Review đèn pin Fenix E35R: 3100 Lumens, pin 21700, cổng sạc Type-C và hơn thế nữa!

0
1886

E35 V3.0 được ra mắt năm 2021 là mẫu đèn pin EDC rất thành công của Fenix nhưng nó chưa thật sự hoàn hảo khi thiếu đi 2 tính năng quan trọng:

  • Cổng sạc trên thân đèn
  • Và nam châm ở đuôi để hít lên các bề mặt kim loại

Và đó là lý do Fenix E35R được lên kệ với nhiều nâng cấp đáng giá, tất nhiên được bổ sung 2 thiếu sót trên của người tiền nhiệm. Có thể nói E35R hiện đang là cây đèn pin EDC hoàn thiện nhất của Fenix hiện tại, nó có mọi chức năng mà bạn cần để đáp ứng các nhu cầu sử dụng hỗn hợp ở đô thị lẫn trong các chuyến khám phá thiên nhiên.

 > Fenix E35R đang có giá bán 1.820.000đ cùng chế độ bảo hành 5 năm chính hãng tại Bisu.vn <

1. Video

2. Thông số kĩ thuật

  • Độ sáng cực đại 3100 Lumens, chiếu xa 260 mét
  • Trang bị bóng led Luminus SST70 ánh sáng trắng
  • Tương thích pin sạc 21700 hoặc 18650 (với adapter)
  • Thân đèn trang bị cổng sạc Type-C
  • Đuôi đèn có nam châm hít lên các bề mặt kim loại
  • Công tắc chính tích hợp đèn báo dung lượng pin
  • Thân đèn bằng hợp kim nhôm A6061-T6 cao cấp
  • Xử lý mạ bề mặt Anodize HA III siêu cứng, chống trầy xước
  • Kích thước: 120 x 26.5 x 24.8mm
  • Trọng lượng: 148g (cả pin)
  • Chống nước: IP68
  • Bảo hành 5 năm chính hãng

3. Đánh giá chi tiết

Fenix E35R được đóng gói dạng hộp thay vì dạng vỉ như E35 V3.0.

Phụ kiện đi kèm gồm có:

  • Pin sạc 21700 dung lượng 5000mAh của Fenix
  • Cáp sạc Type-C
  • Dây đeo tay
  • O-ring chống nước sơ cua
  • HDSD

Pin 21700 đi kèm của E35R được trang bị mạch bảo vệ và có cực dương được làm lồi.

Cáp sạc Type-C chất lượng rất tốt nhưng hơi ngắn.

Fenix E35R mang thiết kế tổng thể giống tới > 90% với phiên bản tiền nhiệm là E35 V3 bởi được nâng cấp chủ yếu ở các tính năng.

Khi đặt cạnh nhau sẽ dễ thấy E35R có chiều dài nhỉnh hơn do được tích hợp thêm cổng sạc trên thân. Kích thước tổng thể của 2 cây đèn này lần lượt là:

  • E35R: 120 x 26.5 x 24.8mm (dài x đường kính đầu x đường kính thân)
  • E35 V3: 118 x 26.5 x 24.8mm

Vậy là E35R dài hơn khoảng 2mm.

Trọng lượng cả pin của E35R rơi vào ~ 146mm.

Còn của E35 V3.0 là ~ 141mm.

Vậy có thể kết luận 2 cây đèn này không có sự khác biệt quá lớn về thiết kế tổng thể, kích thước và trọng lượng.

Nếu xét trong phân khúc đèn chạy 1 pin 21700 thì E35R được coi là khá gọn gàng, đặc biệt đường kính đầu đèn ~ đường kính thân rất hợp lí để bỏ túi mà không bị cấn, cộm.

Sự cân bằng trong kích thước và hiệu năng là lý do chính tạo nên sự thành công của E35 V3 khi mà chúng ta có một cây đèn đủ gọn để mang theo người hàng ngày, độ sáng khủng ~ 3000 Lumens và pin dung lượng tới 5000mAh. Với cấu hình như này thì cây đèn không ngán bất kì tình huống nào!

Thân dùng pin 21700 cũng cho trải nghiệm cầm nắm và thao tác rất tốt đặc biệt với những người tay to.

E35R được thiết kế rất tối ưu để có thể sử dụng tốt ngay cả khi đeo găng tay dày.

Ưu điểm của đèn pin 21700 nói chung là chúng có thể dùng được cả pin 18650 khi cần thiết với 1 cái adapter như này. Cái Adapter này Fenix bán có 100.000đ mà rất được việc!

