6 mẫu đèn pin EDC đáng mua tầm giá ~ 1 triệu (update 2024)

0
1691

Bài viết hôm nay đem tới cho mọi người gợi ý về 6 mẫu đèn pin EDC đáng mua trong tầm giá khoảng 1 triệu. Tất cả đèn trong bài viết đều được mình trải nghiệm thực tế đủ lâu để đánh giá được chính xác, không phải chỉ nói suông dựa vào thông số.

Update vào tháng 6/2024.

1. Vezerlezer ED10 – 2200 Lumens

> Review chi tiết Vezerlezer ED10 <

Vezerlezer ED10 có mọi thứ mà bạn có thể đòi hỏi ở 1 cây đèn pin EDC như độ sáng mạnh > 1000 Lumens, nhỏ gọn, tích hợp cổng Type-C và quan trọng là giá bán chỉ dưới 700.000đ (tại thời điểm hiện tại).

ED10 là nỗ lực của Vezerlezer nhằm cạnh tranh trực tiếp với Sofirn trong phân khúc đèn pin mức giá tầm trung. Thực tế mình đánh giá chất lượng hoàn thiện của hãng này nhình hơn 1-2 bậc so với Sofirn, thậm trí nhiều khía cạnh có thể tiệm cận Fenix (lớp mạ, hiệu năng, phụ kiện,…).

ED10 là một trong những mẫu đèn dùng pin 18650 mà có kích thước gọn nhất mình từng dùng. Nó dài vỏn vẹn ~ 11cm và nặng 130g tính cả pin. Đủ nhẹ nhàng để bỏ túi mang bên người.

18650 trước giờ luôn là loại pin ưa thích của mình vì nó đem tới sự cân bằng tốt giữa: kích thước – độ sáng – thời lượng sử dụng.

Điểm giá trị nhất của đèn dùng cỡ pin này là khả năng kéo ổn định được ở độ sáng 350 – 500 Lumens liên tục khoảng ~ 3 tiếng. Đây là mức sáng đủ đáp ứng > 80% các nhu cầu sử dụng ở ngoài trời.

Và nếu dùng nhiều ở trong nhà thì mức 130 Lumens có thể hoạt động tới 10 tiếng, tức mỗi ngày dùng khoảng ~ 15 phút thì khoảng 40 ngày mới phải sạc lại pin.

chip LED Luminus SST40 trên Vezerlezer ED10.
Độ sáng cực đại 2200 Lumens.

“Nhỏ mà có võ” là ấn tượng của mình về cây đèn này, khi đem lại độ sáng khủng 2200 Lumens trong 1 kích thước quá gọn gàng. Tất nhiên độ sáng này chỉ duy trì được trong khoảng ~ 1 phút trước khi hạ xuống để chống quá nhiệt nhưng nó cũng được việc trong nhiều tình huống. Giá trị nhất của cây này vẫn là khả năng duy trì ổn định ở ~ 500 Lumens.

Tầm chiếu xa của ED10 là 305 mét theo thông số, thực tế thì tầm chiếu hiệu quả dễ dàng đạt ~ 150 mét.

Cổng sạc Type-C đem tới sự tiện lợi và linh hoạt khi sử dụng đèn hàng ngày hay đem đi du lịch. Miễn là có cáp Type-C và nguồn USB 5V là bạn đã có thể sạc cho đèn.

Một vài điểm có thể cải thiện:

  • Thân đèn hơi ngắn nên cầm sẽ bị lọt thỏm
  • ED10 có chế độ sáng vô cấp nhưng làm khá chán, không khuyến khích dùng
  • Đuôi không nam châm để hít lên kim loại

-> Tổng thể thì Vezerlezer ED10 là một cây đèn có chất lượng hoàn thiện và hiệu năng vượt giá bán, đem lại trải nghiệm sử dụng tốt với giao diện khá giống Olight (dễ làm quen) và khả năng chiếu sáng ấn tượng cho nhu cầu hỗn hợp.

