Hành trình khám phá hang nước Sa Khao dài 7km

0
3953

Thời điểm ngồi gõ bài này là cũng gần tròn 3 tuần kể từ chuyến đi hang nước Sa Khao dưới Thái Nguyên. Chuyến đó mình có chụp khá nhiều ảnh tư liệu, có quay cả 1 vlog riêng nhưng trì hoãn tới tận bây giờ mới quyết định ngồi gõ lại. Lý do chính là dọc hành trình vào trong hang mình liên tục phải cất điện thoại vào balo chống nước vì phải bơi lội rất nhiều. Máy ảnh có mang theo mà thành ra vô dụng vì không dám lôi ra, có 1 vài đoạn nghỉ chân khô ráo thì chụp được vài tấm phơi sáng khá là ưng ý.

Cái hang Sa Khao này khá dài, khoảng 7km, tính thời gian cả đi lẫn quay trở về là mất tròn 9 tiếng đồng hồ (từ 8h30 đến tầm 17h30 chiều). Về đến nhà lọc lại ảnh thì thật sự mình không thể nhớ chính xác nổi là các tấm ảnh được chụp ở đoạn nào và đa số ảnh chụp bằng điện thoại trong điều kiện thiếu sáng nên chất lượng không được như ý. Thôi thì có còn hơn không, mình sẽ lục lại trí nhớ 1 cách chính xác về cuộc hành trình để phục vụ cho bài viết này.

Lưu ý: bài viết này không lột tả được chính xác 100% cuộc hành trình vì không phải lúc nào đi mình cũng lôi điện thoại ra để chụp được ảnh. Rất may là có mượn được go pro của anh Sơn trong đoàn nên cũng làm được 1 vlog đầy đủ, mọi người có thể xem ngay bên dưới:

1. Chuẩn bị đồ đạc trước khi khởi hành

Đi khám phá hang động thì quan trọng nhất là phải trang bị chu đáo, từ đèn đóm, pin dự phòng, túi chống nước, thức ăn,… Về phần này mình không có chụp lại vì mải quay video. Mọi người có thể xem chi tiết tất cả đồ đạc mình chuẩn bị cho chuyến này ở đầu của Vlog trên.

2. Hành trình vào hang

Chiều ngày 6/3 cả nhóm hẹn nhau tại Long Biên rồi cùng chạy lên Thái Nguyên ngay trong buổi tối. Đến nơi thì ăn uống, nghỉ ngơi và check lại hết đồ đạc để sáng hôm sau bắt đầu tiến vào hang.

Vị trí hang cách nơi cả nhà nghỉ qua đêm khoảng 2km và cũng không phải khó tìm lắm, nó nằm ngay sau căn nhà trong ảnh. Trước khi tiến vào trong hang thì mọi người gửi xe tại nhà dân và check lại đồ đạc lần cuối, bỏ hết điện thoại, các thiết bị khác vào trong túi chống nước rồi mặc áo phao,…

Đến khoảng hơn 8h thì mọi thứ cũng xong xuôi.

Trang bị quan trọng nhất trong mọi chuyến đi hang chính là đèn pin. Cả nhóm 100% được trang bị đèn pin đeo trán và 1-2 cây đèn cần tay loại tốt vì chúng là thứ quyết định sự an toàn trong suốt cuộc hành trình. Mình sử dụng cây Armytek ELF C2 vốn đã đồng hành khắp nơi trong suốt gần 2 năm qua. Dùng đèn của Armytek để đi hang là sự lựa chọn sáng suốt bởi bọn này có khả năng chống nước vượt trội so với mọi đối thủ cùng phân khúc. Dù không phải đèn lặn nhưng Armytek dùng đến 2 ron cao su chống nước nên có thể chịu nước sâu từ 10 – 50 mét.

Các anh chị còn lại chủ yếu dùng toàn đèn đeo trán của Fenix, số ít thì dùng Nitecore. Như trong ảnh đây là Fenix HM50R – 500 Lumens.

Fenix HL32R – 600 Lumens

Fenix HM65R – 1400 Lumens (cả chuyến đi thì cây này pin trâu nhất), đằng sau là Nitecore HC65 nếu mình không nhầm.

