Review đèn pin đeo trán Fenix HM60R: phiên bản thu nhỏ của HM70R, pin 18650, sáng 1200 Lumens!

0
1843

Vừa rồi Fenix đã bổ xung thêm HM60R vào danh sách đèn đeo trán dùng pin 18650 của mình. Khi cây này vừa mới ra mắt thì mình đã tự hỏi là liệu nó có chết yểu không bởi hiện tại HM65R đã quá bá đạo rồi? Và sau 1 thời gian sử dụng thì mình thấy HM60R được trang bị những tính năng và đặc điểm thiết kế mà HM65R không có, nên nó vẫn sẽ bán được cho những tập khách hàng nhất định. Để biết rõ hơn thì chúng ta đi sâu vào bài viết thôi.

Đèn pin đeo trán Fenix HM60R đang có giá bán 2.080.000đ tại Bisu.vn với chế độ bảo hành 5 năm chính hãng.

1. Video Review

2. Thông số kĩ thuật

  • Độ sáng tối đa: 1200 Lumens
  • Chiếu xa: 116 mét
  • Led: Luminuts SST40 ánh sáng trắng, Cree XP-G2 ánh sáng vàng, led ánh sáng đỏ
  • Loại pin tương thích: 1 x pin sạc 18650; 2 x pin CR123A (3 volts)
  • Sạc pin: Cổng Type-C chống nước 2 lớp
  • Trang bị cảm biến điều khiển độ sáng thông minh
  • Thân đèn bằng hợp kim nhôm
  • Kích thước: 85 x 45 x 45mm
  • Trọng lượng: 157g
  • Chống nước: IP68

3. Đánh giá chi tiết

Cách đóng gói quen thuộc của Fenix dành cho đèn pin đeo trán.

Mặt sau là thông số các mức sáng cùng runtime. Lưu ý rằng runtime này đo với pin 18650 dung lượng 2600mAh. Còn nếu dùng pin 3400mAh thì kết quả sẽ tốt hơn ~ 20-25%.

Ngoài cây đèn ra thì chúng ta sẽ có:

  • 1 pin sạc 18650 dung lượng 2600mAh của Fenix
  • 1 cáp sạc Type-C
  • O-ring chống nước sơ cua
  • HDSD

Đây là pin sạc 18650 có mạch bảo vệ của Fenix, giá bán lẻ là 280.000đ/viên.

Pin đầu lồi nên tương thích tốt với nhiều loại đèn.

Chắc không phải mỗi mình mà các bạn cũng thấy thiết kế của cây đèn pin đeo trán Fenix HM60R này quen nhỉ?

Quen cũng phải thôi vì nó sử dụng lại thiết kế của HM70R, chỉ thu gọn lại để dùng pin sạc 18650 thay vì pin 21700. Đến đây là bắt đầu hiểu vấn đề rồi đó, rõ ràng Fenix HM60R sinh ra để dành cho những ai thích thiết kế của HM70R nhưng lại không cần tới viên pin 21700 to nặng.

Không thể phủ nhận rằng 21700 tạo nên một cuộc cách mạng cho pin sạc Lithium Ion hình trụ, đặc biệt trong ngành xe điện. Khi ứng dụng vào đèn pin thì chúng ta cũng thấy được nhiều ưu điểm của nó như nhỏ hơn rất nhiều so với pin 26650 mà dung lượng lại tương đương (5000mAh). Dung lượng và dòng xả cao đồng nghĩa đèn có thể sáng hơn và lâu hơn, quan trọng nhất là kích thước pin này chỉ nhỉnh hơn 1 chút so với pin 18650.

Thế nhưng mình và nhiều người khác lại thấy rằng pin 21700 lại hơi dư thừa cho nhu cầu sử dụng, đặc biệt với đèn pin đeo trán. Từ trước đến giờ đi cắm trại và dùng đèn đeo trán chạy pin 18650 thì mình đã thấy quá thoải mái rồi. Pin này cho sự cân bằng tốt về kích thước, độ sáng lẫn runtime. Chưa kể nhà đang có sẵn rất nhiều pin 18650, giờ chuyển qua 21700 thì có phải hơi phí không?

Đây là Fenix HM70R khi cầm trong tay.

Còn đây là HM60R, nó gọn hơn rất nhiều. Còn trọng lượng thì sao? phải đặt thử lên bàn cân mới rõ.

HM60R nặng khoảng 158g cả pin.

HM70R nặng 205g cả pin. Sự chênh lệch lên tới 40g. Điều này có thể không đáng kể với đèn pin cầm tay nhưng với đèn đeo trán thì lại là câu chuyện khác.

