhiệm vụ Bật/Tắt đèn tạm thời hoặc cố định. Đây là công tắc cơ khí với đặc trưng là phát ra tiếng “click” khi bấm.
    • Nhấn nhẹ công tắc và giữ để kích hoạt đèn sáng tạm thời, nhả tay ra để tắt
    • Nhấn hết hành trình công tắc rồi nhả tay để bật đèn sáng cố định, nhả tay ra để tắt

  • Công tắc chức năng với kích thước nhỏ hơn được đặt ngay cạnh và ở vị trí vát so với công tắc chính. Đây là công tắc điện tử nên hành trình ngắn và phát ra tiếng rất nhỏ.
    • Khi đèn đang bật:
      • Nhấn công tắc 1 lần để chuyển qua lại 5 mức sáng: 30 – 150 – 350 – 1000 – 3000 Lumens
      • Nhấn và giữ công tắc 0.5s để kích hoạt nháy Strobe
        • Nhấn 1 lần để về chế độ sáng bình thường

(TK20R V2.0 có nhớ mức sáng cuối được sử dụng)

          • Khi đèn đang tắt:
            • Nhấn và giữ công tắc để kích hoạt nháy Strobe – Nhả tay ra để tắt

Fenix TK20R UE

Đây là lần đầu tiên thiết kế công tắc này xuất hiện trên đèn pin tác chiến Fenix, nó bao gồm:

  • Công tắc chính giống như trên TK20R V2.0, ngoài Bật/Tắt đèn thì nó còn chức năng chuyển mức sáng
    • Thao tác bật/tắt đèn tạm thời và cố định y hệt trên TK20R V2.0

  • Và cụm công tắc xoay được đặt ngay cạnh, chuyển đổi qua lại giữa 3 chế độ của cây đèn (từ trái qua):
    • Chế độ tác chiến, giới hạn đèn ở 2 mức sáng duy nhất: 2800 Lumens – nháy Strobe.
      • Khi đèn đang bật ở chế độ này, nhấn nhẹ công tắc chính để chuyển qua lại 2800 Lumens – nháy Strobe
    • Chế độ duty, cho phép truy cập 4 mức sáng: 30 – 350 – 1000 – 2800 Lumens.
      • Khi đèn đang bật ở chế độ này, nhấn nhẹ công tắc chính để chuyển qua lại giữa 4 mức sáng trên.

(TK20R UE có nhớ mức sáng cuối được sử dụng, ở cả 2 chế độ)

    • Chế độ lock-out: khóa an toàn, lúc này nhấn công tắc cũng không kích hoạt được đèn, tránh việc bật vô ý khi để trong túi quần, balo,…

4. Ưu và nhược điểm của mỗi hệ thống công tắc

Mỗi thiết kế công tắc đều có ưu và nhược điểm riêng, đó cũng là lý do TK20R UE chỉ là một sự lựa chọn thêm chứ không thể hoàn toàn thay thế TK20R V2.0 hay các thiết kế tương tự.

Ưu điểm:

  • Cả 2 hệ thống công tắc đều có ưu điểm vệ khả năng thao tác nhanh và chính xác bằng 1 tay trong mọi tình huống.

Hạn chế:


=> Có thể thấy rằng ưu điểm của dòng đèn này sẽ là nhược điểm của dòng kia:

Đèn pin Fenix TK20R V2.0
  • Fenix TK20R V2.0 ăn điểm về sự đơn giản và hiệu quả trong cách sử dụng, khiến nó là sự lựa chọn tốt cho những người mới sử dụng đèn pin siêu sáng, đặc biệt là người lớn tuổi.

Khả năng tác chiến của TK20R V2.0 mình chỉ đánh giá 7.5/10 do nó có quá nhiều mức sáng không cần thiết cho hoạt động này và không có khả năng kích hoạt nhanh mức sáng cao nhất.

Khả năng tự vệ của TK20R V2.0 đạt 9/10 khi có thể kích hoạt nhanh nháy Strobe ở bất kì trạng thái nào.

Sự đa dụng của TK20R UE đạt 8/10 với các mức sáng linh hoạt, nhưng không kích hoạt nhanh được mức sáng thấp và cao nhất.

Cây này không có khóa an toàn nên khi để trong balo thì nên vặt lỏng nhẹ đuôi, tránh việc công tắc bị cấn gây vô ý kích hoạt.

Đèn pin Fenix TK20R UE.
  • Fenix TK20R UE được thiết kế thông minh và chuyên biệt hơn, phù hợp cho những người có kinh nghiệm sử dụng đèn pin siêu sáng, cảnh sát, quân đội, các lực lượng thực thi pháp luật nói chung.

Khả năng tác chiến của TK20R UE đạt 9/10 khi được giới hạn ở 2 mức sáng 2800 – nháy Strobe khi hoạt động ở chế độ này. Các mức sáng đơn giản và đặc điểm quan trọng của đèn tác chiến, giúp tập trung và tránh kích hoạt nhầm trong những tình huống căng thẳng.

