Bài viết này mình sẽ so sánh trực tiếp 2 cây đèn công suất cao cỡ trung chủ lực của Fenix và Olight. 2 cây đèn từ 2 thương hiệu và đại diện cho 2 tư duy thiết kế rất khác nhau của đèn pin siêu sáng.
- Fenix PD40R V3.0 sáng 3000 Lumens, chiếu xa 560 mét, sử dụng 1 pin sạc 21700. Cây này đại diện cho tư duy thiết kế cổ điển, đơn giản và bền bỉ.
- Olight Seeker 4 Pro sáng 4600 Lumens, chiếu xa 260 mét và cũng sử dụng pin sạc 21700. Cây này đại diện cho tư duy thiết kế hiện đại, trang bị nhiều tính năng và công nghệ.
Mục lục bài viết
- Kích thước
- Chất lượng hoàn thiện
- Thiết kế tổng thể
- Giao diện sử dụng
- Hệ thống cổng sạc
- Khả năng chiếu sáng
- Thời lượng hoạt động
Video
Giá bán
2 cây đèn chênh nhau giá tới 750.000đ, đây cũng là một yếu tố giúp những ai đang phân vân có thể quyết đoán hơn nên chọn cây nào
- 💲 Fenix PD40R V3.0: 2.730.000đ
- 💲 Olight Seeker 4 Pro: 3.480.000đ
Cả 2 đều được bảo hành 5 năm khi mua tại Bisu.
So sánh chi tiết
1. Kích thước
Fenix PD40R V3.0 và Olight Seeker 4 Pro đều chung phân khúc đèn pin cầm tay cỡ trung, kích thước 2 cây về cơ bản là như nhau. PD40R V3.0 của Fenix thì dài hơn 1 chút nhưng mình thấy khác biệt không nhiều.
Trọng lượng cả pin của chúng đều ~ 200g và mình thấy trải nghiệm mang theo người hàng ngày khá ổn, chấp nhận được nếu bạn thực sự cần đèn có công suất khủng cũng như dung lượng pin cao.
Nếu có nhu cầu sử dụng thấp, cần duy trì liên tục khoảng ~ 350 Lumens thì tốt nhất nên chọn mấy cây chạy 1 pin 18650 cho nó nhẹ nhàng!
2. Chất lượng hoàn thiện
Olight và Fenix là 2 thương hiệu top đầu trong thị trường đèn pin cao cấp. Chất lượng hoàn thiện của chúng là ngang nhau, đều tinh xảo và cao cấp nên mình không nhận xét gì nhiều.
Cả 2 cây đèn trong bài này đều đạt chuẩn chống nước cao nhất là IP68.
3. Thiết kế tổng thể
Fenix PD40R V3.0
Chúng ta sẽ bắt đầu với Fenix PD40R V3.0.
Cây đèn này mang đặc trưng thiết kế cố điển của Fenix, không màu mè, không phức tạp. Nó đơn giản là một cục nhôm nguyên khối đem lại sự chắc chắn và bền bỉ tuyệt đối.
Nhìn tổng thể thì “cục mịch” vậy chứ các chi tiết trên đèn pin Fenix đều được bo tròn, không có cạnh sắc nào. Thân đèn có các rãnh ngang để chống trơn trượt khi cầm nắm.
Đuôi đèn phẳng để đứng được nhưng không có nam châm để hít lên kim loại.
Bezel đầu đèn nhìn hiền lành, chức năng chính là chống xước cho mặt kính.
Công tắc chính của PD40R V3.0 là dạng xoay giống bản V2.0 nhưng được thiết kế lại cho độ bám tốt hơn, các lá tản nhiệt được rời xuống dưới chứ không nằm luôn trên công tắc nữa.
Hệ thống công tắc này đem lại trải nghiệm sử dụng rất đơn giản và trực quan. Có lẽ các bạn nhìn qua thôi cũng biết cây đèn này dùng như nào rồi nhỉ?!
Tóm lại là đèn pin Fenix xưa nay vẫn vậy, chỉ tập trung vào những tính năng cốt lõi nhất cũng như sự chắc chắn, bền bỉ.
Tiện đây so sánh luôn 2 viên pin 21700 đi kèm mỗi cây.
Fenix thì dùng pin sạc 21700 đầu lồi thông dụng như bao hãng đèn khác, vậy nên mua pin của hãng thứ 3 dùng vô tư.
Còn Olight thì chắc các bạn không lạ gì viên pin “custom” hàng thửa của hãng, họ thiết kế cả cực dương (+) và âm (-) được đặt hết về 1 bên để dùng được với sạc nam châm của đèn.
Thiết kế này đồng nghĩa bạn chỉ có thể mua pin của Olight để sử dụng và thay thế nếu cần. Viên này không rẻ lắm.