Giá trị thực của cây ED10 này có thể rơi vào khoảng ~ 1tr2 với chất lượng hoàn thiện tốt cỡ đó.

2. Sofirn SP35 – 2000 Lumens

> Review chi tiết Sofirn SP35 <

Sofirn SP35 gần như không có đối thủ trong tầm giá loanh quanh 900.000đ với chất lượng gia công và tính năng tổng thể quá ngon.

Cây đèn này là sự lựa chọn đáng cân nhắc nếu bạn chuộng pin sạc cỡ 21700 đem lại độ sáng và thời lượng hoạt động vượt trội, đặc biệt là khả năng kéo ~ 1000 Lumens ổn định.

SP35 vẫn mang thiết kế đặc trưng của đèn pin thuần cho nhu cầu EDC với công tắc chính đặt ngang thân, đuôi phẳng và kích thước gọn để bỏ túi.

Sofirn SP35 có kích thước lớn hơn kha khá nếu so với đèn chạy pin 18650 (Sofirn SC31 Pro), nhưng bù lại là dung lượng cao cho phép đèn hoạt động lâu và duy trì ổn định được ở độ sáng cao hơn hẳn.

Cây này có chất lượng gia công – hoàn thiện ở mức khá, phù hợp khi bạn có ý định mua cây đèn đầu tiên hoặc một cây đèn phụ để dự phòng hay cho mượn khi cần.

Chip LED Luminus SST40 “quốc dân”.
Độ sáng thực tế ~ 2000 Lumens.
2000 Lumens của phiên bản ánh sáng vàng.

Gọi SST40 của Luminus là chip LED quốc dân cũng không sai bởi đã số những mẫu đèn trong bài viết này đều được trang bị nó, SP35 cũng không phải ngoại lệ.

Khả năng chiếu sáng của Sofirn SP35 cũng đáng gờm với 2000 Lumens và tầm xa 332 mét theo thông số.

Ánh sáng cây này có sự cân bằng tốt khi vùng tỏa rộng cho tầm nhìn bao quát tốt, đủ để sử dụng trong cả không gian hẹp.

Cổng sạc Type-C là yếu tố cốt lõi tạo nên một cây đèn EDC toàn diện.

Giao diện sử dụng của Sofirn SP35 giống Olight tới ~ 90% với đầy đủ những ưu điểm như dễ dùng, truy cập nhanh được mức thấp – cao nhất – nháy Strobe.

Ngoài ra nó còn có 1 chế độ sáng vô cấp từ 1 – 2000 Lumens, tuy làm chưa quá mượt nhưng ăn đứt cây ED10 của Vezerlezer.

-> Có thể coi Sofirn SP35 là một phiên bản giá rẻ rất thành công của Fenix E35R. Từ chất lượng hoàn thiện tới tính năng của cây đèn này đều xứng đáng tới từng xu bỏ ra.

Tuy nhiên hãy cân nhắc kĩ liệu nhu cầu sử dụng của bạn có đủ cao để cần tới pin sạc cỡ 21700 không? bởi kích thước và trọng lượng của nó sẽ khá bất hợp lý nếu không khai thác được hết.

Hiện Bisu có 2 phiên bản nhiệt màu của SP35 để lựa chọn.

3. Sofirn SP35T – 3800 Lumens 

SP35T là biến thể được mong chờ bấy lâu nay với thiết kế chuyên dụng cho nhu cầu tác chiến – tự vệ cá nhân. Kí tự “T” = Tactical.

Sofirn SP35T thừa hưởng 80% DNA của SP35 tiêu chuẩn trong thiết kế tổng thể:

  • Thân dùng pin 21700
  • Cổng sạc Type-C
  • Clip cài túi 2 chiều

20% còn lại tạo nên giá trị riêng của dòng SP35T này với:

  • Công tắc chính được đặt ở đuôi đem tới khả năng phản ứng nhanh trong mọi tình huống

  • Chip LED Cree XHP50B cho độ sáng gần gấp đôi bản tiêu chuẩn với 3800 Lumens.