Khả năng tự vệ của TK20R UE đạt 8.5/10, một phần do nháy Strobe chỉ được tích hợp ở chế độ tác chiến (Tactical)

Sự đa dụng của TK20R UE cũng đạt 8/10, lí do tương tự như TK20R V2.0 là không kích hoạt nhanh được mức sáng thấp và cao nhất.

5. Ngôn ngữ thiết kế và khả năng chiếu sáng

Ngoài sự khác biệt về giao diện sử dụng ra thì Fenix TK20R UE rất tương đồng với phiên bản TK20R V2.0 ở nhiều yếu tố như thiết kế tổng thể, khả năng chiếu sáng và hiệu suất.

Đây là dòng đèn pin tác chiến công suất cao chuyên chiếu sáng tầm xa > 400 mét với đầu đèn đường kính 34mm, sử dụng pin sạc 21700 và kích thước đủ nhỏ gọn để bỏ túi.

TK20R UE có chiều dài tổng thể ~ 15cm và nặng ~ 200g đã tính cả viên pin sạc 21700. Mình thấy nó vẫn không quá nặng để nhét túi quần, hoặc có thể bỏ vào bao đựng để cài thắt lưng hay balo.

Độ sáng 2800 Lumens của TK20R UE.
Mức 1000 Lumens sáng ổn định trong ~ 3 tiếng.

Thân được thiết kế để sử dụng pin sạc 21700 dung lượng cao 5000mAh (đi kèm), đem lại độ sáng khủng ~ 2800 Lumens và khả năng duy trì ổn định ở 1000 Lumens trong khoảng 3 tiếng!

Phiên bản UE này cũng có cổng sạc Type-C trên thân được thiết kế ẩn, đây là nâng cấp đáng tiền so với TK16 V2.0. Thiết kế ẩn đảm bảo vệ sự thẩm mĩ cũng như chống nước và bụi tuyệt đối. Fenix còn cẩn thận trang bị khả năng chống nước 2 lớp cho cổng sạc này.

Cổng sạc đem lại sự linh hoạt và tiện lợi tuyệt vời đặc biệt trong các chuyến đi xa. Loại bỏ được thao tác tháo/lắp pin liên tục cũng như sự cồng kềnh khi mang theo bộ sạc rời.

Tốc độ sạc khá nhanh, đạt ~ 8W và đầy pin trong khoảng 4 tiếng ở trạng thái cạn.

Hệ thống quang học của TK20R UE cũng là chip LED Luminus SFT70 + chóa phản xạ trơn như trên bản V2.0.

Hệ thống này đem lại độ sáng cực đại 2800 Lumens với tầm chiếu xa 465 mét theo thông số. Tầm chiếu hiệu quả đạt ~ 250 mét dễ dàng.

Fenix hạ nhẹ độ sáng của bản UE xuống 200 Lumens so với bản V2.0, chủ yếu giúp nó duy trì ổn định ở khi bật liên tục ở chế độ Tactical. Thực tế thì khả năng chiếu sáng của 2 cây này là y hệt nhau, không thấy quá rõ sự khác biệt.

Các mức sáng phụ của TK20R UE:

1000 Lumens.

1000 Lumens, mức sáng chính với khả năng duy trì liên tục ~ 3 tiếng, đủ đáp ứng gần như mọi nhu cầu chiếu sáng cường độ cao, tầm xa ngoài trời.

350 Lumens.

350 Lumens, duy trì được 9 tiếng rất lý tưởng để đi rừng xuyên đêm.

30 Lumens.

30 Lumens đủ dùng ở tầm gần, trong nhà với runtime tới 40 tiếng liên tục.

Runtime

Thời lượng hoạt động của cây này cũng không khác gì bản TK20R V2.0, các bạn có thể tham khảo lại:

Về cơ bản thì mức sáng cao nhất (2800 – 3000 Lumens) chỉ duy trì được chưa đầy 1 phút trước khi hạ xuống ~ 1000 Lumens.

Mức 1000 Lumens thì sáng ổn định tới 90 phút trước khi hạ xuống ~ 300 Lumens trong 80 phút tiếp theo. Tổng runtime được 194 phút ~ 3.2 tiếng đồng hồ.

6. Kết luận

Hi vọng thông tin trong bài viết này giúp các bạn dễ dàng đưa ra được lựa chọn giữa TK20R V2.0 và bản TK20R UE. Tóm gọn lại thì TK20R V2.0 phù hợp cho mọi đối tượng khách hàng từ những người mới cho tới đã có kinh nghiệm. Cây này đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng hỗn hợp, cần sự đa dụng, cần khả năng tác chiến và tự vệ khi cần thiết.

Trong khi đó TK20R UE dành cho người dùng đã có kinh nghiệm, đặc biệt nếu bạn thấy hệ thống công tắc kép của bản V2.0 chưa đủ thỏa mãn thì chắc chắn thiết kế của bản UE sẽ đem lại trải nghiệm tốt!