Olight Seeker 4 Pro
Olight thì xưa giờ luôn theo đuổi tư duy thiết kế tối giản và hiện đại. Có nhiều hãng đèn mình không tiện nói tên cũng cố copy phong cách thiết kế này nhưng nhìn chẳng ra làm sao cả, cố làm thật hầm hố nhưng nhìn thực ra chỉ rối mắt.
Nếu có cơ hội được sở hữu những mẫu đèn đời đầu của Olight như S20 Baton, M20, M22,… thì các bạn sẽ thấy được ngay thiết kế của hãng này đẹp mãi với thời gian!
Seeker 4 Pro đẹp mà không bị rối mắt. Cây đèn vẫn cứng cáp, chắn chắn và nhìn hiện đại như 1 món đồ công nghệ.
Một điều mình luôn thích ở đèn pin Olight là họ tối ưu kích thước cực kì tốt, không quá to cũng không quá nhỏ.
Nếu soi kĩ cây Seeker 4 Pro thì sẽ thấy nhiều tiểu tiết được đầu tư kĩ. Chẳng hạn thân đèn được bọc 1 lớp cao su để chống trơn trượt cũng như cách nhiệt cho tay người sử dụng.
Đuôi đèn phẳng và có nam châm hít lên kim loại. Đây cũng là cổng sạc nam châm của cây đèn luôn.
Công tắc chính cũng được đặt ở đầu đèn, nhưng đây là công tắc bấm + xoay kết hợp. Các bạn xem video sẽ rõ nó hoạt động ra sao.
2 bên của công tắc là 2 dải đèn led riêng biệt, bên phải là led báo dung lượng pin, bên trái báo mức sáng hiện tại.
Bezel khong quá nhọn nhưng đủ hầm hố, cộng thêm tông màu xanh nổi bật rất hợp với màu đen của thân đèn.
Các khe tản nhiệt được bố trí hợp lí và bo tròn, tạo cảm giác nhất quán với thiết kế tổng thể của cả cây đèn.
4. Giao diện sử dụng (hệ thống công tắc)
Fenix PD40R V3.0 sử dụng công tắc xoay cơ khí với ưu điểm:
- Dễ sử dụng: cả người lớn tuổi cũng dùng được, mình đưa đèn cho ba mẹ mà không cần hướng dẫn gì họ cũng dùng được
- Nhanh và chính xác: có thể thấy rõ Fenix chia sẵn 4 vạch tương đương 4 mức sáng khác nhau cùng 2 chế độ nháy Strobe, vặn tới đâu là sáng mức đó.
- Dễ thao tác 1 tay: rút đèn khỏi túi là bật ngay được, không cần mò mẫm
Nhược điểm thì mình chưa thấy, chỉ là nếu dùng lâu ở độ sáng cao thì bề mặt công tắc cũng sẽ khá nóng do nó làm bằng nhôm.
Olight Seeker 4 Pro sử dụng công tắc bấm + xoay kết hợp với ưu điểm:
- Dễ thao tác 1 tay
- Kích hoạt nhanh được các mức sáng: 5 Lumens, 4600 Lumens và nháy Strobe
- Chuyển độ sáng cực kì mượt, gần như sáng vô cấp
- An toàn: tự động khóa sau 10s không sử dụng
Nhược điểm là hơi khó dùng với những người mới tiếp xúc đèn pin siêu sáng, đặc biệt người trung tuổi, lớn tuổi.
Các bạn có thể xem phần này của video để dễ hình dung hơn:
5. Hệ thống cổng sạc
Fenix PD40R V3.0
Fenix PD40R V3.0 được trang bị cổng Type-C ngay trên thân, cho phép sạc pin mọi lúc mọi nơi. Chuẩn Type-C thì quá thông dụng rồi, đi chơi xa không phải mang theo cáp sạc riêng nữa.
- Tốc độ sạc của PD40R V3.0 đạt ~ 10W (5V/2A), thực tế sẽ mất khoảng 3 tiếng để đầy pin
- Fenix trang bị công nghệ chống nước 2 lớp cho cổng sạc này, hoàn toàn yên tâm khi sử dụng ngay cả khi quên đóng nắp đậy.
Olight Seeker 4 Pro
Seeker 4 Pro được trang bị công nghệ sạc nam châm đặc trưng của Olight, đây cũng không phải điều mới mẻ gì.
Sạc nam châm thì có ưu điểm là nhanh gọn, tiện lợi và đảm bảo chống nước tuyệt đối nhưng điều phiền toái là khi đi chơi xa thì người dùng sẽ phải mang riêng 1 sợi cáp sạc cho cây đèn.
Và Olight đó có 1 giải pháp rất thông minh cho mẫu Seeker 4 Pro này, đó là đi kèm 1 chiếc…bao đựng.