Trong những chuyến đi chơi xa thì bạn có thể mang theo pin 18650 để dự phòng, trọng lượng nhẹ hơn mà vẫn đem lại hiệu năng tốt.

Fenix E35R có thiết kế tổng thể đơn giản, thanh thoát. Phần thân có các rãnh chống trơn trượt khi cầm nắm, đầu đèn làm trơn không có khe tản nhiệt. Công tắc chính cũng được đặt ngay vị trí này.

Với thiết kế công tắc chính đặt ở đây thì rõ ràng Fenix E35R hay E35 V3 là mẫu đèn pin thuần EDC, tức dùng cho những nhu cầu chiếu sáng thông thường hàng ngày. Ngay giữa công tắc được tích hợp một đèn led nhỏ báo tình trạng pin.

Tự vệ cá nhân hay phản ứng nhanh để tác chiến không phải thế mạnh của E35R.

E35r có sẵn clip cài túi 1 chiều, đây cũng là thiết kế không thể thiếu của một cây đèn pin EDC. Ưu điểm của clip 1 chiều là gọn, ôm sát thân đèn. Còn làm 2 chiều sẽ tiện hơn nhưng cũng to và vướng hơn.

Đuôi đèn được làm phẳng để có thể dựng đứng được.

Và một nâng cấp đáng giá của E35R so với E35 V3 chính là đuôi đèn được tích hợp nam châm để hít lên các bề mặt kim loại. Ngày trước Fenix khá bảo thủ khi không tích hợp nam châm đuôi cho đèn pin EDC của mình. Họ cho rằng nam châm đuôi có thể sinh ra nhiều bất tiện như hít các vật dụng nhỏ khi để trong túi, balo hay làm nhiễu nhiều thiết bị điện tử.

Nhưng thời gian đã chứng minh quan điểm này của họ là không hợp lí bởi đèn pin EDC thì rất nên có nam châm đuôi, nó đem lại lợi nhiều hơn là hại.

Những ai có công việc liên quan đến sửa chữa oto, máy móc hay làm trong các nhà xưởng sẽ thấy nam châm đuôi là một tính năng rất lợi hại. Nó đem lại ánh sáng cố định và rảnh 2 tay để làm việc.

Đây là vị trí để xỏ dây đeo tay.

Nâng cấp đáng tiền nữa trên E35R chính là cổng sạc Type-C trên thân đèn. Đây cũng là một tính năng nên được trang bị trên mọi cây đèn pin có xu hướng thuần về EDC.

Như Fenix E35 V3.0 được đi kèm 1 viên pin sạc 21700 có cổng Type-C trên thân nhưng mỗi lần sạc là phải tháo ra pin. Và khi đi chơi xa muốn mang theo pin để dự phòng thì cũng phải cân nhắc mang theo một bộ sạc rời nữa.

Còn như E35R thì người dùng có thể sạc pin mọi lúc mọi nơi với nguồn USB 5V thông dụng, không phải lo mang theo bộ sạc rời cồng kềnh.

*Lưu ý quan trọng là hãy đóng nắp đậy cổng sạc mỗi khi dùng xong để đảm bảo chống nước IP68.

Khi đi du lịch có thể sạc ngay cho đèn từ pin dự phòng, rất tiện.

Dòng sạc thực tế đạt ~ 2A ở điện thế 5 volts. Tới tốc độ này thì mất khoảng hơn 3 tiếng một chút để sạc đầy viên pin 5000mAh đi theo đèn.

Fenix E35 V3 (bên trái) và E35R (bên phải).

Cả E35R và E35 V3 đều sử dụng bóng led Luminus SST70 cho độ sáng ~ 3000 Lumens. Tuy nhiên E35R được Fenix trang bị thấu kính TIR dạng trơn thay vì dạng mờ như E35 V3.

Thấu kính trơn cho ánh sáng nét hơn, chiếu xa hơn ~ 20m so với E35 V3 dù độ sáng và kích thước đầu đèn như nhau.

Ánh sáng của E35R khi chiếu vào tường.

Và đây là của E35 V3.

Sự khác biệt giữa ánh sáng cho ra từ 2 thấu kính này rõ ràng nhất khi sử dụng ở trong nhà. Thấu kính mờ của E35 V3 cho ra ánh sáng rất mịn đặc biệt ở vùng viền. Nhiệt màu cho ra của thấu kính mờ cũng vàng hơn chút.

Cá nhân mình vẫn thích ánh sáng của E35 V3 vì nó mịn, rất phù hợp dùng ở không gian hẹp. Còn ở ngoài trời thì sự khác biệt về ánh sáng giữa 2 cây này không đáng kể lắm.