Thực ra HM70R được Fenix thiết kế rất tối, tối ưu sự thoải mái khi đeo. Kiểu nếu thật sự cần độ sáng cao và runtime dài thì cây này đem lại trải nghiệm sử dụng không hề tệ.

Nhưng nếu dùng quen pin 18650 rồi thì vẫn thấy thích cái cảm giác nhỏ gọn, nhẹ đầu nó đem lại hơn. Nếu như cùng đeo xuyên đêm khoảng 8 tiếng thì chắc chắn HM60R sẽ cho cảm giác thoải mái hơn. Và nếu chỉ cần dùng loanh quanh độ sáng 350 Lumens đổ lại thì chẳng tội gì chọn pin 21700 to nặng hơn, trừ khi bạn đi nhiều ngày và lười thay pin.

Đấy là mình so sánh nhẹ về kích thước giữa 2 cây vậy thôi, còn chọn loại nào thì vẫn phụ thuộc vào sở thích và nhu cầu sử dụng thực tế của mọi người. Bởi đọc bài Review hoặc nhìn bảng runtime này các bạn thấy cây HM70R nó kéo 500 Lumens một mạch tới hết pin, còn pin 18650 thì nằm mơ mà làm được như vậy nhé.

Trước khi đi sâu hơn về cây HM60R này thì mình sẽ giới thiệu một tính năng khá độc đáo của nó, đó là “sử dụng cảm biến chuyển độ để điều chỉnh độ sáng”, HM70R không có tính năng này.

Nghe có vẻ khó hiểu nhưng đại loại là bên trong đèn có cảm biến để đếm số nhịp khi bạn chạy bộ. Khi sử dụng đèn ở độ sáng trung bình và chạy bộ thì nó sẽ tự động điều chỉnh độ sáng dựa theo việc bạn chạy nhanh hay chậm. Tất nhiên việc điều chỉnh này đã được tính toán kĩ để cho ánh sáng tối và runtime tối ưu nhất.

Mình không chạy bộ nên không test kĩ tính năng này, thấy nó có cũng được mà không có cũng không sao, kiểu vô thưởng vô phạt. Đây có lẽ là tính năng tham khảo thêm thôi chứ không ảnh hưởng lắm tới việc có nên mua cây này hay không. Vì nếu sử dụng bình thường (đứng yên hay đi lại nhẹ nhàng) thì cái cảm biến này sẽ không được kích hoạt.

Vì mang thiết kế giống HM70R tới 98% nên mình sẽ không bàn nhiều nữa, chủ yếu chụp vài góc cho mọi người thấy chất lượng hoàn thiện của cây này tốt như nào.

Thân đèn bằng nhôm rất cứng cáp, các cạnh đều được bo tròn nên sờ rất mịn, không bị sắc.

Lớp mạ Anodize của Fenix thì chuẩn đét rồi.

Công tắc chính đặt phía bên phải, hợp cho người thuận tay phải luôn vì có thể dùng ngón cái để bấm.

Dưới công tắc có đèn báo pin, khi đèn chính đang tắt thì nhấn công tắc 1 lần để xem tình trạng pin hiện tại.

Và cũng giống như HM70R, đây cũng là vị trí đặt cổng sạc Type-C thiết kế ẩn.

Xoáy cái nắp đậy này theo chiều mũi tên để truy cập được cổng sạc. Thiết kế này vừa đảm bảo tính thẩm mĩ lẫn khả năng chống nước và bụi của đèn.

Chỉ cần có nguồn USB 5V là đã sạc được đèn.

Dòng sạc khá nhanh, gần 1.7A. Với tốc độ này thì mất trung bình hơn 2 tiếng để đầy viên pin dung lượng 2600mAh và khoảng 3 tiếng cho pin 3400mAh.

Khi sạc đèn sẽ báo đỏ, pin đầy đèn chuyển xanh.

Hệ thống quang học của HM60R cũng gồm 3 đèn riêng biệt:

  • Đèn chính độ sáng 1200 Lumens, chiếu xa 116 mét
  • Đèn phụ sáng 350 Lumens, phụ trách chiếu rộng
  • Đèn đỏ sáng 5 Lumens, dùng để báo hiệu hay chiếu sáng tầm gần

Đèn chính của HM60R cũng là led Luminus SST40 như HM70R, nhưng nó dùng thấu kính phản xạ TIR chứ không phải choá. Cái thấy kính này được làm khá đặc biệt để cho ra một hiệu ứng ánh sáng khác với choá.

Đại loại là giúp beam sáng có thêm một vùng sáng nữa ở tầm gần, giúp nhìn hiệu quả hơn.

Đèn phụ chiếu rộng dùng led Cree XPG2 ánh sáng vàng, bên cạnh là 2 đèn led đỏ.