Công tắc đuôi là yếu tố giúp Sofirn SP35T trở thành một cây đèn tác chiến thực thụ khi có thể thao tác nhanh và chính xác trong mọi tình huống, kích hoạt đèn tạm thời – cố định và truy cập nhanh mức Turbo 3800 Lumens (nhấn nhanh 2 lần).

Đây là công tắc cơ khí có độ nhạy tốt, cảm giác bấm cũng ổn nhưng cá nhân mình thấy nó hơi mềm, cần mất thời gian làm quen lại.

Gần đầu đèn là công tắc chức năng để chuyển qua lại các mức sáng phụ: 5 – 100 – 500 – 1500 Lumens; cũng như kích hoạt nhanh nháy Turbo – nháy Strobe – nháy SOS.

3800 Lumens của Sofirn SP35T
So với beamshot của SP35 tiêu chuẩn.

Chip LED Cree XHP50B trang bị trên SP35T cho công suất cực đại gần gấp đôi SST40 của SP35 tiêu chuẩn, nhưng khả năng chiếu lại kém hơn ~ 15% với 280 mét theo thông số.

Không biết các bạn sao nhưng mình khá ưng ánh sáng rộng và bao quát này của SP35T, cực kì hữu dụng khi dùng trong đô thị.

SP35T có thể kéo ổn định ở ~ 1000 Lumens được 2.5 tiếng hoặc 500 Lumens tới 7 tiếng, đủ đi rừng xuyên đêm!

-> Sofirn SP35T là lựa chọn tốt nếu bạn cầm tìm một cây đèn tác chiến đa dụng với pin 21700 dung lượng cao, ánh sáng tỏa rộng và có cổng Type-C trong tầm giá gần tròn 1 triệu đồng!

4. Wurkkos FC13 – 2000 Lumens

Wurkkos là công ty con của Sofirn nhưng mình thấy chất lượng tổng thể của hãng này lại nhỉnh hơn, đặc biệt ở lớp mạ Anodize.

FC13 là phiên bản nâng cấp toàn diện từ cây Wurkkos FC11 mà mình đã từng sử dụng một thời gian. Bạn vẫn sẽ thấy thiết kế đặc trưng của đèn pin thuần EDC trên cây này với công tắc chính cỡ lớn ở đầu, kích thước nhỏ gọn, dùng pin 18650 và có tích hợp cổng Type-C.

Cây FC13 mình có ở đây là phiên bản dùng chip LED Luminus SFT40 sáng 2000 Lumens, chiếu xa 360 mét. Một phiên bản khác của FC13 sử dụng chip XHP50.2 của Cree, sáng hơn nhưng chiếu xa kém hơn và không được chuộng bằng.

Một chi tiết đáng lưu ý là Wurkkos FC13 được trang bị hệ điều hành Anduril 2.0 vốn nổi tiếng về chế độ sáng vô cấp siêu mượt và khả năng tùy biến cao nhưng sẽ không phù hợp với người mới bởi:

  • Anduril 2.0 đòi hỏi nhiều thời gian và kinh nghiệm để làm chủ được hết các tính năng. Bản thân mình lâu không dùng lại mà còn quên khá nhiều.
  • Người dùng mới, đặc biệt người lớn tuổi rất dễ bấm nhầm các chế độ và mất kiểu soát cây đèn.
  • Ngược lại, nếu đã làm chủ được thì Anduril 2.0 sẽ đem lại trải nghiệm sử dụng tuyệt vời và không gây cảm giác nhàm chán về lâu dài.

FC13 có kích thước hợp lý hơn ED10 dù dùng cùng loại loại pin, nó nhỏ gọn nhưng không bị lọt thỏm. Công tắc chính cỡ lớn và được bọc cao su đem lại trải nghiệm bấm nhạy và rất êm ái.