Fenix E35R có chất lượng gia công xuất sắc, từ lớp mạ cho tới từng chi tiết nhỏ. Thân đèn được gia công từ hợp kim nhôm hàng không A6061-T6 cứng cáp, chịu va đập 1.5 mét.

Thân đèn làm khá dày, không có cạnh sắc hay gợn.

Tiếp xúc cực pin ở đầu đèn được thiết kế để chỉ có thể dùng được pin sạc đầu lồi. 2 chấu kim loại bên cạnh là để chống lắp ngược cực pin.

Tương thích với tản sáng Fenix AOD-S V2.

Chỉ với 125.000đ là chúng ta đã có một chiếc tản sáng chất lượng cao để gắn vừa cho E35R/E35 V3.

Chiếc tản này giúp ánh sáng của đèn tỏa đều 360° dùng khi nhà mất điện hay đi cắm trại.

Đây là ánh sáng khi bật đèn hắt trần.

Và đây là khi lắp tản sáng.

Thực ra ở trong nhà mình thấy bật hắt trần sẽ hiệu quả hơn, còn tản sáng phù hợp dùng ngoài trời hay ở không gian hẹp như trong lều trại. Nó cho ánh sáng tỏa ngang tầm mắt để tiện làm việc hay sinh hoạt.

4. Giao diện sử dụng

Fenix E35R có một sự thay đổi trong giao diện sử dụng đó là: nhớ mức sáng cuối được sử dụng cho 3 modes: 30 – 150 và 450 Lumens. Đèn sẽ không nhớ ở 2 mức là 1000 và 3100 Lumens.

Nếu đang sử dụng E35 V3 thì bạn chắc cũng quen thuộc với giao diện sử dụng không nhớ mức sáng, bật lên là đèn luôn ở mức thấp nhất 50 Lumens, sau đó là chỉnh lên độ sáng cao hơn nếu có nhu cầu.

Mỗi kiểu giao diện sẽ có ưu và nhược điểm riêng.

Fenix E35 V3 (không nhớ mức sáng cuối):

  • Ưu: Đơn giản, không bị bất ngờ vì độ sáng cao khi bật đèn; 50 Lumens là đủ dùng cho chiếu sáng tầm gần.
  • Hạn chế: mỗi khi bật lên là phải chuyển lên độ sáng phù hợp nếu có nhu cầu cao hơn

Fenix E35R:

  • Ưu: phù hợp cho những người hay dùng ở một độ sáng cố định (ví dụ 150 Lumens) thì bật lên là dùng luôn
  • Hạn chế: nhớ mức sáng ở 150 và 350 Lumens là hơi cao, có thể gây chói mắt nếu bật vào ban đêm. Hơn nữa E35R không có chức năng kích hoạt nhanh độ sáng thấp nhất.

Các thao tác sử dụng cơ bản của Fenix E35R:

  • Bật/tắt: nhấn giữ công tắc chính 0.5s
  • Chuyển mức sáng: nhấn công tắc 1 lần khi đèn đang bật
  • Kích hoạt nháy Strobe: nhấn giữ công tắc 1.2s khi đèn đang tắt hoặc bật

 

  • Khóa an toàn: nhấn nhanh công tắc 2 lần khi đèn đang tắt.
  • Mở khóa: nhấn nhanh công tắc 2 lần khi đèn đang khóa

-> Giao diện sử dụng của Fenix E35R đơn giản, trực quan, ai cũng thể làm quen. Hạn chế là không kích hoạt nhanh được mức sáng thấp và cao nhất.

5. Khả năng chiếu sáng

5.1 – Trong nhà

3100 Lumens

1000 Lumens

350 Lumens

150 Lumens

30 Lumens.

5.2 – Ngoài trời

Chưa có đèn

30 Lumens

150 Lumens

350 Lumens

1000 Lumens

3100 Lumens

Còn đây là 3000 Lumens của Fenix E35 V3.0:

Mình không thấy có sự khác biệt quá rõ ràng của ánh sáng 2 cây này ở ngoài trời, về cơ bản là tốt như nhau.

-> Ánh sáng của Fenix E35R/E35 V3.0 chiếu hiệu quả trong 130 mét ở ngoài trời. Ánh sáng tỏa rộng, nhìn bao quát rất tốt.

Độ sáng thực dụng của cây này là 1000 Lumens đổ xuống bởi 3100 Lumens tỏa rất nhiều nhiệt, chỉ sau 30s đèn đã nóng thấy rõ.