Vậy là với HM65R thì chúng ta chỉ có đèn chính chiếu xa + đèn phụ chiếu rộng hoặc đèn chính chiếu xa + đèn đỏ. Còn với HM60R thì kết hợp cả 3 luôn.

Dây đeo đầu của HM60R rất chất lượng, dây mềm, co giãn tốt và có thêm dây qua đỉnh đầu giúp đeo chắc chắn hơn.

Cái dây đỉnh đầu này tháo ra được nhưng mình nghĩ là nên để vậy, đeo đỡ bị tụt.

4. Giao diện sử dụng

Mọi chức năng của đèn được thao tác qua công tắc này.

Đèn led chính:

  • Bật/Tắt đèn chính: nhấn giữ công tắc 0.5s
  • Khi đèn đang bật, nhấn công tắc đển chuyển qua lại 4 mức sáng: 30 – 150 – 500 và 1600 Lumens

Có 2 cách để bật đèn phụ:

  1. Khi đèn chính đang bật, nhấn giữ công tắc khoảng 1.2 giây
  2. Khi đèn chính đang tắt, nhấn nhanh công tắc 2 lần
  • HM70R sẽ mặc định kích hoạt đèn sáng đỏ trước.
  • Lúc này ấn công tắc 1 lần để chuyển qua lại: sáng đỏ – sáng vàng 70 lumens – sáng vàng 400 lumens – nháy đỏ
  • Nhấn giữ công tắc 0.5s để tắt đèn

Khóa an toàn: mục đích để tránh cho đèn bị vô ý kích hoạt chẳng may công tắc bị cấn.

  • Khi đèn đang tắt, nhấn giữ công tắc trong 3s để khóa
  • Thao tác tương tự để mở khóa

5. Khả năng chiếu sáng

5.1 Trong nhà

Đèn chính

1200 Lumens

350 Lumens

130 Lumens

30 Lumens

Đèn phụ

70 Lumens

350 Lumens, ánh sáng vàng nhìn rất nịnh mắt

Cuối cùng là đèn đỏ, vì chỉ sáng 5 Lumens nên thích hợp đọc sách, đọc bản đồ hay tìm đồ ngay gần thôi.

5.2 Ngoài trời

Chưa bật đèn, lần này mình tìm được đoạn đường rất tối và khá dài.

1200 Lumens rực rỡ, có thể thấy rõ 1 vùng sáng nhỏ tầm gần, nếu dùng choá sẽ không có vùng này.

Đèn chiếu xa 116 mét theo thông số, còn thực tế 4-50 mét đủ nhìn vô tư.

350 Lumens sáng rất ổn, đủ cho mọi nhu cầu.

130 Lumens

30 Lumens

350 Lumens của đèn phụ, chiếu hiệu quả trong 15 mét đổ lại.

Ánh sáng toả rất đều và rộng, không có vùng chói.

Cái đèn phụ này cực kì lợi hại khi dùng ở tầm gần như câu cá hay cắm trại vì đơn giản nó không gây chói mắt.

6. Runtime

Đèn đi kèm pin dung lượng 2600mAh và thông số runtime trên vỏ hộp cũng dùng pin này nên mình đo thực tế vậy luôn cho dễ so sánh.

  • Turbo 1200 Lumens (đường màu xanh): mức này duy trì chưa được 1 phút đã tụt xuống ~ 360 Lumens rồi. Sau đó đèn duy trì 360 Lumens trong 146 phút rồi hạ dần độ sáng vì pin yếu. Tổng runtime đạt 184 phút ~ 3 tiếng.
  • High 350 Lumens (đường màu cam): đáng lẽ HM60R hoàn toàn có thể duy trì 350 Lumens tới khi hết pin, nhưng để đạt được runtime tới 8 tiếng thì Fenix phải cho đèn hạ xuống ~ 200 Lumens. Tổng runtime mức này đạt 486 phút ~ 8.1 tiếng.

Vậy là nếu như Fenix HM70R dùng pin 21700 duy trì được 500 Lumens tới khi hết pin thì HM60R chỉ thích hợp dùng ở cỡ 200 – 350 Lumens. Đối với mình thì mức sáng này cũng đủ dùng trong đa số trường hợp rồi.

7. Tổng kết

Tóm lại là những ai mê cái thiết kế của Fenix HM70R cũng nhưng các tính năng của nó mà lại ngại viên pin 21700 to và nặng thì HM60R là sự lựa chọn quá hợp lý. Còn cái tính năng điều chỉnh độ sáng dựa theo nhịp chạy thì mình không đánh giá gì thêm vì không dùng tới.