Fenix HL60R – 950 Lumens. Điểm qua vậy cũng thấy thương hiệu này được tin tưởng và phổ biến trong giới Outdoor như thế nào!

Đèn cầm tay của mọi người thì mình cũng không chụp được hết do vội. Cụ thể nhóm có 2 cây Fenix TK35 UE – 3200 Lumens (của mình 1 cây), 1 Fenix TK35 bản 1300 Lumens, 1 Fenix LR40R – 12000 Lumens,….

Cả nhóm có tổng cộng 11 người

Gần đúng 8h30, mọi người chụp ảnh kỉ niệm trước khi tiến vào hang.

Miệng hang khá rộng và nước ngập ngay từ cửa nhưng không quá sâu, chỉ đến thắt đầu gối.

Fenix TK35 UE ở mức 3200 Lumens

Tiến sâu chục mét vào trong hang là ánh sáng mặt trời đã không còn, lúc này đèn đóm phải chạy hết công suất. Lúc trước mình cứ nghĩ đèn chỉ cần 500 Lumens đổ lại là quá đủ dùng cho hầu hết mọi nhu cầu nhưng đến khi vào trong hang tối thì đã thay đổi hoàn toàn quan điểm. Hang Sa Khao không gọi là quá rộng so với nhiều hang động tự nhiên khác ở Việt Nam mà đã rất hút sáng. Lúc đó mới thấy là việc sắm đèn pin sáng khủng > 1000 Lumens là hoàn toàn có lí chứ không thừa thãi.

Cây ELF C2 đeo trán mình phải duy trì liên tục ở 350 – 980 Lumens mới nhìn rõ đường. Còn cây TK35 UE cũng phải duy trì ở 2000 – 3200 Lumens và cố gắng chỉ dùng khi cần thiết để tiết kiệm pin.

Địa hình trong hang toàn các hố nước sâu, đá trơn và bùn lầy, cứ mãi vậy cho đến tận cuối hang. Tất nhiên dọc đường đi vẫn có nhiều điểm khô ráo để nghỉ ngơi và chụp ảnh.

Chủ nhân ở trong hang Sa Khao là những chú dế với kích thước khá bự, chẳng rõ chúng ăn cái gì để sống.

Vào trong hang là như đi vào 1 thế giới khác, tách biệt hoàn toàn với bên ngoài. Như mình đã nói trong VLog thì đi hang nước phải vào mùa lạnh – thời điểm mưa ít nhất và nước trong hang cũng ở mức thấp nhất. Còn vào mùa mưa thì đừng có liều mạng bởi chỉ 1 trận mưa lớn thôi là nước trong hang đã dâng cao cả mét, bịt kín lối đi và tất nhiên là bạn mắc kẹt trong đó. Hẳn mọi người cũng chưa quên vụ giải cứu đội bóng nhí trong hang sâu ở Thái Lan?

Nhiệt độ ngoài trời hôm đó là khoảng 24 độ nên mình cứ sợ là vào trong hang sẽ rất lạnh, nhất là khi phải bơi và lội nước liên tục. Thực tế thì ngược lại, nhiệt độ trong hang luôn ổn định hơn môi trường bên ngoài (lúc đó tầm 20 – 21 độ) và phải di chuyển liên tục nên hầu như không cảm thấy lạnh. Kể cả lúc dừng lại nghỉ ngơi cũng thấy nhiệt độ bình thường, không hề lạnh. Tất nhiên khi đang đi 1 quãng dài trên cạn rồi phải lội cả người xuống nước thì nó kiểu bị shock nhiệt luôn ấy, rất thốn!

Mọi người cứ đi trước còn mình theo sau cùng để chụp ảnh và quay video làm tư liệu.

Tắt đèn đi là sẽ thấy 1 thế giới khác hẳn: tối um không 1 tia sáng, xung quanh chỉ là tiếng nước chảy đến rợn người. Vậy mới bảo ánh sáng là yếu tố sống còn khi đi vào hang sâu.

Chỗ này chả nhớ ở đoạn nào nữa vì địa hình bên trong nó cứ na ná nhau.

Đã đi được 1/3 hang.

Đoạn này mọi người đều leo lên để chụp ảnh, cũng khá ghê nhưng ở dưới là nước sâu nên rơi xuống cũng không có gì to tát lắm.

