Review nhanh đèn pin Cyansky P25 V2.0 và K3 V2.0

0
2237

Cách đây hơn 1 tháng mình có nhận 2 mẫu đèn pin từ hãng Cyansky, một thương hiệu còn mới mẻ tại thị trường Việt Nam nhưng được đánh giá tốt tại nhiều cộng đồng nước ngoài.

Sau 1 thời gian trải nghiệm đủ lâu với Cyansky P25 V2K3 V2 thì mình có thể rút ra vài điều:

  • Cyansky có chất lượng vượt trội các hãng giá rẻ như Sofirn và tiệm cận với Fenix
  • Giá bán hợp lí (dưới 2 triệu)
  • Có chế độ bảo hành tới 5 năm, trong khi các hãng giá rẻ và tầm trung chỉ dừng lại ở 1 – 2 năm
  • Giá trị cốt lõi:
    • Công suất cao
    • Hiệu năng tốt
    • Dễ sử dụng và tiện lợi
    • Cứng cáp, bền bỉ

Chưa kể tới giải sản phẩm của Cyansky phong phú và đầy đủ các phân khúc từ đèn EDC cỡ nhỏ, tầm trung, công suất cao cho tới đèn đội đầu. Mọi người có thể ghé thăm Website của hãng: https://cyanskylight.com/

Hiện BisuEDCZone đang phân phối 2 mẫu đèn kể trên của Cyansky với chế độ bảo hành 5 năm chính hãng!

1. Video

2. Đóng gói và phụ kiện

Chất lượng của một cây đèn có thể được phản ánh phần nào qua bao bì đóng gói. Cyansky làm tốt điều này với bao bì đơn giản, trực quan.

Phụ kiện đi kèm của Cyansky P25 V2 gồm:

  • Pin sạc 21700
  • Cáp sạc Type-C
  • Bao đựng đèn
  • Dây đeo tay
  • 2 O-ring chống nước sơ cua
  • Núm công tắc đuôi sơ cua
  • HDSD

Của K3 V2 cũng tương tự vậy. Chất lượng phụ kiện đều rất tốt.

3. Chất lượng hoàn thiện

Mình đặt đèn pin Cyansky cạnh đèn của SofirnFenix để có một cái nhìn khách quan nhất về chất lượng hoàn thiện.

Sofirn luôn được đánh giá cao về chất lượng gia công và hoàn thiện tốt trong mức giá tầm trung, đặc biệt là dưới 1 triệu. Mình đã có rất nhiều bài Review về đèn pin Sofirn trên trang và có thể xác nhận rằng nhận định trên là chính xác. Từ vật liệu thân đèn cho tới lớp mạ rồi chất lượng gia công thì không có gì để chê về Sofirn với số tiền bỏ ra.

Còn khi đặt cạnh với Cyansky thì có thể thấy rõ sự khác biệt. Cụ thể thì đèn của Cyansky có độ hoàn thiện tốt hơn hẳn, từ các chi tiết nhỏ tới lớp mạ Anodize đều mượt và tinh xảo hơn nhiều. Cầm cây đèn trên tay không có cảm giác bị thô cứng hay phát hiện gia khuyết điểm nhỏ nào.

Vì giá rẻ nên đèn pin của Sofirn luôn được làm đơn giản nhất có thể.

Của Cyansky thì có thể thấy rõ là cao cấp hơn với nhiều chi tiết được gia công tinh xảo và cầu kì.

Còn khi so với Fenix thì điểm khác biệt đáng kể nhất mình tìm ra đó là lớp mạ Anodize của thân đèn, còn về chất lượng hoàn thiện thì có thể nói là không thua kém.

Cùng là công nghệ mạ Anodize HA III nhưng đèn của Fenix được làm bóng bẩy và mịn, còn Cyansky sẽ có bề mặt nhám và mờ khá giống của Armytek.

Đây là phong cách của mỗi hãng chứ không phản ánh được bên nào làm tốt hơn.