Đây không phải là chiếc bao đựng thông thường mà nó kết nối với đuôi đèn qua cổng nam châm, và trang bị cổng Type-C ở bên ngoài. Tức là Seeker 4 Pro vừa có thể sử dụng sạc nam châm lẫn Type-C đều được.
Phải nói đây là giải pháp quá ổn để khắc phục được hạn chế của cả 2 chuẩn sạc này nói chung.
=> Vậy nên là nếu so về thiết kế cổng sạc thì mình đánh giá cao của Olight Seeker 4 Pro hơn.
6. Khả năng chiếu sáng
2 cây đèn được thiết kế cho mục đích chiếu sáng khác nhau, phần lớn do hệ thống quang học của chúng nên cũng rất dễ lựa chọn dựa theo nhu cầu của bạn.
Fenix PD40R V3.0
PD40R V3 của Fenix có hệ thống quang học gồm chóa phản xạ trơn + chip LED Luminus SFT70 cho độ sáng cực đại 3000 Lumens, tầm chiếu xa 560 mét.
Ngắn gọn thì đây là cây đèn chuyên về chiếu xa, với đường kính đầu chỉ 40mm nhưng tầm chiếu hiệu quả có thể đạt tới ~ 250 mét rất ấn tượng.
Olight Seeker 4 Pro
Olight Seeker 4 Pro thì sử dụng hệ thống thấu kính TIR + 4 chip LED Osram P9, cho tổng độ sáng 4600 Lumens. Nếu có kinh nghiệm chơi đèn pin thì chỉ cần nhìn qua là biết ánh sáng của cây này thiên về chiếu rộng, tầm gần.
Và cây là 4600 Lumens thực tế của Seeker 4 Pro, tầm chiếu đạt 260 mét theo thông số, thực tế thì hiệu quả nhất trong khoảng ~ 120 mét đổ lại.
So sánh 2 cây
Mình sẽ ghép ảnh beamshot cả 2 cây cạnh nhau cho các bạn dễ hình dung.
Mức sáng Turbo của 2 cây.
Mức High
Medium
Low
7. Thời lượng hoạt động – Hiệu năng
Dù chênh nhau tới 1600 Lumens nhưng cả 2 cây đèn trong bài viết này đều có điểm chung là đều chỉ duy trì độ sáng cao nhất trong khoảng 1-2 phút rồi hạ xuống ~ 800 – 1200 Lumens và chạy ổn định tới hết pin. Mình có đo thời lượng sáng của từng cây:
Fenix PD40R V3.0
Ở điều kiện sử dụng bình thường (đường màu cam) thì PD40R V3 hạ xuống độ sáng ~ 800 Lumens sau 2 phút rồi duy trì đến khi hết pin. Tổng thời gian sáng là 155 phút ~ 2.58 tiếng
Olight Seeker 4 Pro
Olight Seeker 4 Pro hạ xuống độ sáng ~ 1200 Lumens sau chưa đầy 1 phút và duy trì ổn định tới khi hết pin. Tổng thời gian sáng là 153 phút ~ 2.5 tiếng.
=> Có thể thấy là thời lượng hoạt động của 2 cây này tương đương nhau nhưng Seeker 4 Pro có hiệu suất tốt hơn do sử dụng tới 4 chip led, vậy nên độ sáng duy trì ổn định được ở mức 1200 Lumens thay vì 800 Lumens của Fenix PD40R V3. Thực tế mình thấy sự khác biệt này là không quá lớn khi nhìn bằng mắt thường.
Tổng kết
Mình tin rằng khi đã đọc tới đây thì các bạn cũng dễ đưa ra quyết định hơn trong việc nên chọn mua mẫu đèn nào bởi cả 2 cây tuy cùng phân khúc nhưng có sự khác biệt quá rõ ràng, để tổng kết lại thì:
Fenix PD40R V3.0
- Thiết kế đơn giản, cứng cáp, bền bỉ
- Công tắc xoay rất dễ sử dụng ngay cả với người lớn tuổi
- Thiết kế chuyên dụng để chiếu sáng tầm xa > 200 mét
- Có cổng sạc Type-C
- Dùng pin 21700 thông dụng
- Duy trì ổn định ở 800 Lumens
- Giá bán hợp lý
- Bảo hành 5 năm
Olight Seeker 4 Pro
- Thiết kế hiện đại, bắt mắt
- Giao diện sử dụng thông minh nhưng khó làm quen với người mới, người lớn tuổi
- Chuyên dụng chiếu sáng tầm gần, bao quát trong khoảng 100 mét đổ lại
- Có sạc nam châm và Type-C kết hợp
- Dùng pin 21700 hàng thửa của hãng, không dùng được của hãng thứ 3
- Duy trì ổn định ở 1200 Lumens
- Giá bán đắt hơn Fenix
- Bảo hành 5 năm