6. Thời lượng hoạt động (runtime)

Fenix E35R được trang bị quản lý nhiệt độ chủ động (IOP) của Fenix, giúp duy trì nhiệt độ của đèn dưới mức 55℃ bằng cách tăng/giảm độ sáng cho phù hợp.

Đây là một nâng cấp lớn so với E35 V3.0 giảm mức sáng bằng cơ chế timer, tức là độ sáng cao nhất sẽ giảm sau thời gian nhất định được lập trình sẵn.

Cụ thể là mức Turbo của E35 V3.0 giảm xuống còn 50% chỉ sau 1 phút.

Còn đây là kết quả đo runtime thực tế của E35R với công nghệ IOP:

Mức Turbo 3100 Lumens

  • Đường màu xanh là có sự hỗ trợ của quạt tản nhiệt bên ngoài: đèn vẫn chỉ duy trì được Turbo trong chưa đầy 1 phút, sau đó hạ xuống ~ 40% và duy trì trong khoảng 70 phút rồi hạ dần vì hết pin. Tổng runtime đạt 107 phút ~ 1.8 tiếng.
  • Đường màu cam không có quạt tản nhiệt: đèn hạ xuống ~ 35% độ sáng (1000 Lumens) sau 1 phút và duy trì ổn định tới 130 phút ~ 2.17 tiếng và hạ dần vì hết pin. Tổng runtime đạt 157 phút ~ 2.62 tiếng.

Mức High 1000 Lumens

  • Đường màu xanh với quạt tản nhiệt thì E35R duy trì rất tốt ở 1000 Lumens tới 70 phút liên tục, sau đó hạ dần vì pin yếu. Tổng runtime đạt 143 phút ~ 2.38 tiếng.
  • Đường màu cam không có quạt tản nhiệt nên độ sáng thay đổi khá thất thường, nhưng vẫn duy trì > 20% (~ 700 Lumens) tới 150 phút ~ 2.5 tiếng. Tổng runtime đạt 175 phút ~ 2.92 tiếng.

Vậy công nghệ IOP có ý nghĩa thực sự là gì?

Đó là luôn duy trì nhiệt độ của đèn ở mức ổn định dưới 55℃, đảm bảo tuổi thọ các linh kiện lẫn tay người dùng.

Đây là nhiệt độ đầu đèn của E35R sau 15 phút hoạt động liên tục ở Turbo 3100 Lumens.

Nhiệt độ thân vẫn đủ mát mẻ để cầm nắm mà không gây khó chịu.

Fenix E35 V3.0 hạ sáng với mạch timer với ưu điểm là đơn giản, có thể dự đoán trước được runtime ở các mức sáng. Nhược điểm của công nghệ này là nếu người dùng kích hoạt liên tục độ sáng cao trong thời gian ngắn thì đèn rất dễ bị quá nhiệt.

Chẳng hạn như mình kích hoạt Turbo 2 lần trong 1 phút thì đầu đèn đã lên gần 60℃.

Trong đa số tình huống sử dụng thì mạch timer vẫn đáp ứng ổn bởi khi cầm tay thì chúng ta sẽ cảm nhận rõ được nhiệt độ của đèn và chỉnh độ sáng cho phù hợp. Nhưng nếu đặt cây đèn trên mặt phẳng nào đó và kích hoạt liên tục Turbo sau mỗi lần nó hạ sáng xuống thì sẽ rất tai hại, đèn có thể quá nhiệt gây giảm tuổi thọ các linh kiện bên trong.

7. Tổng kết

Fenix E35R được thừa hưởng mọi ưu điểm và khắc phục hầu hết nhược điểm của E35 V3.0, vốn là cây đèn EDC được đánh giá cao về tính thực dụng. Mình tin rằng E35R sẽ là một mẫu đèn pin thành công bởi nó có tất cả những gì bạn cần từ độ sáng cao > 3000 Lumens, chiếu xa hiệu quả > 120 mét, các mức sáng chia hợp lý, cổng Type-C và đuôi nam châm.

E35R phù hợp với mọi đối tượng khách hàng phổ thông, cần sự đơn giản, tiện lợi và bền bỉ. Còn nếu có nhu cầu quá đặc biệt như cần phản ứng nhanh hay chiếu rất xa thì đây chưa phải sự lựa chọn thích hợp.

Hạn chế của Fenix E35R:

  • Không sử dụng được pin sạc đầu phẳng
  • Không truy cập nhanh được độ sáng thấp và cao nhất
  • Cổng sạc không chống nước 2 lớp (phải đậy chặt nắp sau mỗi lần sử dụng)