Các chi tiết nhỏ được hoàn thiện rất tốt.

Thân đèn dày dặn, đều và không có cạnh sắc.

Ren vuông và được mạ Anodize giúp tăng độ cứng.

Tiếp xúc cực âm của pin là lò xo kép chứ không phải đơn, thiết kế này giúp giảm tối đa nội trở, tối ưu hiệu năng.

Mặt kính trong vắt và được phủ lớp chống phản xạ AR, nhìn nghiêng sẽ có ánh tím.

Công tắc đuôi cho cảm giác bấm tốt nhưng hơi mềm, thua Fenix chút.

=> Nếu phải chấm điểm về chất lượng hoàn thiện so với Fenix thì mình có thể cho Cyansky 8.5/10. Giờ mà xóa logo và cùng một phong cách mạ Adnodize rồi đặt Cyansky và Fenix cạnh nhau thì cũng khó mà phân biệt được.

4. Cyansky P25 V2 (3600 Lumens)

Cyansky P25 V2 và K3 V2 có điểm chung là đều được thiết kế để sử dụng pin sạc 21700, còn đâu mục đích sử dụng của 2 cây là khác nhau.

P25 V2 là cây mình dùng nhiều nhất suốt 1 tháng vừa rồi bởi nó tiện là thực dụng. Có thể thấy nó dựa trên thiết kế của dòng đèn Fenix PD36R với cụm công tắc kép, đường kính đầu to = thân nên có thể bỏ túi mang theo hàng ngày được.

Kích thước hợp lí đi kèm trải nghiệm cầm nắm và thao tác tốt.

Hệ thống quang học của P25 V2 bao gồm chip led Cree XHP70 thế hệ 3 cho độ sáng khủng 3600 Lumens, kết hợp chóa phản xạ sần và nhỏ.

Người có kinh nghiệm nhìn combo này là đoán ngay được ánh sáng mà cây đèn cho ra sẽ như nào.

3600 Lumens.

Đó là tỏa siêu rộng và bao quát, đây cũng là một lý do nữa mình dùng cây này rất nhiều.

Cyansky P25 V2.0 chiếu xa 208 mét theo thông số, thực tế tầm chiếu hiệu quả đạt ~ 100 mét và theo mình đây là ánh sáng rất thực dụng cho các cầu sử dụng cơ bản. Cây đèn đáp ứng hầu hết các hoạt động chiếu sáng hàng ngày, đặc biệt trong đô thị khi mà chiếu xa quá cũng không để làm gì.

Ánh sáng này còn hữu dụng khi sử dụng ở không gian hẹp như trong nhà.

800 Lumens.

200 Lumens.

50 Lumens.

Mình dùng nhiều ở 200 Lumens, không bị quá sáng ở trong nhà và vừa đủ đi dạo ngoài trời.

Sau khi đo runtime thực tế thì mình có nhận định rằng mạch Drvier của Cyansky có hiệu năng rất ổn. Chẳng hạn đây là độ sáng 3600 Lumens của P25 V2, không bị hạ sáng đột ngột mà rất từ từ trong khoảng 6 phút rồi xuống ~ 800 Lumens.

Độ sáng cao 800 Lumens thì duy trì ổn định tới khi hết pin. Thời gian sáng trung bình đạt ~ 3.1 tiếng.

5. Cyansky K3 V2 (2000 Lumens)

K3 V2 mang thiết kế điển hình của đèn pin chiếu xa như dòng TK22 của Fenix, với đầu đèn đường kính lớn tới 40mm.

Trái tim của cây đèn là chip led Luminus SFT40, được phát triển từ SST40 với khả năng chiếu xa vượt trội hơn.

Cyansky K3 V2 đạt độ sáng tối đa 2000 Lumens cùng khả năng chiếu xa 700 mét theo thông số.

Đầu đèn to khiến bỏ túi hơi cộm, cũng may là hãng cho đi kèm bao đựng.