Đặc trưng của Anduril 2.0 là trang bị LED ở công tắc để định vị ban đêm. Bản thân LED này đã có cả đống chế độ hoặc nếu không thích thì có thể tắt bỏ.

Cổng sạc Type-C được cất gọn gàng, không ảnh hưởng tới thẩm mĩ và đảm bảo chống nước, bụi IP68.

Ánh sáng cực gom của Wurkkos FC13.

Wurkkos FC13 có khả năng chiếu xa rất bá đạo so với tương quan về kích thước. Có thể thấy tâm sáng từ chip LED SFT40 cho độ hội tụ cao và vẫn có vùng tỏa đủ nhìn bao quát.

Cũng giống như nhiều mẫu đèn trong phân khúc, FC13 có khả năng duy trì ổn định ở ~ 300 – 500 Lumens, đủ đáp ứng nhiều nhu cầu sử dụng cơ bản ngoài trời.

-> Bỏ qua sự kén người dùng của Anduril 2.0 thì mình đánh giá cao Wurkkos FC13 ở mọi mặt, ngoại trừ việc đuôi không tích hợp nam châm.


2 mẫu đèn cuối trong bài viết sẽ có giá bán tiệm cận ~ 1.500.000đ bởi chất lượng nằm ở mâm trên so với các hãng giá rẻ, tầm trung.

5. Cyansky P20R – 1900 Lumens

Một mẫu đèn mới về của Cyansky mà sau vài ngày trải nghiệm mình không hiểu sao họ bán cây này chỉ với giá dưới 1.5 triệu?!

Thực sự là qua thông số thì P20R không có gì quá nổi bật hay mới mẻ, tất cả chỉ theo thông thức cũ:

  • Bố trí công tắc kép kinh điển mà Fenix hay dùng
  • Dùng pin sạc 18650
  • Sáng 1900 Lumens, chiếu xa 210 mét với chip Luminus SST40
  • Cổng sạc Type-C tích hợp

Mấu chốt nằm ở chỗ, P20R làm quá tốt những gì cần làm, mọi chi tiết và tính năng trên cây đèn đều được hoàn thiện và đem lại trải nghiệm sử dụng tuyệt vời.

Chất lượng hoàn thiện cực nét của P20R, không thua gì Fenix!

Tổng thể cây đèn rất gọn gàng, thiết kế đẹp và chất lượng hoàn thiện có thể sánh ngang ngửa với bất kì cây Fenix nào. Không quá khó hiểu khi Cyansky tự tin bảo hành tới 5 năm cho đèn pin của mình!

Công tắc đuôi của P20R làm rất tốt với cảm giác bấm chắc chắn và nhạy, không bị mềm như Sofirn SP35T. Mình dùng đèn Fenix quen rồi nên bấm công tắc cây này thấy rõ được chất lượng cao của nó.

Nó sẽ đảm nhiệm chức năng: 

  • Bật/Tắt đèn tạm thời: nhấn và giữ nhẹ công tắc
  • Bật/Tắt đèn cố định: nhấn hết hành trình công tắc
  • Kích hoạt nhanh nháy Strobe: nhấn nhanh công tắc 2 lần (điều mà Fenix chưa làm được)

Công tắc chức năng được đặt ở đầu đèn, có LED báo dung lượng pin và đảm nhiệm:

  • Chuyển đổi qua lại 4 mức sáng: nhấn 1 lần khi đèn đang bật
  • Kích hoạt nhanh nháy Strobe: nhấn nhanh 2 lần khi đèn đang bật
    • Nhấn tiếp 2 lần qua nháy SOS
    • Nhấn 1 lần về chế độ sáng ban đầu

Cổng sạc Type-C được đặt ở đối diện công tắc với nắp đậy cao su đảm bảo chống nước, mình thấy nó khá dễ bung nếu bị quệt vào đâu đó. Cái này nên được hoàn thiện hơn.