Rất xui là máy mình đã bị vào nước làm mờ hết camera, đến hôm sau về nhà mới chết hẳn 🙁

Đi được nửa hang sẽ gặp 1 bãi cát dài, cảnh tượng giống như 1 bãi biển giữa hang vậy. Mọi người xem trong Vlog đoạn quay trở ra cửa hang sẽ thấy bãi này nó đẹp như nào.

Có sự thật là trong hang thì hầu như mất luôn khái niệm thời gian vì không có ánh mặt trời. Đến 12h trưa cả đoàn đã đi được gần 2/3 quãng đường và hiển nhiên ai cũng đói lả.

Mọi người chọn được 1 chỗ khô ráo để dừng lại ăn uống nhẹ, thay pin cho đèn đóm hoặc tranh thủ chợp mắt. Lúc này cây TK35UE cũng gần cạn pin luôn vì bật ở mức 2000 Lumens liên tục.

Kệ mọi người, mình tranh thủ lôi cây Fenix LR40R ra test, chả mấy khi có dịp mà :)) Cây này pin trâu và sáng nhất đoàn hôm đó, 1 mình nó dư sức cân nguyên cái hang ở mức sáng trung bình mà không cần thay pin phát nào. Trong ảnh là độ sáng 12000 Lumens, thật sự rất ấn tượng.

Lát nữa sẽ chui vào đoạn này để đi tiếp.

Không hiểu ai viết chữ lên tảng đá kia, rất phản cảm và vô ý thức

Đang nghỉ trưa ấm người thì lại phải chui xuống nước lạnh, cảm giác thốn không bao giờ quên….

Mình nhớ không nhầm thì sắp đến cuối hang rồi, đây là 1 cạn rất rộng và đẹp nên mọi người tranh thủ chụp ảnh tiếp.

Lại tranh thủ test đèn thôi, vẫn là Fenix LR40R 12000 Lumens.

Cảnh trong hang đẹp lặng người, không có nhiều cơ hội trong đời để chiêm ngưỡng.

Đã rất gần đến cuối hang rồi, càng vào sâu thì dơi xuất hiện càng nhiều, đi kèm là mùi phân dơi nồng nặc rất khó chịu.

Đến cuối hang là cảnh tượng làm mấy chị trong đoàn hét ầm ĩ lên: cả chục nghìn con dơi đang bay kín trần, trong Vlog thấy cực rõ! Mình phải nhấn mạnh cái mùi phân dơi nó kinh khủng thực sự, không thối mà cực kì khai khiến cả đoàn ngộp thở. Phân dơi cũng chứa đủ các thể loại Virus nên mọi người cũng không ở lại đây lâu làm gì, tranh thủ chụp ít ảnh rồi chuồn gấp.

Vậy là đã hoàn thành chặng 1 dài 7km của chuyến đi, lúc này đã là khoảng 14h00 chiều. Khi tiến vào hang cả đoàn đi theo 1 đường, tạm gọi là nhánh 1. Cách cửa hang tầm hơn 1km có 1 chỗ rẽ vào nhánh thứ 2 và có lẽ đây là đoạn đẹp nhất của cả chuyến đi, mình chụp được mấy tấm phơi sáng rất ưng ý.

Đây là chỗ leo từ nhánh 1 sang nhánh 2. Lúc quay về ra cửa hang cũng phải theo đường này. Thôi ảnh cũng cạn rồi, khoe nốt với mọi người mấy tấm là kết thúc cuộc hành trình.

Chụp với Fenix TK35 UE 3200 Lumens
Chụp với Fenix LR40R 12000 Lumens

Tấm này ưng ý nhất cả chuyến đi!

Với TK35UE

Nòng nọc 😀 ??

Tung chưởng

Chụp choẹt chán mình với mọi người mới ra ngoài vừa lúc 5 rưỡi chiều. Cả đoàn tắm tráng, ăn uống nhẹ rồi chạy về Hà Nội, kết thúc 1 chuyến đi thật đáng nhớ!

[Outdoor cùng Bisu] – Vào rừng trúc và dựng lán trại ở qua đêm

 

Solo cắm trại cùng Maxpedition Riftcore