Ánh sáng thực tế của K3 V2 ở 2000 Lumens, tầm chiếu xa hiệu quả có thể dễ dàng đạt 400 mét.

2000 Lumens (zoom lên)

450 Lumens

150 Lumens

30 Lumens.

Độ sáng 2000 Lumens duy trì được trong khoảng 2 phút trước khi hạ xuống ~ 450 Lumens và chạy tới khi hết pin.

Mức sáng cao 450 Lumens mình đo thực tế thì lại sáng ở tận 1000 Lumens, duy trì trong 1 thời gian rồi mới hạ xuống 450 Lumens. Điểm này hơi khó hiểu nhưng cũng không phải vấn đề lớn.

Đường biểu đồ màu xanh là có hỗ trợ của quạt tản nhiệt nên 1000 Lumens duy trì được trong 1 tiếng rồi mới hạ. Còn khi không có quạt thì chỉ sau 5 phút là đã hạ dần xuống 450 Lumens.

Tổng thời gian chiếu sáng có thể đạt ~ 5.5 tiếng.

6. Giao diện sử dụng đơn giản, hiệu quả

P25 V2K3 V2 có một điểm chung nữa đó là giao diện sử dụng với hệ thống công tắc kép:

  • Công tắc chính ở đuôi để bật/tắt
  • Công tắc phụ trên đầu đền để chuyển các mức sáng

Không khó để nhận ra đây là giao diện quen thuộc và đặc trưng của nhiều mẫu đèn pin Fenix từ trước đến nay.

Nó đơn giản, ai cũng có thể dễ dàng làm quen và sử dụng thành thạo, kể cả người lớn tuổi.

Nó hiệu quả, khi đáp ứng được các nhu cầu sử dụng cơ bản hàng ngày, không cần tính năng gì cầu kì như Strobe nhanh các thứ.

Công tắc đuôi:

  • Nhấn 1 lần để bật/tắt
  • Nhấn giữ nhẹ để sáng tạm thời, nhả tay để tắt

Công tắc chức năng:

  • Khi đèn đang bật, nhấn 1 lần để chuyển qua lại 3 mức sáng cơ bản
  • Nhấn giữ 1.2s để kích hoạt nháy Strobe, nhấn giữ tiếp qua SOS (với P25 V2), nhấn 1 lần về độ sáng ban đầu

Kích hoạt nhanh Moonlight (độ sáng thấp nhất):

  • 1 tay nhấn giữ công tắc thân, tay còn lại nhấn công tắc đuôi
  • Đây là một điểm ưu việt hơn giao diện sử dụng của Fenix

Mình trải nghiệm rất nhiều đèn pin và giao diện sử dụng khác nhau nhưng cuối cùng vẫn thích kiểu thiết kế như này của Cyansky hay Fenix, nó đơn giản và không rườm rà.

Quan trọng nhất chính là chức năng nhớ độ sáng cuối cùng được sử dụng, giúp mình có thể dùng cố định ở 1 độ sáng duy nhất trong đa số mọi hoàn cảnh (thường là 200 Lumens).


7. Kết luận

Cyansky P25 V2 và K3 V2 là sự lựa chọn rất hợp lý khi bạn cần một cây đèn có chất lượng ngang ngửa Fenix, chế độ bảo hành tới 5 năm và giá bán rất cạnh tranh khi chưa tới 2 triệu.

  • P25 V2 là cây mình dùng nhiều nhất vì kích thước gọn và ánh sáng thực dụng của nó. Cây này có thể duy trì ổn định ở 800 Lumens cho tới khi hết pin, ngang ngửa Fenix PD36R. Và khi cần tới độ sáng cao thì 3600 Lumens là quá đủ cho mọi tình huống.
  • K3 V2 phù hợp cho nhu cầu cần chiếu xa và dung lượng pin đủ cao để duy trì xuyên đêm.

Mình sẽ có bài đánh giá chi tiết từng cây trong thời gian tới và cũng hi vọng được trải nghiệm thêm nhiều sản phẩm khác của Cyansky!