Ánh sáng thực dụng của Cyansky P20R.

Hệ thống quang học của P20R là sự kết hợp của Luminus SST40 + thấu kính TIR đem lại ánh sáng cường độ cao 1900 Lumens và chiếu hiệu quả ~ 100 mét.

Mức 450 Lumens hoạt động ổn định được 5-6 tiếng và đáp ứng tốt ~ 90% nhu cầu chiếu sáng cơ bản ngoài trời.

2 mức 30 và 130 Lumens cho sử dụng ở trong nhà.

-> Mình sẽ có Review chi tiết hơn về Cyansky P20R trong thời gian tới vì có nhiều thứ cần bàn tới, đặc biệt là hiệu suất. Nhưng trước mắt thì ấn tượng về cây này là rất tốt và có thể nói là 1 món hời với mức giá chưa tới 1.5 triệu!

6. Fenix E28R V2.0 – 1700 Lumens

Fenix E28R V2 may mắn được nằm trong danh sách khi giá bán hiện tại chỉ thiếu 20.000đ là tròn 1.500.000đ. Cây đèn này theo đuổi thiết kế kinh điển về đèn pin EDC của Fenix suốt hàng chục năm nay với công tắc chính trên thân, cách sử dụng đơn giản và hiệu quả.

E28R V2 không có tính năng gì quá nổi bật, nó chỉ đơn giản là một cây đèn độ sáng khủng 1700 Lumens, dùng pin 18650, có cổng sạc Type-C trên thân và đưa ai họ cũng dùng được.

Điểm ăn tiền của E28R V2 hay đèn pin Fenix nói chung là chất lượng gia công – hoàn thiện thuộc hạng xuất sắc, luôn là chuẩn mực để so sánh với các thương hiệu khác.

Đuôi đèn phẳng và được tích hợp nam châm hít lên các bề mặt kim loại, cho ánh sáng cố định và rảnh 2 tay để làm việc.

Công tắc chính được đặt ở đầu đèn với LED báo dung lượng pin ở giữa. Cách sử dụng rất đơn giản:

  • Bật/Tắt đèn: nhấn và giữ 0.5s
  • Chuyển mức sáng: nhấn 1 lần khi đèn đang bật
  • Nháy Strobe: nhấn và giữ 1.2s khi đèn đang bật hoặc tắt
  • Khóa an toàn: nhấn nhanh 2 lần khi đèn đang tắt
    • Thao tác tương tự để mở khóa

Giao diện sử dụng của Fenix E28R V2 rất cơ bản và thiếu đi khả năng truy cập nhanh mức sáng thấp/cao nhất. Nhưng mình thấy đây là chủ ý của Fenix để đảm bảo bất kì ai cũng có thể dễ dàng sử dụng và làm chủ đèn của họ, ngay cả người lớn tuổi.

Đối diện là cổng sạc Type-C được đậy kín bằng nắp cao su đã được Fenix sử dụng trong nhiều dòng đèn khác từ trước tới giờ.

Không quá ngạc nhiên khi E28R V2 cũng sử dụng chip LED quốc dân SST40 nhưng Fenix chỉ để nó chạy ở 1700 Lumens (80% công suất) để đạt hiệu suất và tuổi thọ tốt nhất.

Tầm chiếu xa đạt 273 mét theo thông số, thực tế có thể dễ dàng đạt ~ 150 mét.

Thông số các mức sáng của Fenix E28R V2.

Fenix E28R V2 có tổng cộng 5 mức sáng được chia khoa học giúp đáp ứng tốt nhiều nhu cầu chiếu sáng hỗn hợp.

-> Nếu so với mặt bằng chung của đèn pin cao cấp thì Fenix E28R V2.0 có giá bán khá hợp lý. Nó dành cho những ai cần một cây đèn có chất lượng hoàn thiện tốt nhất, độ ổn định cao để dùng về lâu dài.